Rối loạn vị giác và biểu hiện của bệnh

Thông thường chúng ta ăn uống rất ngon miệng. Tuy nhiên có những thời gian khi ăn loại thức ăn nào cũng thấy nhạt miệng, đắng miệng… và không có cảm giác thèm ăn.

Những nguyên nhân nào gây ra hiện tượng trên? Điều đó có liên hệ gì đến sức khỏe? Benh.vn sẽ cùng bạn đọc giải quyết những thắc mắc này.

Mỗi người có một vị giác khác nhau

Do cấu tạo của cơ thể người là khác nhau nên số lượng nụ vị giác của mỗi người cũng khác nhau. Có người vị giác rất nhạy cảm, nhưng có người phản ánh của vị giác lại rất chậm chạp. Quan trọng hơn, vị giác khác nhau sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của con người ở các mức độ khác nhau.

Cấu tạo của lưỡi

Trên mặt lưỡi có 4 loại vị giác giúp ta phân biệt được 4 loại cảm giác khác nhau: chua, ngọt, đắng, mặn. Còn các vị khác là do bốn loại vị giác này kết hợp với nhau mà ra. Các bác sỹ đã tiến hành nghiên cứu và phát hiện ra rằng:

  • Bộ phận nhạy cảm với vị ngọt nhất là đầu lưỡi.
  • Hai bên và phần giữa lưới nhạy cảm với vị chua.
  • Đầu lưỡi và viền lưỡi trước nhạy cảm với vị mặn.
  • Cuống lưỡi nhạy cảm với vị đắng.

Ngoài ra lưỡi còn là một cơ quan xúc giác có thể cảm nhận được nhiệt độ và sự đau đớn.

Nguyên lý hoạt động của vị giác

Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, mùi vị của thực phẩm tác động lên cơ quan vị giác của con người, cho dù là người có vị giác rất nhạy cảm hay người có phản ứng vị giác chậm chạp đều có thể cảm nhận được.

Do thường xuyên nếm thức ăn nên các nhà ẩm thực thường không thích rau xanh bởi vì trong miệng của họ rau có vị đắng. Đồng thời, họ cũng không chịu được vị cay của ớt như người bình thường. Vì nhạy cảm với những món đồ ngọt nên đương nhiên họ không thích đồ ăn nhiều dầu mỡ. Những người có vị giác tốt thường rất kén ăn nên họ thường cảm nhận tốt hơn những người bình thường.

rối loạn vị giác

Lưỡi cảm nhận các mùi vị (Ảnh minh họa)

Nụ vị giác trên bề mặt lưỡi có thể cảm nhận được các loại kích thích hóa học khi các vật chất có mùi vị tiếp xúc với nụ vị giác, tế bào trong nụ vị giác sẽ truyền thông tin về mùi vị tới đại não và sinh ra vị giác.

Các chứng bệnh thường gặp do rối loạn vị giác

Các chuyên gia cảnh báo, nếu vị giác bỗng dưng khác thường, có khả năng trong cơ thể đang tiềm ẩn nguy cơ mắc một căn bệnh nào đó.

1. Nhạt miệng – do tỳ vị hư nhược, vận khí bất thông

Nhiều người ngồi trước rất nhiều món ăn ngon “sơn hào, hải vị” nhưng lại thấy nhạt miệng, vô vị không muốn ăn. Nguyên nhân có thể do tỳ vị hư nhược, vận khí bất thông dẫn tới chán ăn.

Nhạt miệng còn gặp ở những người mới viêm nhiễm hoặc hết viêm như: viêm ruột, bệnh lỵ và các bệnh khác ở hệ thống tiêu hóa…

Sau mỗi lần ốm triệu chứng nhạt miệng cũng là biểu hiện thường gặp do vận hóa suy yếu, thường kèm các triệu chứng chán ăn, chân tay mệt mỏi rã rời, bụng đầy chướng, lưỡi nhạt rêu lưỡi trắng.

Lưu ý khi miệng nhạt nhẽo vô vị, vị giác suy giảm thậm chí mất hẳn là một đặc trưng của bệnh ung thư, nhất là đối với những người ở tuổi trung niên thì phải hết sức cảnh giác.

