Ngự lâm quân là gì ? | HOA TIÊN QUÁN

Kình Văn : Cậu giả nhời cái lũ ngộ phim ngôn tềnh làm giề, biểu nó đọc Ba chàng lính ngự lâm là xong. Thề, kiếm tư liệu về ngự lâm quân Pháp cực khó, mà đám này cũng chỉ tồn tại được khoảng chục năm thì bị hồng y Mazarin dẹp vì lo “thằng nhóc” Louis-Dieudonné dùng chúng đâm vào lưng mình. Charles d’Artagnan chính là thuộc thế hệ ngự lâm quân cuối cùng, nhưng gã này không đẹp như truyện đâu : Sau khi đội ngự lâm quân bị bức tử thì hắn tiếp tục làm vệ binh aka gián điệp cho hồng y, đến chót đời thì chết ngu ở chiến trường Maastricht.

Nguyễn Văn Hiệu : Thì cũng phải làm rõ vấn đề cho mấy người hay lãng mạn hóa, chứ để họ mơ mộng lâu quá cũng là không nên.

Kình Văn : Quên nữa là ngự lâm quân chẳng có quy chế ăn mặc cố định gì hết trơn. Thực ra đám đó được Louis XIII cấu ra từ ngạch pháo binh, vậy nên hồi 1980s về trước nhan đề truyện của Alexandre Dumas-père được dịch là Ba chàng ngự lâm pháo thủ. Tớ xin nhắc lại, đó là một công việc hết sức mạo hiểm, và nhìn chung chỉ là con tốt ném qua ném lại giữa các nhà cầm quyền.

Compagnie des Mousquetaires du Roi 1Compagnie des Mousquetaires du Roi 2

Compagnie des Mousquetaires du Roi, 1660 (L. Rousselot) 1Compagnie des Mousquetaires du Roi, 1660 (L. Rousselot) 2

Mình mạo muội trả lời cho câu hỏi của Loc Vinh Pham hôm qua đăng trên này 😊 vẫn vì lời đáp dài nên xin phép đăng ra một stt riêng.

Bạn có hỏi về các cơ quan, bộ phận chuyên trách về tình báo quân sự và tình báo nói chung trong LSVN.

Thứ nhất, cần phải xác định rõ, trong hoạt động gián điệp, mật thám, tình báo… yêu cầu đầu tiên là tính bí mật, làm việc mà lại để cho người ta biết được, thậm chí để cho ngòi bút sử gia ghi lại được, thì không còn gọi là tình báo nữa rồi. Thế nên để tìm thông tin chính xác về lực lượng này ngay trong thời hiện đại bây giờ, cũng đã là điều quá khó khăn, chứ đừng nói là xuôi về xa xưa.

Thứ 2, hoạt động tình báo, gián điệp…ngoài đời thực sẽ không giống như trong phim ảnh và các hình thức văn hóa đại chúng khác, rất hiếm khi xảy ra những tình huống dữ dội, khốc liệt, kỳ ảo, thậm chí có lúc nó lại là một loạt các hoạt động nhàm chán mang tính chất hành chính và không có vẻ trọng đại, hoành tráng.

Vì 2 lý do trên, cộng với hạn chế sử liệu, nên ta tạm thời chưa có được thông tin chi tiết tới tận các hoạt động tình báo trên thực địa, mà chỉ có thể thống kê được các cơ quan và lực lượng có tính chất, hoặc từng thực hiện hoạt động tình báo như dưới đây.

A) Lê Sơ – Lê Trung Hưng.

Thời Lý – Trần về trước thì chưa khảo cứu được, thời Lê Sơ sử sách có ghi nhận Cẩm Y vệ nhà Lê dù là một dạng Cấm quân cũng có một số chức năng mật thám – tư pháp, nhưng về quyền lực lẫn ảnh hưởng thì không thể bằng đồng nghiệp cùng tên bên phía nhà Minh.

