5 &quotbí quyết&quot để làm văn tự sự hay

Nếu văn tự sự dùng lời kể chuyện để tái hiện toàn bộ thế giới khách quan thì văn miêu tả sử dùng ngôn từ giúp độc giả hình dung được sự vật, sự việc đang diễn ra. Còn văn biểu cảm thì dùng ngôn từ để bộc lộ cảm xúc, tình cảm của nhân vật.

Văn tự sự sẽ khô khan nếu chỉ thuần lời kể nên thường được thêm vào các phương thức biểu đạt khác. Để viết được một bài văn tự sự hay, mỗi học sinh phải có sự chủ động, tích cực nắm vững phương pháp làm bài, đặc biệt cần chú ý đến năm vấn đề sau:

van-tu-su-2.jpeg

Nắm chắc các yếu tố cơ bản

Cốt truyện chính là trình tự sắp xếp các sự việc, là yếu tố đầu tiên của văn tự sự. Có thể coi đây là một trong những nét đặc trưng để phân biệt giữa văn tự sự với phương thức biểu đạt khác.

Tùy mức độ dài ngắn của tác phẩm mà cốt truyện có thể phức tạp hoặc đơn giản, ít tình tiết hoặc nhiều tình tiết. Dù ở mức độ nào, cốt truyện của văn tự sự cũng phải đảm bảo gồm một chuỗi sự việc nối tiếp nhau trong một thời gian và không gian cụ thể, có nguyên nhân, diễn biến, mở đầu và kết thúc.

Sự việc trong văn tự sự cần phải được trình bày một cách cụ thể: Sự việc xảy ra trong thời gian, địa điểm cụ thể; do nhân vật cụ thể thực hiện, có nguyên nhân, diễn biến, kết quả,… Sự việc trong văn tự sự được sắp xếp theo một trật tự, diễn biến sao cho thể hiện được tư tưởng mà người kể.

Nhân vật trong văn tự sự là người thực hiện các sự việc và là đối tượng được thể hiện trong văn bản. Nhân vật nên được miêu tả với chân dung cụ thể, có tên tuổi, vóc dáng, trang phục, diện mạo, tính tình.

Nhân vật cần lấy từ những nguyên mẫu ngoài đời. Người kể có thể kể chuyện theo ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba, cũng có thể kết hợp cả hai ngôi kể trên. Cách viết lời kể, lời thoại cần phải biết cân nhắc, chọn lọc. Lời kể phải hết sức linh hoạt và phải phù hợp với ngôi kể.

Xác định vấn đề cốt lõi

Không chỉ đơn thuần là kể chuyện, tự sự có rất nhiều hình thức khác nhau. Cần đọc kỹ đề bài để xác định thể loại. Có những đề yêu cầu kể lại những câu chuyện có sẵn, đây là dạng đề tương đối dễ vì chúng đã có cốt truyện cụ thể.

Ngoài ra còn có những đề yêu cầu chúng ta kể những chuyện không có sẵn, dạng đề này đòi hỏi sự tư duy, tưởng tượng của mỗi người. Tùy theo từng dạng đề, cần phải xác định được cụ thể sự việc quan trọng, cốt truyện chính của bài.

Từ đó cần sắp xếp các sự việc theo một trình tự nhất định. Bước này yêu cầu học sinh phải lập dàn ý và bố cục bài văn cụ thể. Nếu không dễ khiến bài viết dài dòng, nhàm chán, đôi khi còn lạc đề.

Phải xác định, làm nổi bật được nhân vật chính, đồng thời xây dựng hệ thống nhân vật phụ. Nhân vật phụ sẽ giúp làm nổi bật tâm tư tình cảm của nhân vật chính. Nhân vật được thể hiện qua các mặt: Tên gọi, lai lịch, tính nết, hình dáng, việc làm,… Lựa chọn số lượng nhân vật phù hợp với cốt truyện, xác định nhân vật chính, phụ. Số lượng nhân vật không cần quá nhiều, không quá ít đủ để truyền tải nội dụng cốt truyện.

Tùy theo yêu cầu của đề bài để lựa chọn ngôi kể cho phù hợp. Nếu đề bài không yêu cầu ngôi kể có thể chủ động lựa chọn giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba. Nếu muốn đảm bảo độ khách quan cho bài viết thì nên chọn ngôi thứ ba. Ngược lại muốn làm nổi bật tâm tư tình cảm của bản thân thì nên chọn ngôi thứ nhất.

