Nghe kém là tình trạng suy giảm thính lực (nghe không rõ, không nghe được) ở một hoặc hai bên tai, có thể xuất hiện khi vừa mới sinh ra hay ở bất kỳ lứa tuổi nào. Ở trẻ em, nghe kém làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tiếp thu ngôn ngữ, dẫn đến mặc cảm, thiếu tự tin… Ở người lớn, bệnh lý này làm cản trở quá trình làm việc hay giao tiếp xã hội. May mắn thay, tình trạng nghe kém này có thể được phục hồi nhờ vào nhiều phương pháp, trong đó cấy điện cực ốc tai là phương pháp hiện đại nhất.
Cấy điện cực ốc tai là gì?
Cấy điện cực ốc tai là phương pháp cấy ghép bao gồm thiết bị điện tử đặt vào ốc tai, hỗ trợ phục hồi thính lực cho trẻ em và người lớn. Bộ phận cấy ghép bao gồm một bộ phận xử lý âm thanh nằm sau tai và một bộ phận được cấy trong tai nhằm thay thế các tế bào thần kinh thính giác bị tê liệt. Khi đó, các xung động thần kinh được tạo ra sẽ truyền đến não, giúp người nghe kém cảm nhận được âm thanh. (1)
Cơ chế hoạt động của điện cực ốc tai
Không giống như máy trợ thính chỉ giúp khuếch đại âm thanh, điện cực ốc tai có khả năng bỏ qua những tổn thương ở các bộ phận tai trong và truyền tín hiệu âm thanh đến não bộ.
Điện cực ốc tai gồm có 2 bộ phận chính: một phần nằm phía sau tai được xem như bộ thu tín hiệu âm thanh, một phần là bộ thu được cấy phía trong tai, có nhiệm vụ nhận tín hiệu do bộ phận bên ngoài gửi về. Các tín hiệu này kích thích dây thần kinh thính giác và truyền đến não bộ để phân tích các tín hiệu đó thành âm thanh để người bệnh có thể nghe được.
Mặc dù thiết bị này không giúp người bệnh nghe được hoàn hảo như thính giác của người bình thường nhưng người cấy điện cực ốc tai có thể nghe hiểu giọng nói sau một thời gian sử dụng mà không cần đọc khẩu hình miệng.(2)
Chỉ định và chống chỉ định cấy điện cực ốc tai
1. Trường hợp được chỉ định
Theo BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, trẻ em và người lớn, kể cả người lớn tuổi đều có thể thực hiện phương pháp cấy ghép điện cực ốc tai. Đặc biệt, trẻ em nên thực hiện phương pháp này càng sớm càng tốt để trẻ được tiếp xúc với âm thanh trong giai đoạn phát triển ngôn ngữ.
Dưới đây là các điều kiện để cấy điện cực ốc tai:
- Từ 12 tháng tuổi trở lên
- Nghe kém hoặc điếc sâu (>90dB) ở cả 2 tai, trước hoặc sau khi biết ngôn ngữ
- Đã sử dụng máy trợ thính nhưng không có hiệu quả hoặc hiệu quả kém
- Não không có tổn thương, dây thần kinh số 8 bình thường
- Cấu trúc ốc tai bình thường không có dị dạng, không bị vôi hóa toàn bộ
2. Trường hợp chống chỉ định
Một số bệnh nhân không thể phẫu thuật cấy điện cực ốc tai:
- Người mắc bệnh viêm tai giữa đang tiến triển
- Người chậm phát triển tâm thần
- Người có các bệnh lý nền nặng như tim mạch, thiếu máu, bệnh di truyền…. gây nguy hiểm cho quá trình phẫu thuật
Ưu nhược điểm của kỹ thuật cấy ốc tai điện tử
Tương tự như các thiết bị điện tử y tế khác, ốc tai điện tử cũng có những ưu và nhược điểm riêng.
1. Ưu điểm điện cực ốc tai
Cải thiện thính giác: giúp nghe được nhiều âm thanh khác nhau bao gồm tiếng ồn ào xung quanh, giọng nói trên điện thoại, âm thanh từ tivi hay thậm chí là tiếng bước chân. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng giúp người nghe kém có thể nghe hiểu được người bên cạnh nói gì mà không cần phải đọc khẩu hình.
