Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách làm bánh quẩy ăn kèm cháo, phở giòn giòn vị bùi bùi thơm béo chuẩn vị ngoài ra còn có cách làm về món bánh quẩy thừng với lớp đường ngọt lịm, vỏ bánh giòn tan đã theo ký ức tuổi thơ của biết bao thế hệ.
1. Cách làm bánh quẩy ăn kèm cháo, phở
Loại bánh quẩy này còn gọi bánh quẩy, quẩy phở, ở Nam Bộ gọi là giò cháo quẩy hay dầu cháo quẩy theo cách gọi của người miền Trung. Bánh quẩy ăn kèm với cháo nóng như cháo sườn, cháo trai hoặc các loại phở bò, phở gà, mì, miến… rất ngon và vị bùi bùi thơm béo.
Nguyên liệu làm bánh quẩy
– 600g bột mì đa dụng
– 10g muối ăn
– 10g muối nở (baking soda)
– 15g đường
– 10g bột khai
– 400ml nước
– Dụng cụ: Phới lồng, âu lớn, chảo, dầu ăn, que xiên tre, dao cắt bột
Cách làm bánh quẩy phở
Bước 1: Trộn bột bánh quẩy
– Cho bột mì, muối, đường vào âu rồi dùng đũa trộn thật đều.
– Chuẩn bị 2 bát tô, mỗi bát đổ 100ml rồi cho muối nở và bột khai vào 2 bát riêng. Dùng phới lồng đánh tan rồi đổ lần lượt 2 hỗn hợp này vào âu bột sau đó trộn đều. Trộn xong đổ nốt phần nước còn lại vào, dùng tay nhào qua cho bột dẻo dẻo thành khối trong thời gian 1 đến 2 phút là được.
– Dùng nilon bọc bột kín lại và ủ trong 20 phút cho bột nghỉ sau đó lấy ra nhào tiếp cho bột dẻo mịn rồi ủ thêm 3 tiếng lại lấy bột ra nhào lại.
Công đoạn nhào và ủ bột làm bánh quẩy
Bước 2: Tạo hình bánh quẩy
– Bột ủ xong thì dùng chày cán bột, cán thành miếng dài hình chữ nhật với độ dày từ 6 đến 8mm, dài khoảng 8 đến 12cm. Nếu muốn quẩy giòn thì cán mỏng hơn.
– Tiếp theo, dùng dao cắt bột thành từng thanh bột có bản rộng 2cm như hình bên dưới.
Tính toán kích thước thanh quẩy để cắt bột sao cho hợp lý.
– Để tạo hình bánh quẩy, dùng 1 cây xiên tre nhúng qua nước cho đỡ bị dính, ép lên chính giữa miếng bột rồi đặt miếng bột thứ 2 lên, dùng xiên que ấn nhẹ vào chính giữa của cả 2 miếng bột để chúng dính vào nhau là tạo hình xong 1 chiếc quẩy. Thực hiện tiếp với những chiếc còn lại đến khi hết bột.
Bước 3: Chiên bánh quẩy
– Chuẩn bị chảo chiên lớn, có đường kính gấp đôi chiều dài bánh, đổ dầu ngập chảo, đun dầu nóng già.
– Tiếp theo, hai tay cầm 2 đầu của bánh quẩy rồi kéo 2 đầu cho dài ra gấp rưỡi rồi thả vào chảo chiên. Nếu chiên một lượt không hết bánh thì chiên làm 2 lượt.
– Dùng đũa tách nhẹ đường giữa của bánh để bánh nở to. Khi chiên bánh quẩy chiên với lửa nhỏ, dùng đũa lật đều hai mặt để cho quẩy vàng và giòn đều thì vớt ra giá lót giấy thấm dầu.
Lưu ý:
Mới đầu trước khi chiên, cần đun cho dầu nóng già thì mới thả bánh quẩy vào chiên, nhiệt đủ lớn mới kích hoạt được bột nở to phồng giòn, không bị cứng, đặc như bánh rán. Thả bột vào cái là xèo xèo mạnh và bánh nổi lên ngay.
Chiên quẩy
Thành phẩm
Bánh quẩy chín có màu vàng nâu, bên ngoài có lớp vỏ giòn tan, bên trong hơi rỗng, còn chút bột mềm. Đặc biệt không còn mùi bột khai, bán không bị cháy đắng. Khi ăn bánh quẩy có thể cắt ra thành từng miếng vừa ăn để ăn với cháo hoặc nhúng vào tô phở ăn kèm.
