Một người đứng tên bao nhiêu sổ đỏ

Nhu cầu sử dụng đất đai ngày càng nhiều, việc một người muốn được sở hữu nhiều sổ đỏ đất đứng tên mình gần như là tất yếu. Vậy theo quy định của luật đất đai thì một người được đứng tên bao nhiêu sổ đỏ?

Cơ sở pháp lý:

– Luật đất đai 2013

Dịch vụ Luật sư tư vấn pháp luật qua điện thoại: 1900.6568

1. Điều kiện đứng tên sổ đỏ được quy định ra sao?

Căn cứ theo quy định tại điều 98 Luật Đất đai năm 2013 và các quy định chung của Bộ luật Dân sự năm 2015 có thể xác định được một cá nhân, hộ gia đình khi đứng tên trên sổ đỏ cần phải đáp ứng được các điều kiện sau đây;

Một là, về độ tuổi được đứng tên trên sổ đỏ: đến thời điểm hiện tại pháp luật ở nước ta không có một quy định cụ thể về độ tuổi được đứng tên trong sổ đỏ hay còn gọi là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, theo quy định của bộ luật dân sự thì khi thực hiện các giao dịch dân sự thì các cá nhân phải đáp ứng được các điều kiện về năng lực hành vi dân sự và năng lực pháp luật. Chẳng hạn, đứa trẻ sơ sinh có thể đứng tên trên sổ đỏ nếu mảnh đất ấy nó được thừa kế từ cha, mẹ… nhưng cần có người đại diện theo pháp luật của đứa trẻ đó thực hiện chứ đứa trẻ đấy không thể tự thực hiện các giao dịch liên quan đến sổ đỏ này theo quy định của pháp luật. Nói cách khác, pháp luật không quy định về độ tuổi đứng tên trên sổ đỏ nhưng với những trường hợp chưa đủ độ tuổi thành niên thì phải có người giám hộ, đại diện đứng cùng trên sổ đỏ theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho những đối tượng này.

Hai là, liên quan đến vấn đề ghi nhận các thông tin của người sử dụng đất trong trường hợp mảnh đất mà có nhiều người có chung quyền sử dụng đất: Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng của tất cả người này bằng cách ghi đầy đủ họ, tên của các đồng sở hữu và trao cho mỗi người 01 sổ đỏ. Trường hợp các đồng sở hữu cùng nhau thỏa thuận chỉ đứng tên một người đại diện thì Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng ghi tên đầy đủ họ, tên của tất cả các đồng sở hữu và trao cho người đại diện theo đúng quy định của pháp luật.

Ba là, liên quan đến vấn đề ghi nhận các thông tin trên sổ đỏ trong trường hợp mảnh đất là tài sản chung của vợ chồng: Mảnh đất này được xác định là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia vì vậy theo nguyên tắc phải được ghi đầy đủ họ, tên của hai người. Trừ trường hợp vợ và chồng thỏa thuận chỉ ghi tên một người

Bốn là, liên quan đến vấn đề một người có thể đứng tên trên bao nhiêu cuốn sổ đỏ: Trường hợp này theo quy định của pháp luật thì không bị hạn chẻ về số lượng và giá trị. Như vậy, một người có thể đứng tên trên 01, 02, 03… sổ đỏ mà không bị hạn chế về lượng sổ đỏ và giá trị của các mảnh đất được đứng tên

Năm là, đứng tên hộ trên sổ đỏ: theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc nhờ người khác đứng tên hộ nhằm thực hiện nhiều mục đích khác nhau như che dấu tài sản, các hoạt động chuyển dịch tài sản khác thì không được Nhà nước ta công nhận.

Xem thêm: Thẩm quyền cấp sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Sáu là, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 người nước ngoài không thuộc đối tượng được sở hữu tài sản là đất đai ở Việt Nam. Vì vậy, trường hợp này họ không là đối tượng được đứng tên trong sổ đỏ.

2. Một người được đứng tên bao nhiêu sổ đỏ theo Luật đất đai?

Theo quy định của luật đất đai thì việc một người được đứng tên trên nhiều sổ đỏ không thuộc vào trường hợp cấm. Nghĩa là 1 người có thể đứng tên 2 hoặc nhiều sổ đỏ khác nhau, điều này không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế thì số lượng sổ đỏ được sở hữu tại 1 địa phương sẽ có giới hạn nhất định. Mỗi địa phương sẽ có giới hạn nhất định về sổ đỏ, người dân vẫn có thể mua đất ở địa phương khác nếu số lượng sổ đỏ sở hữu ở địa phương đó vẫn ở trong mức cho phép sở hữu thêm.

