Ly hôn đơn phương cần giấy tờ gì

Hướng dẫn thủ tục ly hôn đơn phương

Trường hợp được ly hôn đơn phương gồm:

Theo như quy định: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”

Như vậy, ly hôn đơn phương là thủ tục xuất phát từ ý nguyện của một người. Và nếu muốn được Tòa án chấp nhận và ra quyết định, bản án ly hôn thì vợ hoặc chồng phải chứng minh được người còn lại có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, làm cho đời sống hôn nhân trở nên căng thẳng kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

Người xin đơn phương ly hôn không được thuộc các trường hợp sau:

  • Không có căn cứ về việc vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng.
  • Có căn cứ về việc vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng nhưng không làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
  • Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
  • Vợ hoặc chồng mất tích nhưng chưa có Tuyên bố mất tích của Tòa án thì Tòa án sẽ không giải quyết cho ly hôn.
  • Trường hợp khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì Tòa án sẽ không giải quyết ly hôn nếu rơi vào một trong hai trường hợp sau:
  1. Người yêu cầu ly hôn không phải là cha, mẹ, người thân thích khác của người bị bệnh;
  2. Không có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người bị bệnh.

(Điều 51 và Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014)

Giải quyết ly hôn đơn phương tại đâu?

Theo Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của bị đơn có thẩm quyền tiếp nhận đơn ly hôn và giải quyết xin ly hôn đơn phương của người Việt Nam. Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố nơi cư trú của bị đơn có thẩm quyền tiếp nhận đơn ly hôn và giải quyết xin ly hôn đơn phương của người Việt Nam với người nước ngoài hoặc việc ly hôn có yếu tố nước ngoài.

Như vậy, bạn cần xác định nơi cư trú của đối phương, từ đó xác định thẩm quyền Tòa án có quyền giải quyết yêu cầu ly hôn đơn phương cho bạn.

Ly hôn đơn phương cần những giấy tờ sau:

  1. Đơn xin ly hôn đơn phương (Theo nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP hoặc Mẫu đơn xin ly hôn)
  2. Bản sao công chứng CMTND/CCCD còn hiệu lực của bạn.
  3. Bản sao giấy khai sinh của con.
  4. Giấy xác nhận nơi cư trú của bị đơn.
  5. Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
  6. Bản sao tài sản chung yêu cầu phân chia khi ly hôn.

Chuẩn bị hồ sơ ly hôn đơn phương bạn được quyền yêu cầu thu thập các chứng cứ mà mình không tự thu thập được. Khi nộp hồ sơ ly hôn đơn phương bạn gửi kèm đơn yêu cầu thu thập chứng cứ, tài liệu để được giúp đỡ.

Quy trình giải quyết ly hôn đơn phương bao gồm:

  • Bước 1: Xin giấy xác nhận nơi cư trú của vợ chồng
  • Bước 2: Soạn thảo đơn ly hôn đơn phương và chuẩn bị hồ sơ ly hôn
  • Bước 3: Nộp hồ sơ ly hôn đơn phương tại Tòa án có thẩm quyền
  • Bước 4: Nhận thông báo đóng án phí và nộp án phí
  • Bước 5: Tham dự các buổi hòa giải và công khai chứng cứ tại Tòa án
  • Bước 6: Mở phiên tòa sơ thẩm giải quyết ly hôn đơn phương.
  • Bước 7: Thẩm phán ban hành bản án giải quyết thủ tục ly hôn đơn phương.

Ly hôn đơn phương được giải quyết theo thủ tục tranh tụng như các vụ kiện dân sự thông thường tại Tòa án nên thời điểm chấm dứt mối quan hệ vợ chồng là thời điểm bản án giải quyết vụ án ly hôn có hiệu lực pháp luật. Do đó:

  • Quyết định giải quyết vụ án ly hôn tại Tòa sơ thẩm là bản án chưa có hiệu lực pháp luật nên sau khi bản án được ban hành người yêu cầu ly hôn đơn phương phải chờ xem có kháng cáo của bên đối phương không thì mới xác định được thời điểm chấm dứt mối quan hệ vợ chồng.
  • Trường hợp bị kháng cáo bản án giải quyết ly hôn sơ thẩm thì thời điểm chấm dứt mối quan hệ vợ chồng là thời điểm ban hành quyết định giải quyết vụ án ly hôn phúc thẩm.

Giải quyết ly hôn đơn phương trong bao lâu?

Theo quy định của Điều 179 Bộ luật Tố tụng dân sự thì thời gian giải quyết vụ án ly hôn trong trường hợp này là 4 tháng, nhưng nếu vụ án ly hôn có tính chất phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì thời gian giải quyết là 6 tháng. Trong thực tế thời gian giải quyết vụ án ly hôn có thể ngắn hơn hoặc kéo dài hơn thời gian mà luật quy định tùy thuộc vào tính chất của từng vụ án.