Bánh quẩy giòn này có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh được 3 – 5 ngày mà vẫn giòn tan.
2. Cách làm bánh quẩy phở không cần bột khai
Bột khai có vẻ khó mua đối với nhiều người nên Eva.vn sẽ chia sẻ thêm với các bạn cách làm không cần bột khai mà bánh giò cháo quẩy vẫn đạt độ giòn xốp, vàng bắt mắt.
Nguyên Liệu
– 300g bột mì đa dụng
– 8g men nở
– 4g bột nở
– 300ml sữa tươi không đường
– 5g muối
– 10g đường
– Dầu ăn
– Dụng cụ: 1 cốc nước lọc, 1 cái đũa tre, chảo to, túi nilon
Cách làm quẩy phở không bột khai
– Bước 1: Cho sữa tươi vào bát rồi mang hâm nóng khoảng 35 đến 40 độ C. Hâm xong cho men nở và đường đã chuẩn bị vào khuấy đều. Để yên cho men nở gạch cua.
– Bước 2: Cho bột mì, bột nở, muối vào âu rồi khuấy đều. Tiếp theo, cho hỗn hợp men đã pha ở bước 1 vào âu bột, trộn lên thành khối hơi nhão. Bọc nilon để trong 3 tiếng bột nở gấp đôi.
Công đoạn trộn bột ủ men
– Bước 3: Thoa 10ml dầu ăn vào túi nilon để chống dính bột rồi lấy bột đã nở ra cho vào. Dùng tay ép hết hơi túi ra rồi buộc chặt lại, để bột vào ngăn mát tủ lạnh ủ chậm 8h-12h.
– Bước 4: Sau thời gian ủ, lấy bột ra để ở nhiệt độ phòng tầm 20-30 độ C trong 10 phút. Rắc chút bột mì rải ra khay để làm lớp áo chống dính, lấy bột ra khỏi túi rồi để ra khay, nhào bột cho dẻo rồi cán phẳng bột thành hình chữ nhật, độ dày từ 7 đến 8mm.. Cắt các miếng bột có chiều dài 10cm, rộng 1cm.
Ủ bột
– Bước 5: Nhúng đũa tre vào nước rồi ấn đũa tre vào giữa miếng bột. Chồng miếng bột khác lên rồi lại nhúng đũa vào nước và ấn xuống miếng bột này. Bọc nilon, để bột nghỉ 10’.
Tạo hình bánh quẩy
– Bước 6: Cho dầu ăn vào chảo hoặc nồi to, đun sôi già rồi lấy tay kéo hơi dài miếng bột ra, cho bánh quẩy vào chảo chiên vàng 2 mặt rồi vớt ra để ráo dầu.
Hoàn thành
Quẩy nở phồng to, vàng đều thì vớt quẩy ra đĩa có lót giấy thấm dầu, ăn nóng kèm cháo hoặc phở rất ngon!
Hoàn thành món bánh quẩy phở giòn ngon bùi bùi không cần bột khai
3. Cách làm bánh quẩy thừng bọc đường giòn tan
Loại bánh quẩy này còn có tên gọi là bánh quẩy thừng, quẩy xoắn, quẩy đường,… với vị ngọt của lớp đường ngào bên ngoài vỏ, khi cắn một miếng sẽ cảm nhận được vị giòn rụm và thơm ngọt. Đây là món ăn vặt trứ danh chắc chắn không thể quên với nhiều người khi còn trẻ.
Nguyên liệu làm bánh quẩy xoắn thừng
– 200g bột nếp + 150g bột gạo (hoặc thay thế bằng 300g bột mì)
– 200g đường
– 1 quả trứng gà
– 1 thìa cafe muối
– 1 ống vani
– 140ml nước ấm, nước lọc
– Dầu ăn
– Dụng cụ: Khay hoặc mâm để nặn bột, chảo chống dính
Cách làm bánh quẩy xoắn thừng
Bước 1: Trộn bột
– Đổ 100g bột gạo và 200g bột nếp vào 1 âu to rồi cho thêm 50g đường, 1 thìa cà phê muối rồi trộn đều lên.
