Biểu hiện của bệnh cháy lá và cách phòng trừ hiệu quả – Công Ty TNHH Nông Nghiệp Công Nghệ Cao

Mùa mưa tới mang theo độ ẩm cao cùng với lượng đạm tự nhiên do sấm sét tạo thành giúp cho cây trồng phát triển xanh tươi và mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự ẩm ướt cùng với khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam cũng là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của mầm bệnh hại cây trồng, đặc biệt là bệnh cháy lá. Bệnh cháy lá làm giảm khả năng quang hợp, giảm sức sống của cây dẫn đến năng suất thu hoạch của bà con nông dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bài viết này giới thiệu đến bà con về Đặc điểm của bệnh cháy lá? Những loại cây trồng thường bị bệnh cháy lá các biện pháp phòng trừ bệnh cháy lá trên cây trồng hiệu quả.

Cùng tìm hiểu biểu hiện của bệnh cháy lá và cách phòng trừ hiệu quả

Đặc điểm của bệnh cháy lá

Dấu hiệu nhận biết bệnh cháy lá

Triệu chứng bệnh cháy lá: Bệnh cháy lá xuất hiện sớm nhất ở chóp và mép lá tạo thành vệt màu nâu rồi lan dần vào phiến lá tạo thành những mảng lớn màu nâu xám, tương phản rõ với phần xanh còn lại. Bệnh nặng có khi lá bị vàng rồi cháy lỗ chỗ, nhất là bìa lá, làm lá quắn quéo và rụng sớm

Nguyên nhân cây bị bệnh cháy lá

Mỗi cây ký chủ khác nhau thường có nguyên nhân gây bệnh khác nhau, nguồn gây bệnh chủ yếu thường là do nấm bệnh và vi khuẩn.

Bệnh do nấm: Nấm bệnh thường tấn công trong điều kiện ẩm ướt và lúc cây bị suy yếu. Nấm bệnh xâm nhập từ các lỗ khổng trên lá hình thành nên các vệt màu nâu ở rìa lá và lan dần vào thịt lá. Hoặc nấm bệnh cũng có thể xâm nhập từ các vết thương trên lá cây, từ đó lan rộng ra.

Nấm bệnh thường dễ dàng lan qua cành lá khác và cây khác nhờ gió khuếch tán bào tử ra xung quanh nguồn bệnh. Khi bệnh nặng, lá có thể bị cháy hơn một nửa và rụng lá gây suy giảm khả năng quang hợp và năng suất cây trồng

Một số loại nấm gây bệnh cháy lá phổ biến: Pestalotia funerea, Botrytis spp., Rhizoctonia solani,…

Bệnh do vi khuẩn: Bệnh xuất hiện từ rìa lá và lan dần vào phiến lá. Bệnh dễ dàng phát tán trong môi trường ẩm ướt do vi khuẩn có đuôi nên có thể di chuyển trong nước, nhờ nước và gió mang các giọt vi khuẩn bắn sang các cành lá xung quanh.

Những loại cây trồng thường bị bệnh cháy lá

Bệnh cháy lá lúa

Bệnh cháy lá trên lúa do vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv. oryzae gây ra.

Vi khuẩn gây bệnh bằng cách xâm nhập qua lỗ khổng làm lá xuất hiện vết cháy dọc hai bên bìa rồi lan dần đến gân chính của lá. Hoặc vi khuẩn có thể xâm nhập từ một miệng vết thương bất kỳ xuất hiện trên lá và gây ra vết bệnh lan dần giữa phiến lá.

Bệnh thường bùng phát từ khi lúa trổ đồng đến thời điểm gần thu hoạch. Bệnh nặng có thể khiến toàn bộ lá đều bị cháy làm giảm diện tích quang hợp dẫn đến năng suất lúa bị ảnh hưởng nặng nề.

