ĐĂNG KÝ THẺ TÍN DỤNG Ở NHẬT -KHÓ HAY DỄ – 株式会社TOHOWORK

ĐĂNG KÝ THẺ TÍN DỤNG Ở NHẬT -KHÓ HAY DỄ

Ở xã hội hiện đại, các loại thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ như : VISA, Mastercard, American Express,… được lưu hành rộng rãi, và ở Nhật Bản cũng vậy. Thẻ tín dụng là một phương tiện hữu ích giúp mọi người có thể mua sắm dễ dàng trên các trang bán hàng trực tuyến của Nhật, và mua sắm tại các cửa hàng, trung tâm,… mà không cần mang quá nhiều tiền mặt theo người. Tuy vậy, việc đăng ký thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ ở Nhật vẫn còn là điều khá bỡ ngỡ với các bạn mới sang, vì vậy, hôm nay , tổng hợp một số thông tin cơ bản nhất để các bạn tiện tham khảo nhé.

Thẻ tín dụng (credit card) và thẻ ghi nợ (debit card)

Ngoài thẻ cash card (ở Việt Nam gọi là thẻ ATM) thì ngân hàng phát hành rất nhiều loại thẻ khác, trong đó có hai loại thẻ chính sử dụng thay cho tiền mặt là thẻ tín dụng (credit card)thẻ ghi nợ (debit card). Vậy hai thẻ này khác nhau như thế nào?

Thẻ tín dụng (credit card)

Khác với thẻ debit, thẻ credit sử dụng trước rồi thanh toán sau. Ngân hàng sẽ cấp cho thẻ credit một hạn mức sử dụng nhất định (ví dụ 100,000 yên). Nghĩa là ngân hàng sẽ cho bạn mượn 100,000 yên, bạn dùng trước rồi thanh toán sau, nếu thanh toán muộn sẽ bị tính lãi suất.Hạn mức 100,000 yên này tức là bạn có thể dùng 100,000 yên bất kì lúc nào, nếu tháng đó bạn không dùng gì thì tháng sau sẽ không phải trả cái gì, và nếu tháng đó bạn dùng 50,000 yên thì tháng sau bạn phải trả 50,000 yên (hoặc trả góp có tính lãi suất).

Nhiều bạn hiểu lầm là mỗi tháng được sử dụng 100,000 yên, không phải như vậy các bạn nhé. Ví dụ tháng 2 bạn dùng 30,000 yên trên tổng số 100,000 yên, thì thẻ bạn còn sử dụng được số tiền 70,000 yên, đến tháng 3 bạn trả 30,000 yên kia cho ngân hàng thì số tiền còn sử dụng được sẽ quay lại 100,000 yên.

Thẻ credit thường có nhiều chương trình khuyến mãi, dùng bao nhiêu tiền thì tích lũy được bao nhiêu điểm, rồi lại đổi lại thành tiền để dùng. Vì ngân hàng cho mượn tiền để sử dụng nên bạn có thể dùng nhiều hơn số tiền bạn đang có thực tế (ví dụ để mua vé máy bay, …) và tháng sau trả lại. Tuy nhiên, sử dụng thẻ credit nếu không quản lý chi tiêu rõ ràng thì sẽ dễ lâm vào cảnh không biết mình đã dùng bao nhiêu và còn dư bao nhiêu, tháng sau phải trả bao nhiêu.

Thẻ credit thường tốn phí duy trì thẻ, tuy nhiên hiện nay cũng có khá nhiều loại không mất phí, đặc biệt là thẻ của các trang mua sắm trực tuyến hoặc của các trung tâm thương mại (như Amazon, Rakuten, Aeon,…). Đối với các chương trình thẻ cho học sinh sinh viên thì thường trong 4 năm đi học ĐH sẽ không tốn tiền duy trì thẻ. Bạn nên kiểm tra trước với ngân hàng, vì mỗi ngân hàng sẽ có mỗi cách duy trì thẻ khác nhau.

Tuy nhiên, quá trình thẩm tra và điều kiện đậu thẻ credit thường không rõ ràng, có những người đã đi làm rồi, hay là có vĩnh trú vẫn rớt thẻ credit bình thường, ngược lại có những bạn mới chỉ là sinh viên với mức thu nhập chỉ 7-8 man/tháng vẫn đỗ, hoặc có trường hợp đỗ thẻ Visa của ngân hàng này nhưng lại trượt thẻ Master của ngân hàng kia,… Vì thế, trong trường hợp đăng ký thẻ credit mãi mà không được, thì các bạn nên xem xét đến thẻ ghi nợ (thẻ Debit) vì chắc chắn sẽ đậu, và không lo dùng lố tiền mà vẫn rất tiện để mua sắm thay tiền mặt.