  1. Trường hợp việc chia tài sản chung cần thẩm định giá tài sản thì thời gian thực hiện được tính thêm thời gian lập hội đồng thẩm định giá.
  2. Trường hợp một bên vắng mặt thì cần thời gian để tòa án sắp xếp tổ chức lại phiên tòa.
  3. Trường hợp lý do xin ly hôn được bị đơn chứng minh là không đúng thì cần thời gian để hai bên bảo vệ quan điểm của mình trước khi tòa án đưa vụ việc ra xét xử.
  4. Đưa vụ án ra xét xử (nếu có một bên không đồng ý ly hôn hoặc có tranh chấp về con, tài sản).
  • Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự.
  • Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử tòa án phải mở phiên tòa. Sau 15 ngày, kể từ ngày xét xử, nếu không có kháng cáo, kháng nghị, án sẽ có hiệu lực thi hành.

Như vậy, thông thường, tổng thời gian giải quyết thủ tục ly hôn đối với yêu cầu đơn phương ly hôn khoảng 06 tháng.

Phân chia quyền trực tiếp nuôi con khi ly hôn đơn phương

✔ Khi ly hôn, xét trên cả khía cạnh của văn hóa và pháp luật Việt Nam quy định, cha mẹ phải đảm bảo việc trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

✔ Bên cạnh đó, cha mẹ sẽ tự thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, trong trường hợp không thể thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giao cho một trực tiếp dựa trên quyền lợi về mọi mặt của con. Nếu con từ 07 tuổi trở lên thì Tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của con, nhưng đây không phải là căn cứ duy nhất để Tòa án ra quyết định. Đặc biệt là con dưới 36 tháng tuổi, mẹ phải là người ưu tiên nuôi con nếu như hai vợ chồng không có thỏa thuận nào khác.

✔ Làm thế nào để giành quyền nuôi con khi đơn phương ly hôn?

+ Giành quyền nuôi con trong vụ án đơn phương ly hôn là một việc thường gặp. Vậy phải làm thế nào để thuyết phục Tòa án giao quyền trực tiếp nuôi con cho mình?

+ Về nguyên tắc dựa trên quyền lợi mọi mặt của con mà phân xét, Tòa án sẽ căn cứ vào những thông tin được cung cấp và sau đó xác minh điều kiện về vật chất, tinh thần, môi trường sống, mối quan hệ của mỗi bên để đánh giá xem ai là người sẽ mang lại cuộc sống hạnh phúc và phát triển lành mạnh cho con.

+ Theo đó, cha hoặc mẹ phải được đánh giá cao ở những chi tiết như sau:

– Điều kiện về vật chất: nhà ở, mức thu nhập của mỗi bên,… căn cứ vào các thông tin được cung cấp hoặc xác minh về các khoản chi cố định của người đó về sinh hoạt, người phụ thuộc, thói quen chi tiêu để so sánh với mức sinh hoạt trung bình của các con.

– Điều kiện tinh thần: thời gian dành cho con; cách chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con; tính cách của người đó;…

– Điều kiện môi trường sống: vị trí địa lý có thuận tiện cho trẻ đi học, vui chơi hoặc phải là nơi được đánh giá cao về mức sống, dân trí và các yếu tố về trật tự an ninh,…

+ Bên cạnh đó, Tòa án phải xem xét tư cách đạo đức, lối sống, sinh hoạt và các mối quan hệ khác để xem xét việc con ở bên ai sẽ được bảo đảm được phát triển tốt nhất về mọi mặt và không bị ảnh hưởng tiêu cực.

Chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn đơn phương

Rất ít cặp vợ chồng đơn phương ly hôn mà tự thỏa thuận được việc phân chia tài sản chung vợ chồng. Do đó xác định nguyên tắc phân chia tài sản chung theo quy định pháp luật rất quan trọng bởi nó giúp cho người yêu cầu hiểu được thế nào là đúng, là sai, Tòa án phân xử đã đúng hay chưa. Quy định mới về phân chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn như sau:

1. Vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hay theo luật định, tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án xử lý như sau: Trường hợp không có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng hoặc văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn; Trường hợp có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng và văn bản này không bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng các nội dung của văn bản thỏa thuận để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Đối với những vấn đề không được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng hoặc bị vô hiệu thì áp dụng các quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 59 và các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật hôn nhân và gia đình để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.

2. Khi giải quyết ly hôn nếu có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu thì Tòa án xem xét, giải quyết đồng thời với yêu cầu chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.

3. Khi chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, Tòa án phải xác định vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba hay không để đưa người thứ ba vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba mà họ có yêu cầu giải quyết thì Tòa án phải giải quyết khi chia tài sản chung của vợ chồng. Trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ với người thứ ba mà người thứ ba không yêu cầu giải quyết thì Tòa án hướng dẫn họ để giải quyết bằng vụ án khác.

4. Trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia:

Trong đó:

  • “Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng” là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng;
  • “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung” là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn;
  • “Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập” là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự;
  • “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.

5. Giá trị tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết sơ thẩm vụ việc.

6. Khi giải quyết chia tài sản khi ly hôn, Tòa án phải xem xét để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Chúc các bạn thành công.

Tham khảo: Dịch vụ tư vấn ly hôn