– Anh Trận ơi! Cứu anh Hai em với.
Tôi buông cuốc lật đật chạy về phía tụi nó. Con Mén mặt tái xanh trong khi thằng Biền bóp chặt cánh tay, đi thất thểu phía sau.
– Có chuyện gì nói anh nghe?
– Anh Hai em bị mèo cắn, không biết có sao không?
Thằng Biền không nói tiếng nào, mắt nó chỉ nhìn chằm chằm vào vết thương đang rỉ máu. Người nó sẹo vít khắp nơi, có bận nó đi mò cá bị cá ngát đâm lút ngạnh hay bữa trèo dừa té gãy tay, nó cũng chỉ lầm lì chịu đựng. Tuyệt nhiên tôi chẳng thấy nó khóc bao giờ nhưng lần này tôi thấy mắt nó đỏ ngầu. Lúc tháo dây ghe, nó ngước lên nhìn tôi:
– Em có chết không anh?
Tôi nhìn nó trấn an:
– Không có sao đâu. Ông thầy này lấy nọc hay nhất xứ mình mà, cưng đừng có lo.
Tôi giựt máy chạy đi, nước từ hai bên thành ghe tạt vào ướt cả mặt. Con Mén ngồi bên cạnh thằng Biền, chốc chốc nó lại quay qua hỏi “có sao không anh”. Thằng Biền thì vẫn ngồi im cứ như cảnh vật hai bên sông chẳng thể làm bận lòng với mối lo của nó. Ghe dừng lại trước bến, ông thầy Năm lấy nọc nghe thấy tiếng máy tóp lại bến đã lật đật chuẩn bị đồ nghề. Ông thầy có hàm râu dài, đầu để tóc bới cao, mặc bộ đồ bà ba cũ nhàu, nắm tay thằng Biền đi lòng vòng quanh vườn hái thuốc. Ông múc ca nước mưa hắt lá mái nhà cho nước chảy xuống rồi ngồi xuống móc chỗ đất ướt lên vò thành một cục tròn tròn, lăn lên vết mèo cắn. Miệng ông thầy Năm lẩm bẩm câu gì đó mà tôi với con Mén không tài nào nghe được. Ông thầy Năm lăn cục đất đủ bảy lần thì ngưng, ông lấy lá thuốc đâm nát đắp lên vết thương rồi lấy vải cột lại. Đoạn chúng tôi ra về ông thầy Năm dặn đi dặn lại thằng Biền đợi đúng ba ngày mới được tháo ra, không được ăn giá hay các loại đậu, đặc biệt không được để kiến vàng cắn vào bất cứ đâu trên cơ thể của mình. Thằng Biền cứ ngoái đầu nhìn về phía ông thầy Năm, như đoán biết được thằng nhỏ định nói cái gì. Ông thầy nhìn nó cười:
Minh hoạ: M.Tấn
– Không sao đâu. Có bề gì con về “bắt” ông theo.
Con Mén bật cười, còn thằng Biền thì dường như cũng trút được một gánh nặng trong lòng. Tôi chào tạm biệt thầy Năm rồi giựt máy chạy đi, ông thầy lấy nọc làm phước nên chẳng nhận bất cứ thứ gì mà có khi ông còn phải cho tiền người ta đổ xăng chạy về nhà. Hai anh em thằng Biền thường qua nhà tôi lục cơm nguội những khi má nó bận thủ thỉ với mấy ông Tây trong lá bài. Con Mén nói nó chán cái cảnh xách thau đi mượn gạo dài dài xóm. Má nó sau mấy lần làm cái bài cào, “chậu chín bật lên cây nọc” đã hai tay dâng đất cho ông Ba Tàu cặp ranh đất.
