ALYNGAN

Gia đình là tổ ấm của mỗi người. Nhưng gia đình không hạnh phúc được ví là địa ngục trần gian. Các cặp cha mẹ trẻ thường hay xảy ra các cuộc to tiếng để bảo vệ cái tôi của mình. Điều này dẫn đến tình trạng ly dị trong những năm gần đây tăng lên khá rõ rệt. Phải chăng, chúng ta dần có lối suy nghĩ mở hơn so với ”thời ông bà”? Do đó, cái câu mà giới trẻ hay nói đùa phổ biến đó là ‘’chia tay sớm bớt đau khổ’’ được ra đời.

Vậy vấn đề chọn đi hay là ở này của bạn thì tôi xin phép không can thiệp. Thế nhưng, điều tôi muốn nói ở đây là con bạn sẽ phải chịu những khủng hoảng nếu chúng đang sống dưới một mái nhà thường chứng kiến cha mẹ cãi vã, mắng chửi, hay thậm chí là bạo lực gia đình. Nếu con bạn đang thực sự ở trong trường hợp mà tôi vừa nêu trên, bài viết này sẽ giúp bạn hiểu con trẻ và giúp chúng thoát khỏi những điều đáng tiếc mà chúng sẽ gặp phải.

1. Thế nào là gia đình không hạnh phúc?

Khi nói về một gia đình hạnh phúc, ta đều tưởng tượng ra một ngôi nhà có đầy đủ cha mẹ và con cái sống chung, quan tâm, yêu thương nhau, hòa hợp trong một bầu không khí ấm áp phải không nào?

Thế nhưng, đối với một vài đứa trẻ kém may mắn hơn, hạnh phúc gia đình là một điều ‘’xa xỉ’’, chúng có mơ cũng không thể có được. Và nếu con bạn cũng đang sống trong một gia đình thường xuyên “đấu khẩu”, hay thường xảy ra cảnh bạo lực gia đình thì thật sự đáng tiếc, tôi phải nói rằng, con bạn là một đứa bé tội nghiệp – chúng giống tôi!

2. Sự đổ vỡ trong hôn nhân ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của con trẻ thế nào?

Năm 15 tuổi, biến cố gia đình đầu tiên lớn nhất trong đời tôi ập đến. Phản ứng của tôi lúc ấy chỉ biết im lặng và khóc. Tôi khóc. Rất nhiều.

Vào đêm sinh nhật năm tôi 16 tuổi, là ngày sinh nhật mà tôi tủi thân nhất vì họ không nhớ đến và còn xảy ra rất nhiều chuyện khiến tôi đau đớn khó quên. Từ đó trở đi, tôi sống khép kín, không màng đến ngày sinh nhật nữa. Đôi khi nghĩ lại, tôi vẫn không muốn nghĩ đến. Quá khứ năm đó thật khốc liệt đối với tôi. Vậy còn bạn?

Bạn có cảm thấy đau khổ khi sống trong một cuộc hôn nhân không tình yêu không?

Nếu câu trả lời là “Có” thì chắc chắn con bạn sẽ bị tổn thương hơn bạn rất nhiều. Nếu câu trả lời là “Không” thì xin chúc mừng bạn, bạn là một người vô cùng mạnh mẽ rất đáng để tôi ngưỡng mộ. Thế nhưng! Con bạn, thì không!

Dù con trẻ đang ở độ tuổi nào đi chăng nữa, dù đã hiểu chuyện hay là chưa, thì chúng cũng cảm nhận được cha mẹ của chúng có thật sự yêu thương nhau hay là không. Chúng sẽ cảm thấy ganh tị và chạnh lòng khi chứng kiến bạn bè của chúng được ba mẹ đưa đón đi học, dẫn đi chơi và chăm sóc lẫn nhau.

Bạn sẽ thế nào nếu một ngày, đứa trẻ ngây thơ của bạn thốt lên rằng: “Ước gì con được đi chơi có đủ cả ba và mẹ thì vui biết mấy” hay “Con muốn ba mẹ đừng cãi nhau nữa” hay “Ba mẹ đừng bỏ nhau nha, con thương ba mẹ” hay bạn thấy chúng ngồi co ro một góc khóc trong hoảng sợ còn cha mẹ chúng thì nhắm mắt làm lơ vì “trận đấu” vẫn chưa kết thúc được. Với vị trí là một người cha, một người mẹ, bạn sẽ đau lòng đến mức nào?

