Viêm họng do uống nước đá lạnh giải khát: Nguyên nhân và cách điều trị – Thầy Thuốc Việt Nam

Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến không ít người thích uống đồ lạnh, nước đá lạnh để giải khát ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu để bị lạnh đột ngột, rất dễ gây viêm họng cấp tính. Vậy nguyên nhân và cách điều trị viêm họng do uống nước đá lạnh như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.

1. Tại sao uống nước đá bị viêm họng?

Khi thời tiết nắng nóng, hoạt động cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi khiến mất nước. Do đó, chúng ta sẽ cảm thấy khát nước, cách giải quyết nhanh nhất giải tỏa cơn khát là uống nước đá lạnh. Đặc biệt trẻ em khi uống nước lạnh rất dễ bị sốt và viêm họng vì niêm mạc ở cổ họng trẻ rất nhạy cảm, dễ bị kích thích.

Nước đá (nước đun sôi được làm lạnh) có nhiệt độ quá lạnh có thể làm tổn thương niêm mạc. Ở vùng họng, amidan lại thường có vi khuẩn nên xảy ra tình trạng viêm nhiễm. Làm cho bạn cảm thấy rất khó chịu khi nuốt nước bọt hay nói chuyện. Do đó, bạn sẽ có cảm giác đau họng vì uống nước đá.

Uống nước đá gây viêm họng do không rõ nguồn gốc, nước đá có thể chứa các chất kích thích khác kèm theo nhiều vi khuẩn khác trong thành phần nước nên càng tăng khả năng bị viêm họng cao.

Xem thêm: Khi nào cần dùng kháng sinh để điều trị viêm họng?

2. Điều trị viêm họng do uống nước đá lạnh

Khi bị viêm họng do uống nước đá lạnh, cổ họng bạn sẽ dễ bị tổn thương, đau rát và cảm thấy khó chịu. Vì vậy, khi đó tốt nhất bạn không nên sử dụng các loại thực phẩm hay nước uống có nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng. Nên dùng các loại thực phẩm có nhiệt độ vừa phải.

Vậy uống nước đá bị đau họng thì phải làm như thế nào? Có nhiều cách để điều trị viêm họng do uống nước đá. Dưới đây là một số cách đơn giản, chữa viêm họng bạn có thể áp dụng ngay tại nhà.

– Súc miệng bằng nước muối ấm. Cách này giúp bạn diệt được vi khuẩn gây đau họng.

– Hạn chế nói nhiều khi viêm họng. Vì khi nói sẽ làm cho họng đau và sưng, có thể khàn tiếng và mất tiếng.

– Nghỉ ngơi, đồng thời uống nhiều nước. Bình quân mỗi người uống từ 1,5-2 lít nước/ngày.

– Dùng 10ml nước vỏ xoài trộn với 125 – 150ml nước để súc miệng sẽ giảm được triệu chứng đau họng hiệu quả.

– Ngậm đường phèn.

– Uống nước trà hoa cúc ấm. Lấy một thìa lá hoa cúc phơi khô bỏ vào ấm nước và rót nước sôi vào. Ngâm khoảng 5 phút và uống dần trong ngày sẽ giúp bạn giảm đau họng khá tốt.

– Bổ sung chất kẽm. Chất kẽm sẽ làm dịu đau họng và những triệu chứng của cảm lạnh. Các thực giàu chất kẽm như: thịt gà, thịt bò, trai, hến,…

– Đeo khẩu trang để tránh hít phải không khí ẩm ướt.

– Không nên uống rượu bia và hút thuốc khi bị đau họng.

3. Các biến chứng của viêm họng

Mặc dù uống nước lạnh gây viêm họng nhưng chúng ta vẫn vì cơn khát nhất thời mà không chú ý đến những biến chứng nguy hiểm mà viêm họng gây nên sau đây:

– Viêm mũi, viêm xoang, viêm tai xương chũm, viêm tai giữa, …

– Ngoài ra viêm họng còn lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phế quản hoặc viêm phổi.

– Nguy hiểm hơn, viêm họng có thể dẫn tới các biến chứng nặng hơn như viêm cầu thận, thấp khớp, thấp tim.

Các biến chứng này thường gặp ở trẻ nhỏ viêm họng do nhiễm liên cầu tan huyết nhóm A. Vi khuẩn này xâm nhập vào vùng họng của trẻ gây viêm họng. Khi đó, cơ thể trẻ sẽ sinh ra các kháng thể chống vi khuẩn, đồng thời các kháng thể này tấn công phá hủy các mô ở tim khớp thận. Nếu trẻ không được điều trị kịp thời sẽ gây các biến chứng thấp tim, thấp khớp, viêm cầu thận.

4. Phòng bệnh viêm họng

– Giữ ấm vùng cổ họng. Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để tránh hít phải khí lạnh, bụi bẩn và các vi khuẩn.

– Không nên uống nước đá lạnh.

– Giữ vệ sinh răng miệng.

– Thường xuyên súc miệng, súc họng bằng nước muối để tiêu diệt các vi khuẩn có hại.

– Ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.

– Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể chống lại mọi loại bệnh tật.

– Khi bị bệnh, phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý mua thuốc điều trị, nhất là thuốc kháng sinh.

Quỳnh Trang (Thầy thuốc Việt Nam)