HÓA CHẤT ĐẠI VIỆT

Đường hóa học – loại hóa chất thần kỳ tồn tại suốt gần 1 thế kỷ qua trong ngành công nghiệp thực phẩm khắp thế giới thường bị quy là có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người, gây ung thư, gây mù lòa, béo phì,… Tuy nhiên, đó vô hình trung là những kết luận có phần oan ức cho loại đường này. Nhân dịp mấy ngày nay người ta đang nói nhiều về đường hóa học, mời các bạn tìm hiểu rõ bản chất của nó là gì, ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe để có một cái nhìn đúng đắn hơn nhé.

Đường là gì? Đường hóa học là gì?

Hóa học hồi lớp 9 đã dạy chúng ta Đường là tên gọi chung của những hợp chất hóa học thuộc nhóm cacbohydrat ở dạng tinh thể. Những loại đường thường gặp có thể kể tới là đường glucoza (đường nho), fructoza (đường trái cây), saccaroza (thường gọi tắt là đường, đường kính, đường cát, đường phèn,…), maltoza (đường mạch nha), lactoza (đường sữa). Ngoài ra còn có nhóm đường đa, bao gồm những mạch polyme như tinh bột, xenluloza.

Nếu để ý thì chúng ta sẽ dễ nhận ra rằng tại sao nhiều người gọi các loại đường nói trên là đường tự nhiên do nó được lấy từ mía, củ cải đường, trái cây, mật ong,… Đa số loại đường khiến vị giác của chúng ta có vị ngọt và do đó, người ta dùng làm gia vị nêm nếm món ăn, làm bánh mứt, kẹo, bỏ vào ly cà phê cho bớt đắng,… Bản chất tất cả các loại đường mà chúng ta hay gọi là “thiên nhiên” nói trên đều là các hợp chất hóa học.

Và bên cạnh đó, chúng ta còn có những loại chất được gọi là đường nhưng không có sẵn trong tự nhiên mà được tổng hợp ra (thường là trên quy mô công nghiệp). Đó là chất tạo ngọt, đường hóa học. Các loại đường hóa học thường gặp có thể kể tới là Saccharin, sorbitol, sucralose, steviol glycosides, xylitol, aspartame,….

Đường hóa học khác “đường tự nhiên” chỗ nào?

Theo viện Mayo, mặc dù người tiêu dùng thường nhận thức rằng đường tự nhiên là an toàn hơn, nhưng các sản phẩm như nước trái cây, mật hoa, mật ong và xi rô thường phải trải qua quá trình chế biến và tinh chế. Các vitamin và khoáng chất khác trong các sản phẩm nói trên sử dụng đường “tự nhiên” hoặc chất thay thế đường về cơ bản là không có khác biệt lớn.

Điểm khác nhau cơ bản giữa đường tự nhiên và đường hóa học là cảm giác hương vị mà nó mang lại cho con người. Tuy nhiên, khác biệt này cũng không lớn, chỉ với lượng lớn thì vị giác con người mới phân biệt được sự khác nhau giữa vị ngọt của hóa chất và tự nhiên. Tuy nhiên đường hóa học có tác dụng kích thích các thụ thể vị giác tốt hơn nên với một lượng nhỏ cũng rạo nên kích thích mạnh, đó là lý do tại sao mà người ta nói đường hóa học có thể ngọt hơn đường tự nhiên từ 100 đến 700 lần.

Về mặt tác dụng tới sức khỏe thì nên nhớ bản chất của việc ăn đường tự nhiên (đường đơn, đôi, đa) một cách nôm na cơ thể sẽ bẻ gãy các phân tử đường ra bằng các phản ứng hóa học để tạo ra năng lượng cho hoạt động của cơ thể. Ngoài ra thì trong quá trình đó, một số sản phẩm đi kèm cũng được cung cấp cho cơ thể. Còn đường hóa học là chất tạo vị ngọt, nên phần lớn không cung cấp hoặc rất ít năng lượng cho cơ thể con người.

Đường hóa học xuất hiện ở đâu? Tất cả mọi nơi

Còn nhớ hồi nhỏ mình đọc quyển “Đất trời hóa học”, người ta ca ngợi đường hóa học saccharin là một trong nhưng phát minh vĩ đại nhất của con người, có tầm quan trọng cũng giống như chất chống dính, cao su,… và được phát hiện một cách hết sức tình cờ bởi nhà hóa học người Đức gốc Nga Constantin Fahlberg.

Đường hóa học dù muốn hay không, gần như mỗi người trên khắp thế giới đều dung nạp nó vào cơ thể do nó được cho phép dùng trong rất nhiều sản phẩm, từ nước giải khát, bánh kẹo, thức ăn nhẹ, kẹo cao su và cả cây kem đánh răng mà bạn dùng mỗi ngày vài lần. Giống như chất tạo hương vị, đường hóa học đã thông qua những quy trình kiểm duyệt nghiêm ngặt của các tổ chức Y tế uy tín như WHO, FDA, NHS,… trước khi được đưa vào các sản phẩm nói trên.

