Tính năng tự động giữ phanh Auto Hold là gì? Sử dụng như thế nào để đảm bảo an toàn?

Auto Hold hay “Giữ phanh tự động” là tính năng đã dần trở nên phổ biến và quen thuộc trên ô tô. Auto Hold thường được tích hợp chung một cụm với hệ thống phanh tay điện tử. Vậy Auto Hold là gì, hữu ích ra sao và cách sử dụng như thế nào để đảm bảo an toàn?

Chức năng của Auto Hold

Mật độ phương tiện lưu thông trong đô thị của Việt Nam luôn ở mức cao, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Do đó, việc xe phải dừng-chạy liên tục là khá phổ biến và gây nhiều mệt mỏi cho người lái. Đó là lúc mà hệ thống Auto Hold phát huy tác dụng.

Vậy Auto Hold là gì? Hiểu một cách đơn giản, Auto Hold – giữ phanh tự động là một công nghệ có khả năng can thiệp trực tiếp và kích hoạt hệ thống phanh của xe. Nhờ đó, người lái không cần phải dùng chân để giữ phanh hoặc kéo phanh tay mà vẫn đảm bảo xe có thể tự đứng yên. Trường hợp cần di chuyển tiếp, người lái chỉ cần đạp nhẹ chân ga là Auto Hold sẽ tự động tắt và xe có thể di chuyển như bình thường.

Đây được đánh giá là tính năng đặc biệt hữu ích khi di chuyển trong đô thị hoặc các trường hợp xe phải dừng liên tục bởi các yếu tố khách quan như đèn giao thông, tắc đường,… Từ đó, giúp việc lái xe trở nên thoải mái hơn.

Cách sử dụng Auto Hold

Bên cạnh việc hiểu rõ Auto Hold là gì, người dùng nên nắm bắt cách sử dụng như thế nào để đảm bảo an toàn trong suốt quá trình điều khiển ô tô.

Tính năng giữ phanh tự động thường được tích hợp chung với phanh tay điện tử. Để kích hoạt, người lái cần nhấn vào nút “Auto Hold” hoặc “Brake hold”. Tính năng này sẽ mặc định được tắt mỗi khi khởi động lại xe. Người lái chỉ cần kích hoạt khi có nhu cầu.

Lúc này, cụm đồng hồ tốc độ sẽ xuất hiện ký hiệu thông báo Auto Hold đang được kích hoạt. Sau khi phanh xe, người lái có thể thoải mái bỏ chân khỏi bàn đạp phanh, hệ thống sẽ tự động giữ phanh giúp xe không bị trôi ngay cả khi xe đang ở số D. Khi cần đi tiếp, người lái chỉ cần đạp nhẹ chân ga, hệ thống sẽ tự động nhả phanh để xe tiếp tục di chuyển.

Những lưu ý khi sử dụng Auto Hold

Auto Hold không chỉ mang lại sự thoải mái cho tài xế trong quá trình lái xe mà còn hỗ trợ tăng sự an toàn nếu người lái có thể quên không đạp phanh hoặc kéo phanh tay.

Tuy nhiên, đây chỉ là tính năng hỗ trợ và thường mặc định được tắt đi mỗi khi khởi động xe. Do đó, người lái trước khi nhả chân khỏi bàn đạp phanh nên kiểm tra xem Auto Hold đã được kích hoạt chưa, tránh để xảy ra các sự cố đáng tiếc vì xe trôi đi không kiểm soát.

Phân biệt tính năng Giữ phanh tự động Auto Hold và Hỗ trợ khởi hành ngang dốc

Nhiều khách hàng nhầm lẫn Auto Hold chính là hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc HAC (Hill-start Assist Control). Điểm chung của 2 hệ thống này là can thiệp vào hệ thống phanh để giữ chiếc xe cố định tại chỗ không di chuyển.

Tuy nhiên, HAC chỉ hỗ trợ giữ xe đứng yên trong khoảng 3-5s sau khi người lái bỏ chân khỏi phanh. Trong khi đó, Auto Hold sẽ giữ xe đứng yên cho đến khi nào người lái đạp ga thì tính năng này mới tự động tắt.

Những dòng xe có Auto Hold trong tầm giá dưới 1 tỷ tại Việt Nam

Như đã đề cập, Auto Hold thường được tích hợp cùng hệ thống phanh tay điện tử cao cấp. Đây là trang bị dễ dàng tìm thấy trên những mẫu xe trên 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, với sự phổ biến của công nghệ cùng đặc tính cạnh tranh khốc liệt của thị trường, càng ngày càng có nhiều mẫu xe dưới 1 tỷ được trang bị tính năng cao cấp này.

Những mẫu xe đáng chú ý có thể kể đến như: Hyundai Creta, Hyundai Tucson, Kia K5, Kia Sportage, MG5, MG ZS, Mitsubishi Xpander mới,…

Xem thêm:

Đánh giá chi tiết Hyundai Creta 2022 – Ngoại thất cứng cáp, nội thất rộng rãi và an toàn vượt trội với Hyundai SmartSense

Đánh giá Hyundai Tucson 2022: công nghệ hiện đại bên trong diện mạo đậm chất tương lai

Đánh giá MG5 2022: thiết kế thể thao cùng nhiều trang bị hấp dẫn trong tầm giá

Hy vọng rằng với những thông tin trên đây, bạn đã hiểu rõ hơn về Auto Hold là gì, cách sử dụng như thế nào để đảm bảo an toàn trong quá trình điều khiển ô tô. Đăng ký ngay kênh Youtube của danhgiaXe để cập nhật sớm nhất những thông tin thú vị, hữu ích TẠI ĐÂY bạn nhé!

Đọc thêm:

Các bước điều chỉnh tư thế lái tối ưu cho từng dáng người khác nhau

Cảm biến áp suất lốp và những lưu ý quan trọng trước khi mua

Ý nghĩa các loại vạch kẻ đường & mức phạt lỗi đè vạch, lấn làn: vạch trắng, vạch vàng, liền hay đứt?