Giật mình những bức ảnh &aposbắt nét không khí, phơi màu ô nhiễm&apos tại Việt Nam

Tổ chức Change (Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Đức tại TP.HCM tổ chức lễ trao giải cuộc thi nhiếp ảnh “Bắt nét không khí, phơi màu ô nhiễm” và khai mạc triển lãm ảnh “Cảm nhận không khí – Feel the Air” nhằm mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề ô nhiễm không khí đô thị.

Triển lãm được mở cửa tự do từ ngày 17.4 đến ngày 28.4 tại tòa nhà Đức.

Đây là hai hoạt động mở đầu cho chiến dịch “Không khí sạch, bầu trời xanh”. Trong thời gian sắp tới, toàn bộ 34 bức tranh được trưng bày tại triển lãm sẽ được đưa lên một chiếc xe buýt và di chuyển qua 5 địa điểm lớn của TP.HCM từ 13.5 đến 17.5. Không gian bên trong xe buýt sẽ được trang trí bởi những thông tin của các chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí).

Một trong những nguyên nhân tạo nên sự nguy hiểm khó lường của ô nhiễm không khí chính là bụi siêu mịn, mà phổ biến là bụi PM2,5.

Với kích thước siêu nhỏ (đường kính chỉ bằng 1/40-1/100 sợi tóc), các hạt bụi siêu mịn này có thể chui sâu vào phổi gây ra nhiều bệnh như: phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi; thậm chí chúng có thể thâm nhập sây vào hệ tuần hoàn dẫn đến đột quỵ, rối loạn nhịp tim hoặc bệnh tim thiếu máu. Không có loại khẩu trang bình thường nào có thể ngăn cản được.

Trong những năm gần đậy, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM đã tiến hành đo lường chỉ số PM2,5 và cung cấp dữ liệu cho công chúng. Chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội được ghi nhận có nồng độ tập trung của bụi PM2,5 là 47,9μg/m3. Tại TP.HCM, chỉ số này là 42μg/m3.

Theo Change, tất cả các chỉ số về chất lượng không khí này đều vượt quá mức khuyến cáo của WHO về chất lượng không khí, đôi khi cao gấp 4-5 lần, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.