Truyền nước biển: Tuyệt đối đừng lạm dụng! • Hello Bacsi

Những rủi ro khi truyền nước biển

Bên cạnh những tác dụng của truyền nước, quá trình truyền nước biển luôn ẩn chứa những rủi ro nhất định. Vì vậy, kỹ thuật này cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện và khả năng xử trí tai biến. Một số biến chứng khi chuyền nước mà người bệnh có thể gặp phải bao gồm:

Phản ứng tại vị trí truyền dịch

Vùng da tiếp xúc với mũi tiêm có thể bị phù, sưng đau. Trường hợp nặng hơn, người bệnh có nguy cơ bị viêm tĩnh mạch, đặc biệt là khi truyền các loại nước biển ưu trương. Thậm chí, người bệnh có thể bị hoại tử một phần cơ do chệch ven.

Phản ứng toàn thân

Truyền nước biển

Việc truyền loại dung dịch không phù hợp hoặc truyền thừa lượng cần thiết có thể gây dị ứng, rối loạn điện giải, phù toàn thân, tràn dịch màng bụng, suy hô hấp, suy tim… Tệ hơn, người bệnh có nguy cơ bị sốc phản vệ – một tình trạng nguy hiểm có khả năng đe dọa tính mạng. Biểu hiện của sốc phản vệ là sốt cao, rét run, khó thở, đổ mồ hơi, toàn thân bồn chồn, tím tái… Do đó, trong quá trình truyền dịch, nếu có các dấu hiệu trên, người bệnh cần ngay lập tức báo cho nhân viên y tế để được xử lý kịp thời.

Ngoài ra, việc truyền dịch bừa bãi có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường máu như HIV/AIDS, viêm gan B, C do việc tái sử dụng lại các dụng cụ nhưng không được vô trùng đúng cách.

Truyền nước biển có mập không?

“Truyền nước biển có mập không?” cũng là thắc mắc của khá nhiều người. Họ cho rằng việc truyền nước biển có thể giúp tăng cân do dịch truyền chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy việc truyền dịch có tác dụng cải thiện cân nặng cho người gầy.

Bên cạnh đó, truyền dịch chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết và phải tuân thủ các nguyên tắc an toàn. Người không thiếu hụt dinh dưỡng, điện giải không nên tự ý truyền nước biển.

Những điều cần lưu ý khi truyền nước biển

Truyền nước biển

Về mặt lý thuyết, dịch truyền cũng là một loại thuốc. Do đó, truyền dịch phải được thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Để phòng tránh các rủi ro không đáng có, bạn cần lưu ý các vấn đề sau khi truyền dịch:

  • Không truyền dịch khi bị tăng kali huyết, urê huyết, suy thận cấp, mãn tính, suy tim, toan huyết, suy gan, viêm gan nặng…
  • Không truyền dịch trong trường hợp choáng váng do đổ mồ hôi, mất nước nhiều sau luyện tập cường độ cao. Lúc này, việc truyền dịch có thể gây phù não, ngộ độc nước, co giật, thậm chí là tử vong.
  • Kiểm tra dây truyền trước khi tiến hành truyền, sát trùng vùng da tiếp xúc với kim truyền.
  • Không pha dịch truyền với các loại thuốc khác khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Không dùng các chai dịch truyền đã bị mở nắp hoặc hết hạn sử dụng hay dung dịch có hiện tượng lợn cợn.
  • Không truyền dịch tại các cơ sở y tế không đảm bảo uy tín, chất lượng.
  • Liên hệ ngay với nhân viên y tế khi có các biểu hiện bất thường trong quá trình truyền dịch.

Truyền nước biển chỉ mang lại hiệu quả tốt khi sử dụng đúng bệnh, đúng thời điểm và đúng liều. Người bệnh cần tuân theo những chỉ dẫn của bác sĩ để việc truyền dịch đảm bảo an toàn, tránh rủi ro ngoài ý muốn.