Vi khuẩn gây bệnh có đuôi nên có thể di chuyển trong nước, vi khuẩn thường trú ngụ trong các giọt nước vương trên lá cây ở điều kiện ẩm ướt, do đó vi khuẩn sẽ dễ dàng lây lan từ cây này qua cây khác nhờ gió làm các cành lá va chạm vào nhau hoặc nhờ mưa mang các giọt vi khuẩn bắn sang xung quanh trung tâm nguồn bệnh.

Thời điểm sau vụ lúa, vi khuẩn còn lưu tồn trong rơm rạ và cỏ dại còn trên ruộng, do đó bà con nên xử lý làm sạch ruộng trước khi vào vụ lúa mới để có thể tránh bệnh tái phát cho cây.

Mai bị cháy lá

Mai bị cháy lá do nấm Pestalotia funerea gây ra. Nấm bệnh bắt đầu xâm nhập ở chóp lá và mép lá tạo thành các vệt màu nâu và lan dần thành những mảng lớn màu nâu xám vào bên trong phiến lá. Bệnh nặng làm cháy phần lớn lá và gây rụng lá sớm, bệnh thường phát sinh trên các lá già.

Nấm bệnh thường nhân cơ hội lúc cây yếu, thiếu chất dinh dưỡng để tấn công lá cây. Các cây mai kiểng trồng chậu sẽ dễ bị bệnh hơn cây mai được trồng đất.

Bệnh cháy lá hành

Bệnh cháy lá ở cây hành là do nấm Botrytis spp. gây nên.

Nấm bệnh xâm nhập làm xuất hiện các đốm trắng hoặc nâu nhạt trên lá, sau đó các đốm này sẽ lan rộng ra làm cháy từ ngọn hành xuống. Các lá bị bệnh sẽ ngã gục trong vòng một tuần sau khi nhiễm bệnh.

Bệnh có thể lây lan trên diện rộng thông qua gió. Gió sẽ mang bào tử từ ổ bệnh phát tán ra cả ruộng hành.

Nho bị cháy lá

Bệnh cháy lá ở nho do nấm bệnh gây nên. Triệu chứng bệnh đặc trưng bởi sự xuất hiện của các vết bệnh kéo dài hình elip trên phiến lá. Tâm vết bệnh có màu vàng rơm, phía ngoài rìa có màu nâu sẫm. Khi nấm bệnh đã hoàn toàn xâm nhập và sinh bào tử thì bề mặt vết bệnh chuyển sang màu đen và lan ra xung quanh

Bệnh xuất hiện trên lá già và các lá thấp phía dưới sau đó mới lan lên các lá tầng trên. Bệnh thường không lây nhiễm lên trái nho nhưng bệnh cháy lá vẫn gây sụt giảm năng suất nho do làm giảm khả năng quang hợp, giảm sức sống cây và khiến quả bị phơi nắng.

Bệnh cháy lá sầu riêng

Bệnh cháy lá ở cây sầu riêng do nấm Rhizoctonia solani gây ra.

Nấm bệnh thường tấn công cây dễ dàng trong điều kiện thời tiết ẩm ướt và khi cây bị suy yếu, đặc biệt khi lá cây có những vết thương chưa liền sẹo. Bệnh phát sinh trên cả lá già và lá non, đôi khi nấm bệnh còn tấn công cả lên thân non làm khô chết cả ngọn cây. Bệnh bắt đầu từ những đốm nhỏ nhũn nước sau đó lan ra và khô đi hình thành nên những mảng màu nâu tối trên nền lá bị biến dạng.

Nấm bệnh phát triển ở nhiệt độ thích hợp nhất là 28°C, nấm phát triển kém ở nhiệt độ trên 35°C và ngưng phát triển ở 100°C. Bệnh lan nhanh sang các lá và cây bên cạnh nhờ gió phát tán bào tử nấm đi. Lá bị nhiễm bệnh sẽ rụng sớm, trong trường hợp bị nhiễm nặng thì cả tán cây có thể bị trụi lá làm giảm khả năng quang hợp dẫn đến giảm năng suất quả.

