Có thể bạn chưa biết thì Joy của mình khởi nghiệp từ việc trồng & bán sen đá. Bắt đầu từ một căn bếp nhỏ tầng 8 chung cư, tự tìm tòi cách trồng sen đá. Mẫu mã sen đá thời đó còn rất hạn chế, chỉ có một số loại như: Phật bà, sen Thái, sen Nâu, Hoa hồng đen…vv
Cho đến bây giờ thị trường đã tràn ngập đủ loại mà thú thật mình cũng không còn biết hết tên của những loại sen đá nữa. Ở Joy Garden hiện tại, sen đá chỉ là một mảng kinh doanh nhỏ, nhưng đối với riêng mình mà nói, sen đá vẫn luôn là niềm đam mê không bao giờ tắt.
Nhiều năm nghiên cứu và chăm sóc sen đá, từ lúc chập chững tìm kiếm cách trồng sen đá trên internet cho đến khi thực sự hiểu về cây, được ghé thăm các vườn ươm tại Đà Lạt, gặp nhiều nghệ nhân sen đá. Mình đúc kết ra rằng các nội dung viết đúng về cây sen đá trên internet rất ít, đa phần là copy lại và chỉnh sửa của nhau.
Vì thế, là một người khởi nghiệp từ cây sen đá, một con nghiện sen đá. Mình nghĩ rằng mình nên có trách nhiệm viết những nội dung đúng nhất về sen đá như một sự trân trọng dành cho loài cây này. Đồng thời, đây cũng là những kiến thức mình rất mong khách hàng của Joy Garden hay những người yêu sen đá khác có thể tiếp cận được.
Để trồng được sen đá mình hãy tìm hiểu về cây trước:
1, Sen đá ở Việt Nam là tên chung của rất nhiều cây mọng nước: Sen đá (Succulent plant), Sen guốc – Haworthia, Sen mông – Lithops (họ Aizoaceae)… nhưng về cơ bản đều là cây mọng nước và chăm sóc gần như giống nhau, nên không phải vấn đề lớn.
2, Sen đá không hề dễ chăm. Ngày mình mới trồng sen đá, search google chỗ nào cũng nói là sen đá dễ chăm, rồi là sức sống mãnh liệt các thứ… Nhưng trồng rồi mới biết, sen đá chỉ dễ chăm ở Đà Lạt thôi, ở nơi khác trồng rất khó.
3, Sen đá là cây ngoài trời, không thể để trong nhà được. Cũng là khi mới trồng, mình tìm hiểu thì rất nhiều trang web viết sen đá có thể trồng trong nhà, 2-3 ngày phơi nắng 1 lần là được. Nhưng không, chừng đó là chưa đủ, sen đá phải trồng ngoài trời.
4, Cây đẹp, cứng cáp, lên màu tốt phụ thuộc vào nắng và chênh lệch nhiệt độ ngày đêm. Nên dù có thể trồng sen đá sống khỏe nhưng gần như không thể trồng có màu sắc đẹp như ở những vùng sáng nắng đêm lạnh được.
5, Cây ưa giá thể thoáng và thoát nước tốt. Việc này chắc ai tìm hiểu cũng biết, nhưng về giá thể các bạn cần hiểu rõ rằng mỗi vùng mỗi khác. Vì thế, cây mang về từ vùng có khí hậu khác cần phải bỏ hết giá thể cũ.
Và như thường lệ, mình lại nhấn mạnh thông điệp để một cây phát triển tốt cần 04 yếu tố: Chất lượng cây, môi trường, giá thể và cách chăm sóc. Nhất định phải đảm bảo đủ 4 yếu tố này thì mới có thể trồng cây được, đặc biệt là thứ khó chăm như sen đá.
Hướng dẫn chọn sen đá
Đối với nhứng bạn mới chơi: Nên chọn các loại dễ trồng như: Sen đá đỏ, cam, Chuỗi ngọc, Móng rồng, Kim cương… Vì chưa nhiều kinh nghiệm tốt nhất bạn chưa nên trồng các loại sen đài: Sen Phật Bà, Sen Viền lửa, Sen Nâu…
Các loại sen đài rất dễ bị thối ngọn, mất màu, lá bị mềm và xòe ra không còn cứng cáp và cụp vào thành đài sen. Hơn nữa chăm sóc, tưới nước những loại này cũng khó hơn nhiều so với những loại sen không đài.
