Coi bài Tarot ở Sài Gòn, mê tín hay phong trào?

Không coi bao giờ sẽ giàu…

Dịch vụ coi bài Tarot trên đường Tô Hiến Thành (Q.10, TP.HCM), không phải cuối tuần nhưng người ghé liên tục. Một bạn trẻ 9X đón khách, cho biết: “Để đảm bảo riêng tư cho người xem, mỗi lần reader (người xem) sẽ chỉ xem cho một khách. Bạn bè đi chung sẽ đợi bên ngoài”.

Giá coi bài là 150 nghìn đồng/30 phút, cứ 10 phút tiếp theo sẽ được tính giá 20.000 đồng.

Phòng coi Tarot được bố trí 3 chiếc bàn nhỏ ở 3 góc với 3 reader. Ngồi đối diện với các reader, khách hàng trả lời những câu hỏi về công việc đang làm và chủ đề muốn xem. Họ được dặn trước là sẽ không coi về cái chết hay bao giờ giàu….

Bằng những động tác rất mượt mà, thuần thục, reader trải bộ bài Tarot thành nửa vòng cung trên bàn, yêu cầu khách rút 8 lá bài. Reader giải đáp ý nghĩa của các lá bài cho khách nghe, khách cần hỏi thêm thì rút thêm các lá bài.

Nhân viên ở đây cho biết dịch vụ mở cửa từ 9h đến 20h30 hàng ngày với khoảng 10 reader thay phiên nhau.

“Ngày thường không cần đặt lịch nhưng ngày cuối tuần khách tới rất đông. Ở đây cũng có coi online. Khách hàng chuyển khoản và đặt lịch và reader coi qua facetime, zalo, viber…”, nhân viên cho biết.

Ở đây còn mở các lớp đào tạo coi bài Tarot, học buổi tối với giá 2 triệu/12 buổi.

Quán cà phê M. trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3) cũng có dịch vụ coi bài Tarot vào 19h tối thứ 3 hàng tuần. “10 khách hàng đầu tiên sẽ được coi miễn phí. 10 khách tiếp theo thì phụ thu 20.000 đồng/người. Một buổi tối chỉ coi cho 20 khách. Các reader là do quán thuê và tính tiền công 200 nghìn/buổi”, nhân viên của quán cho biết.

Chị Hương Lan (29 tuổi, Q.Phú Nhuận) lăn tăn một số chuyện gia đình, được bạn bè giới thiệu, đã đến quán cà phê thử coi bài Tarot. “Có nhiều chuyện không tiện tâm sự với người thân. Người xem Tarot họ không biết mình là ai nên dễ chia sẻ hơn, thấy nhẹ nhõm hơn và cũng có thêm lựa chọn hướng để giải quyết”, chị Lan nói.

Bỏ việc đi coi bài fulltime

Vốn là một chuyên gia phân tích dữ liệu web với thu nhập ổn định, Ngô Quốc Cường (31 tuổi) bất ngờ bỏ ngang chuyển sang coi bài Tarot.

“Lúc biết tới Tarot, mình bị lôi cuốn và đã theo nghề này. Ban đầu mình tự học qua sách, qua mạng. Đến lúc nắm chắc ý nghĩa của các lá bài, mình bắt đầu coi cho khách hàng”, anh Cường nhận đến tận nhà coi hoặc hẹn ở nơi tiện cho khách, giá 200.000 đồng/lần.

Theo anh Cường, coi Tarot đúng sai là do sự hợp tác, tương tác của khách hàng với người xem, “như bác sĩ tâm lý không thể hỗ trợ bạn triệt để nếu bạn không hợp tác hoặc giấu diếm thông tin”.

Làm nghề này đã được 5 năm, anh Cường khẳng định cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn: “Nhiều người có những bất ổn về tinh thần. Tarot cũng như bác sĩ tâm lý có thể giúp họ giải tỏa, lấy lại cân bằng, nhiều khi Tarot còn có giải pháp giúp họ giải quyết vấn đề khó khăn”.

Theo bà Trương Thị Bích Phượng – giảng viên tâm lý, coi bài Tarot không hẳn là một xu hướng của giới trẻ mà chỉ phản ánh một nhu cầu tâm lý ngày càng lớn của họ. 78 lá bài dường như đã trở thành giải pháp tức thời cho một số bạn trẻ bấu víu khi gặp bế tắc, không tìm được giải pháp cho vấn đề của mình và sợ nếu tự quyết định sẽ bị chệch hướng.

Tất nhiên không phải mê tín dị đoan, nhưng nếu thiếu tỉnh táo, người đi xem vẫn có thể trở nên phụ thuộc vào những gì các quân bài nói, đến nỗi cứ “đụng chuyện” là cuống cuồng đi coi mà không chủ động tự mình tìm cách giải quyết.

Nhưng nếu coi bói bài Tarot là một cách thư giãn khi chưa tìm ra hướng giải quyết vấn đề đang gặp, đó cũng có thể là cách giải tỏa cảm xúc tiêu cực hay áp lực tâm lý tạm thời. Coi bài để có thêm lựa chọn khi bắt tay giải quyết vấn đề theo cách của mình.