Thừa kế sổ tiết kiệm có phải đóng thuế không

Gửi tiết kiệm là một trong những hình thức tích lũy tiền đang rất phổ biến trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên khi người đứng tên trên sổ tiết kiệm chết thì sổ tiết kiệm đó được giải quyết như thế nào là vấn đề mà nhiều người chưa nắm rõ.

Quy định pháp luật về chia thừa kế là sổ tiết kiệm

Di sản thừa kế là tài sản của người đã chết để lại cho người còn sống. Theo quy định tại Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản riêng của người chết trong tài sản chung với người khác”

Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự 2015: Di sản thừa kế có thể là tiền, vật, giấy tờ có giá khác, quyền tài sản của người để lại di sản.

Sổ tiết kiệm chính là căn cứ để chứng minh khoản tiền mà người chết đã gửi tại ngân hàng và khoản tiền này cũng sẽ được xác định là di sản thừa kế, nhiều người vẫn hay gọi là thừa kế sổ tiết kiệm. Tuy nhiên có trường hợp số tiền gửi tiết kiệm này có thể là tài sản chung của người đã chết với người khác. Bài viết này nêu vấn đề chia di sản là sổ tiết kiệm đối với trường hợp đó là tài sản riêng của người đã chết.

Quy định pháp luật về chia thừa kế là sổ tiết kiệm

Sổ tiết kiệm của người chết được chia thừa kế như thế nào?

Việc phân chia di sản thừa kế là sổ tiết kiệm cũng giống như phân chia các loại tài sản khác. Trước khi phân chia di sản thừa kế cần xác định hình thức thừa kế: thuộc trường hợp thừa kế theo di chúc hay thừa kế theo pháp luật.

Nếu người chết có để lại di chúc thì thực hiện việc chia di sản theo di chúc. Trường hợp không có di chúc thì tiến hành chia di sản theo quy định pháp luật.

Thủ tục khai nhận di sản thừa kế và thỏa thuận phân chia di sản thừa kế

Hồ sơ khai nhận và thỏa thuận phân chia di sản thừa kế:

  • Phiếu yêu cầu công chứng
  • Chứng minh nhân dân, Hộ khẩu, Giấy khai sinh của những người khai nhận di sản thừa kế.
  • Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế.
  • Di chúc (nếu có)
  • Sổ tiết kiệm
  • Giấy uỷ quyền, giấy nhường di sản thừa kế, giấy từ chối di sản (nếu có)
  • Trường hợp có người tham gia giao dịch không trực tiếp đến ký hợp đồng thì phải có uỷ quyền hợp pháp cho người được uỷ quyền (Người được uỷ quyền phải có CMND, hộ khẩu).

Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ thì các đồng thừa kế đến Phòng công chứng/Văn phòng Công chứng để yêu cầu Công chứng viên thực hiện việc công chứng văn bản khai nhận hoặc văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.

Thủ tục khai nhận di sản thừa kế và thỏa thuận phân chia di sản thừa kế

Sau khi có văn bản Công chứng xác nhận việc phân chia thừa kế sổ tiết kiệm thì những người thừa kế liên hệ Ngân hàng nơi người chết gửi tiết kiệm để thực hiện thủ tục rút tiền tiết kiệm theo hướng dẫn của Ngân hàng.

Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về thừa kế sổ tiết kiệm

Câu hỏi 1: Chồng gửi tiết kiệm và đã chết thì vợ có được quyền rút tiền tiết kiệm?

Trả lời: Để rút được tiền tiết kiệm thì người vợ phải cùng các đồng thừa kế khác (nếu có) thực hiện việc phân chia di sản thừa kế theo di chúc, nếu không có di chúc thì chia thừa kế theo pháp luật. Sau khi hoàn thành thủ tục phân chia di sản thì các đồng thừa kế mới tiến hành đến ngân hàng nơi người chết gửi tiết kiệm để làm thủ tục nhận tiền tiết kiệm.

Câu hỏi 2: Thừa kế sổ tiết kiệm có phải đóng thuế không?

Trả lời: Theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân tại Điều 3 quy định thu nhập chịu thuế sẽ bao gồm:

“1. …..

9. Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng

…”

Giải đáp một số thắc mắc thường gặp:

=> Căn cứ theo quy định trên thì chỉ những đối tượng thừa kế quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật thuế thu nhập cá nhân mới mới phải chịu thuế, do đó khoản thu nhập từ nhận thừa kế là sổ tiết kiệm không phải là khoản thu nhập phải đóng thuế.

Câu hỏi 3: Anh chị em ruột ở nước ngoài có được rút tiền tiết kiệm của anh chị em ruột đã mất ở Việt Nam?

Trả lời: Trường hợp này cần xác định người chết có di chúc để lại phần tài sản là sổ tiết kiệm cho cá nhân, tổ chức nào không? Nếu không có di chúc thì di sản là sổ tiết kiệm sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Cần xác định những người thừa kế theo pháp luật ở hàng thừa kế thứ nhất của người chết có còn không?

Nếu như hàng thừa kế thứ nhất của người thừa kế không còn ai thì mới xét tiếp đến hàng thừa kế thứ 2. Anh chị em ruột là những người thuộc hàng thừa kế thứ 2. Giả sử nếu chỉ còn những người anh chị em ruột tại nước ngoài là người thừa kế của người đã chết tại Việt Nam. Thì những người tại nước ngoài phải nhờ người ở Việt Nam làm đại diện và tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế và thỏa thuận phân chia di sản thừa kế tại Phòng công chứng/ Văn phòng công chứng.

Sau khi có văn bản công chứng thì ủy quyền cho người đại diện đến Ngân hàng nơi người chết gửi sổ tiết kiệm để thực hiện thủ tục rút tiền tiết kiệm theo quy định của Ngân hàng.

Trên đây là các vấn đề liên quan đến việc thừa kế sổ tiết kiệm, để được tư vấn các thủ tục liên quan đến thừa kế và các vấn đề pháp luật khác. Khách hàng hãy liên hệ với NPLaw để được tư vấn cụ thể.

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw

Trụ sở chính: 139H4 Lý Chính Thắng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Chi nhánh Hà Nội: Tầng 10, Tòa nhà Ford Thăng Long, 105 Láng Hạ, Quận Đống Đa, Hà Nội.

Chi nhánh Nha Trang: Số 3M, tầng trệt chung cư CT2, khu đô thị VCN Phước Hải, đường Tố Hữu, phường Phước Hải, TP.Nha Trang, Khánh Hòa.

Hotline: 0913449968

Email: [email protected]