Soạn Bài Tràng Giang – Huy Cận: Nỗi Buồn Trước Thiên Nhiên Rộng Lớn

Kiến Guru sẽ hướng dẫn các em học sinh soạn bài Tràng Giang để thấy được những giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật bài Tràng Giang mang lại cho nền văn học nước nhà.

Tràng Giang là một bài thơ mang đậm nỗi buồn của con người trước vũ trụ bao la rộng lớn. Không phải tự nhiên mà tác phẩm này được đưa vào chương trình Ngữ Văn 11 để các em tìm hiểu.

I. Soạn bài Tràng Giang: Những đặc điểm chính về tác giả – tác phẩm

1. Soạn bài Tràng Giang phần tác giả

a. Tóm tắt tiểu sử Huy Cận

Nhà thơ Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận. Ông sinh năm 1919 và mất 2005. Quê hương của ông thuộc Đức Ân, Vũ Quang, Hà Tĩnh ngày nay.

Ông đã có những đóng góp rất tích cực cho sự nghiệp giải phóng nước nhà, và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền đương thời.

b. Đặc điểm thơ văn của Huy Cận

Huy Cận là một người yêu thơ ca Việt Nam, thơ Đường và cũng chịu nhiều ảnh hưởng của văn học Pháp. Mang nhiều đặc điểm của phong trào thơ mới, thơ của Huy Cận hàm súc và giàu chất suy tưởng, triết lí. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất trong thơ của Huy Cận là luôn thấm đượm nỗi buồn, ông hay mượn cảnh vật để miêu tả nỗi buồn, sự hoang vắng trong lòng mình.

Sự nghiệp thơ văn của ông có 2 giai đoạn:

– Trước Cách mạng tháng tám, ông là một nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới, cái tôi, nỗi buồn, sự cô đơn trước thời cục bấy giờ.

Tác phẩm tiêu biểu: Lửa thiêng (1937-1940), Vũ trụ ca (1940-1942)

– Sau Cách mạng tháng tám, Huy Cận ít làm thơ hơn nhưng thơ ông đã có nhiều đổi mới, chủ yếu ca ngợi về đất nước và cuộc sống mới của nhân dân

Tác phẩm tiêu biểu: Trời mỗi ngày lại sáng (1958), Đất nở hoa (1960)

2. Soạn bài Tràng Giang phần tác phẩm

a. Hoàn cảnh ra đời bài Tràng Giang

Tác phẩm Tràng Giang được ra đời vào một buổi chiều mùa thu năm 1939 khi tác giả đứng trước sông Hồng mênh mang sóng nước…

Tràng Giang là tác phẩm được in trong tập Lửa Thiêng.

b. Nội dung bài Tràng Giang

Nội dung xuyên suốt bài thơ Tràng Giang là sự cô đơn, lẻ loi trước cảnh trời rộng sông dài. Qua đó tác giả muốn thể hiện tính yêu nước rất âm thầm nhưng vô cùng thiết tha.

Khi đứng trên chính quê hương đất nước của mình mà Huy Cận vẫn cảm thấy cô đơn mất mát bởi vì từ sâu trong hồn ông, ông không cảm nhận được đây là quê hương của mình. Bởi vì đất nước chưa giành được chính quyền, vẫn còn đang bị đô hộ bởi thực dân Pháp.

II. Hướng dẫn soạn bài Tràng Giang

Câu 1: Ý nghĩa câu thơ đề từ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài“

Câu đề từ tuy nằm ngoài bài thơ và chỉ có 7 chữ nhưng đã thể hiện được toàn bộ tư tưởng và ý đồ nghệ thuật của tác giả

– “Bâng khuâng” miêu tả tâm trạng vô định khắc khoải

– “Trời rộng”, ” Sông dài” là hình ảnh thiên nhiên vô cùng rộng lớn

=> Nỗi buồn và sự cô đơn nhớ nhung quê hương của tác giả trước trời đất vũ trụ bao la.

