Bé không chịu uống sữa ngoài, bố mẹ phải làm sao? [Bác sĩ tư vấn]

Sữa công thức là một trong những giải pháp bổ sung dinh dưỡng cho bé, đặc biệt sau 6 tháng tuổi. Bé không chịu uống sữa ngoài, bố mẹ không đơn độc. Theo ước tính, có đến 25% các bậc cha mẹ cũng gặp vấn đề khi cho con ăn (1). Nếu bé lười uống sữa, hoặc bé tự nhiên không chịu uống sữa mà bố mẹ không rõ nguyên nhân và không biết làm sao? Hãy cùng Nutrihome xem trẻ có “rơi” vào một trong các nguyên nhân dưới đây không để có biện pháp can thiệp kịp thời nhé!

Trẻ lười uống sữa, kể cả sữa bột hay sữa tươi đều từ chối. Và bố mẹ cần nhiều thời gian, nài ép mãi bé mới chịu uống một ít. Rất nhiều phụ huynh lo lắng con thiếu chất, thấp còi và ảnh hưởng chiều cao trong tương lai. Vậy vì sao bé lười uống sữa?

Nguyên nhân bé không chịu uống sữa ngoài

Trẻ biếng ăn, biếng bú hay tự nhiên bé không chịu uống sữa là một trong những vấn đề thường gặp của các gia đình có con nhỏ. Vậy xử trí tình trạng này như thế nào? Trước tiên cần tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ lười uống sữa là gì nhé!

1. Do bé thích bú mẹ hơn

Nếu bạn đang cho bé bú sữa mẹ và dần chuyển sang bú bình hoặc kết hợp cả 2 phương pháp cùng lúc, thì việc bé từ chối bú bình vì thích bú mẹ là điều rất bình thường. Trên thực tế, đây là nguyên nhân số một dẫn đến việc nhiều bé không chịu uống sữa ngoài. Chưa kể, khi bú mẹ, trẻ có cảm giác được gắn bó, được mẹ ôm ấp nhiều hơn so với bú bình.

nguyên nhân bé không chịu uống sữa ngoài

Bé không chịu uống sữa ngoài có thể do thích bú sữa mẹ một cách tự nhiên hơn

2. Sữa cho trẻ bú có sự thay đổi

Bình thường, trẻ bú bình không gặp vấn đề gì nhưng đột nhiên bé lười uống sữa nữa thì một trong những lý do là bé cảm thấy sữa có sự khác biệt so với trước.

Mùi vị, nhiệt độ của sữa là những thứ bé có thể cảm nhận được. Nếu sữa bị lạnh, quá nóng hoặc thay đổi mùi vị, bé có thể sẽ từ chối bú. Ngoài ra, việc pha sữa không chính xác tỷ lệ khiến sữa bị loãng hơn hoặc đặc hơn bình thường cũng có thể khiến bé từ chối uống sữa.

Trong một số trường hợp, mẹ tích trữ sữa trong tủ lạnh để dành cho bé bú trong thời gian dài. Việc kéo dài thời gian bảo quản trong tủ lạnh, sữa mẹ có thể thay đổi mùi vị cũng khiến bé không muốn bú nữa.

3. Núm vú bình sữa không phù hợp

Khi mới sinh, trẻ thường sử dụng núm vú có kích thước lỗ chảy nhỏ, với dòng sữa chảy chậm để tránh sữa chảy vào miệng quá nhanh gây sặc hoặc trào ngược. Nhưng khi lớn hơn, bé cần loại núm vú có kích thước lỗ chảy lớn để cảm thấy thoải mái hơn khi bú. Do đó, không thay đổi kích thước núm vú phù hợp với lứa tuổi cũng là nguyên nhân khiến trẻ không chịu uống sữa.

4. Trẻ bị bệnh hay gặp vấn đề bất thường nào đó

Khi cảm thấy không khỏe, bạn thường không muốn ăn nhiều. Tương tự vậy, khi trẻ không khỏe, bé lười uống sữa. Khi bé lười uống sữa, bố mẹ có thể cố gắng dỗ dành trẻ bằng việc ôm ấp, hát ru và dụ trẻ bú để tránh bị mất nước.