2. Má tôi khóc muốn hết nước mắt lúc nghe con Mén thuật lại cảnh hai anh em nó rình con mèo đẻ để giành lấy cái nhau không cho con mèo ăn mất. Hai anh em nó chia nhau canh chừng con mèo. Những lúc thằng Biền đi kiếm cá, hay đi làm mướn cho người ta, con Mén có nhiệm vụ ở nhà canh chừng con mèo. Ban đêm hai anh em còn thay phiên nhau thức, cầm đèn cốc đi thăm dò từng ngóc ngách trong nhà. Bữa thằng Biền bỏ luôn sở làm khi thấy con mèo cào ổ trong cự củi. Con Mén thức trắng vờ con mắt canh chừng mọi động tĩnh của con mèo. Hai anh em nó như nín thở theo từng nhịp chuyển dạ của con mèo. Sau một ngày vất vả theo sát con mèo, cuối cùng nó cũng chịu đẻ. Thằng Biền kịp khép nụ cười thoả mãn của mình lại, nó tiến lại gần con mèo để tìm cái nhau mèo. Con Mén đứng như trời trồng, đến thở thôi cũng không dám thở mạnh. Con mèo chưa kịp đẻ xong mà thằng Biền đã tiến vào tận ổ. Con mèo sợ bị mất con, nó hung hãn trừng mắt cắn vào tay thằng Biền một cái đau điếng. Con Mén hoảng quá bỏ chạy mất dép, thằng Biền vẫn cố nán lại mong mỏi tìm thấy cái nhau mèo lẩn khuất trong mớ rơm rạ. Nhưng nó đành bỏ cuộc với thái độ hung hãn của con mèo. Ba con mèo chưa có mở mắt nên nó đâu thấy được nỗi thất vọng của thằng Biền.
Người ta đồn bà Ba Lộc đi đánh bài có giấu nhau mèo trong người nên đánh đâu thắng đó. Công việc làm ăn thuận lợi, nhà phất lên như diều gặp gió, đi tới đâu cũng gặp toàn chuyện may mắn. Một bữa có con mèo tha bỏ lại dưới chân bà Ba Lộc cái nhau mèo còn dính máu. Bà luôn mang nó bên mình như báu vật trời cho. Từ dạo đó, cả xóm xúm nhau nuôi mèo, chờ một ngày con mèo “đền ơn “chủ bằng việc nó tha cái nhau mèo đem lại bỏ trước mặt mình. Có người được mèo cho, có người cũng “rình rập” mới lấy được đoạn nhau thai mà đáng lẽ con mèo phải ăn hết để lấy lại sức sau khi đẻ con. Nhau mèo được người ta rửa sạch, đem phơi khô rồi bỏ vào cái túi để dành mang trong người hoặc đem cất vào tủ để mong vận may đến với mình.
Qua ngày thứ ba thằng Biền mới lú mặt ra ngoài, nó nói “sống chết có số, sợ cũng không được gì?”. Lúc ngồi ăn cơm, má thằng Biền đâu có nhận ra vết thương trên tay nó, bà cũng không kịp nhận ra ngực con Mén bắt đầu đội áo, giọng của hai đứa con đã khác đi khá nhiều. Má nó chỉ biết ăn thật nhanh khi nghe những âm thanh quên thuộc “đang thiếu tay”. Ngó thấy bầy mèo con nheo nhóc ăn cơm trong muỗng dùa, má nó còn tiện vung chân đá vào, miệng thì không ngừng chửi đổng “cơm không có ăn mà còn nuôi thêm cái bầy này nữa”.
Con Mén lãnh lưới đan, kiếm thêm chút tiền mua tiêu, tỏi trong nhà. Thằng Biền làm sống chết cũng không dư ra được đồng nào chừa hờ khi bệnh hoạn ốm đau. Cây cỏ quanh nhà đâu cũng là thuốc, hai anh em nó bệnh gì cũng nấu một nồi thuốc đầy cây cỏ – thứ mọc um tùm bên vách nhà. Có bữa hàng xóm hỏi, uống bậy bạ không sợ khùng hả. Thằng Biền cười, uống không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc hà, sợ gì. Chắc trời thương nên mới bệnh có vài ngày là anh em nó lại mạnh cui cui đi khắp ruộng đồng. Má nhìn hai anh em nó cười “trời sinh voi sinh cỏ”.
