Tiêu chí và quy trình tôn vinh danh nhân văn hóa Thăng Long – Hà Nội

Hội thảo đã nhận được 20 bản tham luận của các nhà khoa học, các nhà quản lý thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, đề cập đến nhiều khía cạnh, góc độ khi đánh giá các nhân vật lịch sử. Nhiều bài còn đưa ra tham khảo các hình thức đánh giá, tôn vinh, các cách làm của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, các tham luận đều thống nhất, tiêu chí xét chọn danh nhân văn hóa ở mỗi giai đoạn lịch sử có sự khác nhau. Chúng ta không nên quá đi sâu vào vấn đề chữ nghĩa của khái niệm “danh nhân”, “danh nhân văn hóa”, “danh nhân Thăng Long”, “danh nhân Hà Nội”…Dù ở giai đoạn lịch sử nào và khái niệm nào thì các danh nhân được tôn vinh đều là những người có tài, có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho xã hội, cho đất nước. Tuy nhiên cũng rất cần đánh giá và xếp hạng công trạng của các danh nhân theo các cấp độ khác nhau.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phan Khanh, nguyên trưởng Vụ Đào tạo Bộ VHTTDL nêu rõ: Khái niệm danh nhân văn hoá tầm quốc gia là khái niệm cao nhất của đất nước. Danh nhân văn hoá trước tiên là người nổi tiếng, đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước và được đánh giá cao trong toàn xã hội. Vì thế danh nhân văn hóa xứng đáng trở thành nhân vật điển hình, trở thành biểu tượng cho nền văn hoá dân tộc Việt Nam. Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cho rằng, mỗi triều đại đã qua lại có những tiêu chí chính trị, đạo đức… của mình khi ghi công hay định tội một nhân vật lịch sử nào đó, nhưng cũng có một thực tế nữa là có những tiêu chí, những giá trị được coi trọng và trở thành chuẩn mực cho mọi triều đại. Ông Long cho biết thêm, đây là một vấn đề không mới, tuy nhiên lại rất cần, thậm chí bức xúc vì mỗi khi cần đặt, đổi tên cho một công trình công cộng, một đường phố nào đó các cơ quan chức năng lại gặp rất nhiều khó khăn khi lựa chọn tên tuổi của một người nào đó. Đôi khi đã thống nhất được thì Hội đồng nhân dân Thành phố (cơ quan có thẩm quyền quyết định cuối cùng) không nhất trí với phương án của cơ quan chuyên môn do chưa có một tiêu chí cụ thể nào được xác định danh nhân.Nêu ý kiến tại hội thảo, GS.VS Hồ Sỹ Vịnh cho rằng, danh nhân văn hóa là nhân vật nổi tiếng, có sức sáng tạo lớn, có những phát minh quan trọng được cộng đồng thừa nhận, khâm phục, ngưỡng vọng trong tiến trình lịch sử trên quy mô quốc gia, quốc tế trong từng lĩnh vực hoạt động xã hội. Danh nhân văn hóa là nhân vật có phẩm chất đạo đức trong sáng, chiều sâu về trí tuệ, chiều rộng về danh tiếng và uy tín để lại tấm gương cho hậu thế. Khái niệm này có nhiều khác biệt với thuật ngữ danh nho, danh sĩ, danh tài, danh sư… Nhưng nó không hoàn toàn giống với danh nhân lịch sử, nhân vật lịch sử, danh nhân cách mạng. Danh nhân văn hóa thường có 3 cấp độ; anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa tiêu biểu và danh nhân văn hóa. Do vậy, việc xác định danh nhân văn hóa cần phải dựa vào những căn cứ như pháp lý, cơ sở khoa học và thực tiễn.Theo GS Vũ Khiêu, những danh nhân trước hết là hiền tài. Họ được quý trọng nhất bởi họ là nguyên khí quốc gia. Trên nền tảng đó, trong lịch sử đã thường xuyên xuất hiện những tài năng lỗi lạc, đem thêm niềm tin và sức mạnh cho nhân dân cùng nhân dân vượt qua mọi khó khăn và thử thách. Họ chính là danh nhân văn hóa. Việc tôn vinh các danh nhân thời xưa, GS Vũ Khiêu cho biết, các phương thức tưởng niệm ở Việt Nam cũng như trên thế giới là xây dựng đền đài, lăng miếu và lấy tên danh nhân để đặt cho một điểm địa lý như: tên làng, tên phố, tên tỉnh, tên một khu danh lam thắng cảnh. Về danh nhân thời nay có những phương thức khác nhau mà còn những động cơ khác nhau thực hiện những phương thức ấy. Xuất phát từ lòng biết ơn và ngưỡng mộ danh nhân, đây là những tình cảm trong sáng và chính đáng. Ngoài ra còn xuất phát từ lợi ích bản thân, đây là động cơ do linh thiêng hóa con người và cuộc đời của danh nhân.

Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cũng được các đại biểu lưu ý trong việc lựa chọn danh nhân văn hoá lần này. Đó là những người có đóng góp lớn vào các lĩnh vực văn hoá, khoa học, giáo dục, y học và văn hoá thế giới đã được các tổ chức quốc tế như UNESCO, Đại hội đồng LHQ… công nhận./.(tổng hợp từ internet)