Trên đời này cái gì cũng có giá của nó, đôi lúc ta sẽ tự hỏi rằng sao có người hết sức nghèo khổ, có người lại an nhàn sung sướng, có người có một gia đình hạnh phúc, có người lại sống trong cảnh thiếu thốn về mọi mặt…
Cái giá của chần chừ chính là mất mát.Cái giá của thành công chính là đã trải qua nhiều lần thất bại.Cái giá của sự giàu có chính là kiệt sức, thiếu thốn về tinh thần.Cái giá của một người tử tế là chính những thử thách họ phải trả lời suốt đời bằng bản thân.
Thế nên khi quyết định bất cứ điều gì, hãy nghĩ đến cái giá phải trả, quyết định xem nó có đáng không, bản thân có trả được không rồi hãy làm. Sống hời hợt với mọi người thì có sẵn sàng trả giá với sự trống vắng không?
Lười biếng không học hỏi thì có sẵn sàng trả giá với mức lương thấp kém, vị trí nhỏ bé ở chỗ làm không?Chần chừ mãi không chịu cố gắng làm việc thì có sẵn sàng trả giá với sự hối hận cắn rứt, nghèo đói mòn kiếp sau này không?
Nếu biết rằng cái gì cũng có cái giá của nó rồi thì khi đã quyết định làm một cái gì đó thì hãy làm hết sức và đừng hối hận.
Vì hàng mua rồi chẳng thế trả lại, người đi rồi sao níu giữ, thời gian trôi qua có lấy lại được đâu? Mỗi người chỉ sống có một lần. Đời này, đừng để hối tiếc mà nói hai chữ “Giá như…”!
Câu chuyện về hai anh em đi tìm hạnh phúc
Ngày xửa ngày xưa tại một ngôi làng nọ, có một gia đình nghèo khổ gồm ông cụ và hai người con trai. Khi hai người con đã trưởng thành thì ông cụ cũng đến lúc lâm chung, trước khi mất ông bảo hai người con trai hãy đi tìm Thần Mặt Trời thì sẽ có được hạnh phúc.
Nghe theo lời cha, hai người con cùng nhau đi về hướng Đông để tìm Thần Mặt Trời. Họ đã vượt qua 99 ngọn núi cao và 99 con sông rộng mới đến được nơi Thần Mặt Trời ở.
Khi biết được mục đích đến của hai anh em, Thần Mặt Trời liền bảo: “Rất vất vả các con mới đến được đây, giờ để có được hạnh phúc hai con hãy về nhà cùng trồng dưa, đây là hạt giống ta ban cho, nhưng hai con phải nhớ rằng mỗi ngày đều nhỏ một giọt máu từ ngón giữa hòa chung với nước để tưới dưa, đến mùa thu thì hai con sẽ thấy được hạnh phúc”. Nói xong Thần Mặt Trời hóa phép đưa hai anh em về lại quê hương mình.
Nghe lời Thần Mặt Trời, hai anh em chăm chỉ làm theo. Tuy nhiên, sau hơn nửa tháng miệt mài người anh bèn nghĩ: “Mỗi ngày đều như vậy thật là mệt mỏi quá, hạnh phúc đâu chẳng thấy, mà chỉ thấy tốn thêm một giọt máu”. Thế là mỗi ngày người anh chỉ gánh nửa thùng nước rồi nhặt hai cục đất bỏ vào khuấy đều lên đem tưới cho những cây dưa con, xong nằm dài ra nghỉ ngơi.
Còn người em thì trái lại, không những tưới đến hai lần nước và nhỏ hai giọt máu mỗi ngày, cậu còn chăm chỉ xới đất bắt sâu cho dưa không quản mưa nắng.
Mùa thu sắp đến, tất cả số dưa trong ruộng đều mọc la liệt khắp mặt đất. Trong đó có một quả dưa hấu đặc biệt lớn, người anh nhìn thấy trong lòng mừng thầm vì nghĩ rằng sau này sẽ dùng đến. Liếc qua thấy có nhiều quả vừa nhỏ vừa lép, người anh bực bội đá cho hai cái và mắng những trái dưa này sao mà khó coi đến vậy.
Đến ngày thu hoạch, Thần Mặt Trời đến, ông gọi hai anh em tới nói: “Các con đã vất vả suốt một năm trời, bây giờ ta cùng chia dưa nhé”. Thần Mặt Trời dang hai tay hướng về phía ruộng dưa hô lớn: “Nào tất cả dưa hấu, hãy tự theo chủ nhân của mình”.
Ngay tức khắc, tất cả những trái dưa lớn bóng bẩy to tròn và đẹp nhất đều lăn về phía người em trai, những quả dưa lép xù xì thô ráp còn lại tiến về phía người anh. Người anh hốt hoảng la lên: “Sao lại không công bằng vậy, sao ông lại cho con những quả dưa xấu xí như vậy?”.
