Đây là nồi cơm điện mà nhà mình đã sử dụng được 28 năm rồi đấy và em nó bị trục trặc đúng 1 lần cách đây 8 năm , bạn có tin không 😀 . Thời điểm đó, năm 1991, khi 1 chỉ vàng có giá 200k nhưng sau khi xem xét nhiều loại nồi, mẹ mình vẫn quyết định mua nồi cơm điện Tiger JNP-1803 với giá 2,3 triệu ^^ vì nghe theo lời khuyên của người bán hàng đó là loại nồi tốt nhất và nhiều chức năng nhất 😆 . Tính ra em nồi này đáng giá cả 1 lượng vàng đấy nhé 😉 . Lúc đó hàng điện máy chưa có nhiều và hàng Nhật Bản luôn nổi tiếng về chất lượng và độ bền nên đây là lý do mẹ mình chọn mua. Ngoài ra, mẹ chọn mua vì khi cơm nấu chín, nó sẽ tự động chuyển qua nút hâm nóng trong khi các dòng nồi khác thì người nấu phải canh mà tắt nồi, nếu không sẽ cháy cơm 😆 . Đây là nồi sản xuất tại Nhật Bản nhưng dành cho thị trường Việt Nam chứ không phải hàng xách tay nên sử dụng điện 220V.
Nếu bạn còn băn khoăn chưa biết chọn nồi nấu cơm hiệu gì thì mình chắc chắn sẽ recommend cho bạn nồi cơm Tiger và thực tế không chỉ mình mà trên nhiều diễn đàn nấu ăn họ cũng đánh giá cao nồi cơm điện của hãng này. Ngoài ra nồi còn có chức năng nấu cháo và chức năng hấp rất tiện dụng nữa. Hiện giờ sản phẩm này vẫn được sản xuất tại Nhật Bản và bán tại thị trường Việt Nam với giá khoảng 3,1 triệu. Nếu chịu khó canh sale thì bạn cũng sẽ hốt về được em này với giá tầm 2,7 triệu 😆 .
=> Tham khảo giá nồi cơm điện Tiger tại đây
1. Cấu tạo nồi và phụ kiện
Nồi mình mua có màu hồng, trọng lượng là 4kg, dung tích 1,8L và có kích thước là 29.9×27.9×29.7cm . Bên ngoài nồi bạn sẽ thấy miếng dán đề can có ghi 3 in 1 thể hiện 3 chức năng là nấu cơm (rice cooker), nấu cháo (porridge cooker) và hấp (steamer). Các phụ kiện đi kèm nồi gồm 1 nồi nấu cháo và 1 đồ hấp bằng nhôm, 1 muỗng to múc cháo và 1 muỗng múc cơm bằng nhựa, 1 ngăn đựng muỗng và 1 cốc đong bằng nhựa trong.
Bây giờ mình sẽ cho các bạn xem toàn bộ phụ kiện của nồi nhé, thiếu 1 món đó là vá (muôi) múc canh. Vì bằng nhựa nên sau thời gian dài múc đồ nóng thì vá bị sùi nên mình quăng ra sọt rác rồi 😆 . Sau 28 năm sử dụng, màu sắc và hình ảnh xung quanh nồi đã bạc màu rồi, cái lỗ thông hơi thì bạn chuột đã gặm cho sát nắp luôn 😆 . Cái phích cắm nó bị đen là do mình cắm vào ổ cắm điện nó lỏng nên bị xì khói 😆 .
