Làm thế nào để hết ê buốt răng

Răng ê buốt hàm trên, hàm dưới thường gây ra hiện tượng nhức khi ăn hay uống những đồ nóng, lạnh, ngọt, chua hoặc thậm chí hít thở trong điều kiện không khí lạnh cũng có thể khiến bạn bị ê buốt chân răng. Nguyên nhân và cách điều trị ê buốt răng hàm là gì? Làm sao để phòng tránh tình trạng răng ê buốt?

NGUYÊN NHÂN Ê BUỐT RĂNG HÀM LÀ GÌ?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ê buốt răng hàm phải kể đến như:

Ngà răng bị lộ

Đây được coi là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng răng nhạy cảm. Bởi bình thường ngà răng sẽ được bao bọc và bảo vệ bởi lớp men răng. Tuy nhiên khi ngà răng bị lộ thì chúng sẽ tiếp xúc với với thức ăn cũng như các đồ uống khiến cho răng có cảm giác ê buốt và lung lay, thậm chí có những cơn đau nhức đến tận chân răng..

Chế độ sinh hoạt và thói quen ăn uống hàng ngày cũng là một trong những nguyên nhân gây nên răng nhạy cảm

– Tình trạng sâu răng: Sâu răng có thể coi là một trong những nguyên nhân chính của hầu hết các vấn đề liên quan đến răng miệng và biến chứng khác. Chính các lỗ sâu trên răng đã làm lộ ra các dây thần kinh chân răng. Ngoài ra chúng còn gây tụt lợi, dẫn đến những nguy cơ nguy hiểm khác.

– Tụt lợi cũng có thể làm lộ phần ngà ở phía dây thần kinh ở chân răng, làm cho răng trở nên ê buốt cho dù nguyên nhân là do sâu răng hay do mòn răng đi chăng nữa.

– Thói quen chăm sóc răng miệng không đúng cách có thể dẫn đến tình trạng răng nhạy cảm: Đánh răng sai cách cũng như việc không xỉa răng đầy đủ đều có thể là nguyên nhân. Chải răng quá mạnh bằng bàn chải cứng hoặc dùng kem đánh răng có độ mài mòn cao có thể dẫn đến tổn thương lợi và nhạy cảm răng.

– Răng nhạy cảm có thể xảy ra ở những người có thói quen ăn uống không khoa học: Ăn những thức ăn chứa nhiều axit như dưa chua hay các loại thức ăn chế biến sẵn, qua thời gian chúng sẽ gây mòn răng dẫn tới lộ ngà răng và gây ra cảm giác cực kỳ khó chịu

– Nhiều phụ nữ thường có xu hướng sử dụng các phương pháp thẩm mỹ cho răng, nhưng họ đâu có thể ngờ được rằng chính những sản phẩm được sử dụng để tẩy trắng răng lại có thể gây nên cảm giác nhạy cảm cho răng.

– Ngoài ra tình trạng nghiến răng hoặc cắn răng trong lúc ngủ của nhiều người cũng là một trong những nguyên nhân khiến răng bị nhạy cảm.

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA RĂNG HÀM BỊ Ê BUỐT

1. Trường hợp răng hàm bị ê buốt nhẹ

Nếu răng hàm bị ê buốt nhẹ, bạn có thể xoa dịu các triệu chứng bằng cách điều chỉnh lại chế độ chăm sóc, vệ sinh răng miệng hằng ngày:

– Đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày bằng kem đánh răng có chứa flour.

– Chải răng nhẹ nhàng bằng bàn chải mềm, tránh sử dụng lực quá mạnh.

– Kết hợp đánh răng với sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng để làm sạch các mảng bám.

– Nên đánh răng ngay sau khi ăn các loại thực phẩm ngọt.

– Không nên đánh răng ngay sau khi các loại thực phẩm có tính acid cao như cam, chanh, nước ngọt có gas… Nên súc miệng hoặc uống nước lọc để giảm lượng acid còn lưu lại trên răng.

– Bổ sung thêm các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi như bơ, sữa, bông cải xanh, hải sản… vào chế độ ăn hằng ngày để giúp cho răng luôn chắc khỏe.

– Hạn chế ăn các thực phẩm có hàm lượng đường hoặc tính acid cao như nước ngọt có gas, bánh kẹo…

– Hạn chế uống cà phê, bia rượu và sử dụng các chất kích thích.

– Không dùng răng để cắn các vật cứng.

2. Trường hợp răng hàm bị ê buốt nặng

Cách duy nhất để điều trị dứt điểm hiện tượng ê buốt răng là áp dụng các biện pháp điều trị chuyên khoa. Nếu răng hàm bị ê buốt do chấn thương hoặc mòn răng, tùy vào số lượng các mô răng bị mất, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phục hình phù hợp, có thể là trám răng hoặc bọc răng sứ.

– Trám răng: Bác sĩ sẽ tiến hành làm sạch vùng răng bị ảnh hưởng và lắp đầy các khoảng trống trên bề mặt răng bằng vật liệu trám răng chuyên dụng, thường là Composite.

– Bọc răng sứ: Bác sĩ sẽ sửa soạn một phần men răng bên ngoài các răng cần điều trị. Sau đó, lắp cố định mão răng sứ được chế tạo đúng theo các kích thước cung hàm của bệnh nhân để thay thế.

– Trường hợp răng hàm bị ê buốt do bệnh lý như sâu răng, viêm tủy, viêm nướu… bác sĩ sẽ chỉ định kỹ thuật điều trị phù hợp. Nếu cần thiết sẽ áp dụng các kỹ thuật điều trị phục hồi (trám răng, bọc răng sứ) để tái tạo lại hình dáng răng. Các kỹ thuật thường được chỉ định bao gồm:

  • Cạo vôi răng: Kỹ thuật này được chỉ định trong hầu hết các tình huống điều trị ê buốt răng. Bác sĩ sẽ dùng các dụng cụ nha khoa chuyên dụng loại bỏ hoàn toàn các mảng bám và cao răng bám trên bề mặt răng, cả trên và dưới nướu.
  • Trường hợp bệnh viêm nướu đã tiến triển thành viêm nha chu, bác sĩ có thể phải kết hợp thêm các kỹ thuật nạo mủ, rạch abces răng, đánh bóng mặt răng và xử lý mặt gốc răng… mới có thể điều trị dứt điểm được bệnh.
  • Điều trị nội nha: Kỹ thuật này thường được chỉ định cho các răng bị sâu, ảnh hưởng đến tủy. Bác sĩ sẽ loại bỏ hoàn hoàn tủy răng bằng các dụng cụ chuyên khoa. Sau đó, bọc răng sứ để bảo tồn răng.
  • Nhổ răng: Kỹ thuật này được xem là phương án cuối cùng, chỉ được chỉ định khi răng bị tổn thương quá nặng và không thể bảo tồn được nữa.