Giới thiệu khái quát huyện Vũng Liêm
Vũng Liêm có tổng diện tích tự nhiên là 309,57 km2, trung tâm huyện nằm cách trung tâm TP Vĩnh Long khoảng 35 km về phía Tây Bắc theo Quốc lộ 53. Tọa độ địa lý từ 09056’23” đến 10010’42” vĩ độ Bắc và từ 106004’11” đến 106017’23” kinh độ Đông. Vị trí giáp giới như sau:
– Phía Đông và Đông Bắc giáp Tỉnh Bến Tre;
– Phía Tây và Tây Nam giáp huyện Tam Bình và Trà Ôn;
– Phía Nam và Đông Nam giáp Tỉnh Trà Vinh;
– Phía Bắc giáp huyện Mang Thít.
Toàn huyện có 19 xã, 01 thị trấn với 168 ấp – khóm. Diện tích tự nhiên 30.957 ha, có 24.637 ha đất nông nghiệp, gần 80% hộ dân sống bằng nghề trồng lúa và vườn cây ăn trái, số còn lại kinh doanh thương mại, mua bán nhỏ và một số ngành nghề khác. Có 3 dân tộc cùng sinh sống gồm Kinh, Hoa, Khmer, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là người Kinh.
Vũng Liêm có 2 sông lớn chảy qua đồng thời cũng là ranh giới huyện: sông Tiền (với 2 nhánh là sông Pang Tra, sông Cổ Chiên) và sông Mang Thít, đây là các tuyến giao thông thủy quốc gia và quốc tế của Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Vũng Liêm nói riêng. Về giao thông đường bộ có Quốc lộ 53 và đường tỉnh 901, 902, 906, 907 là các tuyến giao thông nối Vũng Liêm với các trung tâm kinh tế của tỉnh Vĩnh Long và trung tâm các tỉnh thành lân cận.
Giao thông đường bộ, đường thủy đều thuận lợi, góp phần tích cực vào việc phát trriển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện.
2 xã cù lao Thanh Bình – Quới Thiện và vùng đất phù sa ven sông Cổ Chiên, sông Măng Thít có nước ngọt quanh năm, là điều kiện lý tưởng để trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản và hình thành các điểm du lịch sinh thái miệt vườn kết hợp sản xuất TTCN và làng nghề truyền thống.
2.2. Địa hình
Địa hình huyện Vũng Liêm thuộc dạng địa hình đồng bằng do phù sa bồi đắp tạo nên, tương đối bằng phẳng, tiểu địa hình cao ở các xã ven sông Cổ Chiên và sông Măng Thít thấp dần về phía Nam của huyện, chia ra các cấp sau:
– Vùng có cao trình < 0,6 m chiếm 0,07 % diện tích đang sử dụng, phân bố ở xã Hiếu Thành;
– Vùng có cao trình từ 0,6 – 0,8m chiếm 7,11 % diện tích đang sử dụng, phân bố nhiều ở 2 xã Hiếu Thành và xã Hiếu Nghĩa và phần ít ở các xã còn lại;
– Vùng có cao trình từ 0,8 – 1,0 m chiếm 21 % diện tích đang sử dụng, phân bố ở các xã Trung Thành, Trung Thành Đông, Trung Ngãi, Trung Thành Tây, Hiếu Phụng, Hiếu Thuận, Hiếu Thành, Hiếu Nhơn, Hiếu Nghĩa, Tân Quới Trung và xã Tân An Luông;
– Vùng có cao trình từ 1,0 – 1,2 m chiếm 44,61% diện tích đang sử dụng, phân bố tập trung ở các xã Trung Hiếu, Trung Thành, Trung Ngãi, Trung Nghĩa, Trung Thành Tây, Thị Trấn, Trung An, Trung Chánh, Trung Hiệp, Quới An và một phần ở Thanh Bình, Quới Thiện và xã Tân An Luông;
– Vùng có cao trình từ 1,2 – 1,4 m chiếm 24,43% diện tích đang sử dụng, phân bố các xã Thanh Bình, Quới Thiện, Quới An, Trung Hiệp, Trung Thành, Thị Trấn, Trung Thành Tây, Trung Thành Đông, Trung Chánh và xã Tân Quới Trung;
– Vùng có cao trình từ 1,4 – 2,0 m chiếm 2,78% diện tích đang sử dụng, chỉ có ở Thị Trấn Vũng Liêm khu vực đất giồng cát.
