Khi nhìn lại phê bình văn học Việt Nam hiện nay, những câu hỏi được đặt ra: vị trí của phê bình văn học trong cấu trúc khoa học văn học và đời sống văn chương? Nhà phê bình là ai? Ở đâu? Họ được đào tạo và tham gia vào đời sống văn học Việt Nam như thế nào? Những ưu điểm, nhược điểm và động hướng của phê bình văn học Việt Nam?
- Về lực lượng và không gian phê bình
1.1.Lực lượng phê bình trong không gian địa lí
Muốn bàn luận điều gì về phê bình, trước hết cũng cần phải biết được lực lượng phê bình hiện nay như thế nào? Nhìn trên bình diện không gian địa lí, từ Bắc vào Nam, Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh vẫn là những trung tâm lớn, tập trung các hoạt động văn học nghệ thuật trong đó có lí luận phê bình. Ở Hà Nội, chúng ta có các tên tuổi rất đáng chú ý như: Trần Đình Sử, Phùng Văn Tửu, Lã Nguyên, Chu Văn Sơn, Nguyễn Phượng, Lê Quang Hưng, Lê Huy Bắc, Lã Thị Bắc Lý, Trần Văn Toàn, Đỗ Văn Hiểu, Trần Ngọc Hiếu, Lê Trà My, Đặng Thu Thủy, Nguyễn Thị Minh Thương (Đại học Sư phạm Hà Nội); Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Bích Thu, Nguyễn Hữu Sơn, Phạm Xuân Nguyên, Trịnh Bá Đĩnh, Trương Đăng Dung, Lưu Khánh Thơ, Lê Dục Tú, Tôn Phương Lan, Đỗ Hải Ninh, Lê Hương Thủy, Phùng Ngọc Kiên, Cao Kim Lan, Phạm Phương Chi, Hoàng Tố Mai, Cao Việt Dũng, Trần Thiện Khanh, Đoàn Ánh Dương, Đỗ Thị Thu Huyền, Lê Thị Dương, Đỗ Thị Hường, Đặng Thái Hà (Viện Văn học); Đào Duy Hiệp, Bùi Việt Thắng, Lý Hoài Thu, Phạm Gia Lâm, Trần Khánh Thành, Nguyễn Bá Thành, Phạm Xuân Thạch, Hoàng Cẩm Giang, Lê Nguyên Long, Diêu Lan Phương, Trần Đăng Trung (Đại học KHXH&NV Hà Nội); Văn Giá, Mai Anh Tuấn (Đại học Văn hóa); Phạm Duy Nghĩa, Hoàng Đăng Khoa, Đoàn Minh Tâm, Nguyễn Hữu Quý (Tạp chí Văn nghệ Quân đội); Đỗ Lai Thúy (Tạp chí Văn hóa nghệ thuật), Phạm Khải (Báo Công an nhân dân), Lê Hoài Nam (Truyền hình Nhân dân), Nguyễn Hòa (Báo Nhân dân), Mai Nam Thắng, Trần Hoàng Hoàng (Báo Quân đội nhân dân); Nguyễn Ngọc Thiện (Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam); Lại Nguyên Ân, Văn Chinh, Lê Thành Nghị, Đỗ Minh Tuấn, Đỗ Ngọc Yên, Hồng Diệu, Ngô Thảo (Hội Nhà văn). Ở Huế, chúng ta có Hồ Thế Hà, Tịnh Thy, Hoàng Thị Huế, Nguyễn Văn Thuấn, Phan Tuấn Anh, Nguyễn Văn Hùng, Phan Thị Vàng Anh, Lê Thị Diễm Hằng,… đều là cán bộ giảng viên của trường Đại học Khoa học và Đại học Sư phạm Huế. Ở Thành phố Hồ Chí Minh có Đoàn Lê Giang, Trần Lê Hoa Tranh, Nhật Chiêu, Trần Hoài Anh, Hoàng Phong Tuấn, Bùi Thanh Truyền, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Đình Minh Khuê,… Ngoại trừ Lê Thiếu Nhơn ở tạp chí Kiến thức gia đình, Nguyễn Đình Minh Khuê là sinh viên năm thứ 3, còn lại các tên tuổi vừa nêu ở TP Hồ Chí Minh đều là giảng viên đại học. Các