Việc đứng tên trên nhiều sổ đỏ chỉ được áp dụng với người gốc Việt, có Quốc tịch Việt Nam và đang định cư trong nước mới có quyền đứng tên 1 mình trên 2 sổ đỏ trở lên.

Còn đối với các cá nhân là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì chỉ được sở hữu một nhà ở và được cấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, cần phải hiểu là nếu cá nhân người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được đứng tên theo quy định của pháp luật thì không được sở hữu nhà ở tại Việt Nam nên không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cụ thể:

Đối với người nước ngoài:

Người nước ngoài chỉ được sở hữu một căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại; nếu đối tượng này được tặng cho hoặc được thừa kế nhà ở khác thì chỉ được chọn sở hữu một căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại, đối với loại nhà ở khác thì chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó.

Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài:

Căn cứ theo quy định của luật nhà ở 2014 và luật đất đai 2014 thì quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài cụ thể bao gồm các đối tượng sau đây được phép đứng tên sổ đỏ:

Xem thêm: Diện tích đất tối thiểu là bao nhiêu mét vuông thì được cấp sổ đỏ?

“1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:

a) Người có quốc tịch Việt Nam;

b) Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.

2.Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.”

Như vậy, từ những căn cứ và lập luận nêu trên thì chỉ có người Việt gốc Việt và định cư tại Việt Nam thì mới có thể một người đứng tên trên nhiều sổ đỏ và được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tóm lại, để trả lời cho câu hỏi một người được đứng tên bao nhiêu sổ đỏ theo luật đất đai? Thì chúng ta cần căn cứ vào quốc tịch của người đó. Nếu là người có quốc tịch Việt Nam và đang sinh sống tại Việt Nam thì việc bạn đứng tên trên một hay nhiều sổ đỏ sẽ không thành vấn đề. Pháp luật không nghiêm cấm việc bạn có nhiều sổ đỏ trong tay và đứng tên trên tất cả cuốn sổ đỏ đó. Hay nói cách khác khi bạn là công dân Việt Nam bạn có quyền được đứng tên trên nhiều sổ đỏ. Pháp luật chỉ hạn chế việc đứng tên trên sổ đỏ đối với các trường hợp là người có quốc tịch nước ngoài và người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài.

3. Sổ đỏ là gì?

Sổ đỏ là một khái niệm mọi người thường dùng để gọi thay cho giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Căn cứ theo khoản 16, điều 13 luật đất đai 2013 quy định, có thể hiểu sổ đỏ hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất là một loại giấy tờ được xác định như là một chứng thư pháp lý để cơ quan có thẩm quyền xác nhận một cá nhân, hộ gia đình có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp. Mọi người hay sử dụng từ “ sổ đỏ” bởi nó dễ đọc, ngắn gọn.

Các thông tin trên sổ đỏ bao gồm:

Xem thêm: Lệ phí đo đạc địa chính khi cấp sổ đỏ, tách thửa đất mới nhất

Thứ nhất, Quốc hiệu, tiêu ngữ;

Thứ hai, Thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu và tài sản khác gắn liền với đất, cụ thê là họ và tên, năm sinh, số chứng minh nhân dân, địa chỉ thường trú. Những người có tên ở phần mục này sẽ là những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến thửa đất, khi thực hiện các giao dịch liên quan đến thửa đất chủ đất sẽ phải trực tiếp tham gia, trường hợp không tham gia được phải có giấy ủy quyền.

Thứ ba, Các thông tin về thửa đất, cụ thể như Số lô, số thửa đất, địa chỉ thửa đất, diện tích thửa đất, hình thức sử dụng là gì, mục đích sử dụng đất, thời hạn và nguồn gốc sử dụng đất.

Thứ tư, Thông tin về nhà ở (nếu có), cụ thể là các thông tin về loại nhà ở, diện tích nhà, hình thức sở hữu, thời hạn sở hữu và một số thông tin khác tùy thuộc vào loại nhà ở là nhà mặt đất hay nhà chung cư.

Thứ năm, Thông tin về biến động đất đai, tại mục này sẽ ghi các thông tin liên quan đến việc thế chấp, sang tên thửa đất.

Các hình thức liên quan đến việc làm sổ đỏ: Mua bán, thừa kế, tặng cho, xin cấp sổ đỏ lần đầu.