Ngôi thai ngược là gì? Cần làm gì khi được chẩn đoán thai ngôi mông | Huggies

Khi bạn bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ, đa số các bé nằm nghiêng, mặt bé quay sang trái hoặc phải của mẹ. Với ngôi ngược, đầu của bé sẽ nằm trong vùng dưới cơ hoành và khung sườn. Một trong những dấu hiệu để chẩn đoán ngôi ngược là sờ vào vùng sườn sẽ chạm được khối tròn và cứng. Vậy ngôi thai ngược là gì? Thai ngược có chuyển dạ không? Liệu thai ngược có sinh thường được không? Cùng tìm hiểu trong bài viết này của Huggies nhé!

Tìm hiểu thêm: Ngôi thai đầu là thế nào? Các ngôi thai nguy hiểm

Ngôi thai ngược là gì?

Thông thường, khi được khoảng 34 – 36 tuần tuổi, thai nhi bắt đầu quay đầu xuống dưới để chuẩn bị chào đời. Tuy nhiên, khoảng 3 – 5% thai nhi vẫn giữ nguyên tư thế, không quay đầu ngay cả khi đã đủ tuần tuổi. Những trường hợp này được gọi là ngôi thai ngược.

Ngôi thai ngược hay ngôi mông là phần đầu của thai nhi ở phía trên ngực của mẹ hoặc phần chân, mông của em bé xuống phía dưới, vùng xương chậu của mẹ. Tỷ lệ thai ngôi mông khá thấp, khoảng 1 -3%. Tuy nhiên, đây là những ca sinh nở có thể tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Ngôi thai ngược là hiện tượng em bé không quay đầu ngay cả khi đủ tuổi (Nguồn: Sưu tầm)

Phân loại ngôi thai ngược

Ngôi thai ngược sẽ có một số loại như sau:

Ngôi mông đủ: phần mông sẽ được sinh ra trước, đầu gối bé co lại, đùi gập vào người, tư thế ngồi xổm này như tư thế điển hình của thai trong bụng mẹ. Ngôi mông thiếu: phần mông bé ra trước, chân duỗi thẳng lên đầu. Ngôi ngược kiểu chân: chân bé sẽ thấp hơn mông. Khi sinh, chân bé sẽ ra trước.

Có 3 loại ngôi thai ngược phổ biến

Có 3 loại ngôi thai ngược phổ biến (Nguồn: Sưu tầm)

Nguyên nhân dẫn đến ngôi thai ngược

Em bé sinh non khi chưa đủ tháng

Hầu hết các trường hợp thai ngôi mông khi sinh là do em bé sinh non khi chưa đủ tháng trong bụng mẹ. Nếu mẹ bầu có dấu hiệu chuyển dạ sớm trước ngày dự sinh vài tuần, thai nhi sẽ không có đủ thời gian để trở về tư thế đầu ở dưới, mông ở trên như bình thường. Lúc này, thai nhi được sinh ra ở tư thế phần mông ở dưới.

Đa ối hoặc thiếu ối

Nước ối rất quan trọng đối với thai nhi trong bụng mẹ. Lượng nước ối phù hợp cung cấp môi trường lý tưởng để thai nhi dễ dàng chuyển động và quay đầu từ vị trí ngược thành thuận. Vậy nên, hiện tượng đa ối hay thiếu ối đều khiến em bé khó di chuyển trong bụng mẹ. Đây là một trong những yếu tố dẫn đến hiện tượng ngôi mông khi sinh.

Tử cung (dạ con) của mẹ có hình dạng bất thường

Nếu người mẹ có tử cung chưa phát triển hoàn thiện, vị trí bám rau thấp, khung xương chậu hẹp, tử cung đôi hoặc có hình ống và có vách ngăn thì khó có ngôi thai thuận lợi.

Mẹ mang thai đôi hoặc đa thai

Đối với những mẹ bầu mang thai đôi hoặc đa thai, môi trường tử cung chật chội dẫn đến em bé không có đủ chỗ để xoay đầu về vị trí bình thường trong quá trình chuyển dạ.

Nhau thai có vấn đề

Nhau bám ở vị trí thấp trong tử cung (nhau tiền đạo). Nếu nhau thai chặn ở ngay cổ tử cung thì thai nhi trong bụng mẹ sẽ bị chiếm mất không gian để quay đầu về vị trí thuận. Phụ nữ mang thai thường sẽ phát hiện ra tình trạng ngôi thai ngược này khi đi siêu âm.