Đem lại cơ hội học tập và nghề nghiệp: cấy điện cực ốc tai giúp trẻ nhỏ dễ dàng học ngôn ngữ khi tiếp xúc với âm thanh từ sớm, giúp trẻ tiếp thu ngôn ngữ dễ dàng hơn cũng như giao tiếp với bạn bè trong tương lai. Đồng thời, ốc tai điện tử cũng mang đến cơ hội phục hồi thính lực cho người lớn, giúp họ dễ dàng quay lại cuộc sống và công việc như trước.
Đảm bảo an toàn: sử dụng ốc tai điện tử giúp người bệnh có khả năng nghe thấy những cảnh báo nguy hiểm như còi báo cháy, còi xe lửa…(4)
2. Nhược điểm
Cấy ghép điện cực ốc tai điện tử không thể khôi phục hoàn toàn thính giác: nhìn chung đây là một phương pháp an toàn giúp cải thiện khả năng tiếp nhận và xử lý âm thanh nhưng không thể khôi phục 100% như thính giác của một người bình thường.
Kết quả và mức độ hồi phục của từng người sẽ khác nhau: mỗi người sẽ dần dần tập luyện để đạt được hiệu quả của phương pháp cấy điện cực ốc tai khác nhau chứ không phải ai cũng như nhau.
Bất tiện khi tham gia một số hoạt động: những người sử dụng ốc tai điện tử đều có thể tham gia tất cả các hoạt động chung nhưng để bảo vệ thiết bị khỏi hư hại, người bệnh nên tháo bộ phận bên ngoài của ốc tai điện tử ra khi đội mũ bảo hiểm kín tai hay bơi lội…
Chi phí phẫu thuật: chi phí cấy điện cực ốc tai khá cao so với những người có thu nhập trung bình, nên nhiều người có chỉ định cấy điện cực ốc tai nhưng vẫn chưa thực hiện được.
Phẫu thuật: tương tự như bất kỳ quy trình phẫu thuật nào, cấy điện cực ốc tai cũng có những hạn chế và rủi ro. Vì thế, trước khi tiến hành phẫu thuật, người bệnh nên tìm kiếm và lựa chọn bệnh viện có chuyên khoa sâu về tai thần kinh và bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm cấy điện cực ốc tai.
Tai biến khi cấy điện cực ốc tai và xử lý
Tương tự như các cuộc phẫu thuật khác, phẫu thuật cấy điện cực ốc tai cũng có khả năng xảy ra một số biến chứng như sau:
-
- Tụ máu dưới da: xuất hiện khi cầm máu không kỹ hoặc chảy máu thứ phát. Đối với trường hợp tụ máu ít, bác sĩ có thể xử lý bằng băng ép. Nếu tụ máu nhiều thì cần phẫu thuật lại để cầm máu.
-
- Liệt dây thần kinh số 7: xảy ra khi vết mổ bị phù nề, người bệnh có thể hồi phục từ 3 – 6 tháng sau khi chống phù nề.
-
- Tiền đình: xuất hiện khi vịnh tiền đình của ốc tai bị tổn thương khi khoan tai, có thể điều trị phục hồi chức năng tiền đình.
-
- Nhiễm trùng vết mổ: do bệnh hố chũm hay các yếu tố môi trường tác động vào gây nhiễm trùng, có thể điều trị bằng kháng sinh liều cao.
-
- Rò dịch não tủy: do xuất hiện bất thường trong quá trình phẫu thuật ốc tai, có thể sử dụng keo sinh học hoặc mô cơ để bít đường rò lại.
Ngoài ra, còn một vài vấn đề khác có thể xuất hiện như chảy máu vết mổ, viêm màng não… Tùy vào tình trạng của biến chứng mà các bác sĩ sẽ có hướng xử lý phù hợp nhất để đảm bảo an toàn cho người bệnh. (3)
So sánh giữa ốc tai điện tử và máy trợ thính
Bác sĩ Trần Thị Thúy Hằng cho biết, mặc dù máy trợ thính và ốc tai điện tử đều giúp cải thiện và tăng cường thính lực cho người bệnh nhưng mỗi loại đều có những khác biệt riêng, nhất là khi nói đến chức năng của chúng.
