Khi nhắc đến trí thông minh, nhiều người thường nghĩ ngay đến chỉ số IQ (Intelligence Quotient) – tiềm năng trí tuệ có thể đo lường được của một người. Tuy vậy, trí thông minh không chỉ là khả năng phân tích mà còn có nhiều loại khác nhau.
Trong bài viết dưới đây, Nutrihome và bố mẹ sẽ cùng tìm hiểu khám phá trí thông minh là gì, 8 loại hình thông minh của trẻ bao gồm: trí thông minh ngôn ngữ – ngôn từ, trí thông minh về thiên nhiên, trí thông minh không gian – thị giác, trí thông minh logic – toán học, trí thông minh âm nhạc, trí thông minh về vận động, trí thông minh tương tác cá nhân, trí thông minh nội tâm, cũng như cách giúp trẻ phát triển trí thông minh phát triển tối ưu.
Trí thông minh là gì?
Trí thông minh là khả năng và tiềm năng của mỗi người. Theo đó, trả lời cho câu hỏi trí thông minh là gì, nhà tâm lý học Howard Gardner cho biết, tất cả mọi người sau khi chào đời đến khi trưởng thành đều sở hữu các loại trí thông minh không giống nhau. Trong đó, nổi bật nhất là 8 loại hình thông minh (đề cập bên dưới).
Theo Howard Gardner, mỗi cá thể riêng biệt sẽ có một hoặc nhiều khả năng. Dựa trên sự phân tích về các loại hình thông minh, việc phát hiện các thế mạnh, loại hình thông minh ở trẻ để phát triển rất quan trọng. Điều này giúp trẻ có thể phát triển tối đa tiềm năng của bản thân, đạt được những thành công nhất định trong công việc và cuộc sống sau này.
Trí thông minh có nhiều loại khác nhau, thể hiện tiềm năng của trẻ trong mỗi lĩnh vực
Các yếu tố ảnh hưởng trí thông minh của trẻ
Có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ, bao gồm yếu tố về di truyền, việc bú sữa mẹ, chế độ dinh dưỡng, tình trạng sức khỏe, mức độ rèn luyện, học tập và môi trường xung quanh bé.
Trong đó, các nhà nghiên cứu khoa học phát hiện trí thông minh chịu tác động mạnh mẽ của môi trường. Các yếu tố liên quan đến môi trường là gia đình của trẻ, cách nuôi dạy con cái, giáo dục và việc học tập và chế độ dinh dưỡng, tất cả đều đóng góp vào hình thành và xây dựng trí thông minh của trẻ.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã tiến hành nhiều nghiên cứu để tìm kiếm các gen ảnh hưởng đến trí thông minh. Hầu hết những nghiên cứu này đều chỉ ra rằng, yếu tố di truyền tạo nền tảng cho khoảng 50% sự khác biệt về trí thông minh giữa các cá nhân.
Dù vậy, những nghiên cứu này đã không xác định được một cách chính xác gen nào có vai trò chính tạo ra sự khác biệt về trí thông minh. Có khả năng là một số lượng lớn gen có liên quan, mỗi gen chỉ đóng góp một phần nhỏ vào trí thông minh của một người.