Năm Tân Mão, triều đình dụ rằng: “Người có tội oan uổng cũng nên xét lại cho được rõ oan. Vệ Cẩm Y xét kiện và Điện Tiền xét án. Có oan khuất xâm hại phải tâu lên, ngày ngày phải thân đến xét hỏi“. (Sử học bị khảo). Ngoài ra Cẩm Y vệ có quyền giám sát các ngoại sứ, điều này được ghi nhận dưới thời Lê Thánh Tông (Đại Việt sử ký toàn thư)

Về cơ chế tổ chức của Cẩm Y vệ Lê Sơ, theo “Sử học bị khảo” cung cấp gồm:

– Đừng đầu là Đô chỉ huy sứ, rồi cứ thế xuống dưới theo thứ tự tiếp sau đây: Thiêm tư, Trấn điện tướng quân, Lực sĩ hiệu úy, Đoán sự, Thiên hộ 5 sở, Thiên hộ, Phó thiên hộ. Lương Y sở, Lương Y chính lại.

– Số lượng bính lính thì ở kinh thành là 66 ti, 51 vệ. Quân ngoài các đạo có 26 vệ. Mỗi ti có 100 người, mỗi vệ từ 5-6 sở, mỗi sở có 20 đội, mỗi đội 20 người. Nguồn tuyển chọn chính của Cẩm Y vệ là từ con cháu các khai quốc công thần và quan viên các cấp.

Binh chế thời Lê Trung Hưng như trong “Lịch triều hiến chương loại chí” ghi nhận thì Cẩm Y vệ vẫn được duy trì, trực thuộc Vệ sĩ nội điện quân. Tuy nhiên, lúc này, Hoàng đế nhà Lê cũng chỉ là tượng Phật cho họ Trịnh thờ mà ăn oản, mọi đặc quyền đều bị tước bỏ, bao gồm cả binh quyền, nên dù tồn tại nhưng biên chế Cẩm Y vệ bị thu hẹp lại chỉ còn có 40 người, một con số quá nhỏ so với thời Lê Sơ. Một điều chắc chắn là chức năng mật thám – tư pháp của Cẩm Y vệ cũng đã bị loại trừ.

B) Thời Nguyễn

Dựa theo sử liệu thời Nguyễn để lại (Hội điển, Đại Nam Thực Lục) chúng ta có thông tin về một dạng cơ quan vừa mang tính hành chính, vừa có tính tình báo quân sự, đó là Cơ Mật Viện thời Nguyễn, đây cũng là cơ quan mang tính chất tình báo quân sự duy nhất được ghi nhận rõ ràng trong sử sách VN tới nay.

Cơ Mật Viện (CMV) nhà Nguyễn được lập ra năm Giáp Ngọ (1834), niên hiệu Minh Mệnh thứ 15, dựa trên cơ sở của hình thức Khu Mật Viện của nhà Tống và Quân Cơ Xứ của nhà Thanh, với mục đích là đảm trách những ” việc quân cơ việc nước to lớn, can hệ đến cơ mưu trọng yếu” và “việc mà có người chuyên trách lo thì giường mối nhỏ càng thêm chu toàn”. Có thể coi CMV gần giống Lầu Năm Góc của Hoa Kỳ hiện giờ, kết cấu hành chính cơ bản của CMV bạn có thể tìm thấy trên Google, mình chỉ nói sâu hơn về một số nhiệm vụ và hoạt động của nó mà Google không có.

a) Nhiệm vụ và quyền hạn.

CMV có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:

– Xử lý các công vụ lớn liên quan tới việc quân và việc nước của quốc gia (đây là nói chung).

– Giữ chìa khóa của các hòm ấn Quốc Bảo, Ngọc Tỷ, Hoàng Phong…cùng các loại ấn triện quan trọng khác. Đồng thời ghi chép lưu chiểu thông tin việc dùng các ấn triện đó (dùng ngày nào, giờ nào, đóng trên loại giấy tờ nào, ai dùng…).

– Giữ chìa khóa tủ đồ bản, tàng thư của Nội Các (có thể hiểu là các thư tịch trọng yếu của Nội Các).

– Xử lý và phê duyệt một số dạng giấy tờ hành chính công vụ.

– Giữ các “Quyên bản đồ” (Bản đồ vẽ trên lụa) miêu tả các địa thế trọng yếu của quốc gia, bản đồ bố binh.

– Liên lạc, giám sát quan viên các cấp, thông tin lại cho Hoàng đế, hoặc làm trung gian liên lạc giữa Hoàng đế với quan viên.

– Khi Hoàng đế ngự tại các điện Văn Minh, Đông Các, Võ Hiển thì CMV phải phái theo 1 viên ngoại lang để sẵn sàng nghe chỉ dụ.