Cách lựa sen đá khỏe và tốt:
- Xem lá có bị mềm không, những nơi kinh doanh thường nhập sen đá từ Đà Lạt, để nhiều ngày ở môi trường mới với giá thể cũ (chỉ phù hợp với Đà Lạt) thì cây sẽ hỏng và yếu rất nhanh
- Nếu một vài lá bị mềm nhưng phần ngọn vẫn cứng thì không sao cả. Nếu lá mềm cả thân và phần ngọn thì cây đó về khó trồng lại lắm, tốt nhất các bạn không nên mua
- Hãy để ý giá thể: Vì mỗi nhà vườn dùng một loại giá thể khác nhau. Sẽ có nhà vườn đầu tư hơn dùng giá thể xịn, bạn sẽ thấy các hạt perlite, pumice lẫn trong giá thể. Cây nào trồng giá thể tốt thì mua sẽ yên tâm hơn
- Một số cây đã được thuần tại môi trường mới thì phần ngọn/ đài sen sẽ nhỏ hơn so với phần lá cũ, nhưng lá rất cứng cáp. Cây ở môi trường mới cây sẽ phát triển gọn hơn cây ở Đà Lạt màu mỡ. Những cây đã thuần sẽ có tỉ lệ sống rất cao
- Nếu lựa được cây sen đá có phần thân hóa gỗ hoặc có thể nhìn thấy phần thân cây thay vì chỉ thấy lá thì rất tốt. Vì những cây này có tuổi đời lâu hơn, khỏe hơn và dễ xử lý hơn
Môi trường trồng sen đá
Nhiều năm trồng sen đá, mình rút ra kinh nghiệm có nói ở trên: Sen đá không trồng được trong nhà, đơn vị nào bảo trồng được trong nhà thì các bạn nên hạn chế giao lưu nhé.
Sen đá bắt buộc phải để ngoài trời và cần nắng. Nắng hướng nào cũng được, nắng sáng hay chiều, nắng nhẹ hay gắt đều được, nhưng phải có nắng. Còn lại mình sẽ điều chỉnh cách chăm sóc cho phù hợp với lượng nắng là được.
Mình chuyển nhà cũng nhiều và đã từng trồng sen đá ở rất nhiều kiểu môi trường: Ban công hướng Tây, ban công hướng Đông và hiện nay mình trồng full nắng mưa ngay tại cửa hàng Joy Garden Quận 2.
Vì thế, các bạn đừng lo. Nếu nhà có nắng, có gió thì kiểu gì cũng trồng được sen đá. Phần nội dung dưới đây mình sẽ hướng dẫn kĩ hai yếu tố còn lại để các bạn thấy rằng trồng sen đá… cũng đơn giản ấy mà.
3. Giá thể trồng sen đá
Phần này sẽ dài đây, mình sẽ chia 2 khối nội dung cho các bạn dễ đọc nhé. Một là hướng dẫn trộn giá thể hoặc hướng dẫn mua cho nhanh. Hai là làm giá thể chuẩn theo môi trường trồng và… độ lười của bạn.
1, Hướng dẫn trộn giá thể trồng sen đá bằng các thành phần dễ kiếm:
- Nguyên liệu: Trấu hun nguyên hạt, xỉ than đập nhỏ bằng hạt bắp rửa qua nước 1-2 lần cho sạch, xơ dừa để giữ độ ẩm và phân hữu cơ (phân bò hay phân trùn quế đều được)
- Tỉ lệ: Trấu hun – xỉ than – xơ dừa – phân hữu cơ trộn theo tỉ lệ 3-6-3-1. Nếu dùng thêm phân tan chậm (gợi ý bạn nên dùng NPK 14-14-14) bạn nên rải một chút khoảng 8 đến 10 viên trên bề mặt mỗi chậu sau khi trồng là tốt nhất
- Cách nhận biết giá thể đạt yêu cầu: Sau khi trộn xong, bạn lấy một nắm giá thể vào lòng bàn tay rồi bóp chặt, thả tay ra mà đất vẫn tơi xốp, không bị vón cục là đã đạt yêu cầu
- Vì nguyên liệu mỗi người sử dụng có chất lượng khác nhau, nên nếu với tỉ lệ trên mà bạn bóp vào vẫn bị vón cục thì hãy thêm trấu hun và xỉ than trộn tới khi nào đạt yêu cầu nhé
Hướng dẫn mua Soil Mix cho Sen đá:
Đối với sản phẩm tự trộn sẽ có ưu điểm là tiết kiệm hơn và… chill hơn, nhưng vì các thành phần như trấu hun & xơ dừa sau một thời gian sẽ bị mục và đất bị nén lại, bạn sẽ cần phải thay đất mới để cây có thể phát triển.