Một số nguyên nhận khác

U xơ tử cung: Nếu mẹ bị u xơ tử cung thì cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình quay đầu của em bé. Mẹ mang thai nhiều lần: Mẹ càng sinh nhiều con, tử cung càng kém đàn hồi, không tạo được không gian thoải mái cho quá trình xoay đầu thuận lợi. Thai bị dị tật bẩm sinh: Các vấn đề về não như tràn dịch não, hội chứng Down, đường tiêu hóa, tim mạch,… cũng là nguyên nhân khiến thai nhi bị ngôi ngược. Dây rốn ngắn: Dây rốn quấn cổ thai nhi, dây rốn nối em bé với bánh nhau quá ngắn khiến em bé khó quay đầu xuống. Mẹ hút thuốc nhiều: Mẹ lạm dụng thuốc cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngôi thai nhi không thuận.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngôi thai ngược

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngôi thai ngược (Nguồn: Sưu tầm)

Dấu hiệu sinh ngôi thai ngược

Mặc dù cũng có một số dấu hiệu để nhận biết ngôi thai của bé, nhưng bạn sẽ không thể tự biết trước điều đó được. Bác sĩ sẽ thông báo với bạn. Vì ngôi thai của bé chỉ được xác định chính xác ngay trước lúc sinh mà thôi.

Thấy chân hoặc mông ra trước. Sờ vùng bụng trên của bà bầu sẽ cảm nhận được đầu bé. Đó là khối tròn, cứng và di động qua lại được. Trong khi phần mông thường mềm, không rõ khối và không di động. Bà bầu có thể than phiền là có gì cứng ngay dưới sườn và cảm giác khó chịu vì nó. Nếu màng ối đã vỡ và thấy có phân su trào ra cũng là 1 dấu hiệu. Vì phân su sẽ xuất hiện ở lần đi cầu đầu tiên của bé. Nếu mông bé gần lối ra của âm đạo, bác sĩ sẽ dễ thấy phân su hơn. Sa dây rốn. Bất thường biểu đồ đo cơn gò – tim thai. Ngôi ngược thường được chẩn đoán bởi siêu âm, thỉnh thoảng là X-quang.

Ngôi thai ngược có ảnh hưởng gì cho mẹ và bé không?

Ngôi thai mông không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, khi chuyển dạ sinh thường sẽ tiềm ẩn một số rủi ro nhất định:

Đối với mẹ

Tử cung co thắt như nhau đối với mọi loại ngôi. Tuy nhiên, áp lực tác dụng lên vùng mông sẽ không nhiều bằng vùng đầu nên thời gian chuyển dạ có thể sẽ kéo dài hơn. Bà bầu sẽ mệt và đuối hơn đặc biệt trong giai đoạn một. Một số bà bầu sẽ chọn sinh mổ vì kiệt sức, dù họ rất muốn được sinh thường. Sa dây rốn là biến chứng thường gặp trong ngôi ngược. Nếu là ngôi thường, đầu bé sẽ chiếm đầy vùng chậu của mẹ. Trong khi mông và chân thường ít chiếm thể tích hơn nên không gian rộng rãi đủ chỗ cho dây rốn trượt xuống và ra ngoài. Khi sa dây rốn, không khí và nhiệt độ bên ngoài sẽ làm dây rốn co quắp lại. Quá trình cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho bé sẽ bị ngưng trệ. Ngoài ra, dây rốn có thể bị chèn ép làm oxy không chuyển đến cho thai được. Đây là lúc cấp cứu sản khoa phải mổ cứu bé ngay lập tức. Khi phần thân đã ra ngoài, phần đầu bé có thể bị kẹt lại. Hậu quả là bé có thể thiếu oxy và thời gian sinh kéo dài. Trường hợp xấu nhất có thể phải mổ để cứu bé. Nếu đầu bé ra trước, đầu bé sẽ giúp âm đạo của mẹ giãn nở đủ mức cần thiết cho đầu ra. Ngược lại, khi đầu ra sau, âm đạo chưa đủ rộng để đầu ra. Tư thế đầu lúc này cũng không có tác dụng nong âm đạo được. Mà càng chờ lâu sẽ càng nguy hiểm cho bé.

Đối với trẻ

Một số bé sẽ bị bầm ở mông do mông va chạm với xương chậu của mẹ lúc ra. Vùng sinh dục của bé cũng có thể bị bầm và bị phù. Các bé trai có thể bị ứ nước trong tinh hoàn. Các bé có ngôi mông thiếu có thể sẽ giữ tư thế duỗi chân liên tục vài ngày sau đó. Đầu các bé ngôi ngược có xu hướng tròn hơn. Khi sinh thường, ngôi mông cũng thường gặp biến chứng trật khớp hông. Nếu quá trình sinh diễn ra quá nhanh hoặc sinh non, đầu bé có nguy cơ bị tổn thương. Do đó, thỉnh thoảng có thể phải dùng đến kẹp để giúp phần đầu sinh ra thuận lợi hơn. Một cách khác là bác sĩ sẽ dùng chính tay của họ để kiểm soát phần đầu cho bé.

