Với những người làm nông nghiệp thì chắc đã quá quen thuộc với các loại cây họ đậu và biết đến một khả năng đặc biệt của chúng đó là khả năng cố định nitơ trong không khí thông qua việc cộng sinh với vi khuẩn nốt rễ Rhizobium – một loại vi khuẩn sống trong đất, để tạo ra đạm sinh học cho đất và cây trồng.
Bên cạnh việc cung cấp đạm sinh học thì các loại cây họ đậu còn mang đến nhiều lợi ích khác trong lĩnh vực nông nghiệp như:
- Các loại cây họ đậu được xem là cây che phủ đất, giảm xói mòn và rửa trôi phân bón cũng như các chất hữu cơ trong tầng đất canh tác.
- Đây cũng là loại cây phân xanh bổ sung lượng sinh khối lớn, giàu dinh dưỡng cho đất trồng.
- Nhờ sinh khối che phủ và khả năng cố định đạm mà các cây trồng họ đậu đã từng bước cải thiện cấu trúc và độ phì nhiêu của đất. Giúp cây trồng chính sinh trưởng khỏe mạnh, năng suất hơn, chống chịu tốt hơn với các biến động về thời tiết.
- Ngoài ra, việc xen canh cây họ đậu trong vườn còn tăng nguồn thu và lợi nhuận kinh tế cho người nông dân từ sản phẩm phụ, giảm dần nhu cầu đầu tư về phân bón.
Từ những lợi ích thiết thực mà chúng mang lại, các loại cây trồng họ đậu đang được xen canh nhiều hơn trong các vườn trồng cây ăn quả, vườn cây công nghiệp, vườn trồng canh tác theo hướng tự nhiên, sinh thái vườn rừng.
Dưới đây là một số loại cây trồng họ đậu cố định đạm và cây họ đậu không cố định đạm.
1. Cây họ đậu cố định đạm
Cây đậu mèo
Là một loài cây họ đậu leo, sinh trưởng rất nhanh, có thể tạo sinh khối lớn trong một thời gian ngắn. Có nhiều loại cây đậu mèo, đậu mèo dại có hoa tím, quả thường có nhiều lông; Đậu mèo hoa xanh, không có lông thường được trồng nhiều hơn vì có khả năng chống chịu khá tốt với sâu bệnh.
Đậu mèo là cây họ đậu có khả năng cố định nitơ tốt và hàm lượng nitơ trong thân lá cao. Đậu mèo có thể trồng được quanh năm, trồng đậu mèo xen với cây ăn quả hoặc ngô, sắn. Đậu mèo có sức sinh trưởng rất nhanh nên khi trồng cần biết lợi dụng đặc tính này để sử dụng tốt nhất khả năng che phủ và lượng sinh khối lớn của đậu mèo, tránh những ảnh hưởng xấu cho các loại cây trồng khác.
Cây so đũa
Cây so đũa hay điền thanh hoa lớn có nguồn gốc từ Ấn Độ hay Đông Nam Á và thường mọc ở những nơi nóng ẩm. Ở Việt Nam, cây thường mọc hoang hoặc được trồng dọc theo các bờ ruộng, ven đường, trồng làm hàng rào quanh vườn cây ăn trái,…
Cây so đũa mọc và phát triển rất nhanh, thường có thân cao 5-10 m, có vỏ dầy, sần sùi và tiết ra mủ đỏ, có thể sống từ 5-10 năm. Thân cành của cây so đũa được dùng làm củi đun, làm nguyên liệu bột giấy, nguyên liệu để trồng nấm mộc nhĩ, bào ngư..
Rễ thuộc loại rễ cọc, có nhiều rễ phụ ăn cạn và rễ non, được vi khuẩn cộng sinh để tạo nốt sần có khả năng tổng hợp đạm từ không khí cung cấp đạm sinh học cho cây trồng.