địa phương, tỉnh, thành phố khác trong nước cũng có một vài người mà chúng ta có thể nêu lên, để thấy sự phân bố lực lượng phê bình trên không gian địa lí. Thái Nguyên có Cao Hồng, Trần Thị Việt Trung; Vĩnh Phúc có Phùng Gia Thế, Hải Dương có Nguyễn Thị Việt Nga, Nguyễn Đức Toàn; Thanh Hóa có Lê Tú Anh, Hỏa Diệu Thúy, Thy Lan; Nghệ An có Phan Huy Dũng, Đinh Trí Dũng, Biện Minh Điền, Lê Hồ Quang, Đặng Lưu, Lê Thanh Nga, Nguyễn Thị Thanh Hiếu; Quảng Bình có Hoàng Thụy Anh; Đà Nẵng có Nguyễn Văn Trung, Khánh Hòa có Trần Viết Thiện,… Ở nước ngoài có Đặng Tiến, Thụy Khuê, Đoàn Cầm Thi, Nguyễn Đức Tùng, Đỗ Quyên,…
Không gian địa lí cho thấy tính chất thu hút lực lượng cũng như khả năng hoạt động của (không chỉ) phê bình văn học. Tuy nhiên, trên thực tế, các không gian phi trung tâm đều có xu hướng tiến vào trung tâm khi mà các diễn đàn văn học nghệ thuật uy tín và các sự kiện văn học cũng chủ yếu diễn ra ở trung tâm. Các Viện nghiên cứu, trường đại học và một số tờ báo – tạp chí văn nghệ cũng đang là trung tâm của hoạt động phê bình văn học. Điều đó, đem đến một hình dung về tính chuyên nghiệp hóa của hoạt động phê bình. Dĩ nhiên, một thực trạng cũng đang diễn ra trong không gian trường học và viện nghiên cứu là những chi phối của công việc giảng dạy hay nghiên cứu lịch sử văn học, lí luận văn học. Phê bình bị cạnh tranh ngay trong cấu trúc ngành – khoa học văn học của nó (chúng tôi sẽ nói ở phần sau), ở ngay trong không gian địa lí mà nó hiện diện.
1.2. Lực lượng phê bình trong không gian chuyên môn
Một nhà phê bình chuyên nghiệp cần phải được đào tạo, bồi dưỡng, có trình độ, tri thức, kiến văn và một quan niệm giá trị vững vàng. Các trường đại học, viện nghiên cứu vừa là nơi đào tạo, cung cấp và cũng là nơi sử dụng lực lượng phê bình chính hiện nay. Một lực lượng khác, sau khi được đào tạo đã làm việc trong các tòa báo, các hội văn học nghệ thuật, các diễn đàn văn chương,… cũng phát huy được vốn liếng kiến thức, kĩ năng đã tiếp cận, thực hành tại cơ sở đào tạo. Có thể thấy, trong các tên tuổi vừa nêu có tới hơn 90% là Ths, TS, PGS, GS. Vấn đề đào tạo chính quy được xem là nền tảng để hình thành tư cách nhà nghiên cứu, phê bình, cùng với đó là quá trình tự học, tự bồi dưỡng, tự trưởng thành qua thực tiễn văn chương của mỗi người. Cùng với chương trình đào tạo chính quy, các lớp tập huấn, bồi dưỡng của các Hội, Liên hiệp Hội, các trại sáng tác, các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm phê bình văn học cũng đang mang lại hiệu quả. Các lớp tập huấn nâng cao năng lực lí luận phê bình văn học do Hội đồng Lí luận phê bình Trung ương tổ chức cũng là cơ hội tốt cho các cây bút phê bình học tập, nắm bắt tình hình văn học và trao đổi chuyên môn.
