Cách ghi chú khi đọc sách để gia tăng giá trị của thói quen đọc

Thời gian này mình đang thực hiện việc đọc sách mỗi ngày vào một khung giờ cụ thể, và take note tất cả những gì thú vị, hữu ích cho bản thân mà mình thu lượm được từ cuốn sách. Hiệu ứng thật bất ngờ. Mình chăm đọc hơn, thích đọc hơn và quen với việc cứ đến giờ đó, lúc đó là phải ngồi vào bàn, mở máy tính (mình đọc ebook), mở file ebook, file word ghi chép và bắt đầu đọc. Cảm thấy cuộc sống nhiều điều mới lạ hơn bao giờ hết.

Cách đây mấy ngày, mình có đọc được một bài viết trên Medium nói về việc làm thế nào để gia tăng giá trị từ mỗi cuốn sách đã đọc của tác giả Barry Davret. Điều bất ngờ là những gì tác giả khuyên cũng khá giống với phương pháp take note khi đọc sách mình đang áp dụng. Thật trùng hợp ngẫu nhiên phải không nào? Thế nên, mình đã quyết định phải dịch bài của tác giả ngay và chia sẻ cùng các bạn.

Hãy đọc và thử vận dụng xem nhé. Biết đâu nó sẽ phù hợp với bạn đấy.

———

Một người cố vấn đã từng nói với tôi rằng đọc một cuốn sách 10 lần tốt hơn so với mỗi lần đọc 10 cuốn sách. Ông lý giải, nếu đọc một cuốn sách chỉ một lần duy nhất thì bạn không thể nào lượm lặt được tất cả những bài học giá trị ẩn chứa sau nó. Bạn không thể nào nhớ được đủ thông tin nếu chỉ đọc mỗi một lần.

Nhưng sẽ thế nào nếu bạn có thể đọc mỗi cuốn chỉ một lần và vẫn thu được hết giá trị của cuốn sách đó như thể bạn đã đọc nó 10 lần? Điều này có thể không?

Có, có thể, và nó rất rõ ràng. Đơn giản là bạn cần thay đổi cách bạn đọc, take note (ghi chú) và hấp thụ thông tin.

Chúng ta hãy bắt đầu với một sự thật hiển nhiên này.

Đa phần tác giả của các cuốn sách phi hư cấu nhồi nhét vào cuốn sách của họ với rất nhiều những thông tin không cần thiết. Kể cả những cuốn sách hay nhất cũng chứa vài chuyện lặt vặt, ví dụ hay lời giải thích không mấy quan trọng. Không khách hàng nào sẽ trả 25 USD để mua một cuốn sách 6000 từ. Vì thế, các nhà xuất bản thường sẽ đặt ra số lượng từ tối thiểu.

(Không giống tiếng Việt, khi viết các văn bản, tài liệu, nội dung tiếng Anh, bạn thường sẽ có giới hạn số lượng từ để viết. Điều này nhằm đảm bảo các từ ngữ sử dụng đều “đáng giá” và không bị thừa. Với những người làm freelance writer, họ cũng thường được trả theo mức trên một số lượng từ nhất định, ví dụ 5 USD/ 50 words.)

Phần nhồi nhét thêm phục vụ cho một mục đích hợp lý nào đó khi mà cuốn sách thật sự chất lượng. Chúng nâng cao sự hiểu biết của chúng ta bằng cách chứng minh một khái niệm/ý tưởng nào đó hoạt động như thế nào và cách mà nó được áp dụng vào các tình huống thực tế. Nhưng, trong gần như tất cả các trường hợp thì chúng thừa. Có quá nhiều những nội dung như vậy trong một cuốn sách, và chúng buộc chúng ta phải mò mẫm để tìm ra được một vài “viên ngọc quý” giá trị.

Tôi sử dụng một quá trình đơn giản để thu nhặt tất cả những “viên ngọc quý” đó và tạo ra một hướng dẫn giúp loại bỏ 98% nội dung không cần thiết. Thay vì đọc một cuốn sách 10 lần để tìm ra các bài học hay thì giờ bạn chỉ cần cuốn sách một lần, áp dụng quá trình thu nạp thông tin này và đọc bản tóm tắt sách 10 lần (hoặc nhiều hơn) là được.

Dưới đây là cách mà tác giả Barry Davret giới thiệu. Mình đã tóm gọn và dịch theo cách để bạn dễ hiểu và áp dụng.

Tạo thư mục các ghi chép khi đọc sách

Dành 5 phút để xây dựng một thư mục chứa các ghi chép của những cuốn sách bạn sẽ đọc. Bạn có thể tạo ngay trên máy tính hoặc trên các dịch vụ lưu trữ đám mây như Google Drive, Microsoft One Drive. Mình đã tạo trên Google Drive để tiện đồng bộ trên nhiều tài khoản và take note trên điện thoại.

Đặt tên thư mục theo bất cứ cách nào bạn muốn, nhưng nên đặt tên dễ nhớ và dễ tìm, chẳng hạn Book Notes. Sau đó, tạo thư mục phụ cho từng loại sách bạn đọc.

Đây là tất cả những gì bạn cần để bắt đầu. Sau này, nếu có thể thay đổi gì, bạn hoàn toàn thể đổi tên, thêm/bớt các thư mục theo ý muốn.