Thẻ ghi nợ (debit card)

Thẻ debit là thẻ mà bạn có thể sử dụng bằng số tiền có trong tài khoản. Tức là thay vì cầm tiền mặt trong tay, bạn có thể “cà” thẻ để thanh toán, số tiền đó sẽ được trực tiếp trừ vào số dư tài khoản ngân hàng của bạn. Bạn có thể dùng thẻ debit để mua hàng online (Amazon, Yahoo!,… ) nhanh chóng hơn, không cần phải chờ để ra conbini thanh toán hay chuyển khoản tiền. Ngoài ra, vì thẻ này trừ tiền trực tiếp vào tài khoản ngân hàng, nên bạn sẽ dễ dàng theo dõi quản lý chi tiêu hơn, không sợ không biết mình đã xài bao nhiêu và còn dư bao nhiêu.

Cách đăng ký và thẩm tra tín dụng

Đăng ký thẻ ghi nợ (debit card)

Để đăng ký thẻ debit thì chỉ cần bạn trên 18 tuổi là sẽ đủ điều kiện để đăng ký (tuổi vào Đại Học). Chỉ cần bạn có tài khoản ngân hàng của ngân hàng đó (Mitsubishi UFJ, Sumitomo, Mizuho, …) và xin đăng ký thẻ debit là được. Ở Nhật thì thẻ debit thường sử dụng của công ty thẻ VISA.

Đăng ký thẻ tín dụng (credit card)

Để đăng ký thẻ tín dụng thì bạn cần phải trên 18 tuổi vượt qua được vòng hồ sơ thẩm tra tín dụng. Đối với các thẻ tín dụng bình thường thì bạn phải có thu nhập ổn định, để chứng minh hàng tháng bạn có thể trả tiền. Nhưng với các thẻ dành cho học sinh sinh viên, du học sinh thì bạn không cần phải có thu nhập ổn định, nhưng cần phải có những thông tin bắt buộc khác. Từng ngân hàng có những điều kiện khác nhau, nhưng nhìn chung sẽ có những điểm cần xác nhận sau.

1/ Hồ sơ của người đăng kýThẻ cư trú 在留カードpassport,… Nếu đăng ký thẻ cho học sinh thì bắt buộc phải có thẻ học sinh.

2/ Kiểm tra thu nhậpTuy không cần có thu nhập ổn định (được gia đình gửi tiền cho, có học bổng hàng tháng,…) nhưng nếu bạn có đi làm thêm và ghi thông tin mỗi tháng được bao nhiêu thì sẽ dễ thông qua vòng này hơn.

3/ Thời hạn lưu trúThường một thẻ tín dụng có thời hạn 5 năm, nên nếu bạn có visa dưới 1 năm thì 90% là sẽ không được thông qua.

4/ Lịch sử tín dụngThông thường khi bạn đăng ký thẻ tín dụng, thông tin của bạn sẽ được lưu tại ngân hàng đó trong vòng 6 tháng. Nếu đã rớt thẩm tra một lần đăng ký lại trong vòng 6 tháng thì sẽ khó mà qua được.

Những điểm nên chú ý khi chọn ngân hàng để làm thẻ

Gần đây có rất nhiều ưu đãi cho du học sinh để làm thẻ tín dụng, thế thì trong một rừng những quảng cáo ấy bạn phải chú ý những điểm nào?

Phí duy trì thẻ

Những thẻ có hạn mức cao hơn thì phí duy trì thẻ hàng năm sẽ cao hơn. Tuy nhiên thẻ dành cho du học sinh thì có những nơi sẽ không lấy phí duy trì thẻ, bù lại hạn mức sẽ thấp hơn, khoảng 100,000 yên. Các bạn để ý xem phí duy trì thẻ sẽ miễn phí trong 4 năm đi học, hay là chỉ năm đầu tiên sử dụng thẻ thôi nhé.

Tích điểm

Có những thẻ sẽ cho bạn tích điểm dựa trên số tiền bạn thanh toán. Ví dụ như tỉ lệ tích điểm là 1%, bạn sử dụng 10,000 yên thì sẽ nhận lại được 100 yên. Đây cũng là một trong những cách để tiết kiệm đấy.

Chương trình khuyến mãi khi đăng ký

Sẽ có nhiều chương trình khuyến mãi để kêu gọi bạn đăng ký. Ví dụ như là, chỉ cần đăng ký sẽ được nhận card mua đồ Qoo trị giá 500 yên, hay là đăng ký và vượt qua vòng thẩm tra, nhận được thẻ sẽ được phiếu mua hàng Amazon 5,000 yên, … Để ý xem cái nào có lợi nhiều hơn nhé. Cũng đừng chỉ vì phiếu mua hàng ban đầu mà lại chọn thẻ có phí duy trì hàng năm cao nhé.

Bảo hiểm

Nếu bạn về nước nhiều, là người hay để quên đồ, thì hãy chọn những thẻ nào có bảo hiểm đi kèm. Trong trường hợp bị mất thì khóa thẻ kịp thời, hay bị ai dùng thẻ thì sẽ được bảo hiểm hỗ trợ.