Tuy nhiên để tiết kiệm thời gian, chất lượng giá thể tốt hơn nhiều và hạn chế thời gian thay đất, bạn có thể mua sản phẩm Đất trồng sen đá (Soil Mix) của Joy Garden. Sản phẩm được trộn từ các nguyên liệu rất tốt cho sen đá: Perlite, Pumice, Peatmoss, Vermi và phân hữu cơ.
2, Làm giá thể phù hợp với môi trường và cách trồng sen đá:
Tùy thuộc vào môi trường mình sẽ có cách làm giá thể khác nhau. Ví dụ mình để sen đá full nắng mưa thì mình trộn đất với tỉ lệ perlite & pumice cao để thoát nước tốt, nhưng ngày nào cũng phải tưới nha. Ngày nào mưa thì không cần tưới.
Nếu bạn trồng ở ban công hoặc những nơi chỉ có nắng một khoảng thời gian nhất định cần lưu ý: chỗ nắng nhẹ (ví dụ ban công hướng Đông) thì giá thể cần thoát nước tốt hơn và có thể tưới 2-3 ngày/ lần. Với chỗ nắng gắt (vd ban công hướng Tây), giá thể cần chất giữ nước nhiều hơn một chút và phải có lớp phủ bề mặt tốt để tránh bay hơi (mình thường phủ bằng Pumice dày 0.5cm)
Giá thể cũng phụ thuộc vào cách chăm của bạn, nếu bạn thuộc team cuồng tưới nước thì nên làm giá thể thoát nước tốt, và ngược lại. Mình biết một anh chơi sen đá lâu năm, mỗi ngày tưới 2 lần. Đất trồng chỉ có perlite, pumice, một lượng cực nhỏ peatmoss và phân tan chậm. Cây vẫn rất đẹp & lên màu xuất sắc.
Chăm sóc sen đá chuẩn
Về phần tưới nước mình có nói qua ở trên rồi, bạn cần lưu ý tùy thuộc vào vị trí đặt cây mà mình điều chỉnh lượng nước phù hợp. Full nắng mưa thì nên để ý tưới mỗi ngày, nắng gắt ban công hướng Tây cũng phải tưới ít nhất 2 ngày/ lần. Nơi nắng nhẹ thì giảm lại.
Mình đã trồng sen đá 7 năm nay, mình có gợi ý bạn nên thử trồng cây full nắng mưa, sẽ rất vui đấy ạ. Cây lên màu đẹp hơn, khỏe mạnh cứng cáp hơn và phát triển đều hơn nhiều.
Tiếp tới là phần bón phân, thực chất sen đá không cần quá nhiều dinh dưỡng. Mình có thể trộn phân trùn quế trực tiếp vào giá thể và bổ sung phân tan chậm 3-4 tháng/ lần, highly recommend bạn nên dùng phân NPK vàng 14 đều (14-14-14).
Một lưu ý nhỏ nhưng quan trọng cho các bạn trồng sen đá ở ban công hoặc ở nơi nắng chéo là bạn nên xoay chậu thường xuyên để cây phát triển đều. Vì cây luôn phát triển theo hướng nắng, nếu không xoay cây sẽ lệch về một phía mất đẹp.
Chọn chậu trồng sen đá, mình thấy nhiều bạn quan tâm và cũng nhiều báo viết nhưng việc này không quan trọng lắm đâu. Chậu nào cũng trồng được hết, chỉ cần chậu đó vừa với cây và bạn thích là được.