Trước hết, hãy tìm hiểu sự tương đồng 2 thiết bị này. Máy trợ thính và ốc tai điện tử đều có bộ phận tiếp nhận âm thanh nằm trong bộ phận sau tai của người bệnh và được điều chỉnh sao cho phù hợp với sức nghe của mỗi người. Ngoài ra, cả 2 thiết bị đều giúp người bệnh cải thiện kỹ năng nghe mà không thể can thiệp bằng phương pháp điều trị nội khoa hay phẫu thuật khác.
Tuy có những điểm tương đồng nhưng chúng cũng có sự khác biệt rõ rệt như sau:
Máy trợ thính sử dụng micro, bộ khuếch đại và loa được đeo bên ngoài tai hay trong ống tai, giúp khuếch tán âm thanh to hơn rồi truyền chúng đến não bộ và hoạt động dựa vào chức năng của tế bào lông còn sót lại trong ốc tai. Đối tượng thích hợp để sử dụng máy trợ thính là những người bị mất thính lực từ nhẹ đến trung bình, giúp người bệnh dễ dàng hơn trong quá trình giao tiếp, sinh hoạt. Ngoài ra, người bệnh không cần phải can thiệp phẫu thuật khi sử dụng máy trợ thính mà chỉ cần gắn bộ phận khuếch tán âm thanh trong và sau tai, có thể tháo hoàn toàn thiết bị khỏi tai khi đi ngủ.
Ốc tai điện tử có cả bộ phận bên trong và bên ngoài tai, trong đó bộ phận bên trong được cấy dưới da và kết nối với dãy điện cực cấy trong ốc tai. Âm thanh sẽ được 2 bộ phận này tiếp nhận và xử lý làm kích thích trực tiếp dây thần kinh thính giác và truyền đến não bộ. Đối tượng nên sử dụng kỹ thuật cấy điện cực ốc tai này là những người bị nghe kém hay điếc sâu ở tai. Cấy ghép thiết bị điện tử vào trong tai đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ mang theo một bộ phận cố định trong cơ thể nên người bệnh chỉ có thể tháo bộ phận bên ngoài khi đi ngủ.
Các thắc mắc về phương pháp cấy điện cực ốc tai
Sau đây là tổng hợp những thắc mắc của khách hàng được các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng – BVĐK Tâm Anh giải đáp chi tiết nhất.
1. Chi phí cấy điện cực ốc tai thế nào?
Chi phí cấy điện cực ốc tai là mối quan tâm hàng đầu của nhiều khách hàng. Việc xác định chi phí phẫu thuật để xem xét điều kiện tài chính là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế, chi phí cấy điện cực ốc tai của mỗi người là hoàn toàn khác nhau vì nó phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố như tình trạng nghe kém hay mất thính lực, loại ốc tai điện tử sử dụng, bệnh viện thực hiện phẫu thuật và chính sách bảo hiểm y tế…
Đối với trường hợp có bảo hiểm y tế, người bệnh sẽ được hỗ trợ một phần chi phí phẫu thuật, nhưng chi phí cao nhất là ốc tai điện tử để cấy ghép. Thông thường, người bệnh cần chi trả từ 300 – 600 triệu đồng cho phương pháp điện cực ốc tai tùy vào loại ốc tai điện tử.
2. Hiện nay có những loại ốc tai điện tử nào?
Các loại ốc tai điện tử được sử dụng phổ biến trên thị trường hiện nay bao gồm:
2.1 Ốc tai điện tử Cochlear (Úc)
Điện cực ốc tai Cochlear là thiết bị đã có mặt tại Việt Nam khoảng 20 năm nay, được FDA Hoa Kỳ công nhận vào năm 1990 là loại điện cực có thể cấy cho người từ 2 – 17 tuổi. Hiện sản phẩm này được bán rộng rãi trên hơn 100 quốc gia. Với thiết kế nhỏ gọn, thời lượng pin lâu và hỗ trợ nghe trong môi trường ồn tốt, sản phẩm này được khá nhiều người tin dùng.
