Thừa kế chuyển tiếp là gì? Phân biệt thừa kế chuyển tiếp và thừa kế thế vị – Công ty Luật Quốc tế DSP

Thừa kế chuyển tiếp là gì? Phân biệt thừa kế chuyển tiếp và thừa kế thế vị – Hình minh họa

Thừa kế chuyển tiếp là thuật ngữ còn khá xa lạ và mới mẻ với nhiều người. Dù hiện nay Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa có quy định cụ thể về thừa kế chuyển tiếp nhưng thừa kế chuyển tiếp thường xuyên xuất hiện trong các vụ việc chia thừa kế. Thông qua bài viết dưới đây, Công ty Luật Quốc tế DSP sẽ cung cấp cho bạn đọc những nội dung cơ bản liên quan đến vấn đề thừa kế chuyển tiếp.

1. Thừa kế chuyển tiếp là gì?

1.1. Khái niệm thừa kế chuyển tiếp

Để hiểu rõ hơn khái niệm thừa kế chuyển tiếp, quý bạn đọc cần hiểu khái niệm quy định về thừa kế.

Theo đó, thừa kế có thể được hiểu là sự dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người còn sống.

Căn cứ theo quy định tại Điều 624 và Điều 649 Bộ luật Dân sự năm 2015 thừa kế được chia thành 02 hình thức:

– Thừa kế theo di chúc: là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống theo sự định đoạt của người đó khi họ còn sống.

– Thừa kế theo pháp luật: là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

Như vậy, dù Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định cụ thể nhưng có thể hiểu thừa kế chuyển tiếp là việc chuyển tiếp về di sản hoặc về quyền thừa kế giữa các hàng thừa kế khi phân chia di sản thừa kế.

Khái niệm thừa kế chuyển tiếp – Hình minh họa

1.2. Các loại thừa kế chuyển tiếp

Qua thực tế, khi phân chia di sản thừa kế thì thông thường có 02 loại thừa kế chuyển tiếp sau:

– Thừa kế chuyển tiếp về di sản: là trường hợp người chết để lại di sản mà phần di sản đó chưa được chia cho những người thừa kế, sau đó một trong số những người thừa kế của người này cũng chết đi thì di sản của người chết sau bao gồm cả phần di sản mà người này được hưởng (nhưng chưa chia) trong khối di sản của người chết trước.

Ví dụ: ông A và bà B có 03 người con chung là anh C, anh D và chị E. Ông A chết năm 1985 và Bà B chết năm 1992. Cả ông A và bà B đều chết mà không để lại di chúc. Khi còn sống, ông A và bà B có tạo lập được khối tài sản chung là một mảnh đất 300m2 và 01 căn nhà cấp 4 trên đất. Sau khi ông A và bà B chết, anh C vẫn tiếp tục quản lý và sử dụng nhà đất của cha mẹ. Đến năm 2015, anh C chết mà không để lại di chúc, anh C có vợ và 02 người con. Năm 2017 các con của anh C yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế của anh C. Lúc này, vì cả ông A và bà B và anh C đều chết mà không để lại di chúc, nên di sản được chia theo pháp luật. Như vậy, vợ và 02 người con của anh C được nhận di sản thừa kế của anh C bao gồm cả phần di sản thừa kế mà anh C được nhận từ ông A và bà B (đây gọi là phần thừa kế chuyển tiếp về di sản).

– Thừa kế chuyển tiếp về quyền thừa kế giữa các hàng thừa kế: là trường hợp những người ở hàng thừa kế trước đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Khi đó những người ở hàng thừa kế tiếp theo sẽ được hưởng di sản thừa kế (khoản 3 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015).

Ví dụ: Ông A và bà B có 03 người con chung là anh C, anh D và chị E (cha mẹ của ông A và bà B đã mất trước đó). Ông A chết năm 1985 và Bà B chết năm 1992. Cả ông A và bà B đều chết mà không để lại di chúc. Khi còn sống, ông A và bà B có tạo lập được khối tài sản chung là một mảnh đất 300m2 và 01 căn nhà cấp 4 trên đất. Sau khi ông A và bà B chết, anh C vẫn tiếp tục quản lý và sử dụng nhà đất của cha mẹ. Đến năm 2015, anh C chết mà không để lại di chúc, anh C có vợ và 02 người con. Năm 2016, anh D và chị E chết do tai nạn lao động, anh D và chị E chưa lập gia đình. Năm 2017 các con của anh C yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế. Lúc này, vì cả ông A và bà B, anh C, anh D và chị E đều chết mà không để lại di chúc, nên di sản được chia theo pháp luật. Như vậy, vợ và 02 người con của anh C được nhận di sản thừa kế của anh C bao gồm cả phần di sản thừa kế mà anh C được nhận từ ông A và bà B (đây gọi là phần thừa kế chuyển tiếp về di sản); đồng thời vì hàng thừa kế thứ nhất và thứ hai của anh D và chị E không còn ai cả nên 02 người con của anh C là cháu ruột của anh D và chị E sẽ được hưởng phần di sản thừa kế mà anh D và chị E nhận từ ông A và bà B (đây gọi là phần thừa kế chuyển tiếp giữa các hàng thừa kế).

2. Thừa kế thế vị là gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

Theo đó, có thể hiểu thừa kế thế vị là việc con (cháu/chắt của người để lại di sản) thay thế vị trí của bố hoặc mẹ (con/cháu của người để lại di sản) nhận di sản thừa kế (phần di sản mà bố, mẹ sẽ được hưởng nếu họ còn sống vào thời điểm chia thừa kế) từ ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cụ nội, cụ ngoại nếu bố mẹ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với những người này.

