Chắc hẳn bạn đã từng nghe đâu đó về ngũ hành như: bạn thuộc mạng gì, bạn hợp với màu gì, bạn nên làm nhà hướng nào… Vậy ngũ hành là gì? Ngũ hành có mối liên hệ với cuộc sống mỗi chúng ta ra sao? Trong bài này, chúng ta cùng tìm hiểu kỹ hơn về ngũ hành và phong thủy nhé.
-
Ngũ hành là gì?
“Ngũ hành” là một từ Hán Việt mang nghĩa đen chỉ 5 nguyên tố cơ bản “Kim, Mộc, Thủy, Hỏa vàThổ” tương ứng với “Kim loại, Cây cối, Nước, Lửa và Đất”. 5 nguyên tố trên cấu thành vạn vật trong vũ trụ và vận hành tương sinh tương khắc với nhau.
Nghiên cứu Ngũ hành được bắt nguồn từ Trung Quốc cổ đại sau đó đã có sức ảnh hưởng lớn đến các nước lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam, Đài Loan… Ngũ hành ảnh hưởng mạnh mẽ trên nhiều phương diện đời sống và ngày nay vẫn còn tồn tại như cưới xin, ma chay, làm nhà, bói toán, kiến trúc, y học…
-
Quy luật của ngũ hành.
Ngũ hành có quy luật cơ sở là tương sinh tương khắc. Từ đó sinh thêm một số thuyết phản sinh, phản khắc, chế hóa, thừa thắng…
Quy luật tương sinh của Ngũ hành:
Tương sinh nghĩa là hỗ trợ nhau, giúp nhau phát triển. Ngũ hành cũng không nằm ngoài quy luật này. Các nguyên tố có sự liên kết và tương hỗ nhau.
Kim sinh Thủy: Kim loại nóng chảy tạo thành chất lỏng
Thủy sinh Mộc: Nước tưới cây giúp cây tưới tốt
Mộc sinh Hỏa: Cây khô là chất liệu tạo nên lửa
Hỏa sinh Thổ: Lửa đốt mọi thứ thành tro bụi, bồi tụ thành đất
Thổ sinh Kim: Kim loại được sản sinh ra từ trong lòng đất.
Quy luật tương khắc của Ngũ hành:
Tương khắc nghĩa là áp chế, triệt tiêu lẫn nhau. Tương khắc nhằm duy trì sự cân bằng cần có để vạn vật có thể phát triển đồng đều.
Kim khắc Mộc: Kim loại (dao, rựa, rìu…) có thể đốn ngã cây
Mộc khắc Thổ: Cây sinh sống, đâm rễ vào đất, hút chất dinh dưỡng làm đất khô cằn
Thổ khắc Thủy: Đất có thể hút nước, ngăn chặn dòng nước
Thủy khắc Hỏa: Nước dập tắt lửa
Hỏa khắc Kim: Lửa có thể nung chảy kim loại cứng rắn.
Hai quy luật tương sinh, tương khắc không tồn tại độc lập mà chúng hòa quyện với nhau. Trong tương sinh có mầm mống của tương khắc và ngược lại trong tương khắc có mầm mống của tương sinh. Đó là tiền đề của thuyết phản sinh, phản khắc.
Có thể hiểu phản sinh chính là việc sinh sôi quá nhiều gây nên hại. Ví như Thủy sinh Mộc, nhưng nếu Thủy quá nhiều sẽ khiến Mộc bị ngập úng mà chết.
Phản khắc được hiểu như hành bị khắc quá mạnh khiến cho hành khắc nó không có tác dụng, thậm chí bị phản tác dụng. Ví dụ Thổ khắc Thủy nhưng khi Thủy đủ mạnh (lũ cuốn, sóng thần…) thì Thủy lúc này sẽ cuốn phăng, phá hủy Thổ.
Quy luật THAM SINH KỴ KHẮC
Quy luật này được áp dụng để hóa giải tương khắc, cải biến mệnh của vạn vật.
Ví dụ để dễ hiểu như sau: Vợ mệnh Thủy lấy chồng mệnh Hỏa, 2 hành này tương khắc nhau khiến vợ chồng thường xuyên lục đục, cãi vã, gia đình không yên. Tuy nhiên khi sinh con mệnh Mộc thì người mẹ sẽ hỗ trợ để đứa con phát triển tốt nhất (Thủy sinh Mộc) và từ đó đứa con vượng người cha phát triển (Mộc sinh Hỏa). Gia đình hòa thuận, yên ấm.
-
Đặc tính của ngũ hành.
Ngũ hành có đặc tính lưu chuyển, luân phiên biến đổi không ngừng
Ngũ hành không bao giờ mất đi mà luôn lưu chuyển từ vật chất này sang vật chất khác xuyên suốt không gian và thời gian. Đó là nền tảng để vũ trụ tồn tại và phát triển.
Màu sắc tượng trưng cho ngũ hành:
Hành Kim: Màu trắng, xám
Hành Mộc: Màu xanh lá cây
Hành Thủy: Màu đen, xanh nước biển
Hành Hỏa: Màu đỏ
Hành Thổ: Màu vàng, nâu
-
Phong thủy ngũ hành trong đời sống.
Chính vì ngũ hành có những quy luật tương sinh, tương khắc cũng như tham sinh kị khắc nên mỗi người luôn tìm cách hóa giải những điều xấu, thu hút may mắn, tài lộc, điềm lành về cho bản thân.
Để làm được điều ấy, con người phải dùng đến các vật lợi dụng ngũ hành. Có thể kể đến như:
– Dùng kim trong phong thủy: Các bức tượng kim loại (kỳ lân, thiềm thừ, 12 con giáp…) được dùng để bài trí ở các vị trí khác nhau trong nhà nhằm mang lại tác dụng mong muốn.
– Dùng mộc trong phong thủy: các loại cây được dùng nhiều như Kim Tiền, Lưỡi Hổ, Thường Xuân, Vạn Thọ… tùy theo mạng của mỗi người mà có những loài cây phù hợp khác nhau.
– Dùng thủy trong phong thủy: Thường thấy nhất là các bể cá, ao hồ, đài phun nước…được dùng trong các công trình xây dựng
– Dùng Hỏa trong phong thủy: Chủ yếu áp dụng màu sắc (đỏ) trong phong thủy
– Dùng Thổ trong phong thủy: Hòn non bộ, các loại đá trang sức, tạc tượng linh vật…
Khi hiểu rõ về Ngũ hành, chúng ta có thể ứng dụng được vào trong đời sống thường nhật, mang lại cuộc sống tốt hơn, tránh khỏi những điều không may.
Bài viết cùng chủ đề:
- KHÁI NIỆM VÀ CÁCH TÍNH TUỔI ĐÔNG TỨ TRẠCH VÀ TÂY TỨ TRẠCH
- XEM TUỔI LÀM NHÀ NĂM 2020 VÀ HƯỚNG NHÀ TỐT
- CÁC NGUYÊN TẮC PHONG THỦY NHÀ Ở GIA CHỦ CẦN PHẢI BIẾT
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!