8 loại hình thông minh của trẻ
Như đã nêu trên, các loại hình trí thông minh của con người được phân thành 8 loại chính. Việc sớm phát hiện và bồi dưỡng trí thông minh sẽ giúp trẻ phát triển chúng tối ưu từ đó có thể gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp và cuộc sống tương lai. Cụ thể:
1. Trí thông minh không gian – thị giác
Những trẻ sở hữu trí thông minh không gian – thị giác thường rất giỏi hình dung mọi thứ, trong mọi không gian, không chỉ thế trẻ còn giỏi xác định phương hướng, giỏi xem bản đồ, biểu đồ, video và hình ảnh. (1)
Những trẻ có trí thông minh không gian – thị giác thường sở hữu các thế mạnh:
- Đọc và viết
- Giỏi xếp các câu đố lại với nhau
- Giải thích tốt hình ảnh, đồ thị và biểu đồ
- Thích vẽ, hội họa và nghệ thuật thị giác
- Nhận dạng các mẫu vật dễ dàng
Nghề nghiệp tiềm năng của trẻ có trí thông minh không gian – thị giác:
- Kiến trúc sư
- Họa sĩ
- Kỹ sư
Trẻ có trí thông minh về không gian – thị giác sẽ có thế mạnh trong việc sắp xếp, giải thích hình ảnh, biểu đồ
2. Trí thông minh ngôn ngữ – ngôn từ
Những trẻ có trí thông minh ngôn ngữ – ngôn từ thường sử dụng từ ngữ tốt, cả khi viết lẫn khi nói, giao tiếp. Điều dễ nhận thấy ở những đứa trẻ này là chúng rất giỏi trong việc viết truyện, ghi nhớ thông tin và đọc. (2)
Những trẻ có trí thông minh ngôn ngữ – lời nói thường sở hữu các thế mạnh:
- Khả năng ghi nhớ nhanh và lâu mọi thông tin (khi viết lẫn nói)
- Thích tranh luận hoặc đưa ra các bài thuyết trình thuyết phục người nghe
- Có thể giải thích, diễn giải mọi thứ rất tốt
- Có khiếu hài hước khi nói, kể chuyện
Nghề nghiệp tiềm năng của trẻ có trí thông minh ngôn ngữ – ngôn từ:
- Nhà văn/nhà báo
- Luật sư
- Giáo viên
3. Trí thông minh logic – toán học
Những trẻ có thế mạnh về trí thông minh logic – toán học thường là những trẻ giỏi suy luận và phân tích vấn đề một cách logic. Những cá nhân này có xu hướng suy nghĩ, phân tích các khái niệm, con số, các mối quan hệ rất rõ ràng. (3)
Những trẻ có trí thông minh logic – toán học thường sở hữu các thế mạnh:
- Có kỹ năng giải quyết vấn đề xuất sắc
- Thích suy nghĩ về những ý tưởng trừu tượng
- Thích thực hiện các thí nghiệm khoa học
- Có thể giải quyết các phép tính phức tạp, rắc rối
Nghề nghiệp tiềm năng của trẻ có trí thông minh logic – toán học:
- Nhà khoa học
- Nhà toán học
- Kỹ sư, chuyên gia lập trình máy tính
- Kế toán
4. Trí thông minh âm nhạc
Những trẻ có trí thông minh âm nhạc sẽ giỏi về nhịp điệu và âm thanh cũng như giỏi sáng tác, biểu diễn âm nhạc. Bên cạnh đó, khả năng tập trung và cảm thụ âm nhạc của những trẻ này cũng rất xuất sắc. (4)
Những trẻ có trí thông minh âm nhạc thường sở hữu các thế mạnh:
- Ca hát và chơi nhạc cụ giỏi
- Dễ dàng nhận ra và ghi nhớ rất nhanh các giai điệu bài hát
- Có hiểu biết phong phú về âm nhạc, nhịp điệu và nốt nhạc
Nghề nghiệp tiềm năng của trẻ có trí thông minh âm nhạc:
- Nhạc sĩ, ca sĩ
- Giáo viên dạy nhạc
- Nhạc trưởng
Việc cảm thụ âm nhạc sẽ dễ dàng hơn với trẻ có trí thông minh về âm nhạc
5. Trí thông minh vận động
Những trẻ có trí thông minh vận động cơ thể thường rất khỏe mạnh và dẻo dai, rất giỏi trong việc thực hiện các động tác khó. Ngoài ra, trẻ cũng có thế mạnh, khéo léo trong việc thực hiện các động tác có sự phối hợp giữa tay và mắt.
