Lúc mới sinh, trẻ thường bú nhiều cữ trong ngày. Dù bú bình hay bú mẹ thì khi bú, trẻ cũng có thể nuốt vào một lượng không khí ít hoặc nhiều. Lượng khí này có thể gây khó chịu, khiến trẻ thấy đầy bụng và dễ bị nôn trớ. Khi đó, giải pháp mẹ có thể áp dụng ngay là vỗ ợ hơi cho con. Vậy cách vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh như thế nào đạt hiệu quả tốt nhất? Bài viết sau đây sẽ giúp mẹ tìm hiểu rõ nguyên nhân gây ợ hơi và cách giải quyết phù hợp.
Trẻ thường ợ hơi sau khi bú – Tại sao?
Khi được sinh ra đời, hệ tiêu hóa của trẻ vẫn chưa hoàn thiện như người trưởng thành. Lúc này, dạ dày của trẻ chỉ bé xíu như một quả mận nhỏ và chứa được khoảng 5-7ml sữa. Sau 3 ngày tuổi, dạ dày trẻ to dần và bằng quả trứng gà nhỏ, chứa được khoảng 22-27ml.
Có một thực tế mà bất kỳ ai khi nuôi con nhỏ đều nhận ra là trẻ rất hay ợ hơi sau khi bú sữa (kể cả sữa mẹ và sữa công thức). Đó là do bé bị đầy hơi. Vậy nguyên nhân gây đầy hơi ở trẻ sơ sinh là gì?
Nguyên nhân trẻ sơ sinh dễ bị đầy hơi
Sau đây là một số nguyên nhân thường gặp khiến trẻ sơ sinh bị đầy hơi, khó chịu:
- Trẻ bú quá nhanh nên cả sữa và không khí cùng đi vào trong dạ dày
- Trong lúc bú hoặc khi khóc, trẻ há miệng ra và nuốt thêm một lượng không khí vào
- Mẹ cho trẻ bú ở tư thế chưa đúng có thể khiến trẻ nuốt thêm nhiều không khí vào trong
Khi cả sữa và không khí cùng đi vào, dạ dày của trẻ sẽ bị “quá tải” và căng tức, đầy bụng. Thêm một yếu tố khác khiến trẻ dễ bị đầy hơi đó là do cấu trúc dạ dày. Lúc mới ra đời, dạ dày trẻ nằm ngang chứ chưa nằm dọc như người trưởng thành. Bởi vậy, cơ thắt giữa dạ dày và thực quản của trẻ vẫn còn rất yếu. Khi nó phải chứa nhiều lượng không khí và sữa thì sẽ dễ bị trào ngược ra ngoài. Từ đó, dẫn tới hiện tượng trẻ ọc sữa, nôn trớ…
Đây là một hiện tượng hoàn toàn tự nhiên mà bất kỳ trẻ sơ sinh nào cũng gặp phải. Và để hạn chế tình trạng ợ hơi, nôn trớ của trẻ, các bậc cha mẹ cần lưu ý cho con bú đúng tư thế; điều chỉnh lượng sữa cho trẻ bú mỗi lần sao cho phù hợp…
Bên cạnh đó, các chuyên gia Nhi khoa cũng khuyến khích cha mẹ nên vỗ ợ hơi cho trẻ đúng cách! Biện pháp này sẽ giúp trẻ dễ dàng “tống khứ” các khí đang bị tồn đọng trong dạ dày ra ngoài. Khi đó, thể tích dạ dày nhanh chóng được giải phóng, chấm dứt tình trạng đầy bụng, ợ hơi, nôn trớ và trẻ bú được nhiều hơn, ngủ ngon hơn.
Vỗ ợ hơi cho trẻ khi nào?
Không phải lúc nào cha mẹ cũng vỗ ợ hơi cho trẻ. Việc vỗ ợ hơi cần thực hiện đúng cách và đúng thời điểm mới mang lại hiệu quả tốt nhất. Vậy thời điểm mà cha mẹ nên vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh là khi nào? Đó là:
- Sau mỗi lần bú hoặc giữa cữ bú
- Khi trẻ đã bú được nửa bình sữa hoặc bú xong một bên vú mẹ. Mẹ vỗ lưng giúp bé ợ hơi trước khi chuyển bé bú ở vú bên kia.
Đặc biệt, với những trường hợp trẻ hay nôn trớ thì biện pháp vỗ ợ hơi càng cần được áp dụng thường xuyên. Ngay khi thấy trẻ có biểu hiện đang đầy hơi, khó chịu là cha mẹ đã cần vỗ ợ hơi cho con.
3 cách vỗ ợ hơi cho bé cực đơn giản mà hiệu quả siêu nhanh
Thời điểm vỗ ợ hơi cho bé thường là sau khi bú. Lúc này, mẹ cần thực hiện vỗ ợ hơi đúng cách nếu không sẽ mang lại hiệu quả ngược lại, khiến trẻ bị nôn trớ nhiều hơn, quấy khóc. Vị trí mà mẹ vỗ vào đó là lưng của trẻ. Vì vậy, cần đảm bảo để lưng trẻ thẳng, không con gập trong quá trình vỗ ợ hơi. Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý: phần đầu và cổ của trẻ sơ sinh còn rất yếu nên khi vỗ lưng cho trẻ thì cần giữ đầu cổ cẩn thận. Sau đây là 3 cách vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh mà cha mẹ có thể áp dụng ngay:
Cách 1
- Lấy 1 chiếc khăn sạch đặt lên vai cha (mẹ).
- Bế vác trẻ lên và để đầu dựa vào vai.