Một bài văn tự sự chỉ thuần kể chuyện sẽ gây ra cảm giác nhàm chán. Do đó nên kết hợp, đan xen những phương thức biểu đạt khác như miêu tả, biểu cảm để bài văn thêm thu hút hơn.

Để tăng thêm sự hấp dẫn của bài văn, cần chú trọng trong việc lựa chọn ngôn từ. Tiếng Việt vô cùng phong phú và đa dạng, cùng một sự việc có rất nhiều từ diễn tả khác nhau.

van-tu-su-1.jpeg

Nắm chắc các dạng đề tự sự

Mỗi dạng bài kể chuyện có yêu cầu rất khác nhau nên học sinh phải nắm chắc cách làm bài của mỗi dạng văn để viết cho đúng.

Với dạng kể chuyện dân gian: Yêu cầu cốt truyện không thay đổi. Chú ý phần sáng tạo trong Mở bài và Kết luận. Diễn đạt sự việc bằng lời văn của cá nhân sao cho trong sáng.

Với dạng kể về người: Chú ý tránh nhầm sang văn tả người bằng cách kể về công việc, những hành động, sự việc mà người đó đã làm như thế nào. Giới thiệu về hình dáng, tính cách thể hiện đan xen trong lời kể việc, tránh sa đà vào miêu tả nhân vật đó.

Với dạng kể về sự việc đời thường: Biết hình dung trình tự sự việc cho xác thực, phù hợp với thực tế. Sắp xếp sự việc theo thứ tự nhằm nổi bật ý nghĩa câu chuyện. Lựa chọn ngôi kể cho đúng yêu cầu của bài văn.

Với dạng kể một câu chuyện tưởng tượng: Thay đổi hay thêm phần kết của một câu chuyện dân gian. Hoặc hình dung gặp gỡ các nhân vật trong truyện cổ dân gian, tưởng tượng gặp gỡ những người thân trong giấc mơ…

Các bước cần thiết làm bài văn tự sự

Bài văn tự sự cũng được làm theo quy trình chung gồm 4 bước: Tìm hiểu đề, tìm ý, lập dàn ý, viết bài và sửa bài. Muốn viết được bài văn tự sự thành công thì phải tìm hiểu đề và tìm được các ý cho bài viết đó.

Sau khi tìm được ý, phải chọn ngôi kể và giọng kể cho phù hợp. Tiếp theo là lập dàn ý theo bố cục ba phần (mở bài, thân bài, kết bài) và viết bài. Trong khi viết có thể bổ sung, thêm bớt ý cho dàn bài hoàn chỉnh. Bước cuối cùng là sửa lại bài viết, nhất là sửa các lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp.

Kĩ năng và các hoạt động hỗ trợ làm bài

Đây là một khâu rất quan trọng, quyết định sự thành công của người viết. Trước tiên các em cần rèn kĩ năng kể chuyện hàng ngày trong cuộc sống hàng ngày như kể chuyện cho bạn bè, cho ông bà bố mẹ, người thân trong gia đình về những sự việc mà mình chứng kiến trong đời sống. Sau đó, luyện tập viết các dạng đề mỗi ngày. Điều này không chỉ ôn luyện kiến thức đã học mà còn rèn luyện kỹ năng viết ngày một tốt hơn.

Bên cạnh đó các em cần chăm đọc truyện, tìm tòi những câu chuyện hay ý nghĩa để đọc. Đây là một bước không thể thiếu khi học sinh muốn viết một bài văn tự sự hay. Là cách để học tập được cách kể chuyện từ cốt truyện, cách sắp xếp tình huống, hay lời thoại giữa các nhân vật từ các câu chuyện đó.

Văn tự sự rất gần gũi với chúng ta bởi lẽ nó mang hơi thở của cuộc sống vào trong chiều sâu của câu chuyện. Không khó để viết được một bài văn tự sự hay, hấp dẫn. Chỉ cần có sự nỗ lực say mê, chăm chỉ rèn luyện với những phương pháp cơ bản trên, các em sẽ được điểm cao trong môn Ngữ Văn.

Cô Lê Thị Mỹ Tân và học sinh Trường THCS Lê Văn Thiêm – TP Hà Tĩnh

Dưới đây là một bài văn tự sự của học sinh lớp 7/2 – Trường THCS Lê Văn Thiêm: