Cẩu tướng pháp: Gắn mác bí hiểm một thú chơi

“Tứ túc hoa mai”

Ngoài những con chó có tướng lạ đã nói ở phần trước, dân chơi chó theo phong thủy còn kháo nhau về một vài đặc điểm dị biệt của chó, cũng có khả năng đem về tài – lộc cho gia chủ hoặc rất có ích khác? Đó là các loại “Tử mị cẩu” – xưa nay vẫn có câu “ngủ như chó chết” chính là loại này – được mô tả là khi ngủ, chó nằm ngửa ra trong tư thế như bị chết, bốn chân và thân mình xoải dài ra, cực kỳ thoải mái. “Lân hành cẩu” là con chó có dáng đi trông bệ vệ, đặc biệt thể hiện mỗi khi hân hoan gặp chủ. Ngoài ra còn có một loại chó khác được gọi tên là “Hổ bộ cẩu”, theo mô tả là loại có bốn chân khi đi rất khoan thai, nhưng chắc chắn, mỗi bước chân đặt xuống thì phần gân cốt trên vai và lưng chó đều cuộn lên như dáng đi của con hổ?

Cũng có cả những loại nhận dạng chó không phải là hiếm gặp, nhưng qua cách đề cập của Cẩu tướng pháp, tự dưng khiến người ta cảm thấy khác lạ. Ví dụ như “Hắc cẩu” là giống chó toàn thân đen tuyền – xưa nay ta vẫn gọi là chó mực. Người ta tin rằng loại chó này mắt thấy được tà ma? Và bản thân ma quái cũng rất kị loại chó này, nhất là máu huyết của nó? Theo đó, những nhà, khu đất cảm giác không yên ổn, người ta thường đi tìm con chó như thế để về nuôi.

Hay cũng có loại được gọi là “Hắc bạch tứ mục cẩu” là loại chó toàn thân lông trắng hoặc toàn thân lông đen, ngay bên trên mỗi con mắt của nó lại có điểm lông xoáy trông giống như thêm một con mắt nữa. Loại này vì xoáy cùng màu lông nên khó nhận ra, phải nhìn kỹ mới thấy. Hai con mắt – xoáy lông ấy được cho là có thể nhìn xuyên đêm, ma quỷ phải khiếp sợ?

Một nhóm tham gia diễn đàn thích nuôi chó tụ hội với nhau.

Hay các loại rất thường gặp như “Hắc cẩu tứ mục” là giống chó màu đen nhưng không đen tuyền, bốn chân và bụng là màu vàng, có hai đốm vàng trên mắt, trông như bốn mắt – được coi là giống chó dữ, trông nhà rất tốt “Hắc cẩu tứ bạch” cũng là giống chó đen, nhưng dưới bụng và bốn chân đều trắng ở phần dưới y như mang vớ (đi tất). Loại chó này cũng mang đến sự giàu sang cho gia chủ?

Lại có giống chó gọi là “Tam nhãn cẩu” – là loại chó có nhiều màu khác nhau, có khi là trắng, đen, vàng hoặc nhiều màu. Giống này đặc biệt trên đầu, giữa hai mắt có một đốm nhỏ. Dân chơi Cẩu tướng pháp gọi đó là con mắt thứ ba và cho rằng đây là giống chó có biệt tài tự nó biết trước chuyện gì sẽ xảy ra trong đêm. Vì vậy khi nuôi nó, tự dưng nếu thấy nó có cái vẻ lo lắng, bồn chồn hoặc biểu hiện ra bằng tiếng kêu rên rỉ, ắt là có chuyện chẳng lành xảy đến, hoặc là trộm cướp đột nhập, hoặc tai họa rình rập?

Thậm chí có người còn cho rằng, có những con rất khôn, vì biết trước chủ sắp gặp chuyện chẳng lành nên nó tìm cách ngăn cản như cắn ống quần lôi lại không cho đi, hoặc sủa bất thường, hoặc cố tìm những cách khác để báo động. Vấn đề còn lại chỉ là liệu người chủ của nó có hiểu được điều ấy hay không mà thôi?

Cũng theo Cẩu tướng pháp này, thì “thỉnh thoảng lại có một con chó mà tự nó lại có nhiều tướng tốt. Những con như vậy thì càng tăng sự tốt thêm như nuôi được hai ba con có quý tướng vậy…”.

Gắn mác… bí hiểm?