2. Chua miệng – do viêm dạ dày, loét đường tiêu hóa

Khi bạn không ăn những hoa quả có tính axit như: cam, chanh, mận, dứa…nhưng trong miệng lại có cảm giác chua chua. Tình trạng này là do can vị bất hòa, hoặc trong gan có uất hỏa gây ra.

Người có triệu chứng ngày có thể là do mắc bệnh viêm loét dạ dày, loét đường tiêu hóa khiến axit trong dạ dày tăng lên.

3. Đắng miệng – do gan, mật nóng

Cơ quan duy nhất trong cơ thể có thể sinh ra vị đắng chính là mật. Nếu cảm thấy đắng miệng, có thể là do mật của bạn đã có vấn đề mà thông thường là do gan mật nóng gây ra.

Đắng miệng do gan mật nóng (Ảnh minh họa)

Miệng đắng còn có thể thấy trong chứng bệnh ung thư, khi bị ung thư không chỉ mất cảm giác với đồ ngọt mà còn có cảm giác đắng ngày một tăng với mọi đồ ăn do trở ngại tuần hoàn huyết dịch ở lưỡi của bệnh nhân.

Người có cảm giác đắng miệng, thường kèm cả chứng đau đầu, chóng mặt, đại tiện táo bón, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng và vàng, mạch huyền…

Nếu thường xuyên ăn thức ăn nóng sẽ khiến gan bốc hỏa, làm cho cơ thể mất nước và gây cảm giác đắng miệng. Vì vậy, cần tránh ăn các thực phẩm nóng như: thịt, dầu mỡ, các loại hạt có vỏ cứng, bánh kẹo…

Những người thường xuyên thức khuya hoặc hút thuốc sáng sớm tỉnh dậy cũng sẽ cảm thấy đắng miệng.

4. Ngọt miệng – do thấp nhiệt tích tụ trong ruột hoặc rối loạn hệ thống tiêu hóa

Khi nhai hoặc chưa nhai thức ăn, bạn đã có cảm giác ngọt miệng. Có thể là vì thấp nhiệt tích tụ trong ruột gây ra. Ngoài ra, khi chức năng của hệ thống tiêu hóa bị rối loạn, tiết ra men, khiến hàm lượng bột trong nước bọt tăng lên, kích thích nụ vị giác của lưỡi gây ra cảm giác ngọt.

Những người bị bệnh tiểu đường cũng có thể có cảm giác này bởi vì khi lượng đường trong cơ thể tăng cao, nồng độ đường trong nước bọt cũng tăng.

5. Chát miệng – do hệ thống thần kinh

Chát miệng là biểu hiện thường thấy ở những người có bệnh ở hệ thống thần kinh, thức đêm lâu ngày.

Khi điều chỉnh thời gian ăn, ngủ, nghỉ hợp lý có thể loại được hiện tượng này. Tuy nhiên, cần lưu ý trường hợp một số khối u ác tính vào thời kỳ cuối cũng gây nên hiện tượng miệng có vị chát đắng.

6. Mặn miệng – do thận hư

Khi ăn loại thức ăn nào cũng cảm thấy mặn, bạn nên cẩn thận với chứng thận hư khiến dịch ở thận tăng lên gây ra. Thận hư thường kèm theo các chứng: mỏi lưng, mỏi gối, váng đầu ù tai, mồ hôi trộm, di tinh, mạch đập nhỏ….

Ngoài ra khi thấy miệng mặn cũng là biểu hiện của một số bệnh như: viêm họng hạt mạn, bệnh về chức năng cơ quan thần kinh hoặc lở loét khoang miệng.

Lời kết

Khi cơ thể khỏe mạnh thì ăn loại thức ăn nào cũng thấy ngon miệng. Vì vậy, khi có các triệu chứng khác thường: nhạt miệng, đắng miệng, chua miệng… cần theo dõi bằng cách đổi các món ăn để so sánh xem các hiện tượng lạ đó có mất đi không.

Ngoài ra, cần loại bỏ các tác nhân ảnh hưởng trực tiếp đến vị giác như: tâm lý bực tức, đau buồn; do tuổi tác, giới tính; do hút thuốc, uống rượu; do vệ sinh răng miệng gây nên.

Sau một thời gian ngắn, nếu cảm nhận vị giác vẫn không có gì thay đổi, bạn nên đi khám để tầm soát sức khỏe và tìm ra bệnh để điều trị kịp thời.