Như vậy, từ khái niệm về thừa kế thế vị nhận thấy thừa kế thế vị có các đặc trưng như sau:

– Trong thừa kế thế vị chỉ có cháu/ chắt của người để lại di sản mới được hưởng phần tài sản thừa kế thế vị.

– Nếu thời điểm phát sinh thừa kế thế vị mà người thế vị chưa được sinh ra thì người thế vị đó phải đảm bảo còn sống khi sinh ra và đã thành thai trước thời điểm người được thế vị chết

– Thừa kế thế vị chỉ xảy ra khi con/cháu của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản.

– Thừa kế thế vị chỉ có thể là thừa kế theo pháp luật.

– Con nuôi và cha mẹ nuôi, con riêng với cha dượng, mẹ kế cũng đều được thừa hưởng di sản thừa kế của nhau và tồn tại thừa kế thế vị nếu như đủ điều kiện.

3. Phân biệt thừa kế chuyển tiếp và thừa kế thế vị

Phân biệt thừa kế chuyển tiếp và thừa kế thế vị – Hình minh họa

– Thứ nhất, thừa kế thế vị là thừa kế theo pháp luật, trong khi đó thừa kế chuyển tiếp có thể là thừa kế theo pháp luật hoặc thừa kế theo di chúc.

Theo đó, thừa kế thế vị không thể là thừa kế theo di chúc bởi lẽ thừa kế thế vị là việc cháu của người để lại di sản thế vị trí của cha mẹ mình để hưởng di sản từ ông, bà để lại. Vì cha mẹ của cháu là người đã chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông, bà nên dĩ nhiên cha, mẹ của cháu sẽ không thể nhận thừa kế theo di chúc từ ông, bà mà chỉ có thể nhận thừa kế khi ông, bà không để lại di chúc (tức nhận thừa kế theo pháp luật).

Còn đối với thừa kế chuyển tiếp, thì cha, mẹ của cháu có thể nhận thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật vì là người chết sau, nên sẽ xuất hiện việc chuyển tiếp thừa kế về di sản cho những người thừa kế sau.

– Thứ hai, đối với thừa kế thế vị thì con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản, còn với thừa kế chuyển tiếp thì con của người để lại di sản chết sau người để lại di sản.

Ví dụ: Ông A và bà B có 02 người con là anh C và chị D (cha, mẹ của ông A và bà B đã mất trước đó). Anh C có vợ và 02 người con, chị D có chồng và 01 người con. Năm 2010, anh C mất do tai nạn lao động. Năm 2015, ông A và bà B mất do đau ốm. Năm 2017, chị D mất do bị bệnh tim. Ông A, bà B, anh C, chị D đều mất không để lại di chúc. Trong quá trình sinh sống, ông A và bà B có tạo lập được 01 căn nhà gắn liền với thửa đất trị giá 1 tỷ đồng. Năm 2020, con của anh C yêu cầu chia di sản thừa kế mà ông bà mình để lại. Lúc này, di sản thừa kế của ông A và bà B sẽ được chia như sau:

Tại thời điểm ông A và bà B mất thì hàng thừa kế thứ nhất của ông A, bà B còn chị D, còn anh C dù đã mất trước đó nhưng có 02 người con thế vị. Chị D mất nên phần di sản của chị D sẽ được chia cho hàng thừa kế thứ nhất của chị lúc này là chồng và 01 người con. Vậy lúc này, 02 người con của anh C thừa kế thế vị phần di sản trị giá 1.000.000.000 VNĐ / 2 = 500.000.000 VNĐ mà lẽ ra anh C sẽ được hưởng nếu còn sống (tức 02 người con của anh C mỗi người được hưởng 250.000.000 VNĐ). Còn chồng và 01 người con của chị D được thừa kế chuyển tiếp phần di sản là 1.000.000.000 – 500.000.000 = 500.000.000 VNĐ mà chị D được hưởng khi cha, mẹ mất (tức chồng và 01 người con của chị D mỗi người được hưởng 250.000.000 VNĐ).

– Thứ ba, đối với thừa kế thế vị thì người được hưởng thừa kế là cháu/chắt của người để lại di sản, trong khi thừa kế chuyển tiếp thì người được hưởng thừa kế chuyển tiếp có thể là bất kỳ ai còn sống trong hàng thừa kế chuyển tiếp (có thể là cháu nội, cháu ngoại, con dâu, con rể,… của người để lại di sản) trừ những người không được quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015.

4. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật Dân sự năm 2015

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Quốc tế DSP về Thừa kế chuyển tiếp là gì? Phân biệt thừa kế chuyển tiếp và thừa kế thế vị. Để hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan đến nội dung thừa kế, Quý khách hàng vui lòng liên hệ tới Công ty Luật Quốc tế DSP để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Mọi thông tin chi tiết, Quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Quốc tế DSP chúng tôi theo:

Điện thoại: 0236 222 55 88

Hotline: 089 661 6767 hoặc 089 661 7728

Email: [email protected]

Fanpage: facebook.com/dsplawfirm.vn

Miền Trung: 87 Phạm Tứ, Quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam

Miền Nam: Tầng 2, Toà nhà GP Bank, 83 Đinh Tiên Hoàng, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam

Hoa Kỳ: 9869 Coronado Lake Drive, Boynton Beach City, Florida 33437, USA

Rất mong được hợp tác cùng Quý Khách!