– Khi Hoàng đế ra khỏi Đại Nội trong 100 dặm, 1 đại thần CMV sẽ đi theo xa giá, nếu đi ra ngoài 100 dặm, thì 2 đại thần đi theo.

– Các phương thuốc, đơn thuốc, sổ thăm khám bệnh của Thái Y viện, đều do CMV sao chép, lưu trữ. Thuốc dâng lên cho Hoàng đế cũng do Cơ Mật Viện và Nội Các cho người kiểm tra.

– Từ cấp suất đội trong lực lượng quân đội trở lên, CMV được quyền tiến cử để Hoàng đế xem xét bổ nhiệm.

– Giám sát hoạt động của thủy sư quân cùng với Bộ Binh và Nội Các.

– Có quyền kiểm sát võ khố (kho quân sự) trong cả nước cùng với Bộ Binh, Bộ Hộ và Đô Sát Viện.

– Ngoài ra CMV còn có một số nhiệm vụ nhỏ khác như kiểm tra tài chính, cơ sở hạ tầng…

– Dĩ nhiên đây mới là các nhiệm vụ và quyền hạn có thể thấy được trên giấy trắng mực đen thôi, còn với tính chất “Cơ Mật” thì cơ quan này còn làm gì nữa chúng ta chưa thể nói thêm được.

b) Hoạt động và cơ chế bảo mật.

– Các nhiệm vụ của CMV đã trình bày ở trên, nhưng nhiệm vụ quan trọng bậc nhất và cũng cho thấy tính chất tình báo rõ nhất của cơ quan này, là nhiệm vụ liên lạc, giám sát quan viên các cấp và thông tin lại cho Hoàng đế, thể hiện qua việc CMV nắm quyền quản lý cơ chế “Thỉnh An sớ”. Xin phép đi sâu một chút vào cái này, nhà Nguyễn có 2 cơ chế tấu sớ như dưới đây:

+) Tấu sớ hành chính theo kiểu cổ điển, mà có lẽ không cần nói chúng ta cũng ta cũng biết và quá quen qua phim ảnh, truyền thông, loại tấu sớ này do Nội Các quản lý chính. Để viết một bản tấu hành chính cổ điển đưa lên cho triều đình (cụ thể ở đây là Hoàng đế), người viết cần dùng loại giấy quy chuẩn, viết theo kiểu chữ chuẩn mực, mà phải viết đẹp (hoặc ít nhất dễ nhìn), nên nảy sinh chuyện nhiều quan viên chữ xấu phải nhờ người viết hộ, viết xong, đóng dấu, rồi sao lại một bản để ở nhiệm sở làm bằng cớ, sau đó mới được nộp lên. Tấu sớ này sẽ đi qua nhiều cấp, cứ mỗi cửa được đóng thêm một cái dấu, hoặc nếu không cũng phải lần lượt qua quy trình xác nhận, hết ngần đó bậc thì đến tay Nội Các, được kiểm tra chi li một lần nữa xem có các lỗi như phạm húy, viết từ tục tĩu….hay không? Rồi Nội Các sao chép tấu sớ thành một bản nữa đem cất giữ, cuối cùng mới tới tay Hoàng đế.

Nói tóm lại dạng tấu sớ cổ điển là một loại văn bản hành chính phiền phức, tốn thời gian, nặng tính quan liêu và đầy bó buộc khiến người viết có phần “chùn tay” khi đặt bút. Ví như thời Tự Đức, tổng đốc Nguyễn Đình Tân trong sớ có câu “Dĩ ngôn thủ vưu, đạo ngật nha phiến” (Nói lời hay nhưng lại lén hút á phiện), đã bị hạch tội khiếm trang (thiếu trang nghiêm), vĩ chữ “vưu” ám chỉ từ “vưu vật” (phụ nữ đẹp), “thủ vưu” trong câu trên, luận ra có nghĩa là “cướp lấy phụ nữ đẹp”, viết như thế cho Hoàng đế xem là bất kính?!. Thêm nữa có lúc các quan viên cũng vì tác trách, vì bận mà “lười” không tấu lên, khiến trung ương chậm trễ nắm tình hình phía dưới.