2.3. Đặc điểm khí hậu
Vũng Liêm có đặc điểm cũng như toàn tỉnh Vĩnh Long, nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, quanh năm nóng, ẩm, có chế độ nhiệt tương đối cao và bức xạ dồi dào, với các đặc trung như sau:
– Nhiệt độ bình quân trong năm biến động từ 27,3 – 28,7 0C, vào mùa khô đặc biệt tháng 4, 5, nhiệt của toàn tỉnh lên cao 35,5 – 380C;
– Bức xạ trên địa bàn huyện tương đối cao, bình quân số giờ nắng trong một ngày là 7,5 giờ. Bức xạ quang hợp hàng năm đạt 79.600 cal/m2. Thời gian chiếu sáng bình quân năm đạt 2.550 – 2.700 giờ/năm;
– Độ ẩm không khí bình quân 81-85%, tháng có độ ẩm không khí cao nhất là 88% (vào tháng 9) và tháng có độ ẩm không khí thấp nhất là 777% (vào tháng 3);
– Lượng mưa: Số ngày mưa bình quân trong năm là 100 – 115 ngày với lượng mưa trung bình đạt 1.550 – 1.650 mm/năm.
2.4. Đặc điểm thủy văn
Vũng Liêm có đặt điểm cũng như toàn tỉnh Vĩnh Long chịu ảnh hưởng chế độ bán nhật triều không đều của biển Đông thông qua các sông lớn là sông Cổ Chiên và sông Măng Thít, có đặc tính địa hình rất nhạy cảm với chế độ nước trên sông, rạch, trong ngày có 2 con nước lớn, ròng, trong tháng thì có 2 con nước rong vào những ngày đầu và giữa của tháng âm lịch. Hệ kinh trục phân bố khá đều trên toàn huyện với mật độ bình quân trên 13,7m/ha. Trong khi đó mật độ kinh mương nội đồng trung bình 20 m/ha và phân bố không đều. Nước ngọt hầu như quanh năm (chỉ nhiễm mặn nhẹ diễn ra vài ngày trong năm ở các xã ven sông Cổ Chiên), tạo thuận lợi cho tưới tiêu trong nông nghiệp, giao thông thuỷ, phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.
2.5. Các nguồn tài nguyên
- Tài nguyên đất
Theo kết quả điều tra khảo sát thổ nhưỡng của Chương trình đất Tỉnh Vĩnh Long năm 1990 và kết quả điều tra khảo sát, chỉnh lý, đánh giá biến động các đơn vị đất trên toàn Tỉnh năm 2002, thực hiện trên bản đồ nền tỷ lệ 1:25.000 cho thấy đặc điểm về tài nguyên đất của huyện có 4 nhóm chính:
– Nhóm đất phù sa: chiếm 31,77% diện tích đang sử dụng, gồm 4 nhóm phụ (18 đơn vị đất), trong đó:
+ Đất phù sa chưa phát triển (2 đơn vị đất): chiếm 6,23% nhóm đất phù sa, phân bố ở 2 xã cù lao Thanh Bình, Quới Thiện và xã Trung Thành Đông;
+ Đất phù sa bắt đầu phát triển (4 đơn vị đất): chiếm 6,89% nhóm đất phù sa, phân bố phần lớn ở 2 xã Trung Thành Đông và Quới An;
+ Đất phù sa phát triển sâu (6 đơn vị đất): chiếm 46,52 % nhóm đất phù sa, phân bố Trung Ngãi, Hiếu Nghĩa, Thị trấn, Trung Hiệp, Trung Thành Tây;
+ Đất phù sa phát triển sâu trên chân giồng cát (6 đơn vị đất): chiếm 40,35 % nhóm đất phù sa, phân bố Trung Thành, Trung Thành Đông, Thị Trấn, Trung Ngãi, Trung Hiếu.