Nếu trẻ bị đau bụng, hãy tránh thức ăn đặc hoặc áp dụng chế độ ăn nhạt cho đến khi bé cảm thấy tốt hơn. Nếu trẻ bị nghẹt mũi, hãy cố gắng nâng cao đầu càng nhiều càng tốt và kê bình sữa ở một góc cao hơn để trẻ dễ thở hơn khi ngậm bình sữa.

Trong trường hợp bé bị sốt hoặc những triệu chứng không cải thiện, bố mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế để được điều trị bệnh tốt hơn.

sốt, lý do trẻ không chịu uống sữa

Sốt cũng là nguyên nhân khiến bé không chịu uống sữa

5. Đang mọc răng

Trẻ mọc răng biếng ăn, lười uống sữa. Khi mọc răng, trẻ thường cảm thấy khó chịu và có thể bỏ bú sữa do động tác mút ảnh hưởng đến nướu, lợi. Tuy nhiên, việc bé lười uống sữa khi đang mọc răng là điều bình thường bố mẹ không nên quá lo lắng. Tin tốt là sau khi răng đã nhú lên, trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn và bú sữa ngoan hơn.

6. Trẻ bị mất tập trung

Càng lớn, bé càng dễ bị phân tâm trong khi bú và ăn dặm bởi trẻ không muốn bỏ lỡ bất cứ điều gì xảy ra xung quanh. Bố mẹ nên giảm thiểu sự phân tâm của bé bằng cách tắt tivi, giảm tiếng ồn và các hoạt động vui chơi, nói chuyện với nhau trước mặt bé.

7. Đồ ăn dặm thu hút trẻ nhiều hơn uống sữa

6 tháng tuổi, bé bắt đầu làm quen với thức ăn và có thể bé sẽ thích ăn thức ăn đặc hơn uống sữa. Bố mẹ có thể nhận biết điều này qua sự hứng thú của bé trước khi được ăn. Khi bé có thể ăn nhiều hơn, bé cũng bắt đầu từ chối bình sữa.

Một điều nữa, khi bắt đầu ăn thức ăn đặc, trẻ sẽ không cần nhiều calo từ sữa. Do đó, trẻ có thể giảm nhu cầu uống sữa. Nếu bố mẹ cố gắng cho trẻ bú bình khi trẻ đã ăn no, nhiều khả năng trẻ sẽ từ chối.

Ảnh hưởng khi trẻ không chịu uống sữa trong thời gian dài

Trong độ tuổi sơ sinh và bắt đầu ăn dặm, sữa vẫn là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính, bổ sung đầy đủ các vi chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể trẻ không tự tổng hợp được. Do đó, khi bé không chịu uống sữa trong thời gian dài có thể gặp một số vấn đề về sức khỏe như:

  • Giảm sức đề kháng do thiếu dinh dưỡng, bé sẽ thường xuyên bị ốm vặt
  • Chậm phát triển thế chất, trí não và khả năng tương tác xã hội
  • Tăng nguy cơ trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi, ảnh hưởng đến chiều cao sau này của trẻ
  • Tăng nguy cơ trẻ bị thừa béo phì do thừa các chất đường bột, các chất dinh dưỡng không cần thiết

trẻ hay ốm, tác hại Bé lười uống sữa

Bé lười uống sữa có thể dẫn đến thiếu dinh dưỡng, sức đề kháng suy yếu, hay ốm vặt

Bé không chịu uống sữa phải làm sao?

Tình trạng bé không chịu uống sữa xảy ra khá phổ biến hiện nay khiến nhiều bố mẹ có con nhỏ lo lắng. Chúng ta thường nhắc đến sữa như một thực phẩm tăng chiều cao hiệu quả. Thật vậy, sữa là nguồn cung cấp protein, canxi và các chất dinh dưỡng quan trọng khác, rất cần cho sự phát triển của răng và hệ xương khỏe mạnh. Có thể thấy, không uống đủ sữa là một bất lợi đối với sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, bố mẹ hãy bình tĩnh, thả lỏng bản thân, từ từ tìm cách khắc phục tình trạng bé lười uống sữa và đảm bảo trẻ vẫn nhận được nguồn dinh dưỡng đầy đủ và tối ưu nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

Chuyên gia hướng dẫn một số phương án giải quyết khi bé tự nhiên không chịu uống sữa như:

1. Điều chỉnh chế độ ăn dặm của bé

Ăn dặm quá sớm hoặc ăn quá nhiều đều có thể khiến bé bỏ cữ bú sữa của mình. Theo đó, bố mẹ cần điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp để bé vẫn cảm thấy đói và tiếp tục bú sữa thêm. Lưu ý, với mỗi giai đoạn, bố mẹ cần kết hợp và thay đổi thành phần thức ăn dặm phù hợp với trẻ.