3. Thằng Biền cầm đá chọi trúng đầu thằng nhóc canh đường, con Mén hoảng hồn kéo thằng Biền chạy như trối chết. Đường vào vườn bà Tư Ù luôn có thằng nhóc canh đường với gương mặt nghinh nghinh nhìn thôi đã đủ ứa gan. Thằng nhóc Canh Đường lấy tay để lên đầu, tay còn lại nó lấy đá chọi vào lùm cây loạn xạ, tiếng chửi thề của nó cứ vang vang. Mà nó thì không dám rời khỏi “vùng đất” của mình. Sáng nào má thằng Biền cũng vui vẻ bước vào và rũ rượi bước ra. Sòng bài nằm sâu trong vườn, có động tĩnh gì, thằng nhóc con chỉ cần báo động là các tay bài tìm đường tẩu thoát. Thằng Biền luôn căm ghét thằng nhóc Canh Đường, nhờ những đồng tiền “dơ bẩn” đó mà nó có thể mua bất cứ thứ gì mà nó thích trong tiệm tạp hoá của bà Năm Bông. Thằng nhóc Canh Đường còn sẵn sàng mua kẹo chia cho đứa nào kêu nó bằng “đại ca”. Con Mén bị thằng Biền đánh cho mấy cây vì tội ăn kẹo của thằng “hút máu” người. Thằng nhóc hất mặt về phía thằng Biền “đứa nào chết thèm biết liền”. Thằng Biền chưa kịp đụng vào gót chân của thằng nhóc đó nữa, là đã bị bọn “đàn em” của nó cản lại đánh một trận nhừ tử. Con Mén lầm lũi bước theo sau thằng Biền, ngọn gió từ mé sông thổi qua ràn rạt làm cho mấy chỗ bị trầy rát buốt. Con Mén đứng đằng sau giọng lí nhí:
– Có sao không anh Hai?
Bữa thằng nhóc Canh Đường thấy cây súng đã sợ muốn té đái trong quần. Nhà chức trách ập vào khi chủ cái còn chưa kịp gom tiền. Mọi người túa nhau ra chạy, có người phóng xuống đường mương, có người chui vào bụi lùm trốn đụng trúng ổ ong vò vẽ bị nó đánh đến nỗi… ba má nhìn không ra. Nhà chức trách áp giải mọi người về, má thằng Biền lấy cái nón lá che mặt lại lúc máy quay chực chờ lia tới. Dì Hạnh trở về nhà với gương mặt quạu đeo, đụng vào đâu cũng đổ bể. Anh em thằng Biền nằm im trong mùng không dám phát ra tiếng động nào. Dì Hạnh lục lạo nồi cơm mà chẳng còn sót lại chút gì, dì hất cái xoong xuống mương nghiến răng:
– Biết vầy hồi đó tao đẻ cái hột gà, hột vịt ra luộc ăn cho sướng. Đẻ chi cái thứ ăn hại này.
4. Từ bữa sòng bài bị bắt, thằng nhóc Canh Đường hết dám lên mặt với bọn trẻ trong xóm. Hình ảnh cây súng như vẫn còn ở lại trong đầu nó không rời đi. Đám trẻ trong xóm mất đi một “đại ca” lừng lẫy, sẵn sàng bỏ tiền mua bất cứ món gì mà tụi nó thích. Sau một tuần im ắng, bà Tư Ù xách nón đi dài dài xóm rủ rê mọi người “lên sòng”.
– Mấy bà sợ gì? Bắt bớ thì bắt một lần thôi. Chứ mấy ổng đâu có ở không mà bắt hoài? Đợt này, tụi tui cho người canh dữ lắm. Tui có thằng cháu làm việc ở xã, có gì nó cho hay liền.
Má thằng Biền tin sái cổ. Những tay bài trong xóm cũng bắt đầu thấy ngứa ngáy trong mình, họ lại tiếp tục chụm đầu vào nhau. Bà Tư Ù mướn hai thằng giang hồ xăm mình đứng gác ở ngoài. Thằng giang hồ miệng ngậm cỏ mần trầu, chắp tay sau đít đi tới đi lui trong khi thằng còn lại ngồi gác chân lên bàn ngủ giấc ngon lành. Thằng Biền không dám động vào hai thằng cao lớn đó nên nó chỉ hậm hực bước qua miệng lẩm bẩm “tao vái trời, công an ập vào bắt hết luôn”.