Vậy cuối cùng đường hóa học có hại không? KHÔNG có hại, cũng không có lợi cho sức khỏe

Không lâu sau khi được phát hiện ra và áp dụng rộng rãi, đường hóa học bắt đầu bị người ta cho là có liên quan tới chứng lo âu, mù lòa, béo phì, suy nghĩ tự vẫn, động kinh, Alzheimer, đa xơ cứng, suy giáp, mệt mỏi mãn tính, thay đổi nhân cách, cao huyết áp, đau nửa đầu, hạ đường huyết, kinh nguyệt bất thường, khó hồi phục vết thương,… Quá ghê gớm nhưng chú ý, đó đa phần là những đồn thổi, suy diễn và cho tới nay, thật sự các nhà khoa học đã tiến hành nhiều nghiên cứu nhưng vẫn chưa tìm thấy được mối liên hệ trực tiếp giữa đường hóa học với các căn bệnh trên.

Một ví dụ, hồi những năm 1970, saccharin được phát hiện là có liên quan tới ung thư ở chuột và khi đó, người ta yêu cầu phải bổ sung thêm cảnh báo trên các sản phẩm có chứa loại đường hóa học này. Tuy nhiên sau đó có 30 nghiên cứu tiến hành trên người được thực hiện và kết quả cho thấy, mối liên hệ tương tự không xuất hiện ở người. Năm 2000, chương trình độc tố quốc gia thuộc Bộ y tế Hoa Kỳ đã chính thức loại saccharin ra khỏi danh sách chất có thể gây ung thư, cảnh báo trên các sản phẩm cũng không cần in nữa.

Mặt khác, do bản chất đường hóa học là chất tạo vị ngọt, nó không mang lợi bất cứ lợi ích hữu dụng nào cho cơ thể nên việc ăn đường hóa học không giúp chúng ta khỏe lên được. Ngoài ra, các nhà khoa học chỉ ra rằng đường hóa học là hoàn toàn phù hợp với chế độ ăn uống hàng ngày như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh. Đối với những bệnh nhân tiểu đường thì nó còn có lợi bởi vừa đảm bảo mức đường huyết ở mức ổn định, vừa tạo khẩu vị khi ăn uống.

Và thật ra, các nhà khoa học chỉ ra rằng một số trường hợp do cứ nghĩ tạo ngọt là có thể thay thế đường tự nhiên nên sẽ dẫn tới suy dinh dưỡng do lạm dụng trong thời gian dài. Ngược lại, nếu quá tin rằng nó không cung cấp năng lượng nên thoải mái sử dụng các loại thực phẩm có chứa đường hóa học mà quên rằng còn nhiều chất khác có cung cấp năng lượng thì có thể dẫn tới thừa cân, béo phì,… Đặc biệt một số người bị dị ứng với chất tạo ngọt cụ thể nào đó thì rõ ràng đường hóa học trong trường hợp này là có hại đối với họ.

Vậy ăn bao nhiêu thì đủ?

Theo Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), không nên dung nạp quá 50 mg aspartame / 1 kg cơ thể người mỗi ngày. Tính ra, ngưỡng này là 22 lon soda diet cho một người đàn ông 80 kg và 15 lon cho một người phụ nữ 54 kg. Một so sánh khác, thì lượng đường hóa học này đủ dùng cho 116 ly cà phê đối với người đàn ông nói trên và 79 ly đối với người nữ nói trên.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì trước khi đạt tới ngưỡng đường hóa học nói trên, người ta đã dung nạp quá nhiều caffein hoặc acid (trong soda) và có thể dẫn tới ngộ độc các chất này trước khi đường hóa học gây hại. Chính vì thế, người ta đã chấp nhận rộng rãi các loại chất tạo ngọt này để dùng trong thực phẩm do phạm vi an toàn của nó là khá rộng.

Cẩn trọng với những loại đường hóa học có xuất xứ không rõ ràng

Bản thân đường hóa học không xấu, không có quá nhiều tác hại ghê gớm như nhiều ý kiến vội vàng quy chụp cho nó. Tuy nhiên, nếu các loại đường hóa học không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản xuất với các quy trình kém chất lượng,… thì có thể, ngoài đường hóa học, chúng ta còn gặp phải “những hợp chất khác” và đây, đây chính là nguy cơ tiềm ẩn gây độc hại cho cơ thể con người nếu dùng lâu dài. Và đó lại là một câu chuyện khác xin không đề cập tới trong khuôn khổ bài viết này.

Tóm lại, đừng tiếp tục có ác cảm đối với đường hóa học – loại hóa chất thần kỳ đã làm nên ngành công nghiệp thực phẩm ngày nay. Cẩn trọng với các loại đường hóa học không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Và cuối cùng, chúc các bạn có những ngày tết thật vui vẻ với một vài miếng mứt ngọt lành. Tất nhiên, nếu ăn 1 chục ký mứt (nói đùa) để đạt ngưỡng đường 50 mg/1kg cơ thể của FDA thì có lẽ chúng ta sẽ vào viện không phải vì đường hóa học mà vì bội thực mất rồi.

Chất Tạo Ngọt GLYCINE

ĐƯỜNG ACESULFAME K