Trong một chiều mưa dông, điều chúng tôi cảm nhận rõ nhất ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau là sự ồn ã đến nhức đầu. Âm thanh dẫn dụ chim yến và cả tiếng chim yến nháo nhác tìm về tổ trong những ngôi nhà cao tầng khiến không khí trở nên xáo xác.
Xây nhà tiền tỉ cho chim yến
Trong ngôi nhà bề thế ở giữa phố lớn, vợ chồng anh Lê Văn Thiệt, ở thị trấn Sông Đốc sôi nổi trò chuyện với chúng tôi về chuyện đời, chuyện nghề. Anh Thiệt là ngư dân thứ thiệt. Anh bảo, mấy năm nay, nghề biển vất vả, không còn được thuận lợi như trước. Nhiều chuyến biển bị lỗ liên tục, gia đình anh phải làm thêm nghề nuôi yến. “Tôi tính lấy nhà yến nuôi nghề biển” – Anh Thiệt nói.
Ngôi nhà hiện tại của anh Thiệt là “tổ ấm” của cả người và chim theo đúng nghĩa đen. Gia đình anh Thiệt sinh hoạt ở tầng dưới cùng. Các tầng ở trên được dành cho chim yến ở. Đây cũng là mô hình nhà ở khá phổ biến ở Cà Mau. Vợ anh Thiệt cho biết, mỗi tháng, gia đình anh chị thu được khoảng 2kg yến thô, trị giá khoảng 40 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế, việc nuôi yến không phải dễ dàng, cứ bỏ vốn xây nhà là có lời mà cũng gặp nhiều rủi ro.
Tiếp tục câu chuyện của mình, anh Thiệt bảo, ngôi nhà hiện tại được xây dựng từ tiền vay ngân hàng. Đến giờ, mỗi tháng, anh chị phải trả hàng chục triệu đồng tiền lãi mà sản lượng tổ yến lại ngày càng ít đi. Vợ anh Thiệt bộc bạch với chúng tôi, nghề nuôi yến giống như đánh bạc với trời. Sản lượng yến còn phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, địa hình khu vực xây nhà nuôi yến. “Không hiểu thời tiết, khí hậu thế nào mà yến bỏ đi rất nhiều” – Vợ anh Thiệt than thở.
Không dễ kiếm tiền triệu
Có một điều dễ nhận thấy là người dân nuôi yến không theo quy hoạch, mà nuôi theo kiểu phong trào, không cần nắm vững kỹ thuật nuôi. Tình trạng nhà nhà nuôi yến, người người nuôi yến không chỉ xuất hiện ở Cà Mau mà cả ở các địa phương khác.
Khi chúng tôi tới thăm nhà, chị Nguyễn Thị Thúy, ở xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang đang bận rộn trông thợ xây dựng thêm một căn nhà nuôi yến, dù căn nhà nuôi yến trước chưa cho sản phẩm. Chị bảo, đầu tư xây dựng mỗi căn nhà nuôi yến tốn kém vài tỉ đồng chứ không ít. Hỏi chị vì sao đầu tư nuôi yến, chị cười, nói: “Thấy người ta nuôi được, mình cũng nuôi theo”.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Thúy rôm rả cho biết, chị đang phải lựa chọn loại gỗ tốt để lắp xà gỗ cho yến làm tổ. “Chim yến sống sạch sẽ, kén chọn lắm nghe. Nhà hôi hám, gỗ có mùi là chúng không ở, bỏ đi ngay. Vì thế, làm khung trần cho nhà nuôi yến phải chọn loại gỗ phù hợp” – Chị Thúy miêu tả đặc tính của loài chim yến.
Phải thừa nhận rằng, nuôi yến là một nghề đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Theo tính toán của những người nuôi yến, nếu dụ được yến thành công thì 100m2 có thể thu về 1-2kg tổ yến một tháng, tùy theo giá trị trường, người nuôi yến có thể thu về 20-40 triệu đồng/tháng. Trước nguồn thu lớn từ nghề nuôi yến, nhiều người đã bỏ hàng tỉ đồng để xây nhà dụ chim yến về, nhưng không phải người nào cũng thành công bởi không nắm vững kỹ thuật.
Cái khó nhất của nghề nuôi yến là phải dụ được yến về nhà. Vì thế, khi xây nhà nuôi yến, trước hết, phải được tư vấn, khảo sát kỹ đường đi của chim yến. Để đảm bảo được thành công, ít nhất phải chọn địa điểm xây nhà gần đồng ruộng, sông hồ, bụi cây – nơi có nhiều thức ăn cho yến. Tuy nhiên, không phải người nuôi yến nào cũng coi trọng khâu này mà cứ xây nhà yến theo kiểu phong trào.
Vợ anh Thiệt cho biết: “Có người xây nhà nuôi yến cả mấy năm mà không dụ được chim về làm tổ. Hơn nữa, yến là loại chim hoang dã, ưa thích nơi yên tĩnh, nếu ra vào nhà yến nhiều, nó sẽ hoảng sợ mà bỏ đi. Nó “khó tính” lắm, dơ một chút là không chịu ở. Cũng không biết tại sao có đợt chim bố mẹ còn bỏ chim con đi, con non không được bón ăn chết rất nhiều. Trong quá trình nuôi, mình còn phải tìm cách diệt gián, chuột, dơi để bảo vệ chim yến. Lại còn phải xử lý nấm mốc, tạo ẩm…, nhiều rủi ro lắm chứ không phải dễ ăn”.
Phong trào nuôi chim yến tự phát, không theo quy hoạch đã và đang gây ra những hệ lụy. Đã có không ít người phá sản bởi không dụ được chim yến. Thứ nữa là nhà yến đã và đang gây không ít phiền toái cho người dân sống xung quanh, trước hết là tiếng ồn, sau đó là nguy cơ dịch bệnh, rồi nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chất thải của chim.
Thực tế, hoạt động nuôi chim yến đã chính thức được đưa vào quản lý trong Luật Chăn nuôi tại Điều 64 và được hướng dẫn tại Điều 25, Nghị định số 13/2020/NĐ-CP, ngày 21-1-2020 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi.
Theo đó, vùng nuôi chim yến do HĐND cấp tỉnh quyết định; vùng nuôi chim yến phải bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến, phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương và không gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân tại khu vực nuôi chim yến. Thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70dBA. Thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến từ 5 giờ đến 11 giờ 30 phút và từ 13 giờ 30 phút đến 19 giờ mỗi ngày.
Trường hợp nhà nuôi yến hoạt động trước ngày 5-3-2020 nhưng không nằm trong vùng nuôi chim yến do HĐND cấp tỉnh quyết định, nhà nuôi yến nằm trong khu dân cư, cách khu dân cư dưới 300m thì không được sử dụng loa phóng phát âm thanh ở bất kỳ vị trí nào, chỉ được phát loa dẫn (loa ru) ở trong nhà nuôi yến. Tuy nhiên, không phải người nuôi yến nào cũng biết và tuân thủ theo đúng những quy định này.
Bích Nguyên
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!