+) “Thỉnh An sớ” thì lại khác, chịu ảnh hưởng từ cơ chế “mật chiếu” của Hoàng đế Ung Chính nhà Thanh, được Minh Mạng lập ra vào niên hiệu Minh Mệnh thứ 13 (1833), tới niên hiệu Minh Mệnh thứ 17 (1837) thì giao lại cho CMV quản lý. Thỉnh An sớ có nghĩa nôm na là “Sớ hỏi thăm sức khỏe”, về lý thuyết đó là tấu sớ quần thần gửi để vấn an sức khỏe Hoàng thượng, cũng như sau đó Ngài Ngự hỏi thăm, phủ dụ lại, đại loại giống như một cuộc điện thoại tán gẫu khách sáo thông thường, nhưng kì thực trong sớ này, hỏi thăm sức khỏe là phụ, thậm chí có lúc chả hề được nhắc tới. Mà nội dung chính của nó lại là đủ thứ chuyện như: thiếu sót về mặt chính trị, quân sự, tiến cử nhân tài, tố cáo cấp dưới, vạch tội cấp trên, tình báo quân sự, báo cáo kinh tế….tất cả các quan viên thuộc các cấp Tổng đốc, Án sát, Tuần phủ, Bố chánh trên cả nước đã làm việc được 3 năm, cứ tháng đầu 4 mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông đều phải gửi Thỉnh An sớ, nhưng nếu có việc đột xuất thì không cần đợi đúng hạn mà gửi ngay tức khắc cũng được.

Về hình thức tổ chức, CMV thừa lệnh Hoàng đế phát cho Tổng đốc, Án sát, Tuần phủ, Bố chánh các tỉnh trong cả nước mỗi người 3 cái hộp bằng sắt, bên ngoài sơn đỏ, nắp thếp vàng, trên viết tên địa phương, đi kèm với đó là 1 bộ chìa khóa cho hộp. Các quan phải tự tay viết Thỉnh An sớ, chữ đẹp xấu không quan trọng, nếu là võ quan không biết chữ thì có thể nhờ người viết hộ, nhưng phải khai rõ thông tin người viết hộ trong sớ, ai biết chữ mà vẫn cố tình nhờ người khác viết cho sẽ bị xử tội, như trường hợp của Tổng đốc Tạ Quang Cự vào năm Minh Mệnh thứ 16 (1836) vì nhờ người viết hộ Thỉnh An sớ mà bị cắt 3 tháng bổng lộc.

Hoàn thành sớ rồi thì chỉ cần kí tên (điểm chỉ) không cần đóng dấu, không cần làm bản sao, bỏ thẳng vào hộp sớ, khóa lại, đưa cho phu chạy trạm gửi về triều, nếu không thậm chí có thể đưa cho thân tín, con cháu cũng được, cứ đến kinh gửi vào Thị Vệ xứ, từ đó đến tay Hoàng đế (Hoàng đế có chìa khóa để mở mọi hộp sớ trong cả nước), xem xét phê chuẩn xong rồi thì Hoàng đế giao xuống cho CMV đóng dấu, ra lệnh thi hành, bản sớ gốc sẽ được giữ lại trong tủ hồ sơ của của viện, hộp sớ rỗng được gửi trả cho người viết.

Nếu Hoàng đế còn có chỉ đạo riêng, thì sẽ làm một bản dụ có phê phong bằng mực son, bỏ vào hộp sớ, gửi trả về cho quan viên viết sớ. Vị quan viên đó nhận được bản dụ, phải tức khắc viết một tấu sớ khác, trong đó khai rõ mình được trả và mở hộp sớ, nhận bản dụ vào ngày nào, giờ nào, đã thừa hành những gì…Sau đó, bỏ bản dụ gốc cùng tờ sớ mới viết vào hộp sớ, lại gửi về cho Hoàng đế, ai chỉ gửi trả bản dụ gốc mà không gửi kèm sớ xác nhận sẽ bị trị tội. Như trường hợp vào năm Thiệu Trị thứ 4 (1845), Nguyễn Tri Phương khi đó là thự Tổng đốc Long Tường, do quên gửi sớ xác nhận, mà bị Hoàng đế Thiệu Trị viết chỉ trách mắng và trừ bổng lộc.