Tạm gác câu chuyện Cẩu tướng pháp sang một bên thì thấy, hầu hết các dị biệt được liệt kê trong ấy đều không nằm ngoài các phương pháp lựa chọn một con chó đã được lưu truyền xưa nay. Có khác chăng là về cách mô tả và gắn cho nó một vài khả năng siêu nhiên huyền bí? Ngay cả với họa sĩ hiện đang rất ưng ý với chú chó A Lừ được cho là hội tụ một lúc hai đặc điểm rất “đắt”: “Hắc bạch tứ mục cẩu” cùng với “Lục câu cẩu”, thì thực tế con chó của anh lại có được nhờ… một người bạn.

Lại nói, chuyện với họa sĩ về con chó, có mà chuyện cả ngày. Họa sĩ bảo, anh là người yêu thích nuôi chó nên dữ liệu về loài vật bốn chân gần gũi ấy nó đến với anh cứ tự nhiên như hít thở khí trời vậy. Nào là “tứ túc hoa mai, thạch sùng bám cổ”, nào là “đốm lưỡi thì nuôi, đốm đuôi thì thịt”, nào là “chó khôn tứ túc huyền đề, tai thì hơi cụp, đuôi thì cong cong”… hóa ra toàn kinh nghiệm dân gian mà ra cả.

Thầy Nguyễn Văn Hải: “Bản thân con chó đã là một “bậc thầy” về phong thủy”.

Có một câu chuyện về chọn chó làm tôi cứ ám ảnh mãi. Ấy là trong một ổ chó con, ngoài việc nhắm trước về ngoại hình, màu lông, dân gian còn có một phép thử khác. Đó là người ta sẽ tìm cách đốt lửa, xông khói vào cái ổ đấy, mục đích là làm cho chó mẹ và đàn chó con hoảng sợ. Hễ con chó mẹ cắp con chó con nào đầu tiên để chạy đi, người ta chọn con ấy! Hoặc còn cách khác “dễ chịu” hơn, đó là bỏ đàn chó lên một cái nong, được kê cao cách đất chừng vài chục phân, sau đó rải thức ăn bên dưới. Con nào ham ăn rơi xuống đất ngã vỡ đầu, gãy chân coi như bỏ. Con nào mon men ra đến mép nong biết sợ mà rụt vào, ấy là con chó khôn…

Không phải đột biến

Trở lại với nỗi băn khoăn liệu có sự bất thường nào đó có thể xảy đến với những con chó có đặc điểm dị biệt như thế, chúng tôi tìm đến Bệnh viện Thú y của Khoa Thú y, Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội. Tiếp chúng tôi là thầy Nguyễn Văn Hải, Phó giám đốc Bệnh viện và thầy Trần Văn Nên. Thầy Nên là người đang có công trình nghiên cứu về chuẩn virus gây bệnh care cho chó ở Việt Nam, kết quả rất khả quan.

Thầy Hải hóa ra cũng là một người thích nuôi chó. Nhà thầy lúc nào cũng nuôi chó. Trong số những con chó thầy đã từng nuôi, có một con “hắc cẩu tứ túc huyền đề” mà theo thầy tả rằng bao nhiêu năm nay không “gặp” lại được con chó nào khôn như thế! Mỗi lần thầy sang trường hoặc có việc phải đi đâu, chỉ cần về đến đầu đường cách nhà vài trăm mét, nghe tiếng xe của thầy là con Mực đã cuống cả lên.

Thầy Trần Văn Nên thăm khám cho một chú chó bị ốm tại khu chuồng trại của Bệnh viện Thú y

“Có dạo mình bận hay về muộn, ở nhà cứ để đồ trên bếp cho nóng. Hễ cứ thấy con Mực hoắng huýt chạy vọt ra là trong nhà bắt đầu dọn cơm. Mình về đến sân, rửa ráy chân tay xong vào mâm là vừa…” – Thầy Hải cười, nhớ lại. “Nhà cũng hay nuôi gà, vãi thóc ra sân xong là kệ cho con Mực nó trông. Gà nhà mổ thóc thì không sao, hễ gà hàng xóm chỉ cần thò đầu qua hàng rào dâm bụt là nó lao đến, cắn cho te tua… Mà nào có ai dạy cho nó những điều ấy? Tài thật!”.

Về nỗi băn khoăn, thầy Nguyễn Văn Hải cho rằng với những con chó có đặc điểm khác thường như thế không phải là đột biến như nhiều người nghĩ. Thầy Hải cho rằng, có lẽ đó là đặc tính di truyền nhưng khả năng được quy định bởi gien lặn. Khi đồng hợp tử gien lặn thì đặc tính ấy mới xuất hiện. Tuy nhiên, muốn kết luận một cách chính xác thì phải có nghiên cứu kỹ về di truyền học. Còn hiện tại, chúng ta mới chỉ thông qua quan sát cảm nhận thông thường.

