Trang trí các hình cơ bản
1. Mục đích và yêu cầu:
Những bài học về trang trí cơ bản có tác dụng giáo dục thị hiếu thẩm mỹ, giúp các bạn làm quen các thể loại trang trí nằm trong một khuôn khổ nhất định (hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật và đường diềm) với những nguyên tắc chung. Biết áp dụng các nguyên tắc và biến đổi trên nền nguyên tắc chung đó là một cách linh hoạt, có sự tìm tòi và sáng tạo nhất. Nắm và hiểu được phương pháp sắp xếp, bố cục các họa tiết trang trí trong khuôn khổ các hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật và đường diềm. Nắm vững và biết cách phân bố các mảng họa tiết lớn, nhỏ để tạo thành một tổng thể hài hòa, cân đối và đẹp mắt, bố cục có trọng tâm, phân bố màu hợp lý, biết tạo một gam màu chung một cách có chủ định. Thể hiện đượckỹ năng trong cách trình bày một bài trang trí với hình thức sạch đẹp, khéo léo, chuẩn xác về hình và màu. Nắm bắt và biết vận dụng các họa tiết trang trí đẹp, phù hợp với nội dung, sáng tạo được những mẫu họa tiết vừa mang tính dân tộc vừa mang tính hiện đại.
Trong thực tế, chúng ta gặp rất nhiều thể loại trang trí, các hình trang trí đó được sắp xếp trong nhiều loại dạng hình khác nhau: vuông, tròn, dài, tam giác, ovan, v.v… Nhưng xét cho cùng, tất cả các loại hình đó đều nằm trong 3 dạng hình cơ bản là hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật. Những hình khác chẳng qua chỉ là một biến thể của một trong ba hình trên, được cắt đi một hoặc hai phần.
Rất nhiều hình cơ bản và hình biến dạng được sắp đặt tạo nên một tổng thể thống nhất và hài hòa.
Trang trí trong các đình chùa Việt Nam được sắp xếp trong các hình cơ bản đã được biến hóa
Trên trần điện nhà thờ Xích-xtin (từng vùng): Rất nhiều hình cơ bản và hình biến dạng được sắp xếp tạo nên một tổng thể thống nhất và hài hòa
2. Đặc tính: Dựa vào tính chất chung của các hình cơ bản, ta thấy:
– Hình vuông: có 4 cạnh bằng nhau;
– Hình chữ nhật: có 2 cạnh song song và bằng nhau từng đôi một;
– Hình tròn: tất cả các điểm trên hình tròn cách tâm bằng nhau (bán kính).
Trên cơ sở đó để chúng ta sắp xếp các họa tiết trang trí sao cho cân đối bốn xung quanh và tạo được tâm điểm của hình, từ đó dẫn đến các họa tiết phụ nhằm tôn họa tiết chính, phối hợp các họa tiết để tạo thành một tổng thể thống nhất, chặt chẽ, hợp lý và đẹp mắt.
Vậy, trang trí hình cơ bản là phương pháp sắp xếp các hình, mảng, đường nét và màu sắc để tạo dựng nên một hình trang trí thống nhất, hợp lý về mọi mặt: mảng nét và màu trong khuôn khổ một hình cố định (vuông, tròn, chữ nhật).
3. Các nguyên tắc:
Bất kỳ một thể loại trang trí nào cũng phải dựa vào những nguyên tắc chung (hay gọi là luật trang trí) để vận dụng một cách có sáng tạo trong các điều kiện và các trường hợp sao cho đúng và phù hợp với nội dung chủ đề. Đã gọi là nghệ thuật, nhất là nghệ thuật trang trí đòi hỏi người vẽ phải có tính sáng tạo cao để sáng tác ra những hình tượng trang trí hấp dẫn. Bất kỳ một dân tộc nào cũng có những họa tiết trang trí và cái nhìn riêng để trang hoàng và tô điểm cho cuộc sống của mình. Đối với người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng ý thức trang trí trong cuộc sống rất cao. Người Việt Nam nhìn sự vật thiên về mặt tổng hợp, khái quát. Xem những bức tranh cổ hoặc những công trình kiến trúc, văn hóa từ những thế kỷ trước đều toát lên tính ước lệ rất rõ nét, từ con người đến cây cối, nhà cửa, động vật, hoa lá, mây, nước, lửa.
Tuy nhiên, tất cả mọi công trình và tác phẩm trang trí của các dân tộc đều có các nguyên tắc chung của luật trang trí. Có bốn nguyên tắc phổ biến mà chúng ta cần nắm bắt:
a. Nguyên tắc cân đối và đăng đối:
* Cân đối: Cân đối là tạo sự cân bằng trong một hình. Các họa tiết được lặp lại một cách đều đặn, chính xác qua trục đối xứng, tạo sự cân bằng và chính xác.