Trong Thỉnh An sớ Hoàng đế dễ dàng viết các lời châu phê chỉ đạo hơn vì tính bí mật, trừ khi Hoàng đế cho phép, còn lại bất cứ ai cướp hay tự tiện phá hộp sớ ra để xem hoặc hủy thư tịch bên trong, sẽ khép tội khi quân, là tội chết.

Với ưu điểm vừa chặt chẽ lại vừa nhanh gọn của mình, Thỉnh An sớ rất được các Hoàng đế nhà Nguyễn ưa chuộng, tuy nhiên, vì sớ này được gửi lên trực tiếp không hoặc chỉ qua có 1 khâu trung gian sơ lược là CMV, nên tấu sớ dâng lên cũng thượng vàng hạ cám, có khi hợp lý phản ánh đúng vấn đề, có khi thì chả ra gì, làm Hoàng đế đọc… phát cáu.

– CMV có con ấn riêng khắc dòng chữ “Cơ Mật Viện Ấn” bằng chữ triện, đúc bằng bạc, trên khắc hình con lạc đà.

– Tất cả quan viên, nha lại trong CMV bị cấm tiết lộ thông tin, thư tịch ra bên ngoài.

– Quan lại các cấp, trừ khi có lệnh đặc phái, còn không thì cấm được tự tiện vào CMV, nếu vi phạm thì sẽ bị nghiêm trị, lính canh không phát hiện và cản trở nổi bị xử đồng tội.

– Để đảm bảo an ninh và bảo mật, hàng ngày quan lại ở CMV dù không trong ca trực thì cứ khi chuông sáng điểm 2 giờ, chuông chiều điểm 4 giờ đều phải tới kiểm diện.

– Bên cạnh lính canh vòng ngoài, ngay trước cửa tòa nhà trụ sở chính của CMV luôn được bố trí 1 đội trưởng Cẩm Y và 5 lính đeo thẻ bài sừng, canh giữ ngày đêm.

– Người làm việc ở CMV có thẻ bài đeo riêng trên ngực áo ghi rõ chức danh như “Cơ Mật Viện đại thần”,”Cơ Mật Viện thị lang”… quan đại thần đeo thẻ bằng bạc mạ vàng, các cấp dưới bằng ngà. Thẻ bài của quan lại nhà Nguyễn đều hình chữ nhật, chỉ có thẻ bài CMV là có đầu tròn. Quan lại CMV mà không đeo thẻ bài không được phép vào viện, ai được CMV triệu tới cũng phải được phát cho thẻ bài.

– Khi tháp tùng Hoàng đế đi bằng đường thủy, các ấn triện, thư tịch do Cơ Mật Viện giữ cũng như các thành viên Cơ Mật viện đều được đi thuyền riêng có lính thủy hộ tống.

– Với từng loại giấy tờ, CMV có một cơ chế xử lý khác nhau để đảm bảo tính bảo mật và hợp lý, ví dụ: +) Công văn Hoàng đế dụ viết bằng mực son, CMV sẽ lưu trong thư khố. +) Tấu sớ sau khi gửi lên cho Hoàng đế duyệt, được đưa xuống cho viện, nếu có châu phê thì CMV kiểm tra rồi chuyển cho nội các. +) Sớ chương do các nha viện trong kinh dâng, CMV được giao xem trước, cho làm phiếu xét bàn, sau đó đem bản thảo ghi chép của buổi xét bàn trình Hoàng đế. …

– Đồng thời cũng để đảm báo độ cơ mật, tất cả các cơ quan, địa phương, cá nhân được CMV chỉ đạo, thì trên giấy tờ không được nói đó là thừa lệnh CMV. Nhận được thông báo từ CMV mà muốn báo lại thì không được đệ trình trực tiếp lên CMV mà trình tới các bộ có liên quan tới việc đó, CMV có quyền xem xét các bộ nên sau đó có thể nắm được thông tin, ai làm trái lệnh đều bị xử phạt.

Tóm lại, CMV vừa có tính chất hành chính, vừa có tính chất tình báo, là một trong các cơ quan có quyền lực lớn bậc nhất, cũng đồng thời có cơ chế bảo mật, liên lạc chặt chẽ và kín kẽ nhất của nhà Nguyễn.

Trên đây là một số thông tin mình biết, có thể nó còn có chỗ sai sót, và chưa thỏa mãn thắc mắc, mong các bạn lượng thứ và góp ý.