2. Lựa chọn loại sữa phù hợp

Như đã chia sẻ, một trong những nguyên nhân phổ biến khiến bé không chịu uống sữa là bố mẹ chọn loại sữa không phù hợp với trẻ. Để tránh tình trạng này bố mẹ nên:

  • Lựa chọn sữa phù hợp độ tuổi của trẻ, nhưng cần nhớ, không dùng sữa bò tươi, sữa bột nguyên kem cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.
  • Không thay đổi thường xuyên loại sữa cho trẻ bú và pha sữa theo đúng công thức để sữa không quá loãng, quá đặc hoặc nhiệt độ không phù hợp.
  • Nên pha sữa kết hợp khi mới đổi sữa: Pha tỷ lệ sữa mới bằng 1/3 tổng lượng sữa, cho trẻ uống 2 – 3 ngày và quan sát phản ứng. Nếu trẻ không có hiện tượng bú ít, bỏ bú hay tiêu chảy… thì tiếp tục tăng tỷ lệ lên 1/2, 2/3 và cuối cùng là pha hoàn toàn sữa mới cho bé bú.
  • Đối với trẻ dị ứng đạm sữa bò hoặc bất dung nạp lactose, bố mẹ cần lựa chọn các loại sữa công thức Lactose free, sữa thủy phân hoàn toàn, sữa acid amin hoặc sữa có nguồn gốc protein từ thực vật như gạo, đậu nành,…

bé không chịu uống sữa phải làm sao, chọn sữa phù hợp

3. Tạo sự hứng khởi cho trẻ khi bú

Trẻ luôn cần có sự kích thích và niềm vui khi ăn dặm và bú sữa. Một số cách có thể kích thích bé bú sữa nhiều là khen ngợi, lên lịch bú sữa hàng ngày giúp bé hình thành thói quen luân phiên giữa việc bú sữa mẹ và sữa công thức.

Ngoài ra, bố mẹ cũng nên khuyến khích bé vận động và chơi với bé mỗi ngày. Việc tiêu hao năng lượng sẽ kích thích bé bú sữa và ăn nhiều hơn. Tuy nhiên, cần hạn chế tối đa việc tác động vào vùng hầu họng khiến trẻ bị hóc, sặc… và sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với tâm lý trẻ. Việc bị sặc có thể khiến trẻ sợ và từ chối uống sữa những lần sau.

4. Kiểm tra sức khỏe bé

Để con phát triển khỏe mạnh, tăng cân và tăng chiều cao đạt chuẩn, phụ huynh nên thường xuyên đưa bé đến các cơ sở khám chữa bệnh để kiểm tra sức khỏe trẻ định kỳ. Có khoảng từ 1 đến 5 % trẻ nhỏ thường xuyên bị rối loạn ăn uống, khiến bé không tiêu thụ đủ lượng thức ăn dẫn đến thiếu vi chất và suy dinh dưỡng (2) . Ngoài ra, khi nghi ngờ bé có các dấu hiệu mắc bệnh như sốt, bỏ ăn, quấy khóc, thở nhanh… bố mẹ cần đưa bé đến khám bác sĩ để điều trị kịp thời. Trong thời gian điều trị bệnh, bố mẹ nên dỗ dành, khuyến khích, tìm mọi cách cho bé bú để tránh bị mất nước, tăng cường dưỡng chất giúp trẻ hồi phục nhanh hơn.

Có thể khẳng định, bé không chịu uống sữa là tình trạng rất phổ biến hầu như bố mẹ có con nhỏ nào cũng đều gặp phải. Để cải thiện tình trạng, điều quan trọng là bố mẹ cần bình tĩnh, thả lỏng bản thân để tìm ra nguyên nhân khiến bé lười uống sữa từ đó có cách khắc phục hiệu quả, giúp bé bú sữa ngoan trở lại.