2. Ưu điểm của nồi cơm điện Tiger
– Độ bền của nồi thì không cần bàn cãi nữa. Sau 28 năm dùng với tần suất nấu tối thiểu là 16 lần/tuần ( 7 bữa tối, 7 bữa trưa và tối thiểu 2 lần nấu xôi cho bữa sáng) thì đến nay em nó vẫn hoạt động bình thường, trừ cái nắp nồi sau thời gian mở ra mở vào thì nó bị chờn rồi nên hay bị bật, do đó mình đã dùng vật nặng ( ổ khóa) để chèn lên mỗi khi nấu 😆 . Cách đây 8 năm thì nồi dừng hoạt động, và khi mình mở đáy nồi thì thấy dây bị đứt nhưng nhà sản xuất có cho thêm 1 dây để dự phòng nên mình nối lại và sử dụng tốt đến giờ. Công nhận là mấy bác Nhật sản xuất thật có tâm, còn có cả dây dự phòng sẵn trong nồi nữa 😀 Bạn nào không tự làm được thì đem ra tiệm nhé hoặc giụt đi sắm nồi khác thì mình nghĩ là cũng ok thôi vì cũng xài được 20 năm rồi mà 😆
– Nồi nấu cơm cực ngon, hạt cơm chín đều không nhão không sượng. Thời gian nấu cho 2 lon sữa bò gạo ( 500g) là 30 phút thì cơm chín và chuyển sang chế độ hâm nóng.
– Lòng nồi chống dính cực tốt, sau 28 năm mà lớp chống dính vẫn còn bám tốt và bị bong tróc rất ít. Những vết bong tróc xung quanh thành nồi là do mình chèn thêm 1 đồ hấp bằng kim loại (không phải phụ kiện đi kèm nồi) và mình làm khá mạnh tay mỗi lần cho đồ hấp này vào nên nó mới trầy trụa vậy nhé chứ không phải lớp chống dính dởm đâu.
– Khay hấp bằng nhôm và có lỗ rất nhỏ nên không chỉ dùng để hấp bánh bao mà mình còn dùng để đồ xôi mỗi sáng. Mỗi lần mình nấu 1 lon sữa bò gạo nếp ( khoảng 250g) và thời gian là 20 phút. Có khá nhiều nồi cơm điện cũng có khay hấp nhưng thường bằng nhựa và lỗ khá to nên bạn không thể đồ xôi được và đồ nhựa thì mình không thích lắm cho dù đó là nhựa chịu được nhiệt độ cao vì sau một thời gian sử dụng thì nhựa sẽ bị sùi và không còn sáng bóng như trước.
– Chỗ để khay hấp khá thấp nên cho con gà 1 kg vào vừa nhé. Các nồi cơm điện khác thì khay hấp gần chạm với nắp nồi nên bạn không thể để vừa con gà mà phải chặt miếng nhưng nó cũng không thể hấp được lượng nhiều như nồi này.
– Nồi có chức năng nấu cháo và do nồi kín nên rất tiết kiệm thời gian nấu so với việc bạn nấu cháo bằng bếp ngoài. Khi nấu bạn sẽ dùng nồi nhỏ đặt vào nồi to, sau đó đổ nước vào khoảng giữa của hai nồi. Bạn có thể nấu cháo vào buổi tối và đến sáng thì cháo vẫn còn nóng hôi hổi vừa thổi vừa ăn 😉 . Cháo thì bạn nên nấu loãng thôi vì khi để qua đêm và nồi còn hoạt động thì nước sẽ bốc hơi làm cháo bị đặc. Bạn có thể tham khảo hướng dẫn nấu cháo theo hình bên dưới.
– Mình có dùng nồi để hầm thịt và cả nấu bánh chưng nữa. Vì nồi kín nên nó cũng gần tương tự như nồi áp suất. Mỗi lần bạn sẽ nấu được 4 cái bánh chưng cỡ nhỏ trong thời gian 2h – 3h.