- Bế trẻ bằng 1 tay. Tay còn lại xoa nhẹ nhàng vùng lưng của trẻ theo hình tròn. Có thể chụm bàn tay lại rồi vỗ lưng trẻ theo hướng từ dưới lên trên.
Cách 2
- Lấy 1 chiếc khăn mềm, sạch đặt lên trên đùi của cha (mẹ).
- Bế trẻ ngồi dựa vào người cha (mẹ). Đặt đầu trẻ tựa vào vai còn thân thì áp vào ngực của cha (mẹ).
- Dùng một tay giữ đầu và ngực của trẻ. Tay còn lại xoa lưng nhẹ nhàng theo hình tròn. Hoặc chụm tay lại và vỗ nhẹ từ dưới lên trên.
Lưu ý: Mẹ nên để trẻ ngồi hơi nghiêng người về phía trước để ợ hơi dễ dàng hơn.
Cách 3
- Đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay của cha (mẹ). Chú ý, cha mẹ cần đảm bảo đầu của trẻ phải cao hơn ngực.
- Dùng lòng bàn tay xoa lưng trẻ nhẹ nhàng theo vòng tròn.
Một cách đơn giản khác là cha mẹ đặt trẻ nằm sấp ngang ở trên đùi của mình. Bụng của trẻ đặt lên một chân còn đầu thì nằm trên chân còn lại. Cha mẹ vỗ hoặc xoa lưng nhẹ nhàng để giúp trẻ ợ hơi dễ hơn.
Một số lưu ý cần nhớ khi vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh
- Khi vỗ ợ hơi, tay mẹ cần khum lại và vỗ nhẹ nhàng sao cho tạo ra âm thanh nghe như tiếng “bồm bộp”. Không được vỗ lưng mạnh vì có thể khiến trẻ sợ hãi và hiệu quả đẩy hơi trong dạ dày không cao.
- Có thể thay động tác vỗ ợ hơi bằng cách vuốt nhẹ nhàng dọc theo sống lưng của trẻ trong trường hợp thường xuyên nôn trớ. Khi trẻ đã cảm thấy thoải mái, dễ chịu thì mẹ có thể tiếp tục cho con ăn.
- Trong trường hợp trẻ bú bình thì mẹ nên vỗ ợ hơi vào thời điểm giữa hoặc sau bữa ăn. Thời gian vỗ ợ hơi đối với trường hợp bú bình sẽ lâu hơn so với trẻ bú mẹ.
- Vỗ ợ hơi cho trẻ được thực hiện vào bất kỳ thời gian nào, kể cả ban ngày và ban đêm. Nhiều cha mẹ vẫn có suy nghĩ sai lầm rằng trẻ chỉ bị đầy bụng, khó chịu vào ban ngày.
Thời gian vỗ ợ hơi cho trẻ nên kéo dài bao lâu?
Cha mẹ nên vỗ ợ hơi cho trẻ trong thời gian dưới 6 tháng tuổi, đặc biệt là 3 tháng đầu đời. Vậy thời gian vỗ ợ hơi cho trẻ nên kéo dài bao lâu? Điều này tùy thuộc vào lượng khí trong dạ dày của trẻ nhiều hay ít. Nếu lượng khí nhiều thì thời gian vỗ ợ hơi sẽ lâu hơn.
Thông thường, thời gian để giúp bé ợ hơi kéo dài khoảng 1 phút. Nếu sau khi vỗ khoảng 10-15 phút mà trẻ vẫn chưa ợ hơi được thì cha mẹ cần đổi tư thế và tiếp tục vỗ lưng cho con. Khi đã ợ hơi và phát ra tiếng ợ là lúc trẻ cảm thấy dễ chịu hơn, không còn quấy khóc. Trong một số trường hợp, trẻ có thể trớ ra một ít sữa thì cha mẹ không nên quá lo lắng. Hiện tượng này xuất hiện là do khí ở trong dạ dày bị chặn lại bởi một lượng nhỏ sữa bé đã bú. Do đó, trước khi vỗ ợ hơi cho con, mẹ nên lót chiếc khăn sạch trên vai hoặc đùi để tránh bị bẩn.
Nếu cha mẹ đã thực hiện đầy đủ các thao tác vỗ ợ hơi trên mà trẻ vẫn chưa thể phát ra tiếng ợ thì cần kiểm tra xem cơ thể trẻ có bị cong gập không, trẻ có khóc hay nắm chặt tay không… Lúc này, cha mẹ cần dừng lại và để trẻ nằm ngửa ra trong tư thế thoải mái nhất. Sau đó, dùng tay xoa nhẹ nhàng bụng của trẻ kết hợp di chuyển chân qua lại như đang đi xe đạp.
Giai đoạn sơ sinh là thời gian quan trọng nhất cho những bước khởi đầu sự phát triển của trẻ! Vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt quan tâm tới từng bữa ăn, giấc ngủ của con. Sau 6 tháng đầu đời, khi hệ tiêu hóa đã hoàn thiện và cơ thể trẻ cứng cáp hơn, trẻ đã biết bò, ngồi… Khi đó, cơ thể trẻ có thể tự đẩy khí dư ra ngoài mà không cần cha mẹ vỗ ợ hơi cho. Nhờ vậy, tình trạng đầy hơi, chướng bụng, nôn trớ cũng sẽ giảm dần.
Nếu có bất kỳ băn khoăn nào về cách chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh, cha mẹ hãy gọi ngay tới Tổng đài tư vấn sức khỏe Nhi khoa 18008070 để nhận được những lời giải đáp từ chuyên gia ngay hôm nay nhé!
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!