Lúc này, Thần Mặt Trời lấy ra một chiếc gương nhỏ bảo người anh nhìn vào rồi nói: “Con hãy tự xem lại những gì hai anh em đã làm suốt một năm nay”. Người anh nhìn vào, cúi gầm mặt xuống hối hận khôn nguôi.
Sau khi thu hoạch, người em lúc nào cũng sống sung túc bởi những món ăn ngon, quần áo đẹp, vàng bạc châu báu được sinh ra từ những quả dưa hấu to tròn của mình. Còn người anh lúc nào cũng sống trong cảnh thiếu thốn bởi cơm thừa canh cặn, quần áo rách rưới từ những quả dưa hấu lép của mình và phải nhờ vả đến người em.
Giá của sự nhàn hạ thảnh thơi hôm nay của người em là sự vất vả, hao tổn sức lực, máu và mồ hôi. Còn cái giá của sự bần cùng, khốn khổ mà người anh hôm nay nhận được chính là do đã hời hợt, ham thích sự nhàn rỗi để thời gian trôi qua phung phí.
“Cái gì cũng có giá của nó, có mất thì mới có được, được cái này thì mất cái kia”
Nếu bạn sống đến lúc tình yêu, danh lợi, quyền lực không còn quan trọng nữa, mọi thăng trầm khổ ải đều đã trải qua thì bạn sẽ nhận ra “Cái gì cũng có giá của nó”.
Chẳng hạn như cái giá của êm ấm giàu có bên ngoài là khổ sở nội tâm; cái giá của chần chừ chính là mất mát; cái giá của thành công chính là đã trải qua nhiều lần thất bại; cái giá của sự giàu có chính là kiệt sức, thiếu thốn về tinh thần; cái giá của hạnh phúc viên mãn tuổi già chính là bao nhiêu thăng trầm giông bão thời tuổi trẻ…
Có gia đình nọ, nhìn vợ chồng rất đẹp đôi, cùng làm nhà nước, nhà cao cửa rộng, hai con ngoan ngoãn xinh xắn, ai thoạt nhìn cũng không khỏi ngưỡng mộ. Nhưng ai hiểu được, hằng đêm người vợ ấy bị chồng dày vò coi không ra gì vì kiếm ít tiền hơn, còn người chồng vì ăn hối lộ nên cũng sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Cả hai đều phải cố giữ thể diện bên ngoài cũng là vì ràng buộc bởi công việc, con cái.
Rồi hai vợ chồng một gia đình khác sống rất yên ấm hạnh phúc với hai đứa con thành đạt, hiếu thảo, cuộc sống lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Nhưng ai biết được đằng sau đó, họ phải sống trong cảnh chật hẹp vì ở nhà thuê, cùng nhau làm lụng, cùng nhau dàn xếp, san sẻ với nhau từng miếng ăn giấc ngủ. Tuy thiếu thốn vật chất nhưng nhờ đó đã dạy cho họ sự trân trọng, yêu thương nhau, đời sống tinh thần lại luôn phong phú, an nhàn.
Cuộc sống vốn dĩ luôn công bằng, người phúc phận tràn đầy thì mọi việc đều suôn sẻ, tuy nhiên đức Phật cũng từng nói rằng “Đời là bể khổ”, nên có ai là thật sự sung sướng?! Ẩn sâu trong đó đều có những nỗi niềm riêng.
Và cũng bởi đời người đâu chỉ một kiếp, mà là hàng nhiều ức kiếp, trong vô số kiếp đó đã tạo ra biết bao nhiêu nghiệp lực, có nghiệp là Thiện có nghiệp là Ác, do đó kết quả cuộc sống hiện tại mà họ có được cũng là cái giá phải trả cho mối duyên Thiện Ác đã gieo từ trước và trong kiếp sống hiện tại.
Trên đời này cái gì cũng có giá của nó, bởi vậy chỉ nên nhìn vào trong mà không nên so đo tính toán bên ngoài. Nên vui mừng khi người khác được hạnh phúc, bởi để có được điều đó họ đã phải trả bằng sự thành tâm tu dưỡng đức hạnh trong nhiều kiếp, phải chịu khổ phải chịu nhẫn, phải qua nhiều thăng trầm mới có được như vậy.
Nên cố gắng tu dưỡng nhiều hơn khi bản thân gặp nhiều điều không vui, bởi cái giá của điều đó chính là do bản thân chưa tu dưỡng đủ, chưa trả hết nợ nghiệp.
Cái gì cũng có giá của nó, nên hãy để lòng nhẹ nhàng thanh thản mà đón nhận mọi niềm vui nỗi buồn và thử thách trong cuộc sống, để cảm thấy yêu đời hơn và trân trọng mọi khoảnh khắc hiện tại.
Tổng hợp
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!