9 cách kiểm soát chỉ số HbA1C dành cho người bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường

Giảm HbA1c là mục tiêu hàng đầu của người bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường. Với người bệnh đái tháo đường, giảm chỉ số HbA1c sẽ giúp giảm biến chứng. Còn với người tiền đái tháo đường, giảm chỉ số HbA1c sẽ giúp giảm nguy cơ mắc đái tháo đường hoặc những biến chứng liên quan đến bệnh.

HbA1c là chỉ số giúp bác sĩ xem xét lại quá trình điều trị đã tốt chưa, cần thay đổi chế độ sinh hoạt và dùng thuốc như thế nào để đường huyết được kiểm soát tốt hơn. Đạt được mục tiêu HbA1c đặt ra không phải là quá trình đơn giản. Dưới đây là 9 cách có thể giúp bệnh nhân đạt được HbA1c mục tiêu của mình:

1. Xác định mục tiêu HbA1c theo giai đoạn mỗi 3 tháng

Có rất nhiều cách người bệnh có thể áp dụng để đạt được chỉ số HbA1c lý tưởng. Việc đầu tiên bạn cần làm là xác định mục tiêu HbA1c mình cần đạt được. Như đã đề cập ở bài Chỉ số HbA1C – Những điều bạn cần biết, chỉ số HbA1c khác nhau tùy đối tượng. Người trẻ tuổi mới chẩn đoán đái tháo đường (ĐTĐ) nên đặt mục tiêu HbA1c khoảng 6,5%; người cao tuổi nên là 7%; trẻ em là 7,5% và những người đã từng bị hạ đường huyết trầm trọng hoặc không thể tự chăm sóc bản thân nên duy trì mức HbA1c từ 7,5% đến 8%. Cụ thể hơn, bác sĩ điều trị sẽ cung cấp cho người bệnh con số này. Nếu HbA1c của người bệnh đang ở mức quá cao so với mục tiêu, người bệnh nên đặt ra mức HbA1c cần giảm mỗi 3 tháng để phấn đấu đạt mục tiêu. Ví dụ, mức HbA1c hiện tại là 14%, mục tiêu trong 3 tháng tới là bao nhiêu và làm thế nào để đạt mục tiêu đó. Kế hoạch của người bệnh là gì? Các bước tiếp theo dưới đây nên thực hiện như thế nào?

2. Chế độ ăn uống có kiểm soát

Hạn chế ăn những thực phẩm chứa nhiều tinh bột, chất đường, chứa hàm lượng chất béo bão hòa và mỡ cao. Hạn chế tối đa những thực phẩm chứa hàm lượng đường cao như bánh, kẹo… Các loại trái cây chứa lượng đường cao như vải, nho, xoài, chuối… cũng nên đưa vào danh sách hạn chế.

Nên đưa vào chế độ ăn uống nhiều rau xanh, chất béo tốt từ cá hồi, bơ, các loại hạt và những loại hoa quả chứa hàm lượng đường thấp như bưởi, dâu, cam…

Một trong những cách để có chế độ ăn uống lành mạnh là hạn chế ăn bên ngoài, vì chúng ta không biết rõ cách chế biến của đồ ăn mua bên ngoài gồm những thành phần gì.

Ảnh minh họa nguồn internet

3. Hạn chế ăn vặt

Bệnh nhân ĐTĐ nên tránh tình trạng ăn vặt giữa các bữa ăn. Các món ăn vặt thường chứa hàm lượng đường và tinh bột cao (tinh bột sẽ chuyển hóa thành đường). Hầu hết chúng ta tiêu thụ lượng calo dư thừa với lượng cần thiết, calo dư thừa là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe. Kiểm soát được việc ăn vặt, chúng ta sẽ tránh được việc nạp vào một lượng calo không cần thiết cho cơ thể, nhờ đó đường huyết và cân nặng sẽ được kiểm soát tốt hơn.

Nếu mắc ĐTD týp 1, tức là ĐTD phụ thuộc insulin, thì bạn phải dùng insulin sau bữa ăn vặt. Các loại insulin tác dụng nhanh sẽ có tác dụng sau khi tiêm 5 phút và kéo dài từ 3-4 giờ trong cơ thể. Nếu sau đó chúng ta ăn một bữa ăn trong khoảng thời gian sau bữa chính, chúng ta sẽ thấy đường huyết cao (và do đó dùng nhiều insulin hơn), người bệnh sẽ bị “insulin stacking” là hiện tượng chồng liều insulin, tăng nguy cơ gây tụt đường huyết làm người bệnh lại ăn tiếp sau đó và tình trạng này dẫn đến chỉ số HbA1c tệ hơn ban đầu.

