(HNMCT) – Khi những hạt mưa xuân bắt đầu rơi xuống cũng là khi những mầm cây rau muối ngoi lên. Đấy là khi những bãi đất pha cát ngoài bãi sông Hồng mấy tháng trời nằm phơi cằn khô dưới gió đông giờ được mưa xuân tắm tưới bất ngờ lao xao những bụi cây nho nhỏ lá xanh nõn. “Rau muối! Rau muối đấy!”, không nhớ ai đã thốt lên như vậy.
Tôi thần người đứng nhìn. Đã lâu lắm rồi, dễ đến hơn 50 năm tôi mới có cảm giác sững sờ trước một loài rau dại. Lần đầu tiên tôi được nghe đến cái tên “rau muối” là bữa lũ trẻ chúng tôi, năm ấy chừng 8 – 9 tuổi, rủ nhau ra bãi sông Hồng chơi, đi từ chân cầu Long Biên phía nội thành ra.
Đó là một ngày cuối tháng Giêng, mưa xuân lất phất. Bờ bãi sông Hồng mờ mờ ảo ảo trong làn sương cùng mưa bụi. Vẻ mờ ảo ấy dường như làm tăng thêm sự hiếu kỳ cho lũ choai choai. Lò dò những bước chân khật khưỡng bởi đất cát gặp mưa nên nhão nhoét, chúng tôi lò dò tiến vào khu ruộng ngô mới nảy hạt.
Không gian tuyệt nhiên vắng lặng, chỉ có tiếng gió thổi vọng từ ngoài mặt sông tới và tiếng chân của lũ trẻ. Bất chợt có giọng phụ nữ cất lên, giọng nói vừa như cảnh báo vừa như hỏi xem chúng tôi cần gì. Cả bọn đứng im ngơ ngác, rồi từ vạt sương mù trước mặt xuất hiện một người phụ nữ. Cô bước lại gần chúng tôi, trên tay còn cầm nắm lá xanh tựa nắm cỏ. Cô cất tiếng hỏi: “Các cháu đi đâu? Cẩn thận trời mù không nhìn thấy gì dễ sa chân vào hố sụt đấy”. Rồi cô lại gần hơn, giảng giải: “Ngoài bãi sông là đất mới bồi qua những tháng ngập nước nên thường xuất hiện những hố sụt. Hố sụt rất nguy hiểm, nếu hố nhỏ thì bị mắc chân, còn nếu hố to có khi nguy hiểm đến tính mạng”. Cô tự giới thiệu mình tên là Thắm. Nghe cô Thắm giảng giải như thế, chúng tôi bỗng thấy hú hồn.
Dường như chiều lòng bọn trẻ ngốc nghếch, cô Thắm dẫn chúng tôi đi thăm ruộng ngô của mình. Cô bảo quê cô ở Hưng Yên. Hằng năm, cứ vào dịp cuối thu đầu đông, khi nước sông Hồng bắt đầu cạn làm lộ ra những bãi phù sa đậm đỏ là lúc cô cùng một số người trong thôn đi thuyền ngược sông Hồng rồi cập vào bãi sông bên hữu, chỗ giáp với nội thành, để trồng rau, khoai, ngô. Cho đến đầu hè, các cô lại xuôi thuyền về quê, chờ vài tháng lại ngược sông mưu sinh.
Tôi hỏi chen ngang: “Cô Thắm ơi! Cô cầm trên tay cây gì vậy?”. Cô Thắm như sực tỉnh, trở về với công việc đang làm trước khi gặp chúng tôi: “Cây rau muối đấy”. Tôi lại hỏi: “Cô ơi, rau muối là gì? Chắc rau này mặn như muối ấy cô nhỉ?”. Cô cúi xuống, nhổ lên một cây nhỏ có những chiếc lá xanh nhưng bề mặt lá lại được phủ một lớp mỏng trắng như bụi phấn. Cô bảo: “Dân ngoài bãi gọi đây là cây rau muối vì nó có vị mằn mặn và hơi chát”. Tôi lại tò mò: “Có ăn được không mà cô hái nhiều thế?”. Cô Thắm cười: “Rau này ăn ngon lắm. Nấu canh suông cũng ngon. Người ngoài bãi gọi là rau nhà nghèo”.
Rau muối là loại cây thân thảo, trông gần giống thân hoa mười giờ, có lá nhỏ li ti nằm sát đất. Người hái rau phải tỉ mẩn ngắt từng mầm rau nhỏ và mất vài giờ mới có đủ để nấu nồi canh cho cả nhà. Cô Thắm cho hay, cây rau muối mọc tự nhiên ở khắp nơi, nhiều nhất là ở ngoài bãi sông. Đất phù sa rất thích hợp cho cây rau muối sinh trưởng. Người dân thu hái các ngọn non và lá non của loài cây hoang dại này làm rau ăn, chế biến bằng cách luộc, xào hoặc nấu canh. Chơi ngoài bãi và cùng cô Thắm đi hái rau muối chừng hơn một tiếng thì cô giục bọn tôi về nhà kẻo bố mẹ mong. Chúng tôi chào cô để về nhà. Cô Thắm nói với theo: “Nhớ đưa rau muối cho mẹ nấu canh ăn trưa nay nhé”.
Bữa trưa hôm ấy, cả nhà tôi được ăn bát canh “rau nhà nghèo”. Hình như mẹ tôi cũng đã biết về cây rau muối nên chỉ nói: “Lần sau các con không được tự do ra bãi sông Hồng nhé. May hôm nay có cô Thắm, chứ không thì…”, rồi lẳng lặng đi nấu canh. Tới bữa, mẹ bảo tôi múc canh ra bát tô đặt vào mâm. Bát canh bốc hơi nghi ngút, nhìn phát thèm. Bấy giờ mẹ mới cẩn thận mở nắp lọ Penicillin đựng mỳ chính – thứ gia vị xa xỉ thời đó, chấm nhẹ đầu đũa rồi nhúng vào bát canh rau muối. Đó là bữa cơm trưa với bát canh rau muối ngon nhất với tôi cho đến bây giờ…
Sáng nay mưa xuân. Tôi cùng với ông bạn hưu thong thả đạp xe vài vòng quanh nơi tôi đang ở. Khu đô thị mới được hình thành độ chục năm trên khu đất ngày trước là ruộng rau. Bất chợt tôi phanh khựng xe lại sau tiếng ông bạn: “Rau muối! Rau muối đấy!”. Trên bãi đất hoang ngay bên cạnh đường là vô vàn những cây rau muối đang đua nhau từ đất chui lên, hớn hở khoe những chiếc lá nhỏ màu xanh nõn được phủ một lớp trăng trắng như bụi phấn.
Từ trong xa thẳm, ký ức về bát canh rau muối, thứ “rau nhà nghèo” chợt ùa về náo nức.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!