Các loại thẻ dành cho du học sinh

Thẻ Rakuten 楽天カード

楽天カード

Chương trình khuyến mãi khi đăng ký Tùy vào thời điểm, bạn hãy tìm hiểu trên web của Rakuten nhé Điều kiện đăng ký Trên 18 tuổi (học sinh, nội trợ, người làm thêm, làm việc tự do)

※ Học sinh cấp Ba không được

Phí duy trì thẻ Không có Tích điểm ※ 1 điểm = 1 yên được sử dụng trên 楽天市場

※ Dùng thẻ để mua hàng ở 楽天市場 thì được x 4 điểm

Bảo hiểm du lịch nước ngoài Tối đa 20 triêu yên Bao hiểm du lịch trong nước Không có Lợi thế ※ So với các thẻ khác thì dễ qua vòng thẩm tra hơn

※ Có thể đăng ký qua internet

※ Có thể đổi sang điểm Miles của ANA, hoặc dùng điểm để sử dụng 楽天Edy

Thẻ Life Card Navi dành cho học sinh 学生専用ライフカードNavi

学生専用ライフカードnavi

Chương trình khuyến mãi khi đăng ký Tùy vào thời điểm, bạn hãy tìm hiểu trên web nhé Điều kiện đăng ký Từ 18 đến 25 tuổi (ĐANG LÀ HỌC SINH SINH VIÊN ở trường Đại Học, Cao Học, ĐH ngắn hạn, senmon)

※ Học sinh cấp Ba không được

※ Dưới 20 tuổi cần có sự đồng ý của người bảo lãnh

Phí duy trì thẻ Không có Tích điểm ※ Vào ngày sinh nhật khi dùng thẻ sẽ được tăng 3 lần điểm

※ Cứ 100 yên thì sẽ được tích điểm

Bảo hiểm du lịch nước ngoài Tối đa 20 triêu yên Bao hiểm du lịch trong nước Không có Lợi thế ※ Có làm thẻ cho du học sinh

※ Dễ tích điểm

※ Điểm đã tích có thời hạn tối đa 5 năm

Thẻ Mitsui Sumitomo VISA Debut Plus 三井住友VISAデビュープラス

三井住友VISAデビュープラス

Chương trình khuyến mãi khi đăng ký Tùy vào thời điểm, bạn hãy tìm hiểu trên web hoặc ra ngân hàng Sumitomo nhé Điều kiện đăng ký Từ 18 đến 25 tuổi (kể cả học sinh sinh viên)

※ Học sinh cấp Ba không được

Phí duy trì thẻ Nếu đăng ký qua internet thì năm đầu sẽ không phát sinh. Mỗi năm 1,350 yên.

※ Nếu năm nay dùng hơn 1 lần thì năm sau đó sẽ không tốn phí

Tích điểm ※ Bình thường sẽ được tích điểm gấp 2 lần

※ Sau khi làm thẻ 3 tháng thì sẽ được tích điểm gấp 5 lần

Bảo hiểm du lịch nước ngoài Không có Bao hiểm du lịch trong nước Không có Lợi thế ※ Sau 26 tuổi sẽ được tự động nâng cấp lên Premium Gold Card (có thể được chọn chuyển sang Classic Card)

※ Có thể đăng ký qua internet và được phát hành thẻ sau 3 ngày

Các điểm lưu ý

Các bạn đừng buồn khi làm mãi mà không được thẻ credit, vì có nhiều người đi làm có thu nhập ổn định vẫn bị trượt ở vòng thẩm tra của ngân hàng như thường. Khi rớt ở một ngân hàng, các bạn nên đăng ký qua ngân hàng khác như MUFG, Aeon, Amazon, hay các chỗ mua sắm như Epos Card, Lumine Card,… Còn nếu mà không được thì nên đăng ký một cái debit, vì vẫn là của công ty thẻ VISA, vẫn có các chức năng thanh toán như thẻ credit, mà lại không sợ mình dùng nhiều quá không kiểm soát được.

Còn khi dùng thẻ credit, bạn nên nắm được ngày thanh toán và trả đủ, vì nếu chỉ thiếu 1 yên thôi, bạn vẫn sẽ bị tính lãi cho toàn bộ số tiền đã vay. Nếu bạn không trả đủ thì bạn sẽ bị thêm vào danh sách nợ tín dụng của liên ngân hàng, các ngân hàng khác có thể tìm được thông tin của bạn, và bạn sẽ khó mà đăng ký thẻ hay đi vay tiền (mua nhà, đầu tư,…) sau này.

Khi về nước thì khuyên các bạn nên hủy thẻ. Vì tiền trong thẻ credit là tiền vay nợ ngân hàng, ví dụ như có vấn đề gì để lộ thông tin và có người xấu dùng thẻ của bạn, mọi chuyện sẽ rắc rối và khó kiểm soát hơn.

Kết

Mong là bài viết này có thể giúp bạn phần nào hình dung được debit và credit khác nhau như thế nào, làm thế nào để đăng ký thẻ, và thẻ nào thì thân thiện với người nước ngoài. Mong các bạn có thể tìm ra được loại hình thức thẻ nào phù hợp với mình nhất.