Lực lượng phê bình, dù chưa đầy đủ nhưng cũng không thể nói là thiếu hay thưa mỏng. Sự phân bố trên không gian địa lí cho thấy sức hút và vai trò của các trung tâm trong đời sống văn học, văn hóa, chính trị, xã hội. Tuy nhiên, vấn đề chúng tôi muốn tập trung bàn luận ở đây là không gian phê bình có tính chuyên môn. Tôi vẫn cho rằng không có nhà phê bình bẩm sinh – nếu có chỉ là một thiên tính, một năng lực đặc biệt có tính phụ trợ. Người làm phê bình cần phải được đào tạo một cách bài bản và kĩ lưỡng. Bằng cấp, học vị, học hàm có thể không thực sự quan trọng, nhưng học vấn, tri thức, vốn sống, vốn văn hóa cần phải được xem là cơ sở để “hành nghề” phê bình. Do hiện diện trong những không gian khác nhau: Viện – Trường – Cơ quan báo chí – Hội Văn học nghệ thuật,… nên sự phân lập đặc tính của phê bình cũng khá rõ, trên cơ sở của những khác biệt về môi trường làm việc. Ở viện và trường đại học, phê bình chủ yếu vận động theo hướng hàn lâm, bài bản, lớp lang, sử dụng nhiều công cụ lí thuyết, phương pháp, trường phái,… Ưu điểm của phê bình hàn lâm cũng xuất phát từ đặc tính này. Nhờ có công cụ, phương tiện, phương pháp, phê bình hàn lâm thường xem xét vấn đề trên bình diện rộng, sâu, đặt ra và nỗ lực giải quyết triệt để vấn đề văn học. Tuy nhiên, phê bình hàn lâm trong bối cảnh văn học của thời đại truyền thông đã tự đưa mình vào tình thế khó khăn trong khả năng hiện diện. Có một thực tế là các diễn đàn văn học, báo chí rất khó sử dụng các bài phê bình hàn lâm. Sự trưng dụng quá nhiều khái niệm, thuật ngữ, lí thuyết khiến cho bài phê bình trở nên cồng kềnh, nặng nề, ôm đồm lắm khi rơi vào trạng thái vòng vo. Đây là một vấn đề khá lớn, tạo nên mối nguy của văn chương mà T. Todorov đã nêu lên: Sự lộng hành của lí thuyết, sự đánh tráo đối tượng từ diễn giải tác phẩm sang diễn giải về lí thuyết và công cụ đã đẩy văn chương lâm vào tình thế không được tiếp cận với đúng bản chất của nó. Những bài viết này chỉ phù hợp với các tạp chí chuyên ngành và dành cho một bộ phận rất nhỏ những người trong giới nghiên cứu – phê bình hàn lâm đọc, tra cứu, tham khảo. Các nhật báo, tuần báo, thậm chí một số tạp chí văn nghệ có thái độ khá dè dặt nếu không muốn nói là “kính nhi viễn chi” trước các phê bình hàn lâm. Đặc tính này còn dẫn đến một hệ lụy khác đó là phê bình hàn lâm thường có nhịp điệu chậm hơn các sinh hoạt văn chương đương đại. Thêm nữa, các diễn đàn dành cho phê bình hàn lâm trong thực tế là khá hẹp. Do vậy, việc công bố những công trình phê bình bài bản, lớp lang, dài hơi của các nhà phê bình hàn lâm tỏ ra khá khó khăn.
Trái với không khí phê bình hàn lâm, những hoạt động phê bình trên báo chí, diễn đàn của các Hội Văn học nghệ thuật,… lại nhanh chóng, kịp thời, ngắn gọn, dễ tiếp cận và phù hợp với đại bộ phận công chúng. Phê bình báo chí chủ yếu diễn ra dưới dạng điểm tin, đọc sách, giới thiệu tác giả, tác phẩm, phê bình ấn tượng chủ quan,… Ưu điểm của phê bình dạng này xuất phát từ việc không chú trọng vào lí thuyết, phương pháp, nên những thực hành phê bình này đi ngay vào vấn đề, trình bày, diễn giải các thông tin cơ bản, liên quan trực tiếp đến hiện tượng văn học. Nhược điểm của phê bình báo chí là cảm tính, không có lí thuyết, phương pháp cụ thể, dễ rơi vào tình trạng suy diễn, trình bày ấn tượng chủ quan, thậm chí không hiếm khi ta thấy những phê bình này còn hời hợt. Phê bình báo chí cũng là nơi những hình thức phê bình thù tạc, những viết lách có tính “biếu tặng” xuất hiện.
Một vấn đề khá quan trọng nảy sinh từ việc đào tạo và sử dụng lực lượng phê bình, liên quan trực tiếp đến không khí sinh hoạt của phân ngành này trong đời sống văn chương đó là: 1. Sự suy giảm lực lượng người học – nguồn bổ sung cho Lí luận Phê bình; 2. Sự lôi cuốn của truyền thông, báo chí khiến cho phê bình hàn lâm ngày càng mất đi vị trí trong đời sống văn học; 3. Sự e ngại, thậm chí không tin tưởng vào phê bình của giới sáng tác; 4. Sự bảo thủ hay cục bộ của một số diễn đàn khiến cho phê bình trên các diễn đàn đó trở nên đơn điệu; 5. Thù lao của người làm phê bình quá ít ỏi không duy trì được một tinh thần làm việc cật lực hay tận tụy, một thái độ tập trung, một phong cách chuyên nghiệp; 6. Một số cơ chế chính sách trong quản lí văn hóa văn nghệ chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho phê bình,… Chính trong những hoàn cảnh như thế, phê bình buộc phải vận hành theo những mô hình không hẳn đúng với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nó.
