KIỂM SOÁT XUNG ĐỘT LỢI ÍCH THEO LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG | Sở Công Thương Tỉnh Lạng Sơn

Kiểm soát xung đột lợi ích là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ và là một trong các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 134/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ). Bài viết sau sẽ làm rõ một số nội dung về khái niệm, nhận diện và trách nhiệm xử lý thông tin, giải quyết xung đột lợi ích.

Xung đột lợi ích là tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Bản chất của xung đột lợi ích là sự mâu thuẫn giữa lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức (người thi hành công vụ) và lợi ích Nhà nước (thể hiện qua trách nhiệm và nghĩa vụ công của người thi hành công vụ). Do vậy, xung đột lợi ích đặt ra nguy cơ xâm hại tới liêm chính, vô tư của hoạt động công vụ. Đây chính là tiền đề làm nảy sinh tham nhũng[1].

Xung đột lợi ích được biểu hiện dưới nhiều tình huống và mức độ ảnh hưởng khác nhau tới hoạt động công vụ. Người có chức vụ, quyền hạn được xác định là có xung đột lợi ích khi có dấu hiệu rõ ràng cho rằng người đó thuộc hoặc sẽ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình;

– Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;

– Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;

– Sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi hoặc để phục vụ lợi ích của tổ chức hoặc cá nhân khác;

– Bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu;

– Góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước;

– Ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột hoặc để doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình khi được giao thực hiện các giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó;

– Có vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột là người có quyền, lợi ích trực tiếp liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình;

– Can thiệp hoặc tác động không đúng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền vì vụ lợi.

Người có chức vụ, quyền hạn khi được phân công công việc hoặc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu biết hoặc buộc phải biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày biết được hoặc phát hiện xung đột lợi ích phải báo cáo bằng văn bản với người trực tiếp quản lý, sử dụng để xem xét, xử lý theo quy định. Thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích được thể hiện bằng văn bản và làm rõ các nội dung sau:

– Tình huống có xung đột lợi ích;

– Thời điểm diễn ra và biết được hoặc phát hiện được xung đột lợi ích;

– Mức độ ảnh hưởng hoặc sẽ ảnh hưởng không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có chức vụ, quyền hạn;

– Đề nghị hoặc kiến nghị biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông tin, báo cáo thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền quản lý người đó áp dụng một trong các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích sau:

– Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích;

– Tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác;

– Đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích;

hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xử lý thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích, cơ quan, tổ chức, đơn vị xử lý thông tin, báo cáo xung đột lợi ích phải thông báo bằng văn bản tới người có xung đột lợi ích và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích.

Kiểm soát tốt tình huống xung đột lợi ích là nền tảng để không dẫn tới hành vi tham nhũng, cũng chính là củng cố nền tảng đạo đức công vụ, tăng cường liêm chính trong hoạt động công vụ. Các quy định về phòng ngừa xung đột lợi ích bước đầu đã tiếp cận được với những hạn chế căn bản, cần thiết đối với cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ. Tuy nhiên, tình huống xung đột lợi ích có xu hướng ngày càng đa dạng, biến đổi không ngừng, do đó, pháp luật cần có những quy định chi tiết, cụ thể hơn về phát hiện và xử lý xung đột lợi ích, đặc biệt là bổ sung chế tài đối với hành vi vi phạm để nâng cao tính chủ động cũng như ý thức chấp hành pháp luật của các cá nhân, tổ chức liên quan./.

Thanh tra Sở