Đọc và đánh dấu

Nếu đọc sách giấy, cầm bút trên tay. Nếu đọc trên điện thoại, Kindle thì bạn có thể sử dụng tính năng highlight (làm nổi bật/đánh dấu). Bất cứ khi nào đang đọc mà phát hiện có một thông tin thú vị/bạn quan tâm thì tô đậm, đặt một dấu hoa thị cạnh nó hoặc dùng highlight để đánh dấu. Tiếp tục như vậy cho đến khi đọc hết cuốn sách.

Thu thập thông tin

Tạo một file tài liệu mới (file Word hoặc Google Docs…), đặt tên file theo tiêu đề và tác giả cuốn sách. Nhớ lưu file này trong thư mục phụ phù hợp ở thư mục lớn Book Notes.

Mở cuốn sách đã đọc và bắt đầu với trang đầu tiên. Lúc nào thấy một chỗ đã đánh dấu thì đọc lại nó và gõ lại chúng vào tài liệu đã tạo.

Trong quá trình làm như thế này, bạn sẽ bắt gặp nhiều ví dụ mà tương tự như những cái mà bạn dã từng ghi chép lại. Đây là điều rất phổ biến trong gần như tất cả các cuốn sách phi hư cấu vì các tác giả sẽ lặp lại, giải thích các thuật ngữ và sử dụng các phép suy luận theo nhiều cách khác nhau cho cùng một vấn đề. Lúc này, hãy xóa những ghi chép cũ và thay thế bằng các ghi chép mới. Nếu không chắc chắn thì take note lại cả hai và chỉnh sửa sau cũng được.

Lưu ý là ghi lại số trang (cho sách giấy) hay chương và mốc thời gian (cho sách nói) để tìm lại chúng khi cần thiết.

Chắt lọc thông tin

Bạn đã ghi chép lại các nội dung thú vị của cuốn sách vào một tài liệu. Bây giờ, đã đến lúc bạn cần lọc ra các ý để tìm ra các thông tin quan trọng nhất và thu hẹp lại bản tóm tắt. Tốt nhất là nên giới hạn từ 3 đến 5 trang.

Tại sao lại ít như vậy?

Bởi vì nhiều khả năng bạn sẽ đọc lại một tài liệu 3 trang hơn là một tài liệu dài tận 20 trang. Bạn hoàn toàn có thể thu nạp phần hay nhất của gần như mọi cuốn sách phi hư cấu có kết cấu rõ ràng chỉ trong 3 đến 5 trang giấy. Tất nhiên, cũng có một vài ngoại lệ như sách lịch sử, sách khoa học hay sách tài liệu biên soạn.

Nếu không chắt lọc nội dung thì có thể bạn sẽ ghi chép lại cả những phần thừa hoặc nhiều ví dụ, đoạn dẫn mà truyền đạt cùng một ý nghĩa.

Bạn không cần phải viết nguyên văn những gì tác giả đã trình bày. Mục tiêu chung của việc đọc một cuốn sách phi hư cấu đó là chắt lọc các bài học. Viết theo giọng văn của bạn sẽ giúp bạn dễ hiểu và dễ nhớ hơn.

Làm chủ những gì bạn đã take note

Sau khi đã hoàn tất quá trình chỉnh sửa, đọc tóm tắt cuốn sách một lần mỗi ngày trong 2 tuần. Vì phần tóm tắt chỉ trong chưa đến 5 trang nên bạn sẽ thấy việc đọc lại này rất dễ thực hiện.

Nếu muốn tăng gấp 10 lần giá trị của những kiến thức thu được từ cuốn sách, bạn có thể nhặt ra vài chủ đề từ bản tóm tắt và bắt đầu viết về chúng như thể bạn đang chia sẻ lại chúng cho người khác. Bạn không cần xuất bản nó. Hành động này đơn giản là để bạn tổ chức các suy nghĩ và cải thiện việc ghi nhớ.

Phân loại

Giả sử như bạn đã áp dụng quá trình này trong vòng 1 năm và bạn đã có hàng chục bản tóm tắt sách. Bạn sẽ đọc lại tất cả những tóm tắt này thường xuyên chứ? Có thể không. Đó là lý do tại sao bạn nên tạo ra một phiên bản “best of the best” (tốt nhất của tốt nhất) của những gì đã tóm tắt. Hay nói cách khác, học cách tóm tắt lại nội dung của một cuốn sách chỉ trong một vài câu. Sau đó, tập hợp tất cả chúng thành một file và mỗi thư phụ lúc này đã có một hợp tuyển những bài học giá trị nhất từ tất cả cuốn sách bạn đã đọc.

Thật tuyệt phải không bạn? Đây là cách đọc sách và ghi chép tuy hơi mất thời gian chút xíu nhưng đổi lại, thứ bạn nhận được quả không hề nhỏ. Hãy thử thực hành và chia sẻ cho mình kết quả bạn nhận được nhé.

Một số cuốn sách hay mình đã đọc:

  • Show Your Work (Nghệ thuật PR bản thân)
  • Khiêu vũ với ngòi bút
  • Girl Stop Apologizing

Ảnh đầu bài: David Iskander