Đậu săng
đậu săng hay đậu triều là một loài cây họ đậu, là thân thảo và thân gỗ nhỏ (cây lâu năm), chịu khô hạn rất tốt song không chịu được đất quá xấu. Đậu triều thuộc dạng cây bụi, cao khoảng 2 – 6 m, là cây cố định đạm, đâm chồi nhiều, khi bấm ngọn khoảng 0,15 m.
Đậu săng thích hợp với nhiều loại đất, có môi trường phân bố rộng. Đậu triều có vòng đời khoảng 2-3 năm, cung cấp đạm tự nhiên cho cây trồng theo hệ thống rễ.
Đậu săng được dùng để làm lương thực (hạt đậu), thức ăn cho súc vật. Ngoài ra, đậu triều là một loại cây cải tạo đất rất hiệu quả, là cây phân xanh, bổ sung một lượng sinh khối hữu cơ lớn cho đất trồng.
Hàn the ba lá
Hàn the ba lá hay còn gọi là cây sơn lục đậu có tên khoa học là Desmodium heterophyllum, là một loài thực vật thuộc họ Đậu. Cây có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trên nhiều loại đất khác nhau, cây có khả năng cố định đạm và cải thiện đất. Cây hàn the ba là là loại cây trồng phủ mặt đất canh tác nông nghiệp đầy tiềm năng.
Hàn the ba lá có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trên nhiều loại đất khác nhau nhất là trên đất bạc màu, thiếu dinh dưỡng. Cây có khả năng cố định đạm, sinh khối cao giúp cải thiện đất. Cây mọc tạo thành thảm, bò lan sát mặt đất, dày, ít sâu bệnh, giữ đất tơi xốp, chống xói mòn, hạn chế sự xâm lấn của cỏ dại,…
Lạc dại
Lạc dại là một loài cây họ đậu lâu năm có nguồn gốc từ Mỹ-La Tinh. Lạc dại có lá và hoa như lạc ăn; thân bò sát mặt đất, ra rễ ở các đốt than trên; củ nhỏ, thường chỉ có 1 hạt to bằng đậu tương; rễ cọc có thể hình thành từ các đốt và ăn sâu vào lòng đất. Rễ có nốt sần có khả năng cố định đạm từ ni tơ khí trời rất tốt.
Lạc dại có khả năng chịu hạn tốt, chịu úng cao, có thể trồng được quanh năm, nhưng tốt nhất là mùa xuân và mùa thu với các tỉnh miền Bắc, mùa mưa với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.
Đậu biếc
Đậu biếc còn gọi đậu hoa tím hay bông biếc. Đậu biếc là cây thân thảo, leo, thân và cành mảnh có lông. Ở Việt Nam, cây đậu biếc thường được trồng với những bông hoa leo ở bờ rào và để lấy hoa và quả.
Đậu biếc còn được trồng rất nhiều để dùng làm cây phân xanh, cây che phủ đất và cải tạo đất. Đây cũng là loại cây sản sinh ra nitơ tự nhiên khá lớn như những loại cây họ đậu khác. Cây chịu nắng và hạn được trồng bằng hạt. Bộ phận chứa chất độc của cây đậu biếc là hạt và rễ.
Keo dậu
Cây keo dậu có tên khoa học là Leucaena leucocephala, có nguồn gốc ở Trung và Nam Mỹ.Ở nước ta, cây keo dậu còn có tên là bình linh, quả dẹp,… và mọc tự nhiên ở một số nơi thuộc duyên hải miền Trung.
Keo dậu thuộc họ đậu, thân bụi hoặc thân gỗ lâu năm. Cây có thể cao tới 10 m và rễ có thể đâm sâu tới 4 m. Cây có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau. Cây có khả năng chịu hạn rất tốt nhưng kém chịu lạnh và sương muối.
Nó được coi là một cỗ máy sản xuất sinh khối, nó cũng là loài cây rất hiệu quả trong việc cố định đạm cung cấp đạm cho cây trồng, với khối lượng lớn hơn 500 kg/ha mỗi năm.