Một vài loài động vật khác cũng thấy xuất hiện trường hợp này, chẳng hạn như trâu bố, trâu mẹ đều màu đen, nhưng lại đẻ ra con trâu trắng. Và cũng bởi chưa có nghiên cứu kỹ về di truyền học nên không ai dám chắc rằng đồng hợp tử gien lặn những đặc điểm ngoại hình ấy có luôn đi cùng với sự vượt trội về thông minh của con chó ấy hay không. Bởi thế mọi sự lựa chọn hiện nay đều dựa trên kinh nghiệm và cảm tính là chính…

Câu chuyện của thầy Nguyễn Văn Hải làm tôi nhớ đến lần trao đổi với Đại tá Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ (C69) của Bộ Công an. Tại C69 có đủ loại chó ta, chó Phú Quốc, chó Mông… được nuôi theo chương trình bảo tồn gien. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề tại sao có những giống chó của ta khá nổi tiếng, như chó Phú Quốc chẳng hạn, từng thi đoạt giải quốc tế hẳn hoi, mà vẫn không thể sử dụng làm chó nghiệp vụ?

Đại tá Nguyễn Văn Bộ cho hay đúng là có những con chó ta cực khôn, nhưng vấn đề ở chỗ chất lượng không đồng đều. Nói cách khác là gien không ổn định. Có những cá biệt khôn thì rất khôn, nhưng tỉ lệ không thể huấn luyện được lại chiếm phần đông hơn. Đây là hạn chế rất lớn về mặt kinh phí, lựa chọn cũng như yêu cầu nghiệp vụ luôn đòi hỏi khắt khe. Trong khi đó, với những giống chó như béc-giê thì tính ổn định về nguồn gien lại cực kỳ cao. Sự ổn định ấy được đảm bảo ngay từ khi xuất xưởng, từ trại sản xuất giống bên nước bạn… Như vậy là, để có được giống chó tinh khôn nức tiếng toàn cầu hóa ra là chuyện không phải của riêng loài chó!

Trở lại với cuộc gặp gỡ với thầy Nguyễn Văn Hải, thầy tỏ ra quan tâm với thông tin đang có một trào lưu nuôi chó theo phong thủy hiện nay. Tuy nhiên, thầy Hải cười bảo rằng thầy không nghiên cứu “môn” phong thủy ấy, và thực tế “có nghiên cứu cũng bằng thừa”. Hỏi lý do tại sao thì thầy bảo, không chỉ riêng chó mà nhiều loài động vật khác, với giác quan trời phú riêng, đã là một “bậc thầy về phong thủy” rồi! Đơn cử như chuyện con chó, con mèo biết trước động đất cả tiếng đồng hồ là chuyện cả thế giới đều biết.

Quá trình công tác tại Bệnh viện Thú y, thầy Hải đã từng gặp trường hợp người chủ của một gia đình đến than vãn rằng nhà chỉ nuôi được chó đen, nuôi chó gì khác cũng không được. “Con chó là giống vật rất khôn ngoan. Nhà nào nuôi chó cứ để ý, góc nào con chó hay nằm là chỗ ấy yên. Chỗ nào con chó không bao giờ bén mảng đến, thử để chậu cây vào đấy có khi còn héo oắt héo úa”, thầy Hải nói.

Theo thầy Hải, điều này lý giải phần nào cho việc có nhiều người đến than rằng mất bao nhiêu công không làm sao huấn luyện được cho chú chó cưng của mình đi vệ sinh vào trong toilet. Đừng vội chê con chó ngu, mà chính là có khi phải xem lại nhà mình, xem đã hợp lý chưa. Có câu “chó ba khoanh mới nằm” là để nói về con chó khôn. Con chó khôn, tự nó đã biết cách xoay xở, gắn thêm cho nó vài ba mỹ từ cũng chẳng sao, chỉ là đừng tự huyễn hoặc mình là được…

Qua câu chuyện của mình, thầy Hải bảo, kinh nghiệm đúc kết từ bao đời, quan sát các hành vi, động thái của những con vật nuôi xung quanh để đoán biết phần nào các hiện tượng sắp xảy đến là chuyện ai cũng biết cả. Nhưng vin vào đó để lý giải cho các hành vi chủ quan của con người hay mong chờ một kết cục mơ hồ mà xa rời thực tại thì thật là sai lầm hết mức. Con chó đã, đang và vẫn sẽ làm tốt chức năng là bạn tốt của con người. Nhưng chó vẫn là chó. Với con người, chỉ có lao động chân chính mới tạo ra của cải!