Câu đề cũng là định hướng nội cho toàn bộ bài thơ

noi-dung-bai-trang-giang

Soạn bài Tràng Giang câu 1

Câu 2: Cảm nhận về âm điệu chung của toàn bộ bài thơ

Âm điệu chung của toàn bộ bài thơ Tràng Giang là một âm điệu trầm buồn, sâu lắng và kéo dài triền miên. Sự cô đơn trống trải thấm đượm vào cả cảnh vật và trong lòng tác giả ” người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

Hơn nữa, âm điệu toàn bộ bài thơ còn được tạo nên bởi nhịp điệu từ thể thơ thất ngôn, chủ yếu là nhịp 2/2/3 hoặc 4/3, khi đọc chậm càng tô đậm thêm nỗi buồn của nhà thơ.

Tác phẩm Tràng Giang cũng sử dụng nhiều từ láy, điệp từ càng khiến nỗi buồn tăng lên bội phần.

Câu 3: Nói bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Tràng Giang đậm chất cổ điển mà vẫn gần gũi thân thuộc

Bài thơ Tràng Giang mang một vẻ đẹp cổ điển bởi nhiều từ ngữ và hình ảnh sử dụng trong bài thơ mang tính ước lệ, cổ kính: thuyền về, nước lại, bến cô liêu, mây cao đùn núi bạc, bóng chiều sa, khói hoàng hôn… Đây là những từ ngữ và hình ảnh thường được sử dụng trong thơ cổ và đậm chất Đường thi.

tac-pham-trang-giang

Soạn bài Tràng Giang

Tuy nhiên bài thơ vẫn rất gần gũi quen thuộc bởi vì Huy Cận cũng sử dụng những hình ảnh vô cùng quen thuộc với mỗi con người Việt Nam: Thuyền, đò, củi khô, sông nước, bèo trôi…

Tất cả những chi tiết trên hòa quyện với nhau tạo nên một bài thơ đơn sơ nhưng lại tinh tế, cổ điển nhưng cũng vô cùng bình dị và thân thuộc.

Câu 4: Tình yêu thiên nhiên của Huy Cận vẫn luôn ẩn chứa một tình yêu nước thầm kín. Điều này chúng ta có thể cảm nhận qua cách dùng từ ngữ và hình ảnh của ông trong bài Tràng Giang

– Hình ảnh sử dụng trong bài là những hình ảnh vô cũng quen thuộc của quê hương đất nước: thuyền xuôi dòng, cành củi khô, bờ xanh, mây núi, cánh chim, bãi vàng, chợ chiều

– Từ ngữ mà ông sử dụng là những từ ngữ mang đậm nỗi buồn của cảnh sắc và chan chứa sự nhớ nhung: lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu – đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều, không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

=> Đây là những hình ảnh ẩn dụ cho nỗi lòng của tác giả: một con người yêu thiên nhiên mà đứng trước những cảnh sắc thân thuộc trên quê hương của mình, vẫn cảm thấy cô đơn, sầu thảm thì chỉ bởi vì đó là quê hương nhưng lại không phải là quê hương, quê hương đang bị đô hộ, đang sống trong cảnh lầm than, chưa có chủ quyền riêng thì làm sao mà không buồn cho được. Đây chính là ý nghĩa sâu xa của bài thơ này.

soan-bai-trang-giang

Câu 5: Đặc sắc nghệ thuật của bài thơ:

– Sự kết hợp độc đáo và tinh tế giữa hình ảnh cổ điển và hình ảnh đời sống thường nhật

– Thể thơ thất ngôn tạo nên sự trang nghiêm cổ kính, kết hợp với nhịp thơ 4/3, 2/2/3 quen thuộc tạo nên sự hài hòa cân đối cho bài thơ

– Phép lặp từ, điệp ngữ tô đậm thêm nỗi buồn cho bài thơ

– Thủ pháp tương phản được sử dụng triệt để

Xuyên suốt bài thơ Tràng Giang là một nỗi buồn khắc khoải của tác giá trước khung cảnh thiên nhiên rộng lớn. Nhưng ý nghĩa ẩn chứa sâu trong đó là lòng yêu nước da diết và sự buồn bã trước cảnh quê hương vẫn còn đang bị gông cùm của thực dân Pháp.

bai-tho-trang-giang

Nguồn: Internet

Trên đây là hướng dẫn soạn bài Tràng Giang của nhà thơ Huy Cận. Hy vọng với những thông tin này của Ứng dụng học tập Kiến Guru, các bạn học sinh có sự cảm nhận sâu sắc và rõ ràng hơn về tác giả cũng như tác phẩm này.