Cây đa đa là cây gì và có tác dụng gì?

  • Tên khác: hải sơn, mắt mèo gai, cò cưa, dây săng, dây xân, loong cơ đa
  • Tên khoa học: Harrisonia perforata, thuộc họ Thanh thất: Simaroubaceae (1).
  • Tính vị: Vị đắng, tính mát.
  • Công dụng chính: Thanh nhiệt giải độc, điều trị tiêu chảy, kinh nguyệt không đều, sốt rét

Tuổi thơ ai đã từng được mẹ và bà hát ru ắt hẳn sẽ không quên cái điệu hát buồn buồn, gợi nhớ gợi thương về những ngày xưa cũ:

“Con chim đa đa đậu nhánh đa đa

Chồng gần không lấy đi lấy chồng xa

Một mai cha yếu mẹ già

Chén cơm đôi đũa, bậu kỷ trà ai dâng“.

Chim đa đa, tức con gà gô thì đã quá quen thuộc rồi nhưng cây đa đa thì lâu nay tôi vẫn tưởng nó là cây đa – cây đa cổ thụ đầu làng, cây đa sân chùa, cây đa bến nước. Thế nhưng, hóa ra lại không phải. Ngoài cây đa, còn có một loài nữa tên là đa đa, là cây thân bụi (chứ không phải thân cổ thụ như cây đa). Cây này thường mọc hoang trong rừng hoặc được trồng làm hàng rào, thường thấy ở các tỉnh như Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak và Kiên Giang.

Đặc điểm

Cây đa đa có tên khoa học là Harrisonia perforata, thuộc họ Thanh thất: Simaroubaceae (1), là cây thuốc cổ truyền của Việt Nam, Campuchia, Philippine và Trung Quốc…

Cây có gai nhọn trên thân và nhánh, lá cây hình trứng, cả hai mặt đều nhẵn bóng nhưng mặt dưới nhạt màu hơn (ở mép lá đôi khi có dạng răng cưa). Hoa đa đa mọc thành chùm với nụ hồng tím và cánh hoa nở trắng, trông khá đẹp mắt.

Thoạt nhìn, nhiều người lầm tưởng quả đa đa là quả sơ ri vì bề ngoài của nó khá giống quả sơ ri: hơi tròn dẹt, có màu xanh pha chút đỏ hồng. Tuy nhiên, quả đa đa không phải quả mọng mà là quả hạch, thịt màu đỏ đen và có hạt cứng bên trong. Đôi khi, trên quả đa đa cũng có mấu đuôi nhọn như đuôi quả bần.

Cây đa đa còn có các tên gọi khác như dây hải sơn, mắt mèo gai, cò cưa, dây săng, dây xân, loong cơ đa, ngưu cân quả (Trung Quốc)…

Công dụng của cây đa đa

Nhìn chung, ở Việt Nam, cây đa đa thường được lấy vỏ thân để làm thuốc còn các bộ phận khác như rễ, cành, lá thì ít dùng hơn. Ngược lại, ở Trung Quốc, rễ và lá lại được dùng phổ biến hơn.

Có thể kể ra đây những giá trị cơ bản của cây đa đa đã được ghi nhận, bao gồm:

  • Thanh nhiệt, giải độc (cả vỏ thân, rễ và lá).
  • Điều trị kinh nguyệt không đều, tiêu chảy, kiết lỵ, đau bụng (thường dùng vỏ thân).
  • Điều trị mắt đỏ hoặc mắt đổ ghèn, chảy gỉ mắt do nóng trong người, ngoại cảm phong nhiệt gây ho đờm (thường dùng lá hoặc rễ).
  • Điều trị bệnh sốt rét (thường dùng rễ) (1) (2) (3).

Đặc biệt, tác dụng điều trị sốt rét của cây này đã được kiểm nghiệm qua kết quả nghiên cứu từ bài báo Chromones from the Branches of Harrisonia perforata. Theo đó, một số hoạt chất được chiết xuất từ nhánh cây đa đa cho thấy hoạt động kháng khuẩn và chống ký sinh trùng sốt rét (10).

Liều dùng: mỗi lần sắc uống từ 6 – 12 g dược liệu khô, sắc trong 200 ml nước đến khi còn 50 ml nước thì ngừng, mỗi ngày uống 2 lần (theo Sở y tế Hòa Bình: http://www.soytehoabinh.gov.vn) (4). Nếu dùng tươi thì liều lượng gấp đôi (3).

Một số nghiên cứu về cây đa đa

Bên cạnh các bài thuốc dân gian, các kết quả nghiên cứu khoa học về cây đa đa cũng cho thấy đây là cây dược liệu quý, có nhiều tiềm năng làm thuốc. Có thể kể ra đây những hoạt tính đáng chú ý của rễ, thân, lá và quả đa đa như:

  • Tác dụng chống ung thư: Đối với quả đa đa, qua nghiên cứu trong ống nghiệm, các nhà khoa học cho biết tám loại Limonoid có trong loại quả này có hoạt tính chống lại tế bào ung thư phổi dòng A 549 và tế bào ung thư bạch cầu dòng HL 60 (theo tạp chí Phytochemistry) (5). Đối với thân và lá cây đa đa, theo tạp chí Tetrahedron, những hoạt chất mới và hiếm được chiết xuất từ hai bộ phận này cho thấy khả năng gây độc tế bào ung thư, chống lại các dòng khối u P 388 và A 549 (6).
  • Tác dụng chống viêm: Theo tạp chí Bioorganic & Medicinal Chemistry Letters, hoạt chất Harperoliide được chiết xuất từ rễ và quả đa đa cho thấy hoạt động chống viêm mạnh mẽ (qua việc ngăn chặn sự sản xuất oxit nitric) (7).
  • Hoạt tính trừ sâu: Kết quả nghiên cứu chiết xuất từ cây đa đa cho thấy hoạt chất Perforalactone A có tác dụng chống lại rệp Aphis medicaginis Koch gây hại trên cây đậu phộng và đậu nành (8).
  • Hoạt động kháng khuẩn: Theo tạp chí The American Journal of Chinese medicine, chiết xuất từ rễ cây đa đa có hoạt tính kháng khuẩn, chống lại tụ cầu vàng S. aureus ở nồng độ 500 μg / ml và vi khuẩn kháng axit M. smegmatis ở nồng độ 250 μg/ml. Bên cạnh đó, chiết xuất từ thân cây đa đa cũng cho thấy tác dụng kháng M. smegmatis (ở nồng độ 250 μg/ml) (9).

Lưu ý

Mặc dù chưa có các báo cáo cụ thể về độc tính của cây đa đa nhưng trước khi dùng làm thuốc, bệnh nhân cần tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia. Mặc khác, nên dùng thuốc đúng liều lượng để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.