4. Không bỏ bữa

Ăn đầy đủ các bữa ăn trong ngày giúp hạn chế tình trạng ăn quá độ vào bữa ăn kế tiếp. Khi cơ thể quá đói, người bệnh sẽ có cảm giác thèm ăn hơn bình thường, và có thể thèm những món ăn có hại cho sức khỏe, đặc biệt là ảnh hưởng đến đường huyết. Ăn đủ trong ngày, kèm chế độ ăn nhiều rau xanh, ít muối, ít dầu mỡ sẽ giúp người bệnh kiểm soát đường huyết tốt hơn.

5. Thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu

Khi đường huyết chưa kiểm soát tốt, bạn nên theo dõi lượng đường trong máu nhiều lần trong ngày, thường là trước các bữa ăn và 2 giờ sau ăn. Điều này sẽ cung cấp thông tin về mức độ đường huyết. Từ những thông tin này, bạn có thể tìm cách điều chỉnh kế hoạch của mình. Bạn nên tìm lời khuyên từ bác sĩ để điều chỉnh kế hoạch sao cho phù hợp.

6. Vận động

Trong những thập kỷ gần đây, với lối sống hiện đại, con người trở nên ít vận động hơn. Ví dụ: nhân viên văn phòng có thể dành cả ngày làm việc trước màn hình máy tính, trẻ em ít đi ra ngoài mà ngồi hàng giờ để chơi game và xem tivi, người già nằm trên sofa lướt Facebook… Càng ít vận động, cơ thể càng cần ít năng lượng. Vận động làm tăng độ nhạy cảm của cơ thể với insulin. Vì vậy, khi ta tập thể dục, cơ thể tăng cường quá trình trao đổi chất đường để cung cấp năng lượng cho các tế bào cơ với sự hiện diện của ít insulin hơn. Điều này sẽ giúp cải thiện đáng kể chỉ số HbA1c cũng như sức khỏe tổng thể. Vận động cũng có thể giúp giảm stress, tăng cường sự thư thái của đầu óc.

Vận động tích cực giúp kiểm soát đường huyết (Ảnh minh họa nguồn internet)

7. Dùng thuốc đúng liều và đủ thời gian

Việc tuân thủ y lệnh của bác sĩ rất quan trọng trong quá trình điều trị. Điều này giúp cải thiện mức đường huyết và HbA1c. Khi đã được kiểm soát tốt đường huyết không nên tự thay đổi thuốc, tự giảm liều thuốc hay ngưng thuốc mà phải thảo luận với bác sĩ về tình huống của mình để được tư vấn và đưa ra liệu trình cụ thể.

8. Giảm căng thẳng

Kiểm soát đường huyết có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng cho cơ thể khi chúng ta liên tục phải tính toán lượng calo nạp vào, tính toán bữa ăn tiếp theo ăn gì, ăn khi nào, lượng đường trong máu như vậy đã ổn chưa, cần phải kiểm tra lượng đường khi nào…

Khi căng thẳng, cơ thể sẽ tăng tiết các chất gây tăng đường huyết, ví dụ như cortisol. Điều này có thể làm tăng chỉ số HbA1c. Mặt khác, khi quá căng thẳng, chúng ta sẽ đưa ra những quyết định gây bất lợi cho việc quản lý bệnh đái tháo đường. Ví dụ, chúng ta có thể ngồi trên ghế xem tivi thay vì tập thể dục sau một ngày căng thẳng, một số người khác đối phó với căng thẳng bằng cách ăn vặt suốt ngày. Hậu quả là đường huyết khó kiểm soát hơn.

Có nhiều phương pháp có thể giúp giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống:

– Tìm ai đó chia sẻ để vơi đi lo lắng – bác sĩ là một lựa chọn lý tưởng.

– Tập thể dục để giải tỏa tâm trí.

– Thiền từ 10-15 phút mỗi ngày, làm dịu tâm trí.

– Tìm niềm vui trong công việc, học thêm các kỹ năng mới, đi du lịch, kết bạn, làm từ thiện…

9. Hình thành thói quen

Tuân thủ kế hoạch và hình thành thói quen là một cách tuyệt vời khác để giúp kiểm soát thành công lượng đường trong máu. Nếu bạn có một thói quen tốt trong việc kiểm soát lượng đường trong máu thì chỉ số HbA1c của bạn sẽ tốt. Nghe có vẻ không phải là lối sống thú vị nhất nhưng đối với bệnh nhân đái tháo đường, kiên trì sẽ đem lại kết quả lâu dài và ổn định.

CKII. Trương Thị Vành Khuyên

Phó Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Gia An 115