Những trẻ có trí thông minh vận động thường sở hữu các thế mạnh:
- Có năng khiếu khiêu vũ và thể thao
- Thích tạo ra mọi thứ bằng bàn tay
- Sự phối hợp giữa tay mắt khá tuyệt vời
- Có khả năng ghi nhớ bằng cách làm, động tác, thay vì nghe hoặc nhìn
Nghề nghiệp tiềm năng của trẻ có trí thông minh về vận động:
- Vũ công
- Nhà thầu xây dựng, nhà điêu khắc
- Diễn viên
6. Trí thông minh tương tác cá nhân
Trẻ có trí thông minh tương tác cá nhân là những trẻ giỏi trong việc thấu hiểu và tương tác tốt với người khác. Đồng thời trẻ còn có kỹ năng đánh giá cảm xúc, động cơ, mong muốn và ý định của những người xung quanh.
Những trẻ có trí thông minh tương tác cá nhân thường sở hữu các thế mạnh:
- Giao tiếp tốt bằng lời nói
- Có kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ
- Xem xét các tình huống từ nhiều khía cạnh khác nhau, nguồn thông tin khác nhau
- Biết cách tạo mối quan hệ tích cực với những người khác
- Giải quyết tốt các xung đột trong nhóm
Nghề nghiệp tiềm năng của trẻ có trí thông minh tương tác cá nhân:
- Nhà tâm lý học
- Triết gia
- Cố vấn
- Nhân viên bán hàng
- Chính trị gia
7. Trí thông minh nội tâm
Những cá nhân mạnh về trí thông minh nội tâm rất giỏi nhận thức được trạng thái cảm xúc, tình cảm và động cơ của chính họ. Trẻ có xu hướng thích tự phản ánh và phân tích, bao gồm mơ mộng, khám phá mối quan hệ với người khác và đánh giá điểm mạnh cá nhân của chính mình.
Những trẻ có trí thông minh nội tâm thường sở hữu các thế mạnh:
- Phân tích tốt điểm mạnh và điểm yếu của chính mình
- Thích phân tích các lý thuyết và ý tưởng
- Có khả năng tự nhận thức tuyệt vời
- Hiểu cảm xúc của chính mình
Nghề nghiệp tiềm năng của trẻ có trí thông minh nội tâm:
- Triết gia
- Nhà văn
- Nhà khoa học
8. Trí thông minh thiên nhiên
Naturalistic là phần bổ sung gần đây nhất cho lý thuyết của Gardner. Theo Gardner, những cá nhân sở hữu trí thông minh này thường rất hòa hợp với thiên nhiên và thường quan tâm đến việc khám phá môi trường, tìm hiểu về các loài sinh vật.
Những trẻ có trí thông minh thiên nhiên thường sở hữu các điểm mạnh:
- Quan tâm đến các chủ đề như thực vật học, sinh học và động vật học
- Có thể phân loại và lập danh mục thông tin dễ dàng
- Thích cắm trại, làm vườn, đi bộ đường dài và khám phá thiên nhiên, thích các hoạt động ngoài trời
- Không thích học những chủ đề không dính dáng đến thiên nhiên
Nghề nghiệp tiềm năng của trẻ có trí thông minh về thiên nhiên:
- Nhà sinh vật học
- Nhà bảo tồn
- Người làm vườn
Bố mẹ cần lưu ý gì để phát triển các loại trí thông minh của trẻ?
Khi phát hiện ra trẻ có tiềm năng về các loại trí thông minh, bố mẹ có thể thực hiện những bí quyết dưới đây để có thể giúp trẻ phát triển tốt trí thông minh của mình, đồng thời định hướng nghề nghiệp tiềm năng trong tương lai:
- Học cùng trẻ về những chủ đề trẻ có thể tiếp thu nhanh nhất.