Thằng Biền lại phụ tôi bắc lại cây cầu sàn lãn, con Mén ngồi trên bờ cầm hột lúa nhổ tóc bạc cho má tôi. Con Mén ghé sát tai má tôi giọng thì thầm:
– Dì Út ơi! Anh Hai con thèm bí hầm dừa.
Má ngoắc xuồng đồ tươi lại mua bí hầm một nồi béo ngậy. Tôi với má nhìn thằng Biền ăn thôi cũng đã đủ no. Nó vét hết cơm rồi le lưỡi liếm sạch cái chén.
– Dì Út hầm bí ngon nhức nách.
Má múc một tô đưa con Mén đem về, con Mén nhìn má tôi mà nước mắt rưng rưng. Má vuốt tóc con Mén rồi cười:
– Bữa nào rảnh qua tiếp dì gom củi vô nhà.
Dì Hạnh lấy tay kéo cái cửa. Nằm trong mùng nghe tiếng kéo cửa, anh em thằng Biền có thể đoán được dì Hạnh hôm nay “chiến bại” thế nào. Dì lấy chân đá vào cửa, ngồi xuống bàn bới lại đầu tóc. Tô canh bí hầm dừa dì vừa mới bưng ra đã bị mấy con mèo làm đổ xuống đất. Dì tức mình túm lấy con mèo ném ra sân. Những cú ném của dì Hạnh chẳng hề hớn gì với con mèo. Nó lại phóng lên cây trứng cá dửng dưng nhìn xuống. Đôi mắt sáng quắc trong đêm càng làm dì tức tối. Dì nghiến răng kèo kẹo:
– Ngày mai, tao mua thuốc chuột và thuốc cho tụi mầy chết.
5. Hai thằng giang hồ bị đè bẹp xuống đất không ngóc đầu lên nổi, nhà chức trách ập vào khu vườn của bà Tư Ù bắt trọn ổ. Má thằng Biền cũng lẩn trong dòng người được áp giải xuống ghe. Lần này má nó không thèm cúi đầu che mặt. Hàng xóm bu đen bu đỏ trên đường, đám trẻ con đứng trên bờ khóc mướt khi nhìn ba mẹ nó bị còng tay bắt đi. Con Mén ngồi bệt xuống đất, còn thằng Biền đứng nhìn theo chiếc ghe chở đoàn người ra huyện.
Bữa hay tin dì Hạnh bị phạt ngồi tù, con Mén ngồi khóc bù lu bù loa, thằng Biền bỏ ra nhà sau. Má ôm con Mén vào lòng mà không biết nói câu gì, tôi đi theo thằng Biền ra nhà sau, ngọn gió đồng thổi qua làm cay nồng sóng mắt. Tôi với thằng Biền ngồi im lặng cùng nhau đến chiều. Mấy con cá dưới đìa chốc chốc lại quẫy nước, nhờ tụi nó mà tôi thấy mình bớt lẻ loi hơn.
Thằng Biền dắt con Mén về nhà, mặc cho má tôi có năn nỉ cỡ nào anh em nó cũng không ngủ lại nhà tôi. Má nhìn theo bóng dáng hai anh em nó rời đi mà không cầm được nước mắt. Thằng Biền đẩy cửa bước vào rồi leo lên võng nằm, con Mén nhìn tay lưới bị mấy con mèo làm cho rối nùi mà chẳng thèm đuổi đi. Màn đêm như bao trùm mọi thứ, con Mén lò mò đốt đèn rồi thắp nhang bàn thờ ba nó. Thằng Biền vẫn nằm đó, lâu lâu nó lại trở mình cựa quậy vì lũ muỗi hăng máu.
Con Mén nói từ bữa má nó bị công an bắt đã không còn thấy mấy con mèo ở trong nhà nữa. Con mèo mẹ đã dắt bầy con đi đâu mất tiêu, con Mén chừa cơm nguội hoài mà không thấy chúng về ăn. Thằng Biền ngồi ngó bâng quơ. Định bụng hỏi, tụi nó có muốn tìm lại bầy mèo cho nhà bớt thấy cô đơn không? Nhưng thôi, ở cái xứ này đi đâu mà không gặp mèo…./.
Truyện ngắn của Nguyễn Chí Ngoan
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!