Quả và lá keo dậu có thể dùng làm thức ăn phụ cho gia súc. Do khả năng sinh thái có thể tái sinh hạt rất tốt nên người ta thường sử dụng keo dậu làm 1 loài cây tiên phong phục hồi rừng. Hạt keo dậu sẽ được gieo vãi trên đất mất tính chất đất rừng, keo dậu nảy mầm và sẽ cải tạo dần tính chất đất ở đây, tạo hoàn cảnh cho các loài cây gỗ khác có thể sinh trưởng.
Cỏ trinh nữ
Cỏ trinh nữ hay còn gọi là cỏ thẹn, cây xấu hổ. Cây trinh nữ thuộc loại cây thảo sống một năm dòng họ đậu. Cây có nguồn gốc từ các vùng Nam Mỹ và Trung Mỹ.
Trinh nữ thuộc giống cây thân thảo đứng đối với cây non, hoặc với cây trưởng thành thì thường bò trườn. Cây có chiều dài trung bình khoảng 1 – 1,5m, thường bò trườn hoặc tựa leo gần mặt đất, thân cây bò trườn trên mặt đất thường dày hơn so với thân cây tựa leo, trên vỏ thân có nhiều gai biểu bì.
Rễ cây trinh nữ thường có những nốt sần sùi, những nốt sần này có tác dụng giúp cây chống được một số loại nấm bệnh, chứa các vi sinh vật cố định đạm nội cộng sinh cung cấp đạm tự nhiên cho cây trồng.
Cây phi lao
Phi lao hay còn gọi Xi lau, Dương, Dương liễu, danh pháp khoa học Casuarina equisetifolia. Rễ cây phi lao có nốt rễ cây như nốt rễ cây đậu, có thể cố định đạm từ không khí nên có thể sống trên cát, nơi không có đạm hữu cơ.
Các lá cây phi lao dính sát vào các cành nhỏ, chỉ còn lại những vảy nhỏ mọc vòng quanh cành. Nhờ đó, diện tích quang hợp tăng lên cho phép cây phi lao tận dụng được năng lượng của ánh sáng mặt trời, diện tích thoát hơi nước lại giảm đi nên cây phi lao không bị khô héo trên cát nóng bỏng.
Phi lao chắn bão cát, đem màu xanh cho vùng đất cát cố định và cát bay ven biển. Hoặc trồng làm hàng rào vùng đệm chắn gió trên các vùng đồi, xung quanh vườn cây để ngăn chặn sự xói mòn, ảnh hưởng của côn trùng gây hại vào vườn.
Cây vông nem
Cây vông nem có tên gọi thân thân thuộc là cây vông, thuộc họ thân gỗ có gai với chiều cao trung bình 10m đến 20m. Lá cây được phân thành 3 chét, có màu xanh và phủ một lớp mịn bóng, hình tròn bầu giống quả trứng. Cây vông nem thường ra hoa có màu đỏ tươi vào tháng 3-5, có chừng 1-3 bông chụm lại thành một chùm dài.
Cây có hệ rễ mang rất nhiều nốt sần tập hợp nhiều vi khuẩn cộng sinh Rhizobium leguminosarum có khả năng cố định đạm tự do. Cây vông nem có tác dụng cải tạo đất rất tốt, thích hợp với việc trồng che bóng và làm vành đai phòng hộ cho các cây công nghiệp.
Còn nữa…
- Một số loại cây họ đậu cố định đạm phổ biến (phần 2)
Xem thêm:
Cách bổ sung các chất dinh dưỡng quan trọng đối với cây trồng bằng vật liệu tự nhiên
Cách ủ ốc bươu vàng làm phân đạm hữu cơ cho cây trồng
Vân Hồng
Xem thêm về: Các loại cây nên có trong vườn, Cây phân xanh, Cỏ cải tạo đất
Danh mục: Các loại cây cỏ cải tạo đất, Các loại hữu cơ cải tạo đất, Cách cải tạo đất
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!