- Chơi với trẻ thông qua các hoạt động thể chất ngoài trời hoặc các trò chơi mang tính tư duy, phân tích và giải trí như ca hát, nhảy múa…
Chơi với trẻ hàng ngày để bé có thể làm quen với thế giới xung quanh và phát huy tối đa khả năng của mình
- Thể hiện niềm tin vào khả năng của trẻ điều này giúp trẻ tự tin hơn trong việc học hỏi và phát triển bản thân.
- Khen ngợi những nỗ lực của trẻ trong việc phát triển tư duy.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng độ tuổi của bé. Đảm bảo bữa ăn hàng ngày của trẻ có đầy đủ 4 nhóm chất quan trọng là chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất. Trong đó, tăng cường bổ sung các thực phẩm tự nhiên tốt cho trí não trẻ trong bữa ăn hàng ngày.
- Nhắc nhở trẻ đi ngủ sớm, đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc mỗi ngày. Trung bình trẻ cần ngủ từ 8 – 10 tiếng/đêm và nên đi ngủ trước 22 giờ để có thể chìm vào giấc ngủ sâu.
Cho con ăn gì để phát triển trí não và trí thông minh của trẻ
Ngoài những vấn đề liên quan đến việc học tập, giáo dục con cái, bố mẹ cũng cần lưu ý bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu vào khẩu phần ăn uống hàng ngày của trẻ nhằm giúp hỗ trợ sự tăng trưởng thể chất, đặc biệt hệ thống thần kinh, trí não.
1. Chất đạm (protein)
Protein là thành phần không thể thiếu đối với cơ thể con người vì đóng vai trò là “vật liệu” xây dựng nên các tế bào, mô, cơ quan trong cơ thể, nguyên liệu cần thiết cho sự hình thành các hormone, chất chuyển hóa, enzyme và các vitamin. Trẻ bị thiếu chất đạm sẽ dễ bị suy dinh dưỡng, yếu sức cơ, ảnh hưởng sự phát triển thể chất và hệ thần kinh.
2. I-ốt
Đây là nguyên tố rất cần thiết cho sự phát triển chức năng của hệ thần kinh. Nếu chế độ ăn uống thiếu i-ốt, trẻ có thể bị suy giảm sự phát triển não bộ và dẫn đến bệnh đần độn, thiểu năng tuyến giáp.
3. Sắt
Sắt là thành phần cấu thành nên hemoglobin giúp hồng cầu vận chuyển oxy, các xitocrom và nhiều enzyme khác. Trẻ bị thiếu sắt sẽ có nguy cơ bị thiếu máu, dễ dẫn đến suy giảm trí nhớ, kém tập trung, mắc các rối loạn về tâm thần và thể chất.
4. Các axit béo không no chuỗi dài
Thành phần của não bộ có đến 60% là chất béo, trong đó DHA (Docosahexaenoic Acid) và ARA (Arachidonic Acid) là các thành phần lipid chính của não.
Trẻ có thể nhận được các loại chất béo này trong thai kỳ và thông qua việc bú sữa mẹ, giúp phát triển trí não, tăng chỉ số thông minh. Ngoài ra, bố mẹ có thể bổ sung các loại thực phẩm giàu axit béo không no vào khẩu phần ăn của bé như các loại cá, hải sản, lòng đỏ trứng…
Ngoài 4 chất dinh dưỡng kể trên còn nhiều các vi chất dinh dưỡng khác như: kẽm, magiê, đồng, crom, selen… cũng rất quan trọng đối với sự phát triển thể chất cũng như não bộ trẻ bố mẹ cần lưu ý để bổ sung đầy đủ và đúng cách.
Cuối cùng cần ghi nhớ, trí thông minh ở mỗi đứa trẻ không giống nhau và đều có thể phát triển chúng tối ưu. Theo các nhà khoa học, có đến 8 loại hình trí thông minh. Việc phát hiện và hỗ trợ trẻ phát triển tốt thế mạnh của mình từ đó tăng cường trí thông minh là điều rất quan trọng mà các bố mẹ cần biết.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!