Trẻ dưới 6 tháng tuổi có nên uống nước

  • Nhóm Kiến thức Y Khoa
  • Lượt xem

VÌ SAO TRẺ SƠ SINH CHỈ CẦN SỮA MẸ, KHÔNG CẦN UỐNG THÊM NƯỚC

BS. Liêu Tấn Hưng

Vấn đề ở đây không phải là nước không đủ tinh khiết, gây hại cho bé mà là ở giới hạn về lượng nước đưa vào trong cơ thể trẻ giai đoạn này. Khi mà có 55% đến 60% cơ thể người lớn là nước thì với trẻ sơ sinh, nước chiếm tới 75%. Đó là lý do trẻ sơ sinh không cần uống thêm nước đến khi đủ 6 tháng tuổi.

Khi cơ thể trẻ phải tiếp nhận lượng nước đưa vào cơ thể dư thừa so với nhu cầu, điều gì sẽ xảy ra?

Trước tiên, ta cần hiểu, thận của trẻ chỉ bằng ½ thận của người trưởng thành so về tương quan kích thước và đương nhiên khả năng lọc còn rất hạn chế.

Khi lượng nước đưa vào cơ thể trẻ dư thừa, chức năng và giới hạn hoạt động của thận vị phá vỡ, sẽ dễ dẫn đến tình trạng hạ Natri máu (Hyponatremia) với các triệu chứng như: lú lẫn, nôn ói, co rút cơ…Vấn đề sẽ càng trầm trọng khi tình trạng đó ảnh hưởng đến tế bào não gây ra tình trạng nguy hiểm hơn là ngộ độc nước (*).

Ba mẹ cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu ngộ độc nước để được điều trị cân bằng điện giải.

Cần nói thêm rằng vì sao tình trạng trên rất khó xảy ra với người trưởng thành? Vì hệ tiết niệu (thận) ở người lớn đã hoàn chỉnh. Nhưng với trẻ sơ sinh đó lại là một câu chuyện khác. Hạ Natri máu hay ngộ độc nước sẽ dễ xảy ra đối với trẻ sơ sinh, chỉ cần tăng từ 7 – 8% lượng nước trong hệ tuần hoàn là đủ gây nguy hiểm.

(*) Ngộ độc nước ở trẻ nhũ nhi (dưới 1 tuổi) được nhận diện khi trẻ bị cho uống quá nhiều nước lọc trong một thời gian ngắn, dẫn đến “ngộ độc” nước và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Có nhiều nguyên nhân đang được tìm hiểu, trong số đó, nguyên nhân được nhận thấy đóng một phần rất quan trọng là do thận chưa trưởng thành ở trẻ nhũ nhi. Nếu cơ thể tiếp nhận nhiều nước lọc, khi tiểu không chỉ thải ra nước lọc mà còn thải ra cả một số chất điện giải quan trọng trong cơ thể, trong đó quan trọng nhất là Natri.

Trong khi đó, nguồn năng lượng và dưỡng chất chính yếu mà trẻ nhận được từ sữa mẹ lại chỉ cung cấp đủ Natri căn bản cho cơ thể. Vì vậy, xảy ra hiện tượng mất cân bằng Natri, cơ thể bị hạn Natri, gây tổn thương các tế bào, và có thể gây phù não.

* Biểu hiện của hiện tượng hạ Natri máu do ngộ độc nước có thể nhận biết như sau: trẻ lừ đừ, quấy khóc, phù nề cơ thể, ngủ mê man, hạ thân nhiệt và co giật.

Hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nào để giúp bà mẹ biết nên cho bé nhũ nhi uống bao nhiêu nước là an toàn. Tuy nhiên theo các nghiên cứu, thống nhất giữa nhiều hiệp hội đưa ra một số lời khuyên như sau

* Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi

Không nên cho trẻ uống nhiều nước.Trẻ bú mẹ hoàn toàn không cần uống nước thêm, vì việc uống nước thêm ngoài gia tăng nguy cơ ngộ độc nước còn có tác dụng không mong muốn khác là giảm thèm ăn của bé, bé giảm bú mẹ từ đó làm giảm sản xuất sữa từ cơ thể mẹ. Bé sẽ không được cung cấp đầy đủ nhu cầu năng lượng.

Trẻ uống sữa công thức, có thể uống thêm chút ít nước, những cần chú ý đến việc giảm thèm ăn, giảm nhu cầu năng lượng của bé.

Nếu muốn cho bé uống nước, bạn có thể cho bé uống tối đa 60ml/ngày mà thôi, chỉ nên khuyến cáo với bé trên 4,5 tháng.

Khi trời nóng, ba mẹ thường nghĩ con cần uống nước thêm, nhưng theo khuyến cáo, trong sữa mẹ và sữa công thức đã cân bằng lượng nước. Nên muốn bổ sung nước cho bé, chúng ta có thể cho bé bú mẹ hoặc bú bình thêm.

* Đối với trẻ từ 6 đến 12 tháng.

Lúc này, trẻ bắt đầu ăn dặm được, bạn có thể cho trẻ uống nước thêm. Lúc này, việc cho trẻ uống một lần khoảng 60ml nước sau bữa ăn là hoàn toàn phù hợp. Tổng lượng nước có thể lên đến 120-240ml/ngày, tùy theo nhu cầu của bé. Ở độ tuỏi này nên tập cho bé uống nước bằng ly, và để bé tự uống theo nhu cầu của mình.

* Khi trẻ bệnh, nguy cơ mất nước cao (Sốt, Tiêu chảy)

Lúc này, việc cho trẻ uống nước để giảm nguy cơ mất nước là không hợp lý, vì nước uống không có bất kỳ chất điện giải nào mà trẻ cần trong giai đoạn bệnh cả. Uống thêm nước có thể gây mất cân bằng điện giải thêm trầm trọng. Trong trường hợp này khuyến cáo mẹ nên cho bé bú mẹ bổ sung thêm.

* Uống nước tráng miệng sau bú?

Việc uống thêm vài ml nước giúp làm sạch miệng bé không quá quan trọng. Việc tráng miệng bằng nước sạch như vậy sẽ giúp giảm tình trạng nấm lưỡi, đẹn lưỡi ở bé.

* KHUYẾN CÁO CHUNG:

– Ngộ độc nước là một tình trạng hiếm gặp, nhưng cần phải nhận biết kịp thời vì có thể gây nguy hiểm đến bé.

– Trẻ dưới 6 tháng tuổi không có nhu cầu uống nước thêm vì đã được cung cấp đủ qua sữa mẹ và sữa công thức. Ngay cả khi bé sốt, tiêu chảy chỉ nên bù nước cho bé bằng cách cho bú thêm sữa mẹ. Dù sau cũng nên đợi đến bé trên 4,5 tháng mới có thể cho bé uống nước với lượng dưới 60ml/ngày.

– Trẻ trên 6 tháng có thể cho bé uống thêm nước sau bữa ăn dặm. Một lần khoảng 60ml, tối đa 120 – 240ml/ngày.

– Không bù mất nước bằng nước lọc, sẽ gia tăng nguy cơ rối loạn điện giải hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng mất cân bằng điện giải. Trường hợp này cần có đánh giá của bác sĩ để bù dịch, điện giải thích hợp.