Dâu tây bị cháy lá

Bệnh do nấm Phomopsis obscurans gây ra.

Nấm bệnh tấn công lá làm xuất hiện các đốm sậm màu sau đó sẽ lan ra thành hình chữ V được phân tách bởi các gân lá chính. Vết bệnh mở rộng thành vùng nâu sẫm được bao quanh bên ngoài bởi một vùng màu nâu nhạt hơn.

Nấm có thể lây nhiễm lên cuống lá, đài hoa và quả. Cây có thể chết khi bị nhiễm bệnh nặng, lúc đó thân cây và lá sẽ bị biến dạng và có màu đen tím.

Nấm bệnh xuất hiện nhiều vào lúc thời tiết nhiều mưa ẩm ướt, các bào tử nấm được phát tán ra nhờ mưa. Bệnh xuất hiện nhiều trên lá non làm giảm sức sống của cây dẫn đến năng suất cây bị sụt giảm.

Các biện pháp phòng trừ bệnh cháy lá trên cây trồng

Có 6 biện pháp phòng trừ bệnh cháy lá đó là:

  • Sử dụng giống kháng bệnh
  • Gieo trồng với mật độ hợp lý
  • Xử lý đất trước khi gieo trồng
  • Thường xuyên thăm ruộng và vệ sinh sạch sẽ
  • Tưới nước hợp lý
  • Sử dụng RV04 trị cháy lá

Sử dụng giống kháng bệnh

Lựa chọn các giống không bị bệnh và có khả năng kháng bệnh tốt để gieo trồng. Tuyệt đối không sử dụng nguồn giống từ khu vực bị bệnh.

Gieo trồng với mật độ hợp lý

Với mật độ gieo trồng hợp lý, thông thoáng thì sẽ giảm thiểu được sự lây lan của dịch bệnh hại cây trồng.

Xử lý đất thật kỹ trước khi gieo trồng

Thời điểm sau vụ trước, nguồn bệnh vẫn còn lưu tồn trong ký chủ sơ cấp là rơm rạ và cỏ dại trên đất, do đó bà con nên xử lý làm sạch ruộng vườn trước khi vào vụ mới mới để giảm thiểu nguy cơ bệnh tái phát cho cây vào mùa sau.

Thăm ruộng và vệ sinh ruộng vườn thường xuyên

Thường xuyên thăm vườn để phát hiện nguồn bệnh kịp thời. Ngắt bỏ những chiếc lá và cành lá có dấu hiệu bệnh, đem ra xa để tiêu hủy nhằm tránh dịch bệnh bùng lên và lây lan diện rộng.

Tưới nước hợp lý

Bệnh cháy lá thường bùng nổ trong điều kiện ẩm ướt nên cần tưới nước hợp lý. Nên tưới nước vào buổi sáng, tránh tưới cây vào chiều tối, vì thời điểm này rất dễ động lại nước và mầm bệnh sẽ dễ dàng xâm nhập vào cây.

Sử dụng chế phẩm RV04 – thuốc trị cháy lá trên cây trồng

Chế phẩm RV04 là chế phẩm sinh học đặc trị bệnh cháy lá trên các loại cây trồng như lúa, hành lá, nho, sầu riêng, dâu tây,… an toàn và hiệu quả nhất trên thị trường hiện nay.

Chế phẩm RV04 được tạo ra từ quá trình nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ vi sinh trong phòng trị nấm bệnh trên cây trồng nhằm thay thế phương pháp sử dụng các loại thuốc trừ sâu hóa học độc hại. Cơ chế hoạt động của RV04 là nhờ tác động kép của nấm đối kháng cùng với Enzyme kích kháng cây trồng giúp tiêu diệt, cô lập các vết bệnh do nấm và vi khuẩn tấn công, ngăn chặn kịp thời sự lây lan của mầm bệnh.