– Nhóm đất phèn tiềm tàng: chiếm 62,89% diện tích đang sử dụng của huyện, gồm có 5 nhóm phụ (22 đơn vị đất):
+ Đất phèn tiềm tàng có tầng sinh phèn trong vòng 50 cm: chiếm 2,26% nhóm đất phèn tiềm tàng, phân bố ở Hiếu Thuận, Hiếu nhơn, Thanh Bình, Quới Thiện;
+ Đất phèn tiềm tàng có tầng sinh phèn từ 50 đến 80 cm: chiếm 34,28% nhóm đất phèn tiềm tàng, phân bố các xã Thanh Bình, Quới Thiện, Hiếu Nhơn, Hiếu Thuận, Trung Thành tây, Tân An Luông, Quới An;
+ Đất phèn tiềm tàng có tầng sinh phèn từ 80 đến 120 cm: chiếm 45,24% nhóm đất phèn tiềm tàng, phân bố các xã Trung Chánh, Hiếu Phụng, Hiếu Nhơn, Hiếu Thuận, Tân An Luông, Trung An, Hiếu Thành;
+ Đất phèn tiềm tàng có tầng sinh phèn từ 120 đến 150 cm: chiếm 7,49% nhóm đất phèn tiềm tàng, phân bố các xã Hiếu Nhơn, Hiếu Thành, Trung An, Trung Hiệp, Tân An Luông;
+ Đất phèn tiềm tàng có tầng sinh phèn trên 150 cm: chiếm 10,73% nhóm đất phèn tiềm tàng, phân bố các xã Trung Nghĩa, Trung Ngãi, Hiếu Thành, Hiếu Nghĩa, Trung An, Trung Hiệp.
– Nhóm đất phèn phát triển: chiếm 4,88% diện tích đang sử dụng của huyện, gồm có 2 nhóm phụ (5 đơn vị đất):
+ Đất phèn phát triển nông có tầng phèn từ 50 – 80 cm: chiếm 36,07% nhóm đất phèn phát triển, phân bố ở Hiếu Thuận, Hiếu nhơn, Trung Hiếu, Trung An, Hiếu Thành;
+ Đất phèn phát triển có tầng phèn từ 80 đến 120 cm: chiếm 63,93% nhóm đất phèn phát triển, phân bố các xã Trung Hiếu, Trung An, Hiếu Nhơn, Hiếu Thành, Hiếu Nghĩa.
Trong đó, nhóm đất phèn tiềm tàng chiếm tỷ lệ cao (62,89%) phân bố tập trung ở các vùng trũng thấp (có tầng sinh phèn xuất hiện trong vòng 50cm đến 120cm).
– Nhóm đất cát giồng: chiếm 0,46% diện tích đất đang sử dụng. Phân bố ở vùng có địa hình cao thuộc xã Trung Thành, Thị trấn Vũng Liêm và một phần ít ở Trung Ngãi.
- Tài nguyên nước
* Nguồn nước mặt
Nguồn nước mặt cung cấp chính cho toàn huyện chủ yếu từ Sông Cổ Chiên thông qua hệ thống các sông nhỏ như sông Măng Thít, Vũng Liêm, Mây Tức và hệ thống kinh rạch nội đồng cung cấp nước cho toàn bộ đất canh tác và sinh hoạt của huyện. Chất lượng nguồn nước được đánh giá như sau:
– Lượng nước mùa kiệt trên sông đủ thỏa mãn cho nhu cầu tưới của cây trồng và sinh hoạt và khả năng tải nước cực đại sông Tiền, sông Cổ Chiên lên tới 12.000 – 19.000m3/s (có chiều rộng từ 800 – 2000m và độ sâu từ 20 – 40m). Sông Măng Thít có chiều rộng trung bình 110-150m, chiều sâu từ 8-14m, có lưu lượng cực đại và bình quân chảy ra, vào tại 2 cửa: phía Cổ Chiên 1.500 – 1.650m3/s (bình quân 949 – 994m3/s); phía Sông Hậu 525 – 650m3/s (bình quân 310 – 435m3/s);
– Chất lượng nguồn nước có độ PH từ 6,8 – 7,0. Riêng mùa lũ, nguồn nước có lượng phù sa từ 200 – 450 g/m3, qua đó làm tăng độ phì nhiêu đất đai và tăng thêm nguồn lợi thuỷ sản từ tự nhiên trên địa bàn của huyện.
* Nguồn nước dưới đất
Nước dưới đất của toàn tỉnh nói chung và của huyện Vũng Liêm nói riêng là khá phong phú, song việc khoanh định phạm vi phân bố và xác định trữ lượng, chất lượng nước để sử dụng cho mục đích sinh hoạt thì hạn chế. Trong những năm gần đây nước dưới đất được khai thác khá nhiều, chủ yếu là quy mô nhỏ và tầng khai thác là các tầng nước nông và đây là nguồn nước cấp cho sinh hoạt của nhiều hộ dân trong huyện. Nhìn chung, nước dưới đất tầng nông có độ cứng hơi cao, có canxi carbonate và bị nhiễm mặn, ở một vài khu vực hàm lượng sắt và Asen khá cao. Do khai thác khá nhiều nên phần lớn nguồn nước dưới đất tầng nông có chất lượng khá tốt nhưng đã và đang bị ô nhiễm các thành phần dinh dưỡng, chất hữu cơ.
