Nhạc cụ nhìn từ góc độ âm học: Nhạc cụ kéo vĩ (phần 1)

Nhạc cụ kéo vĩ tức là các nhạc cụ dùng vĩ để kéo dây, từ đó tạo ra âm thanh. Nổi tiếng nhất là các nhạc cụ thuộc họ violin, sau đó là các nhạc cụ khác như đàn nhị, đàn Morin Khuur…

Những nhạc cụ kéo vĩ thuộc họ violin như violin, viola, cello có thể tách ra khỏi một phân loại lớn hơn là nhạc cụ hộp gỗ, dù rằng về bản chất, các nhạc cụ kéo vĩ đều có thân làm bằng hộp gỗ. Hầu hết các nhạc cụ trong họ violin đều được chế tác theo công thức chung như sau: mặt trước được làm bằng gỗ vân sam, mặt sau, các cạnh và cần đàn được làm từ gỗ thích. Fingerboard được dán keo, gắn vào cần đàn, phần này hay được làm bằng gỗ mun. Rất nhiều đàn cello và bass giá rẻ thường được làm bằng gỗ ván ép (plywood), trong khi nhạc cụ sơ cấp với chất lượng tốt hơn vẫn được làm bằng gỗ thịt. Hiện tại, Trung Quốc là nơi sản xuất đàn lớn nhất thế giới với đủ mọi chất lượng khác nhau. Chúng ta có thể mua từ đây những cây violin cực kỳ rẻ với chất lượng rất tệ, gần như không thể chơi được cũng như những cây đàn giá vài chục nghìn đô la, chất lượng không thua kém gì đàn chất lượng cao từ Đức, Ý hay Mỹ.

Một số nhạc cụ kéo vĩ hiện đại được làm từ sợi carbon thay vì gỗ truyền thống, và chất lượng âm thanh của chúng hiện nay cũng được đánh giá cao hơn so với khoảng 6-7 năm về trước, chủ yếu nhờ vào sự đồng nhất về chất âm khi so sánh giữa hai nhạc cụ được làm từ cùng vật liệu. Dù vậy, không phải lúc nào sự đồng nhất này cũng là yếu tố cần thiết.

nhac cu keo vi

Phần viền cạnh của một nhạc cụ dây thường được làm từ những lát gỗ thích mỏng, dán quanh khung cấu trúc bên trong của đàn, sau đó dùng kẹp để cố định lại, từ đó định hình cho đàn. Sau khi dán mặt sau vào bộ khung này, khung cấu trúc và kẹp sẽ được tháo ra. Lúc này người ta mới dán mặt trước vào, đóng kín lại để thành cây đàn hoàn chỉnh.

Hình ở trên là một cây contrabass đang trong giai đoạn được lắp ráp. Lúc này phần mặt sau (đáy) được dán vào viền cạnh và khung sườn. Phần khung bằng gỗ ép với các lỗ hình chữ nhật không phải là một phần của nhạc cụ. Trên thực tế bộ khung này giữ cho các cạnh bên vuông góc với mặt sau trong suốt quá trình lắp đặt. Sau khi keo đã khô và đóng chết lại, lúc này người ta mới tháo khung gỗ ép ra rồi dán tấm mặt trước lên trên. Hầu hết thợ làm đàn dùng keo da nóng để dán đàn vì lúc cần, nó có thể dễ dàng tháo ra để sửa chữa trong khi vẫn giữ được độ kết dính rất lớn so với keo trắng polyvinyl acetate, vốn khi dán sẽ đóng cứng lại vĩnh viễn.

violin

Các nhạc cụ thuộc họ violin đều có cấu trúc bên trong như thế này.

Hình ở trên cho thấy cấu trúc bên trong của một cây đàn violin. Thiết kế cơ bản này được áp dụng cho cả viola, cello và double bass. Sound post là một cọc hình trụ nhỏ nối phần mặt trước và mặt sau của đàn. Khi ta chơi một nốt nhạc bất kỳ, dây sẽ làm rung ngựa đàn (bridge), tỏa ra hai bên, từ đó truyền năng lượng xuống tấm mặt trước. Vì sound post kết nối cả mặt trước và mặt sau nên cả hai mặt sẽ cùng rung lên và góp phần làm nên chất âm của nhạc cụ.

Bass bar được dán vào mặt trước để gia cố cho nhạc cụ, ở hình dưới đây ta có thể thấy hình dáng và kích thước tương đối của nó khi đang được kẹp vào để chờ keo dán khô. Bass bar được đặt dưới sợi dây có cao độ thấp nhất trên đàn, và đây cũng là lý do nó có tên như vậy. Bass bar không chỉ xuất hiện trên đàn bass, bất cứ nhạc cụ nào thuộc họ violin cũng sẽ có chi tiết này.

cay dan violin

Mỗi cây đàn violin hay cello đều có một chất âm khác biệt, được quyết định bởi độ dày của tấm mặt trước và mặt sau. Các nhạc cụ được chế tác thủ công thường là do thợ làm đàn chuyên nghiệp dùng đục và các loại đồ mộc khác làm nên, vì thế mỗi cây đàn đều là độc nhất. Trong khi đó, đàn sản xuất tại nhà máy thường được làm bằng máy, với tấm mặt trước/mặt sau ở bất cứ cây đàn nào cũng đều giống nhau về mặt kích thước và hình dáng. Chúng chỉ khác ở lớp veneer được đánh khi bắt đầu quá trình hoàn thiện. Nhìn chung, kích thước và hình dáng của hộp cộng hưởng cũng sẽ góp phần làm nên chất âm của đàn, dù rằng kể từ cuối thế kỷ 17 cho đến nay, nhạc cụ kéo vĩ về bản chất tương đối giống nhau.

(Hết kỳ 1)

Bạn có thể xem thêm phần khác tại đây

Nhạc cụ nhìn từ góc độ âm học: Nhạc cụ kéo vĩ (phần 2) Các bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác tại đây

Tiêu chí lựa chọn headphone nghe nhạc cổ điển

Nguyễn Hào