– Trứng gà đập ra bát riêng, cho 1 ống vani vào rồi đánh đều cho tan hết trứng sau đó đổ vào âu bột, tiếp theo cho thêm 1 thìa canh dầu ăn vào rồi trộn đều hỗn hợp bột.
Bước 2: Nhào và ủ bột
– Đổ 60ml nước ấm rải đều lên mặt của bột rồi dùng tay nhồi sơ qua rồi đậy kín lại để bột nghỉ 30 phút.
– Tiếp tục lấy bột ra, nhào lại một lần nữa, để cho bột mịn dẻo không dính tay nữa là được, không cần nhào kỹ quá khiến bột nở kém.
Nhào bột mịn rồi ủ bột
Bước 3: Tạo hình bánh quẩy xoắn thừng
– Rắc 50g bột gạo còn lại lên mặt khay nặn (hoặc mâm) để làm lớp phủ bột áo, khi nặn không bị dính bột vào tay.
– Lấy bột ra đặt lên khay rồi chia thành các miếng nhỏ đều nhau. Mỗi miếng nhỏ đó dùng cây lăn bột lăn cho dài ra tầm 25cm là được.
– Lăn dài bột dài xong thì gấp đôi lại, xoắn 2 đầu cho xoắn lại như xoắn dây thừng là được một chiếc bánh quẩy xoắn thừng đúng chuẩn. Tiếp tục nặn bột cho đến khi hết.
Tạo hình bánh quẩy xoắn thừng
Lưu ý để quẩy giòn ngon, đẹp mắt:
Độ dài và độ to của bánh quẩy xoắn thừng phụ thuộc vào cách bạn nặn và khối lượng mỗi miếng bột đã cắt.
Nên xoắn quẩy có độ dày vừa phải để quẩy khi chiên có độ giòn, không nên to quá hoặc dài quá khó chiên, quẩy dễ đứt gãy.
Nếu muốn quẩy nở phồng to đẹp mắt mà không cần nhiều bột thì khi trộn bột bạn có thể cho thêm một chút bột nở.
Bước 4: Rán bánh quẩy thừng
– Đổ nhiều dầu ăn vào chảo sao cho khi chiên dầu ngập bánh quẩy, đun cho nóng già dầu ăn rồi cho từng chiếc quẩy vào chiên.
– Cho hết một lượt bánh vào chảo dầu xong thì vặn nhỏ lửa lại để cho quẩy giòn đều cả bên trong lẫn bên ngoài, đun lửa to khi chiên dẫn tới quẩy chỉ vàng giòn một lớp mỏng bên ngoài mà bên trong có thể chưa chín hoặc mềm chưa đủ độ giòn.
– Lật quẩy đều 2 mặt khi chiên, chiên cho đến khi bánh nổi lên, vàng ruộm hai mặt thì vớt bánh quẩy ra để ráo dầu. Chiên lần lượt cho tới khi hết bánh.
Lưu ý: Không xếp chồng bánh khi chiên, bánh dễ dính vào nhau.
Bước 5: Ngào đường cho bánh quẩy
– Chuẩn bị chảo to khác, cho 150g đường còn lại vào chảo rồi cho thêm 500ml nước vào khuấy đều cho tan hết đường thì bật bếp đun sôi.
– Nước đường sôi lên thì đổ bánh quẩy vào đảo đều tay, vặn lửa vừa, đảo đến khi nước đường cạn hết, quẩy khô lại sẽ tạo một lớp vỏ đường bao bọc bên ngoài quẩy và thấm ngọt cả bên trong.
– Tắt bếp, gắp quẩy ra để nguội hẳn rồi thưởng thức.
Ngào đường cho bánh quẩy
Hoàn thành và thưởng thức
Bánh quẩy xoắn thừng hoàn thành sẽ có lớp áo đường trắng bên ngoài nhìn rất đẹp. Khi cắn một miếng sẽ thấy giòn tan trong miệng, vị ngọt, ăn rất thơm ngon.
Bánh quẩy xoắn thừng có lớp đường phủ trắng trên mặt
Cách làm bánh quẩy đường này ăn không hết có thể đóng hộp kín để được 1 – 2 ngày (tuy nhiên để càng lâu bánh sẽ càng mềm). Nếu bảo quản bánh trong tủ lạnh bánh sẽ bị khô cứng.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!