Sẽ có nhiều cách phân loại, định danh hay khu biệt các không gian – khu vực phê bình khác nhau. Dù là hàn lâm hay báo chí, học thuật hay nghệ thuật, phê bình cũng vẫn phát triển tương thích với tính đại chúng và tinh hoa của văn học. Những thực trạng của việc đào tạo, sử dụng lực lượng phê bình cũng cần phải được xem là một vấn đề nội tại của phê bình và văn học. Và hiển nhiên, điều đó thể hiện đúng bản chất của nền văn học – văn hóa – xã hội Việt Nam trong một cơ cấu lựa chọn đặc thù.
- Vị trí của phê bình trong cấu trúc văn học
Cấu trúc của khoa học văn học gồm 3 bộ phận: Lịch sử văn học, Lí luận văn học và Phê bình văn học. Vì những tập quán trong diễn ngôn, với một truyền thống không có lí thuyết, không triệt để, khúc triết về tư duy, người ta thường nhập Lí luận và Phê bình vào với nhau, để chỉ các hoạt động diễn giải văn chương ở nước ta. Trong khi đó, lẽ ra Lí luận văn học cần phải được hiểu một cách rành mạch hơn về một phân ngành có tính lí thuyết, và Phê bình là một phân ngành thiên về phía thực hành. Vì những tập quán đó, nên các nhà phê bình và các nhà lí luận vẫn đứng cùng nhau trong một cách định danh Lí luận phê bình văn học. Dẫu như thế, phê bình văn học đương đại vẫn đang cho thấy những nỗ lực của mình để sống với văn học cùng thời. Trong cấu trúc khoa nghiên cứu văn học, nếu nhìn một cách cụ thể, kĩ lưỡng, hóa ra, phê bình lại đang làm nên khu vực sôi động cho văn chương. Vốn không có truyền thống lí luận, trong khi, lịch sử văn học đang còn nhiều vấn đề phải bàn, phê bình văn học Việt Nam đã có một lực lượng khá đông đảo, đặc biệt là thế hệ trẻ (8x, 9x). Thế hệ phê bình F được đào tạo bài bản, có xu hướng dần trở thành công dân toàn cầu, đã tạo nên được những dấu ấn riêng của thế hệ. Những cái tên như Cao Việt Dũng, Trần Ngọc Hiếu, Mai Anh Tuấn, Đoàn Ánh Dương, Lê Nguyên Long, Phạm Phương Chi, Đặng Thái Hà, Hoàng Phong Tuấn, Lê Thị Dương, Phan Tuấn Anh, Hoàng Cẩm Giang, Đoàn Minh Tâm,… khiến chúng ta có cơ sở để phản biện quan điểm phê bình Việt Nam đang thiếu và yếu.
Xem xét trong cấu trúc Nhà văn – Tác phẩm – Người đọc/ Sản xuất – phân phối – tiêu thụ, như là một hoạt động đọc – tiêu thụ ở cấp độ tinh hoa, phê bình văn học cũng cho thấy những nỗ lực để theo kịp và không bỏ sót các giá trị của văn chương đương đại. Dù là phê bình hàn lâm hay báo chí, đời sống phê bình vẫn đang tác động lên tâm lí, thị hiếu và sự lựa chọn của công chúng văn học. Thậm chí, phê bình đã tác động trở lại chính nhà văn và hoạt động sáng tác, hoạt động xuất bản, phát hành ấn phẩm văn học. Các nhà văn và độc giả vẫn được tiếp cận các bài phê bình trên các diễn đàn từ Nghiên cứu Văn học đến Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, Tạp chí Lí luận Phê bình Văn học Nghệ thuật, Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, Văn hóa nghệ thuật, Văn nghệ Quân đội, Quân đội Nhân dân, Văn nghệ, Nhân dân, Văn nghệ Công an… các diễn đàn mạng xã hội, các cơ quan báo chí trung ương và địa phương khác,… Từ những diễn đàn này, các quan điểm định giá hay phân loại, xếp loại,… được triển khai và ít nhiều đã cất tiếng về thực trạng văn chương Việt Nam đương đại.