Qua một trục giữa, hai bên chia đều các loại họa tiết giống nhau để tạo sự cân bằng không bị xô lệch hoặc méo mó
Cân đối có 2 loại: cân đối tuyệt đối và cân đối tương đối.
Xem hình trước ta nhận thấy: Hình tròn có sự cân đối trong toàn bộ cân bằng về góc nhìn. Nếu ta chia đôi hình qua trục AB sẽ được hai nửa cân đối tương đối. Nếu chia thêm qua trục CD, sự tương đối càng ít hơn nữa. Nhưng nhìn tổng thể vẫn giữ được sự cân đối chung vừa mắt.
Ở hình vuông trên: Nếu chia trục AB, 2 hình vẫn giống nhau và khi cắt trục CD được 4 hình giống nhau. Đó là sự cân đối tuyệt đối. Thường được dùng trong hình trang trí cơ bản tuyệt đối trên nguyên tắc chung. Còn khi đã được sử dụng một cách có sáng tạo, áp dụng luật cân đối trong các mảng hình, nét và màu để tạo sự cân bằng, không nhất thiết phải cân đối theo 2 trục AB và CD. Có thể chỉ cân bằng hoặc tạo cảm giác cân bằng như hình sau.
* Đăng đối (đối xứng): Chính là sự cân bằng qua trục ngang hoặc trục dọc. Họa tiết hai bên hoặc bên trên và bên dưới giống nhau về hình và họa tiết.
Cân đối và đăng đối nói chung giống nhau về cách phân chia họa tiết. Tuy nhiên, đăng đối nhất thiết phải có sự cân đối thì còn sự cân đối không nhất thiết phải cần đăng đối.
b. Nguyên tắc nhắc lại: Là các họa tiết được nhắc đi nhắc lại trong một hình trang trí, có thể là một hình hoặc một nhóm hình. Nhắc lại cùng chiều hoặc đổi chiều.
Nguyên tắc nhắc lại này tạo sự vững chãi của một hình trang trí qua trục dọc hoặc trục ngang, tạo được cảm giác về sự hoàn thiện của hình, thể hiện sự chặt chẽ và hoàn chỉnh của một bố cục trong một hình trang trí.
c. Nguyên tắc xen kẽ: Dùng một họa tiết này xếp xen kẽ với một hoặc một nhóm họa tiết khác để bố cục thêm phong phú và sinh động. Nếu chỉ dùng một họa tiết se gây cảm giác đơn điệu, nhàm chán. Xen kẽ họa tiết phụ bên cạnh họa tiết chính để tạo sự nhịp nhàng, cân đối và hấp dẫn là hình thức nhằm tôn họa tiết chính lên, gây cảm giác cân bằng và hoàn chỉnh cho một tổng thể thống nhất.
d. Nguyên tắc phá thể: Là phương pháp nhằm giảm bớt đi những mảng hình đậm nhạt có xu hướng lấn át bố cục chung. Ví dụ: Khi có quá nhiều đường thẳng, nhất thiết phải đưa vào những đường cong. Bên những mảng hình lớn phải có những mảng nhỏ. Cạnh cái đậm phải có cái nhạt, bên cái cứng phải có cái mềm, bên cái tươi phải có êm dịu v.v… Nguyên tắc phá thể là những thay đổi đột ngột nhưng vẫn gây được cảm giác hài hòa và mềm mại. Nguyên tắc phá thể biểu hiện:
* Phá thể về đường nét: Bên cạnh đường thẳng có những đường cong hoặc những đường xiên chếch làm cân bằng bố cục.
* Phá thể về hình mảng: Bên cạnh những hình lớn đều có những hình nhỏ làm cho bố cục thêm sinh động. Hình tròn có những hình bầu dục hoặc vuông phối hợp.
* Phá thể về độ đậm nhạt: Bên cạnh những màu giống nhau có những màu thật đậm hoặc thật sáng để nhấn mạnh trọng tâm hoặc gây sự chú ý về độ màu.
Khi làm trang trí cần nắm vững 4 nguyên tắc trang trí trên để vận dụng một cách có sự sáng tạo. Tuy nhiên không nên vận dụng cứng nhắc tất cả 4 nguyên tắc trên mà phải áp dụng linh hoạt, sáng tạo.
Điểm chú ý duy nhất là sáng tác được một màu trang trí đẹp mắt về hình thức, về giá trị nội dung, về cách cấu trúc của các mảng hình và phân bổ màu sắc để tạo nên một tổng thể hài hòa, hợp lý nhất qua cách biểu hiện của người vẽ.
>>> Tính trang trí trong tranh lụa
>>> Hoa văn trang trí của người HMông
>>> Sáng tạo họa tiết trang trí
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!