– Nồi có thể dùng để nướng bánh mì ngọt thì chất lượng cũng ổn, đương nhiên là nó không ngon bằng khi bạn nướng bánh bằng lò nướng rồi vì nồi cơm điện này nó chỉ có nhiệt ở dưới chứ không có nhiệt ở trên nên bánh không vàng mặt được. Nói chung muốn nướng bánh thì bạn nên mua một cái lò nướng ( giá có tầm 600k thôi) thay vì đi dùng nồi cơm điện vì bạn phải vật lộn với nó mà thành phẩm thì chỉ bằng (nếu bạn khéo tay 😉 ) hoặc đa phần tệ hơn lò nướng. Lò nướng có dung tích nhỏ (< 20L) thì nướng thịt cá ngon hơn lò nướng có dung tích lớn do khoảng cách từ thanh nhiệt đến thực phẩm rất gần nhau, nên thịt cá sẽ nhanh chóng se bề mặt, không thoát nướt cốt ra ngoài nên sẽ không bị khô. Lò nướng có dung tích lớn ( từ 20L trở lên) thì nướng bánh ngon hơn lò nướng nhỏ do khoảng cách từ thanh nhiệt đến bánh đủ xa để bánh nở đều nhưng không bị cháy.
=> Lò nướng thùng tí hon – nhỏ nhưng có võ
3. Nhược điểm của nồi cơm điện Tiger
Đối với mình thì nồi chỉ có 1 khuyết điểm duy nhất ở phần đặt vỉ hấp. Ở thành nồi có 4 khất nhô ra để bạn đặt vỉ hấp, nhưng vì nó quá ngắn nên khi lấy đồ ăn từ vỉ hấp thì bạn phải nhẹ tay, chứ không nó sẽ lật đấy. Chính vì nó hay bị lật nên mình chèn thêm 1 vỉ bằng kim loại vào và làm thành nồi trầy trụa. Mà vì mua nồi cũng khá lâu rồi nên mình không có nhẹ nhàng nâng niu em nó nữa 😆 .
4. Các lưu ý khi sử dụng & đánh giá chung
Của bền tại người nên khi sử dụng bạn cũng nên lưu ý một số điểm sau nhé :
– Đừng để phích cắm bị lỏng khi cắm vào ổ cắm điện. Điều này là để tránh gây giật điện, chập mạch hoặc cháy. Bạn thấy hình chụp bên trên cái phích cắm nó đen thui là do ổ cắm lỏng đấy.
– Không để mặt và tay gần nắp và lỗ thoát hơi vì có thể gây bỏng. Mình mấy lần cũng bị rồi nên khi mở nắp nồi thì né né ra tí nha
– Chỉ sử dụng muỗng được cung cấp kèm theo hoặc môi gỗ. Không sử dụng đồ dùng cứng như muỗng kim loại hoặc thìa.
– Vo gạo trong một đồ chứa riêng. Sử dụng nồi trong để vo gạo có thể làm hỏng lớp phủ fluorocarbon hoặc làm biến dạng đáy nồi trong, khiến cơm không chín đúng. Cái lời khuyên này mình lúc đó cũng còn nhỏ tuổi quá nên cũng chẳng đọc còn mẹ mình thì không để ý. Suốt 28 năm qua thì nhà mình có lúc dùng rá nhưng cũng có lúc dùng nồi này để vo gạo luôn 😆
– Không dịch chuyển nồi cơm điện trong khi đang nấu. Làm như vậy có thể khiến đồ nấu bên trong đổ tràn và gây bỏng.
Tóm lại, với chức năng nấu cơm, nấu cháo cùng với độ bền thì mình cho nồi này 5 sao. Vỉ hấp thì mình cho 4,5 sao thôi vì nó hay bị lật, nếu nhà sản xuất chịu cải tiến bằng cách nối dài khất hoặc thêm 2 khất thì nó sẽ không bị lật nữa. Mức giá của nồi không hề rẻ so với các dòng nồi cơm điện cơ khác nhưng nó sử dụng đến 28 năm ^^ … mà bạn thấy đấy, khi mình viết bài review này thì em nó vẫn hoạt động ngon lành thì tuổi thọ chắc chắn sẽ là hơn 28 năm rồi đấy.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!