Dù xét trong cấu trúc khoa học văn học hay cấu trúc đời sống văn chương, phê bình vẫn là một phân ngành chuyên môn quan trọng, có nhiệm vụ thẩm định, bình giá hay định hướng giá trị nhân văn, thẩm mĩ cho cộng đồng. Vị trí đó của phê bình văn học là điều không thể không thừa nhận. Tuy nhiên, trong thực tế, do sự phát triển mạnh mẽ của các hình thái, thể loại văn học, phê bình nhiều lúc cũng chưa thể bao quát được một cách đầy đủ. Đó là lí do khiến nhiều người “ưu thời mẫn thế” vẫn lên tiếng về tình trạng “thiếu và yếu”, “nghiệp dư”, “nói theo”, “chưa bao quát”,… của phê bình.
- Động hướng của phê bình văn học
Phê bình văn học Việt Nam ngày càng trở nên phong phú, đa dạng trong bối cảnh của một “Carnaval lí thuyết” nghiên cứu, phê bình văn học như hiện nay. Đời sống văn học chứng kiến những thực hành phê bình từ góc độ Ngôn ngữ học, Thi pháp học, Phân tâm học, Hiện tượng học, Kí hiệu học, Văn hóa học, Sinh thái học, Cấu trúc luận, Nữ quyền luận, Hậu thực dân, Hậu thuộc địa, Hậu cấu trúc, Lí thuyết tiếp nhận, Đa hệ thống, sự phát triển của khoa học công nghệ, những nền tảng triết học, mĩ học mới xuất hiện trong không gian tri thức – tinh thần hiện đại, hậu hiện đại đã đem đến những cơ hội và cả những thách thức cho phê bình. Nếu phê bình báo chí phát triển mạnh trên điều kiện công nghệ, truyền thông thì phê bình hàn lâm lại có được những đóng góp mới từ lí thuyết, phương pháp phê bình mới. Điều đó, thực sự đang làm cho đời sống văn học nói chung và phê bình nói riêng trở nên sinh động và đầy hứa hẹn.
Phê bình văn học, nghiên cứu văn học theo hướng liên ngành đang là con đường phát triển tiềm năng của văn học. Thoát khỏi tính tự trị, văn học trong hướng liên ngành đã mang đến cơ hội để văn chương bước vào đời sống một cách cởi mở nhất. Nhiều nhà phê bình, nghiên cứu, trong ý niệm hóa giải tính tự trị của văn học đã xem văn học như là một phương tiện để hiểu văn hóa, con người Việt Nam.
Sự đổi mới của đất nước, các chuyển động trong thể chế quản lí hành chính, văn hóa, văn nghệ cũng giúp gỡ bỏ nhiều rào cản cho phê bình nói riêng và văn học nói chung. Từ đó, phê bình có điều kiện để tiệm cận với các giá trị nhân văn căn bản, phổ quát, hướng tới yếu tính thực sự của nghệ thuật và hiện hữu.
- Kết luận
Trong một tình thế không thể/ chưa thể đáp ứng được tốt hơn những đòi hỏi của cộng đồng, chúng ta vẫn phải ghi nhận và đánh giá một cách tích cực về sự hiện diện của phê bình trong đời sống văn học. Những ưu điểm, nhược điểm của phê bình hàn lâm hay phê bình báo chí thực sự cũng là những hiện diện tất yếu. Nói phê bình thiếu và yếu hay phê phán sự nhợt nhạt, nửa vời của nó thực chất là cách nói rất chung chung, thậm chí còn thể hiện sự hời hợt, phiến diện trong quan sát và nhận định về thực trạng phê bình văn học hiện nay. Không thể có ngay một sự hài lòng, nhưng, các nhà phê bình văn học, đặc biệt là thế hệ trẻ đang cố gắng để làm tốt hơn công việc của mình. Điều cần thiết, ngoài niềm tin, cũng cần có thêm các cơ chế khác tạo ra hành lang cho phê bình tiến tới một không gian rộng lớn hơn và thực chất hơn nữa. Xem ra, đó cũng không phải chỉ là câu chuyện của phê bình văn học.
Nguyễn Thanh Tâm
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!