2.2 Ốc tai điện tử Medel (Áo)
Ốc tai điện tử Medel có mặt tại Việt Nam từ năm 2005, nhận được rất nhiều phản hồi tích cực và hiện có mặt trên 120 quốc gia. Với công nghệ mã hóa âm thanh Find Hiding và có chức năng WaterWear, người dùng có thể nghe chi tiết hơn, kể cả ở dưới nước. (5)
2.3 Ốc tai điện tử AB – Advanced Bionics (Thụy Sĩ)
Ốc tai điện tử AB hiện có mặt trên 100 quốc gia với kiểu dáng đa dạng, pin sử dụng lên đến 24h cùng công nghệ độc quyền 4 Microphone, giúp người bệnh cải thiện chức năng nghe tốt hơn gấp nhiều lần.
3. Thời gian mổ và thời gian nằm viện cấy ghép ốc tai điện tử?
Thời gian mổ cấy ốc tai điện tử trong bình khoảng 2 -3 giờ. Sau khi phẫu thuật, người bệnh sẽ được đưa đến phòng hồi sức cho đến khi thuốc mê hết tác dụng. Thời gian nằm viện theo dõi sau mổ khoảng 3 – 5 ngày.
4. Có thể nghe thấy âm thanh ngay sau khi phẫu thuật không?
Câu trả lời là không vì quá trình cấy ghép này chỉ gắn các thiết bị điện cực bên trong tai mà thôi. Sau khoảng từ 4 – 6 tuần khi vết mổ lành hẳn, bác sĩ sẽ tiến hành gắn bộ phận bên ngoài rồi người bệnh mới bắt đầu nghe âm thanh và cần huấn luyện để nghe hiểu được.
5. Cần lưu ý những gì sau khi phẫu thuật?
Việc hồi phục thính lực sau phẫu thuật không khó nhưng cần nhiều thời gian, do đó, sự hỗ trợ từ người thân là điều vô cùng cần thiết đối với người cấy điện cực ốc tai. Dưới đây là một số lưu ý cho người bệnh sau khi phẫu thuật:
- Không nên tự lái xe về nhà sau phẫu thuật mà cần có sự hỗ trợ của người thân
- Dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ
- Rửa vết mổ hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn sau khi tháo băng đầu
- Chỉ nên gội đầu 1 tuần sau phẫu thuật nhưng chú ý không để nước vào tai
- Ăn uống đầy đủ để mau lành vết mổ
Ứng dụng kỹ thuật cấy điện cực ốc tai tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Nghe kém, điếc sâu là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho người bệnh cảm thấy mất tự tin, thu mình lại khi đối diện với xã hội, đặc biệt là trẻ em – đối tượng chịu nhiều thiệt thòi khi không thể nghe được những âm thanh mới lạ của cuộc sống như các bạn cùng trang lứa.
Nhằm tạo điều kiện cho người nghe kém, điếc sâu có cơ hội “tìm lại thanh âm” đã mất, khoa Tai Mũi Họng – BVĐK Tâm Anh đã triển khai kỹ thuật cấy điện cực ốc tai do các chuyên gia phẫu thuật tai thần kinh trực tiếp thực hiện. Với kiến thức và kỹ thuật chuyên môn cao, các bác sĩ đã ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất vào quá trình chẩn đoán và phẫu thuật cấy ghép cho người bệnh.
Ngoài đội ngũ bác sĩ đầu ngành, Bệnh viện Tâm Anh còn sở hữu các trang thiết bị hiện đại nhất, được nhập khẩu trực tiếp từ các nước tiên tiến trên thế giới, giúp cho quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi hơn. Đồng thời, khoa Tai Mũi Họng cũng phối hợp chặt chẽ với các chuyên khoa khác như Nhi khoa, Nội thần kinh, Chẩn đoán hình ảnh… để chẩn đoán chính xác, mang lại kết quả điều trị hiệu quả cho người bệnh.
Là một bệnh viện khách sạn 5 sao với chất lượng dịch vụ tốt nhất hiện nay, khoa Tai Mũi Họng – BVĐK Tâm Anh là xứng đáng địa chỉ cấy điện cực ốc tai uy tín cho mọi nhà. Ngoài cấy điện cực ốc tai, khoa cũng hỗ trợ thăm khám và điều trị các bệnh lý Tai Mũi Họng thường gặp như: rối loạn tiền đình, rối loạn giọng, viêm amidan, viêm mũi xoang…
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!