- Tài nguyên khoáng sản
* Tài nguyên sét
Theo kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên sét trên địa bàn huyện năm 2010 cho thấy, toàn huyện có 27 thân sét phân bố tập trung ở các xã Trung Thành, Trung Hiệp, Quới An, Tân An Luông, Tân Quới Trung, Trung Chánh, Hiếu Phụng, Trung Hiếu, Trung An, Trung Ngãi, Trung Nghĩa, Hiếu Thành và xã Hiếu Nghĩa với diện tích có khả năng khai thác 7.776,5 ha, với tổng tiềm năng tài nguyên khoáng sản sét được đánh giá là 76,687 triệu m3, chiều dày thân sét trung bình là 0,99m và chiều dày tầng phủ trung bình là 0,23m.
* Tài nguyên cát lòng sông
Theo kết quả QH thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên cát lòng sông tỉnh Vĩnh Long của công ty cổ phần địa chất và khoáng sản (năm 2009), trong đó huyện Vũng Liêm có nguồn tài nguyên cát lòng sông khá phong phú, theo khảo sát có 4 thân cát tập trung ở các xã ven sông Cổ Chiên như: Quới An, Thanh Bình, Quới Thiện, Trung Thành Đông, Trung Thành tây với tổng chiều dài hơn 23,8km, rộng trung bình 200 – 600m, độ dày cát từ 2,4 – 4,24 m, chủ yếu là cát hạt nhỏ (0,24 -0,1mm), hạt trung (0,5 – 0,25mm), cát hạt lớn (2 – 0,5mm) và nhóm bột sét (<0,1mm) với trữ lượng là 12,727 triệu m3 .
- Tài nguyên nhân văn
Nhân dân Vũng Liêm có truyền thống cách mạng kiên cường, ngoài kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, người dân Vũng Liêm còn có truyền thống sản xuất tiểu thủ công nghiệp như: trồng lát se lõi lát và dệt chiếu, thảm xuất khẩu…
Dân số của huyện đến năm 2013 là 161.092 người, chiếm 15,48% tổng dân số toàn tỉnh, mật độ dân số bình quân 520 người/km2, thấp hơn mật độ dân số của Tỉnh (684 người/km2). Dân số của huyện có 95,92% sống ở khu vực nông thôn và khoảng 4,08% ở khu vực đô thị. Ngoại trừ thị trấn Vũng Liêm và trung tâm các chợ xã, dân cư của huyện thường phân bố thành các tuyến dọc theo các trục giao thông thuỷ bộ, riêng hai xã cù lao, dân cư sống theo hình thức vườn nhà, phù hợp với đặc điểm tập quán của vùng, thuận lợi về giao thông thuỷ bộ, về nguồn nước sinh hoạt, tiện canh tiện cư của nhân dân.
Phần lớn dân số của huyện sống theo đạo Phật với tục thờ cúng ông bà là một phong tục tập quán thuần tuý, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số 97,5%, dân tộc người Khơme chiếm 1,7%, dân tộc Hoa 0,4%, còn lại các dân tộc khác 0,4%. Đa phần người dân của huyện sống và canh tác SXNN, chủ yếu trồng lúa và làm vườn, trong đó có 2 xã cù lao Thanh Bình, Quới Thiện trồng cây ăn trái phát triển mạnh và đa dạng.
Từ những thành tích đó, Vũng Liêm được nhà nước tuyên dương danh hiệu anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân, cùng với 13 xã, 16 cá nhân, 575 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu danh dự bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đối tượng chính sách như thương binh, liệt sĩ, cán bộ và những người có công được Nhà nước tặng thưởng gần 10 ngàn Huân – Huy chương các loại.
Di tích hồ Vũng Linh
Di tích nằm cách tượng đài Lê Cẩn không xa, là nơi đã ghi lại tội ác của thực dân Pháp và tay sai. Đó là sau thất bại trận Cầu Vông, vào ngày 23/2/1872 thực dân Pháp chỉ huy Tôn Thọ Tường, Tổng đốc Trần Bá Lộc và Huỳnh Công Tấn tiến hành càn quét, khủng bố dã man nhân dân quanh vùng. Bọn chúng nhẫn tâm đốt sạch nhà cửa, giết hại điên cuồng trên 500 người dân vô tội ở làng Trung Trạch, máu và thây của những người dân vô tội đã lấp đầy cả “Vũng Linh” cũng từ đó tên Vũng Linh luôn gắn liền với sự kiện chiến thắng Cầu Vông của đốc binh Lê Cẩn – Nguyễn Giao, đồng thời nó cũng tố cáo đanh thép tội ác trời không dung đất không tha của bọn thực dân pháp xâm lược.