Cách trồng sen đá từ lúc mới mua về
Sau khi các bạn mua cây, chúng ta còn khá nhiều bước nữa để hoàn thiện một chậu sen đá. Không phải mua về cầm bầu đất đặt vào giá thể mới là được đâu nha. Dưới đây là 02 cách để trồng một chậu sen đá đẹp:
Bỏ giá thể cũ & tỉa rễ:
- Trước tiên bạn cần xả hết đất cũ trong bầu cây ra vì đất này chỉ phù hợp với môi trường cũ
- Tỉa hết rễ phụ, chỉ chừa lại tầm 1,5 – 2cm rễ chính; bỏ những lá héo gần gốc
- Đặt cây ở nơi khô ráo, thoáng mát từ 5 đến 7 ngày, tránh ánh nắng trực tiếp
- Sau khi các vết cắt ở rễ đã khô, các bạn trồng cây vào chậu rồi tưới nước cho đủ ẩm đất
- Đặt chậu mới trồng ở chỗ thoáng mát khoảng 7 ngày rồi dần dần cho ra nắng
Cắt gốc (đối với những cây đã hỏng bộ dễ hoặc thân quá dài):
- Cắt ngang gốc cây cách phần là 1,5 – 2cm, ngắt hết những lá héo gần gốc
- Cần bôi một chút kích rễ để cây có thể phát rễ nhanh hơn
- Đặt cây nằm ngửa (phần cắt hướng lên trên) ở chỗ thoáng mát 5 – 7 ngày
- Sau khi thấy gần vết cắt đâm rễ trắng là bạn có thể mang trồng được rồi
Bệnh sen đá & các vấn đề thường gặp:
Mình trồng sen đá full nắng mưa nên hiện tại cây rất khỏe và ít bệnh. Dưới đây mình có liệt kê một số bệnh và vấn đề thường gặp, nếu bạn nào còn thông tin gì về bệnh hoặc góp ý liên quan cứ để lại góp ý dưới bài viết mình sẽ bổ sung nhé.
Tuyến trùng rễ:
- Bệnh này gây ra tỉ lệ chết cây gần như 100% vì rất khó phát hiện. Giải thích đơn giản là lúc mới trồng rễ cây yếu, những con tuyến trùng sẽ chui vào rễ và làm hỏng rễ dẫn tới cây chết
- Bệnh này có thể giải quyết bằng thuốc tím diệt các loại côn trùng. Các bạn có thể trộn thuốc tím vào giá thể hoặc trải lên bề mặt chậu cây đều được
Bệnh nấm:
- Hay gặp ở sen đá trong môi trường không được thông thoáng, nấm sẽ xuất hiện thành các chấm màu sậm trên lá và lan dần làm cây chết
- Bạn nên đặt sen đá ở chỗ thoáng sẽ tránh được bệnh này, trị bệnh bác các loại thuốc trị nấm (ví dụ: coc85)
Sen đá bị rệp:
- Rệp thường sẽ lây lan rất nhanh trong vườn, rệp không gây chết cây nhưng sẽ bu kín một lớp trên lá làm cây mất thẩm mỹ nhìn rất chán đời
- Tương tự như nấm, sen đá nên đặt chỗ thoáng và không để đọng nước trên lá cây sẽ tránh được rệp. Trị bệnh bạn có thể dùng movento hoặc lau lá bằng tay
Thiếu nắng:
- Lá cây bị mềm, xòe ra không còn cúp lại và cứng cáp. Bệnh này đa số các bạn đều gặp vì nhiều bên bán hàng kêu cây chỉ cần 1 – 2 tiếng nắng sáng
- Cách khắc phục là mang cây ra nắng để, nhớ mang từ từ mỗi hôm tăng một chút. Đừng mang ra để cả ngày dưới nắng gắt luôn nhé
Cây bị nám:
- Cây bị thiếu nắng thì mềm yếu. Ngược lại, cây ở chỗ nắng gắt lại bị nám & cháy lá rất mất thẩm mỹ. Lý do là rễ cây chưa đủ khỏe để bơm nước lên cho cây cần khi ở trong nắng gắt
- Cách khắc phục là đưa sen đặt vào chỗ nắng nhẹ hơn một chút chờ bộ rễ phát triển rồi mới mang dần ra nắng gắt
Bệnh nóng ruột:
- Rất tiếc bệnh này không phải của sen đá, mà của người trồng. Mới trồng cưng lắm, ngày nào cũng mang ra coi, lay gốc coi có rễ chưa, sờ sờ nắn nắn…
- Bệnh này thì khó chữa, cần phải có thời gian mới quen được đấy. Cây bạn trồng xong, tưới nước rồi để đó 1-2 tuần. Sau đó bạn để ý phần ngọn cây mà có phát triển nghĩa là cây đã đâm rễ, bạn có thể yên tâm rồi đó
Bài này dài, rất cám ơn các bạn đã đọc tới đây. Nếu các bạn có bất kì thắc mắc gì về cách trồng sen đá hoặc có phản hồi gì đó cho mình vui lòng bấm vào phần góp ý chuyên môn nhé. Cám ơn các bạn một lần nữa và chúc các bạn trồng sen đá thành công.
Đây là video chia sẻ các kinh nghiệm trồng sen đá đúc kết sau nhiều năm. Video bằng tiếng anh, khi xem các bạn vui lòng bật sub tiếng Việt để xem nhé.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!