Môi nứt nẻ: Các triệu chứng, nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ | Vinmec

Mùa đông là khoảng thời gian gây ra nhiều thử thách đối với mọi loại da, dù một người có làn da khô hay da dầu. Mặt khác, không khí ngoài trời kết hợp với nắng nóng trong nhà cũng có thể làm da bị mất nước và khiến môi khô tróc da, chảy máu. Nhiều người lại coi thường đôi môi nứt nẻ, nhưng thực sự, chúng có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, nhất là khi có tiếp xúc với bất kì một trong các yếu tố nguy cơ nào sau đây:

  • Nhiễm trùng nấm men: Môi khô có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng nấm men. Điều này sẽ chính xác hơn nếu người bệnh có môi nứt nẻ kèm vết nứt quanh khóe miệng. Khi một người liếm môi quá mức, nước bọt ấm và nhiệt độ ẩm sẽ khuyến khích nấm men phát triển, đặc biệt là khi nước bọt tích tụ ở khóe miệng, gây môi khô tróc da.
  • Phản ứng dị ứng: Môi khô có thể là biểu hiện của cơ thể đang bị dị ứng. Nếu đôi môi trông giống như sau khi được tiêm chất làm đầy, đây có thể là một phản ứng dị ứng. Trong thực tế, các sản phẩm làm căng mọng môi là lý do phổ biến cho các phản ứng dị ứng xảy ra tại chỗ. Ngoài ra, bột quế và ớt thường được tìm thấy trong các loại son làm căng mọng môi và cũng có thể gây ra phản ứng.
  • Mất nước: Một yếu tố rất thường gặp khiến môi nứt nẻ là do môi bị mất nước. Khô môi, miệng và mắt đều là những dấu hiệu đầu tiên báo hiệu cho một làn da bị thiếu nước, thiếu hụt lượng nước dự trữ thích hợp.
  • Tổn thương do ánh nắng mặt trời: Môi khô hoặc nứt nẻ có thể là do tác hại của ánh nắng mặt trời. Việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài có thể khiến môi bị khô và cứng, dẫn đến nứt nẻ. Nếu không bảo vệ đôi môi của mình khỏi tia cực tím của ánh nắng mặt trời, điều đó cũng có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm cho môi. Do đó, ngay cả trong những ngày mùa đông lạnh giá nhất, hãy đảm bảo sử dụng sản phẩm dành cho môi có chứa tính chống nắng.
  • Thiếu Vitamin: Môi nứt nẻ có thể là dấu hiệu cơ thể bị thiếu vitamin. Trong đó, vitamin B đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động thường xuyên của cơ thể. Loại sinh tố này vừa cung cấp năng lượng, vừa giúp hệ thống miễn dịch chống lại bệnh tật và góp phần tạo nên làn da khỏe mạnh. Nếu không có đủ Vitamin B trong cơ thể, người bệnh sẽ có thể gặp nhiều vấn đề về da, chẳng hạn như khô môi, bong tróc da.
  • Quá nhiều vitamin A: Trái ngược với sự thiếu hụt của các sinh tố nhóm B, môi khô cũng có nghĩa là cơ thể đang hấp thụ quá nhiều Vitamin A. Độc tính của vitamin A có thể xảy ra nếu người bệnh đang dùng quá nhiều chất bổ sung có chứa vitamin A. Lượng Vitamin A dư thừa được lưu trữ trong gan và tích tụ theo thời gian, gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như nứt nẻ nhiều ở khóe miệng, khô và bong tróc da.
  • Thuốc: Có một số loại thuốc có thể dẫn đến nứt nẻ môi. Ví dụ, thuốc cao huyết áp, thuốc chống trầm cảm và thuốc hóa trị là một trong số những loại thuốc được biết đến gây ra môi khô nứt nẻ. Cơ chế là vì các loại thuốc này làm giảm sản xuất nước bọt, có thể làm khô môi và cả trong miệng.

Tóm lại, da trên môi mỏng và mong manh hơn nhiều so với các bộ phận khác trên cơ thể. Môi cũng tiếp xúc với đa dạng các tác nhân từ môi trường, bao gồm ánh nắng mặt trời và không khí khô lạnh, dễ bị khô, nứt và bong tróc. Đây là một vấn đề phổ biến và khó chịu. Theo đó, mỗi người cần biết các nguyên nhân, yếu tố nguy cơ gây môi khô tróc da, chủ động phòng tránh, kết hợp cùng những biện pháp khắc phục tại nhà để có thể giúp hạn chế đôi môi nứt nẻ và không làm chúng bị khô thêm.