Tượng đài Lê Cẩn – Nguyễn Giao và di tích hồ Vũng Linh được khánh thành và đưa vào phát huy hiệu quả vào ngày 23/11/2005. Đây cũng là di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Vĩnh Long.
Tượng đài đốc binh Lê Cẩn – Nguyễn Giao:
Khu quần thể di tích tượng đài Đốc binh Lê Cẩn – Nguyễn Giao và di tích Hồ Vũng Linh tọa lạc tại Ngã ba An Nhơn, thị trấn Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, được xây dựng vào năm 2004, khánh thành 2005
Khu quần thể di tích tượng đài Đốc binh Lê Cẩn – Nguyễn Giao và di tích Hồ Vũng Linh tọa lạc tại Ngã ba An Nhơn, thị trấn Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, được xây dựng vào năm 2004, khánh thành 2005. Đây là công trình tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Lê Cẩn và Nguyễn Giao, trong lịch sử đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ quê hương, đồng thời ghi dấu tội ác của thực dân Pháp và tay sai.
Tượng đài Lê Cẩn – Nguyễn Giao cao 7,5m (riêng phần đế cao 2,5m); chất liệu bằng đồng, nặng 21,5 tấn, theo mẫu tượng đài của nhà điêu khắc Trần Văn Trầm. Tượng đài được xây dựng trong quần thể rộng 2 ha với nhiều hạng mục công trình lịch sử văn hóa của Vũng Liêm.
Sau khi ba tỉnh miền Tây Nam kỳ rơi vào tay thực dân Pháp (1867), cùng với các địa phương khác nhân dân Vĩnh Long vùng lên phản kháng quân xâm lược. Đầu tiên có nhóm Đàng cựu (đây là nhóm quan của triều đình đoàn kết lại) khởi binh, rồi đến hai người con của cụ Phan Thanh Giản là Phan Tôn và Phan Liêm phất cờ khởi binh, song tất cả các cuộc nổi dậy ấy lần lượt bị thất bại dưới nanh vuốt của thực dân cùng bọn tay sai Việt gian theo trợ lực. Trong các cuộc nổi dậy đó, lịch sử ghi nhận cuộc khởi nghĩa do Đốc binh Lê Cẩn – Nguyễn Giao và phó Mai lãnh đạo đã thể hiện tinh thần quật cường của nhân dân Vĩnh Long không cam chịu khuất phục ách thống trị của ngoại xâm.
Năm 1872, cuộc khởi nghĩa ở Vũng Liêm do Đốc binh Lê Cẩn – Nguyễn Giao lãnh đạo bùng nổ ở huyện Vĩnh Trị (nay là huyện Vũng Liêm). Các ông đều xuất thân từ nông dân nhưng có ít nhiều học thức và tinh thần yêu nước nồng nàn đã kêu gọi nhân dân cùng đứng lên đánh đuổi bọn ngoại xâm. Đông đảo nông dân và sĩ phu quanh vùng hăng hái hưởng ứng. Cuộc khởi nghĩa lan toả ra các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre. Cuộc khởi nghĩa có hai chiến công vang dội là trận tiến công vào dinh quận Vũng Liêm và trận phục kích địch ở Cầu Vông (nay thuộc xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm).
Vào tháng 11 năm 1871, Đốc binh Lê Cẩn, Nguyễn Giao, Phó Mai cùng nhóm dân quân đã hoạch định chiến lược tấn công chớp nhoáng vào dinh quận, giết chết tên chủ quận Hồ Thiện Thực cùng sáu tên lính và thu nhiều vũ khí.
Sau trận tập kích chớp nhoáng của nghĩa quân vào dinh quận Vũng Liêm, thực dân Pháp đàn áp dữ dội. Chúng đưa Tôn Thọ Tường đến trấn nhậm Vũng Liêm để thay tên chủ quận vừa bị nghĩa quân tiêu diệt.
Ngoài Tôn Thọ Tường còn có chánh tham biện tỉnh Vĩnh Long Alix Salicetti, nổi tiếng nham hiểm, mà nhân dân vẫn thường gọi là Bồi Xê. Chúng vừa đàn áp cuộc khởi nghĩa vừa kêu gọi nghĩa quân đầu hàng. Để củng cố lòng dân, dập tắt tham vọng của thực dân Pháp và bọn tay sai, nghĩa quân của Đốc binh Lê Cẩn – Nguyễn Giao giả vờ đầu hàng và hẹn gặp chúng tại Cầu Vông.