Ngôi thai ngược có ảnh hưởng gì

Ngôi thai ngược sẽ có thể gây ra một số rủi ro nhất định khi chuyển dạ sinh con (Nguồn: Sưu tầm)

Cần làm gì khi ngôi thai ngược?

Nếu phát hiện ngôi thai ngược mẹ bầu cần được thăm khám, đánh giá thường xuyên và cẩn thận trong những tuần cuối của thai kỳ. Tiên lượng kỹ lượng để có phương án điều trị chính xác và an toàn cho mẹ và bé.

Thông thường, ở thai ngôi mông, có 2 hình thức sinh: sinh thường và sinh mổ. Điều này sẽ phụ thuộc vào sức khỏe của thai phụ và vị trí của thai nhi. Sinh mổ được coi là lựa chọn tốt nhất cho những trường hợp thai ngôi mông. Đặc biệt, mẹ nên chọn bệnh viện uy tín. có bác sĩ giàu kinh nghiệm để được tư vấn phương pháp giúp thai nhi về đúng ngôi thuận. Điều quan trọng nhất vẫn là chẩn đoán sớm và theo dõi sự phát triển của thai nhi.

Khi phát hiện ngôi thai ngược mẹ bầu cần được thăm khám thường xuyên và cần thận (Nguồn: Sưu tầm)

Ngôi thai ngược có sinh thường được không?

Các chuyên gia đã khẳng định rằng ngôi thai ngược không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi trong bụng cũng như sức khỏe của mẹ bầu khi mang thai. Các dấu hiệu sắp chuyển dạ của thai ngôi mông vẫn giống như các dấu hiệu chuyển dạ bình thường nên mẹ bầu không nên quá lo lắng. Có trường hợp thai ngôi ngược ở vị trí thuận lợi, sức khỏe mẹ và em bé đảm bảo thì vẫn có thể sinh thường.

Tuy nhiên, ngôi thai ngược cũng có thể dẫn tới một số nguy cơ bất thường như đã liệt kê ở trên, do đó, hầu hết những trường hợp ngôi ngược bác sĩ tư vấn nên sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Có thể xoay em bé ngôi ngược được không?

Sau 35 tuần, khoảng 25% bé bị ngôi ngược sẽ tự xoay trở về ngôi đầu. Nếu bác sĩ tự tin là việc sinh thường có ít nguy cơ nhất, đồng thời bà bầu cũng nhất quyết sinh thường kể cả đó là ngôi mông thì không cần can thiệp gì. Bác sĩ sẽ phải rất cân nhắc khi quyết định xoay ngôi thai từ bên ngoài. Đầu tiên phải chắc chắn được vị trí của dây rốn và nhau. Nếu không, thủ thuật này có thể làm đứt dây rốn hoặc bong nhau thai. Bà bầu có thể được chỉ định dùng thuốc giãn cơ tử cung trước khi làm thủ thuật. Tỉ lệ thành công khoảng 40-70% tuỳ thuộc kinh nghiệm của bác sĩ.

Ngay cả khi thủ thuật xoay ngôi thai về ngôi đầu đã trót lọt, các bé hoàn toàn có khả năng tự xoay ngược lại như thường. Nguy cơ này xảy ra càng cao nếu thực hiện xoay ngôi thai quá sớm so với ngày dự sinh. Thời gian lý tưởng để thực hiện thủ thuật này là lúc thai 37 tuần.

Thời điểm tốt nhất để thực hiện thủ thuật xoay đầu là 37 tuần tuổi

Thời điểm tốt nhất để thực hiện thủ thuật xoay đầu là 37 tuần tuổi (Nguồn: Sưu tầm)

Hy vọng với những thông tin trên đây thì các mẹ đã hiểu được ngôi thai ngược là gì và cần phải làm gì nếu thai ngôi ngược. Nếu như mẹ vẫn đang có những thắc mắc trong việc phục hồi sức khỏe sau khi sinh thì tham khảo chuyên mục Chăm sóc sau sinh hoặc đừng ngần ngại gửi ngay câu hỏi của mẹ về Góc Chuyên Gia của HUGGIES® để được các bác sĩ giải đáp nhé.

Để bé yêu luôn khỏe mạnh, mẹ hãy tham khảo chuyên mục Cách chăm sóc bé hoặc tìm hiểu Bảng cân nặng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Nguồn tham khảo: