Phân biệt 2 loại ô liu xanh – ô liu đen và cách sử dụng chúng trong nấu ăn – Học viện Quốc tế CHM – CHM International Institute

Trên thị trường hiện nay có nhiều loại ô liu hơn những gì bạn nghĩ. Tuy nhiên, cách phân loại ô liu cơ bản nhất vẫn là chia thành 2 loại: ô liu xanh và ô liu đen. Bạn thắc mắc về sự khác biệt và cách sử dụng của từng loại ô liu? Hãy đọc bài viết sau để tìm kiếm câu trả lời nhé!

Đặc điểm và cách sử dụng ô liu xanh

Ô liu xanh là quả chưa chín của cây ô liu. Hương vị đặc trưng mà chúng ta nếm được của loại ô liu này có được từ quá trình lên men. Sau khi được hái xuống từ cây ô liu, quả xanh sẽ được ngâm trong dung dịch kiềm trước khi ngâm nước muối. Quá trình này là vô cùng cần thiết để loại bỏ vị đắng tự nhiên của quả ô liu sống.

Ô liu xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất béo lành mạnh. Ngoài ra, chúng còn chứa hàm lượng cao vitamin A và E. Bạn có thể tìm mua ô liu xanh tại các cửa hàng bán thực phẩm nhập khẩu và siêu thị. Các giống ô liu xanh phổ biến bao gồm Manzanilla, Picholine và Cerignola.

o liu xanh

Ô liu xanh có hàm lượng natri cao. Vì vậy, chúng có vị mặn và được sử dụng đa dạng trong ẩm thực. Bạn có thể thưởng thức ô liu xanh theo nhiều cách: ăn sống, trộn salad, nấu cùng mỳ ống, nấu nước sốt hoặc để trang trí cho một ly martini.

Công thức món ăn với ô liu xanh tại đây.

Đặc điểm và cách sử dụng ô liu đen

Khi quả ô liu chín, chúng sẽ chuyển dần sang màu đen: từ xanh lục sang xanh sẫm, nâu nhạt và cuối cùng là đen đậm. Vì khi được thu hoạch, ô liu đen đã chín nên chúng thường mềm và ít nước hơn co với ô liu xanh. Sau khi trải qua quá trình xử lý, quả ô liu thành phẩm sẽ có màu sẫm hơn nữa.

Cũng giống với ô liu xanh, ô liu đen chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn, canxi và kali. Chúng cũng chứa nhiều vitamin E và A. Một số giống ô liu đen phổ biến phải kể đến là: Ô liu Kalamata (Hy Lạp) và ô liu Gaeta (Ý).

o liu đen

Bạn có thể thưởng thức ô liu đen như một món ăn nhẹ hoặc món khai vị. Bạn cũng có thể tạo ra một đĩa charcuterie tuyệt vời bằng cách bổ sung thêm ô liu đen. Chúng cũng được sử dụng làm lớp phủ pizza hay trộn cùng salad, mỳ ống.

Công thức món ăn với ô liu đen tại đây.

Phân biệt ô liu xanh và ô liu đen

Tổng hợp lại, ô liu xanh và ô liu đen có một vài điểm khác biệt như sau:

  • Màu sắc: Đúng như tên gọi của chúng, ô liu xanh có màu xanh lá cây và ô liu đen có màu đen. Tuy nhiên, một số quả ô liu xanh có thể có màu vàng hơn màu xanh lá cây. Và một số quả ô liu đen thiên nhiều hơn về màu tím hoặc nâu.
  • Hương vị: Ô liu xanh chứa nhiều natri hơn nên có vị mặn hơn ô liu đen. Ô liu xanh cũng có xu hướng đắng hơn ô liu đen.
  • Độ chín: Ô liu xanh được thu hoạch trước khi chúng chín hoàn toàn. Ô liu đen chín trước khi thu hoạch.
  • Chế biến: Ô liu xanh trải qua một quá trình lên men bao gồm ngâm trong dung dịch kiềm trước khi được lưu hóa trong nước muối. Ô liu chín bỏ qua bước lên men và được xử lý ngay.
  • Giá trị dinh dưỡng: Cả ô liu xanh và ô liu đen đều giàu dinh dưỡng. Nhưng nếu bạn đang tìm kiếm lựa chọn lành mạnh hơn, thì ô liu xanh sẽ giành chiến thắng. Nguyên nhân là do ô liu xanh chứa nhiều polyphenol (chất chống oxy hóa có lợi ích chống viêm) cao hơn ô liu đen.

o liu xanh va o liu đen 1

Bạn có thể thay thế ô liu xanh và ô liu đen cho nhau không?

Sự khác biệt về hương vị giữa 2 loại ô liu khiến việc sử dụng thay thế cho nhau rất khó khăn. Nếu phục vụ ô liu tươi như một món ăn nhẹ hoặc món khai vị, bạn có thể thay thế ô liu xanh bằng ô liu đen. Tuy nhiên, nếu một công thức yêu cầu loại ô liu cụ thể, nó sẽ bao gồm chính xác hương vị của loại ô liu đó.

o liu xanh va o liu den 2

Trong trường hợp phải thay thế ô liu đen bằng ô liu xanh, hãy cố gắng nấu trong thời gian ngắn hơn. Việc này sẽ giúp chúng giữ được nhiều hương vị. Ô liu xanh có thể được nấu chín để giảm bớt vị đắng. Nhưng bạn hãy nhớ điều chỉnh lượng muối trong món ăn sao cho phù hợp với độ mặn của ô liu xanh.

Tìm hiểu thêm về ngành Nghệ thuật Ẩm thực của CHM tại đây.