Ngày 15/02/1872, Bồi Xê dẫn đoàn tùy tùng ra đi từ Vĩnh Long đi xuống Vũng Liêm để gặp các thủ lãnh nghĩa quân. Vượt ngã ba An Nhơn đến địa phận Cầu Vông, Bồi Xê gặp phục binh của nghĩa quân. Bên kia Cầu Vông, Đốc binh Lê Cẩn vừa trong thấy tên Bồi Xê ngồi ngựa đến gần đầu cầu, liền nhanh như chớp, ông chống cây tầm vông nhảy vọt qua, ôm ngay tên Bồi Xê vật ngã nhào xuống đất.
Lúc ấy, trống trận lập tức vang lên, Nguyễn Giao dẫn nghĩa quân kéo ra tiêu diệt hơn 10 tên lính Pháp và tay sai. Trong khi đó, Đốc binh Lê Cẩn và tên tham biện vẫn tiếp tục vật nhau cùng lăn xuống sông. Cả hai đều chết. Nguyễn Giao cắt thủ cấp của tên tham biện Bồi Xê. Sau đó, cùng với nghĩa quân chôn cất Lê Cẩn một bên mé rừng.
Ngày 23/02/1872 các tên Việt gian Trần Bá Lộc, Huỳnh Tấn, Tôn Thọ Tường dẫn quân đến tàn sát dã man người dân vô tội. Chúng đốt sạch, phá sạch, giết sạch người dân xung quanh địa điểm tên Bồi Xê bị tiêu diệt. Khoảng 500 người dân vô tội bị sát hại. Thây người chồng chất quanh ngã ba An Nhơn.
Sau những đợt đàn áp khốc liệt của kẻ thù cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Giao lãnh đạo vẫn tiếp tục duy trì. Nghĩa quân kháng chiến ở khu vực Suối Cạn, ven sông Cổ Chiên.
Đến ngày 10/05/1885 Nguyễn Giao hy sinh trên sông Cổ Chiên.
Tuy cuộc khởi nghĩa bất thành, nhưng những chiến công cùng sự hy sinh anh dũng của Đốc Binh Lê Cẩn – Nguyễn Giao vẫn còn mãi trong lòng của người dân Vũng Liêm nói riêng, nhân dân Vĩnh Long nói chung.
Hiện nay, nhân dân Vĩnh Long xây dựng công viên tượng đài Lê Cẩn – Nguyễn Giao để tưởng nhớ hai vị anh hùng dân tộc và giáo dục truyền thống bất khuất kiên cường của hai ông cho thế hệ mai sau
Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt:
Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt được khởi công xây dựng vào ngày: 6/9/2010 và khánh thành vào ngày 23/11/2012 nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh Cố Thủ tướng Chính phủ (Võ Văn Kiệt 23/11/1922 – 23/11/2012).
Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt được khởi công xây dựng vào ngày: 6/9/2010 và khánh thành vào ngày 23/11/2012 nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh Cố Thủ tướng Chính phủ (Võ Văn Kiệt 23/11/1922 – 23/11/2012). Với tổng diện tích 17.000m2, tọa lạc tại số 10, đường Nam kỳ khởi nghĩa, khóm 2, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Về tổng thể Khu tưởng niệm là cụm công trình phát triển, kế thừa từ những công trình sẵn có và cần được lưu giữ; kiến trúc theo lối 4 mái dốc đơn giản, hài hòa với cảnh quang thiên nhiên, tạo thành tổng thể kiến trúc mở truyền thống, giản dị; tạo nên nét riêng đặc biệt, gần với phối cảnh của ngôi nhà vườn Nam bộ truyền thống.
Toàn khu tưởng niệm hình thành nên một trục tâm linh – dòng tưởng niệm nối thẳng các hạng mục:
1. Nhà trưng bày: (DT: 550m2)
Là nơi trưng bày hình ảnh – hiện vật về thân thế và sự nghiệp của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.
2. Nhà tưởng niệm: (DT: 350m2)
Là nơi thắp hương tưởng niệm cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.
3. Nhà nghỉ: (DT: 212m2).
4. Diện tích còn lại trồng cây xanh.
Là nơi nghỉ ngơi của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt khi về làm việc với quê hương Vũng Liêm, Vĩnh Long.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!