Trẻ 7 tháng bị táo bón phải làm sao? | Vinmec

Chế độ dinh dưỡng hợp lý có vai trò quan trọng để hệ tiêu hóa của trẻ tốt hơn. Vậy trẻ 7 tháng tuổi bị táo bón nên ăn gì? Theo đó, khẩu phần ăn cho trẻ em 7 tháng tuổi bị táo bón cần đảm bảo cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, trong đó ưu tiên chứa nhiều các thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất như rau xanh, trái cây, củ quả tươi… giúp cho hệ tiêu hóa của trẻ tốt hơn, tránh tình trạng táo bón, khó tiêu. Mẹ nên sử dụng các thức ăn dễ tiêu hóa như khoai lang, chuối, đặc biệt là sữa chua bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột.

Bên cạnh đó, bé cần được bổ sung thêm các vi chất cần thiết gồm: Vitamin B1 và B6, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C), Selen, Crom, Gừng… giúp bé ăn ngon, cải thiện vị giác, đạt cân nặng, chiều cao đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các bệnh lý về tiêu hóa.

Một số thực phẩm tốt cho trẻ em bị táo bón có thể kể đến như sau:

4.1. Khoai lang trộn sữa

Khoai lang là một trong những loại thực phẩm hàng đầu giúp phòng và điều trị táo bón. Loại củ này chứa nhiều chất xơ, vitamin A, vitamin E nên có hiệu quả cao trong điều trị táo bón ở trẻ nhỏ. Nhiều món ăn được chế biến từ khoai lang do chúng là thực phẩm dễ chế biến, trong đó khoai lang trộn sữa là món ăn phù hợp và được yêu thích ở trẻ em 7 tháng tuổi. Cha mẹ có thể thực hiện món ăn này bằng cách rửa sạch khoai lang, thái thành từng miếng nhỏ rồi đem hấp khoảng 10 – 15 phút. Đợi đến khi khoai nguội các mẹ tiến hành trộn thêm một vài thìa sữa mẹ hoặc sữa công thức đem xay nhuyễn là có thể cho bé ăn.

4.2. Bột ngao và mồng tơi

Mồng tơi là loại rau giàu vitamin A, folate, các chất chống oxy hóa và được biết đến là loại rau lành tính, hầu như không gây dị ứng ở trẻ em. Sự kết hợp giữa rau mồng tơi và ngao giúp tăng cường chuyển hóa thức ăn nên có tác dụng đẩy lùi chứng táo bón ở trẻ em 7 tháng tuổi. Các bậc cha mẹ có thể thực hiện món ăn này theo các bước như sau:

  • Bước 1: Cha mẹ tiến hành rửa sạch ngao rồi đem luộc, lấy phần thịt đem xay nhuyễn. Tiếp đến là rửa sạch rau mồng tơi và băm nhuyễn.
  • Bước 2: Cha mẹ thêm nước luộc ngao, thịt ngao xay nhuyễn, rau mồng tơi đã băm, bột ăn dặm vào nồi và khuấy đều đến khi chín thì tắt bếp.

4.3. Bột sắn dây

Bột sắn dây có tác dụng thanh nhiệt, tính mát và công dụng giúp cho việc đi đại tiện được dễ dàng hơn. Vì vậy, để giảm tình trạng táo bón ở trẻ em 7 tháng tuổi thì cha mẹ có thể dùng 1,5 muỗng cà phê bột sắn dây hòa tan với 150ml nước tinh khiết rồi đem đun nhỏ lửa tới khi hỗn hợp sánh mịn. Hỗn hợp này mẹ cho trẻ ăn kèm với bột ăn dặm hoặc sữa bột sẽ có tác dụng tốt để giảm tình trạng táo bón ở trẻ.

4.4. Sinh tố bơ và chuối

Chuối và bơ là các loại quả chứa nhiều chất dinh dưỡng, theo đó trung bình một quả chuối chín chứa 3g chất xơ, vitamin B6, pectic, kali… có tác dụng giảm táo bón ở trẻ. Trung bình một quả bơ chứa 17g chất xơ, nhiều chất dinh dưỡng và lại thơm ngon, dễ ăn nên được sử dụng nhiều cho trẻ nhỏ bị táo bón.

Cha mẹ thực hiện món sinh tố bơ và chuối bằng cách dùng 1⁄4 quả bơ và 1⁄2 quả chuối chín đem nghiền nhuyễn với nhau, trộn với 2 – 3 thìa sữa mẹ hoặc sữa công thức là được một món ăn dặm thơm ngon cho bé.

4.5. Nước ép lê

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, hàm lượng sorbitol trong lê cao gấp 8 lần so với quả táo và chúng có công dụng làm tăng nhu động ruột, giúp nhuận tràng. Vì vậy, loại quả này được sử dụng nhiều cho trẻ 7 tháng tuổi bị táo bón. Cha mẹ thực hiện bằng cách dùng 3/2 miếng lê đã được cắt lát nhỏ, xay nhuyễn và bỏ bã, cho trẻ uống một ly nước ép lê mỗi ngày sẽ đem lại công dụng đẩy lùi tình trạng táo bón.