Trong số báo trước, Tạp chí Nông thôn Việt có đề cập tới mô hình 4D nhằm chuyển đổi nền nông nghiệp Việt Nam như định hướng phát triển mà Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng chỉ ra: Đến năm 2050, nước ta sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới, với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường; nông thôn Việt Nam không còn hộ nghèo và trở thành nơi đáng sống.
Tuy nhiên, để thực hiện mô hình 4D (Digital Economy – Digital Agriculture – Digital Village và Digital Farmer), chúng ta cần xây dựng nền tảng công nghệ và số cho tất cả các hộ nông dân, đặc biệt là nông dân tại vùng sâu vùng xa, vùng kém phát triển. Trong những thập niên trước của thế kỷ 20, chúng ta có chương trình phát triển nông thôn thông qua khẩu hiệu “Điện – Đường – Trường – Trạm”. Một vùng nông thôn được hiện đại hóa khi có điện lực kéo dây tới, khi có đường giao thông được xây dựng, có trường học mang lại tri thức và cuối cùng là trạm y tế giúp cho sức khỏe nhân dân.
Nay, muốn thay đổi thực trạng và phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong giai đoạn mới, chúng ta cần có khẩu hiệu tương tự nhằm phát triển hạ tầng số và công nghệ cho nông nghiệp Việt Nam.
Năng lượng (điện) để phát triển nông nghiệp công nghệ
Các hoạt động nông nghiệp công nghệ và thông minh cần năng lượng để hoạt động trong khi hiện nay, nhiều mảnh ruộng và đất canh tác nằm phân tán cách xa khu vực có điện. Nhiều nơi canh tác hoàn toàn không có điện lưới, ví dụ các vườn sâm ở trên núi cao.
Rõ ràng, chúng ta rất cần hệ thống cung cấp năng lượng phân tán và bền vững, ví dụ như biogas, mặt trời hoặc gió hay thủy điện nhỏ nhằm cung cấp cho các thiết bị và công nghệ nông nghiệp tại tất cả các vị trí và khu vực. Hạ tầng năng lượng này sẽ là một hướng đi quan trọng thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp trên cả nước.
Đường dữ liệu để nông dân tiếp cận thị trường
Khác với đường giao thông trong thế kỷ trước, hạ tầng nông nghiệp tương lai đòi hỏi “đường dữ liệu” tới từng hộ gia đình, từng mảnh ruộng nông nghiệp tại những nơi xa xôi nhất. Không có đường dữ liệu siêu tốc độ ổn định với chi phí thấp thì rất khó cho hàng triệu hộ nông nghiệp có thể tiếp cận thị trường. Đường dữ liệu cần có cả hai hình thức không dây và có dây để đảm bảo dữ liệu truyền thông suốt. Các giải pháp kiến tạo mạng truyền dẫn tại vị trí – on site cần được nghiên cứu. Các mạng truyền dẫn on site này sẽ được kết nối hữu tuyến – cáp quang với toàn bộ hạ tầng viễn thông truyền dẫn Việt Nam.
Đường thứ hai cho nông nghiệp tương lai chính là các giải pháp logistics giúp sản phẩm nông nghiệp có thể tiếp cận thị trường kịp thời gian, đảm bảo chất lượng với chi phí hợp lý. Ví dụ đơn giản: hải sản tại miền Trung cần có các giải pháp logistic hàng không để chuyển hải sản tươi sống chất lượng cao về hai thị trường tiêu dùng lớn nhất Việt Nam là TP.HCM và Hà Nội với thời gian từ lúc đánh bắt tới bàn ăn là tối đa 6 tiếng. Trên thực tế cũng đã có những giải pháp logistic cho nông nghiệp, tuy nhiên, chưa được thúc đẩy tới từng địa bàn tại vùng sâu vùng xa.
Trường online cho nông dân
Bộ trưởng đã chỉ rõ: “Chúng ta sẽ có chương trình trên truyền hình huấn luyện nông dân cách làm. Khuyến nông, thay vì trình diễn các mô hình, thì phải dạy kỹ năng để nông dân biết kinh doanh, biết tính toán chi phí đầu vào”. Đây chính là phần thứ ba trong hạ tầng nông nghiệp số và công nghệ. Bà con nông dân cần được đào tạo rất nhiều về công nghệ, chuyển đổi số, kinh doanh, kỹ năng cũng như các vấn đề quan trọng như khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Với nguồn kinh phí dành cho đào tạo eo hẹp và có thể nói là không có thì nhu cầu cần có trường số – đào tạo online là tối cần thiết cho bà con nông dân. Ngôi trường số nông nghiệp sẽ là một lực đẩy quan trọng thay đổi nhận thức, đào tạo tri thức, huấn luyện kỹ năng và thúc đẩy ứng dụng công nghệ chuyển đổi số cho nông nghiệp tương lai.
Trạm dữ liệu cho nông nghiệp tương lai
Cũng như trạm y tế nhằm chữa bệnh cho người nông dân, trạm dữ liệu cũng chữa những bệnh căn bản cho nông nghiệp như truy xuất nguồn gốc, tiếp cận thông tin thị trường… Tất cả các vùng nông nghiệp cần có trạm dữ liệu (data center) nhằm ghi nhận dữ liệu để từ đó phân tích và đưa ra các kế hoạch hành động.
Trạm dữ liệu này còn phục vụ các công nghệ, ví dụ phân tích dữ liệu, trí thông minh nhân tạo để thực hiện các giá trị gia tăng cho nông nghiệp. Trạm dữ liệu tại các khu vực nông nghiệp cần lưu trữ định danh của từng hộ nông nghiệp, từng nông dân. Các định danh số này chính là bảo chứng cho chất lượng và sự tuân thủ quy trình của từng hộ.
Trạm dữ liệu tại từng địa phương cũng là nơi tập trung các dữ liệu thô trong canh tác nông nghiệp khi các địa phương tại vùng sâu vùng xa khó có thể cập nhật trực tuyến theo thời gian thực do hạn chế về đường truyền và hệ thống năng lượng tại vùng sâu vùng xa. Trạm dữ liệu còn là nơi ghi nhận toàn bộ thông tin trong quá trình canh tác nông nghiệp. Các giải pháp Edge computing – điện toán biên sẽ phát huy sức mạnh rất lớn với các trạm dữ liệu nhằm đưa ra các giải pháp tại chỗ cho nông nghiệp.
Cuối cùng, các trạm dữ liệu này kết nối với nhau để hình thành nên nền tảng dữ liệu nông nghiệp quốc gia đáp ứng các bài toán thách thức hiện có như đã nói ở trên.
Nông nghiệp tương lai Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức mới. Để giải quyết triệt để và toàn diện các thách thức này đòi hỏi một cuộc cách mạng chuyển đổi cả nền nông nghiệp Việt Nam. Muốn thực hiện điều đó, chúng ta cần một chiến lược và kế hoạch chi tiết nhằm xây dựng hạ tầng “điện – đường – trường – trạm” thế hệ số cho nông nghiệp. Hạ tầng này cũng là định hướng quan trọng cho nhà nước, Bộ NN&PTNT cũng như các tỉnh khi xây dựng chương trình đầu tư phát triển cho nông nghiệp tương lai một cách hiệu quả.