Cha mẹ cãi nhau trước mặt con cái
Con trẻ bị tổn thương

2.1 Những hành vi ‘’phạm tội’’ của bậc phụ huynh khiến con trẻ sợ hãi

Trong một cuộc hôn nhân không tình yêu, chắc hẳn, bạn không thể nào né tránh được các cuộc to tiếng, khó để kiềm chế được sự tức giận của mình mà xảy ra xô xát. Trong những lúc mất bình tĩnh, những câu nói để bạn “khiêu chiến” đối phương lại lôi con của mình và cuộc chẳng hạn như: “Tôi vì con mà…” hay là đổ lỗi cho chúng: “Vì mi/mày mà ta/tao mới khổ thế này”.

Với hàng ngàn vạn lý do, bạn nói ra chỉ để thỏa cơn giận mà không hề biết rằng những câu nói đó có tính sát thương vô cùng lớn đối với con trẻ. Chúng chả làm gì có lỗi với bạn cả, chúng cũng không có quyền được lựa chọn sinh ra và ông bà ta có câu: “con cái là sợi dây vô hình kết nối cha mẹ”. Vậy nên, nếu bạn cũng đang mắc phải những lỗi lầm như thế thì hãy bình tĩnh, đọc hết bài viết này để cứu chữa vết thương cho con mình nhé.

2.2 Các bệnh tâm lý mà con bạn không dễ dàng nói ra

Hãy dành thời gian quan tâm, theo dõi mọi hành động và biểu hiện của con cái. Sống trong một mái nhà thiếu tiếng cười thì ngay cả người lớn như bạn cũng cảm thấy stress. Do đó, con cái cũng không thể tâm sự khi thấy cha mẹ chúng như thế.

Chúng dần thay đổi. Chúng sống khép kín, trở nên nội tâm hơn và bắt đầu có những suy nghĩ tiêu cực nảy ra. Hãy cùng con cái kiếm niềm vui mới thay vì bạn rầu rỉ và oán trách.

Tôi biết điều này rất khó để bạn thực hiện nhưng việc để con trẻ quên đi những nỗi ám ảnh kinh hoàng đó còn khó hơn nhiều,đặc biệt là những đứa trẻ nhạy cảm. Hãy tin tôi, vì tôi cũng là người từng trải. Rồi mọi chuyện sẽ qua.

Về tinh thần, nhìn cha mẹ to tiếng, thậm chí là bạo hành, con trẻ sẽ sợ hãi tột cùng. Ngay cả một người ở độ tuổi thanh niên như tôi, những cảnh tượng mà tôi đã chứng kiến lại xuất hiện trong những cơn ác mộng. Mỗi lần giật mình tỉnh dậy, tôi hoảng loạn, tim đập nhanh và tôi bật khóc như vừa chứng kiến tận mắt. Và nỗi ám ảnh kinh hoàng ấy lặp lại rất nhiều lần. Thế nhưng, là một người nội tâm, tôi vẫn không thể kể cho cha mẹ của tôi nghe được. Có khả năng, con bạn cũng thế.

Trẻ bị trầm cảm, tự kỉ

Về sức khỏe, con cái sẽ bị tổn thương rất nhiều khi sống trong một gia đình không hạnh phúc. Vì thế, việc chúng cảm thấy buồn bã, tủi thân dẫn đến khóc bỏ ăn, quên ngủ là điều dễ dàng xảy ra. Hơn thế, chúng không thể nói chuyện với ai để giãi bày vì mặc cảm, một thời gian dài sẽ làm chúng mắc các bệnh trầm cảm, tự kỷ.

Điều này sẽ dẫn đến các bệnh như: tính cách dần trở nên cáu bẩn, đầu óc căng thẳng, dễ đau dạ dày, suy giảm về nhận thức, ảnh hưởng đến các hành vi, suy nghĩ tiêu cực, có thái độ bất cần trong cuộc sống cũng như học tập,…

3. Lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ khi có con trong độ tuổi mới lớn

Tôi – vốn dĩ là một đứa trẻ ngoan ngoãn, chăm học, thành tích cũng đủ cho cha mẹ tự hào. Tôi được yêu thương, chiều chuộng và đặc biệt, tôi rất hãnh diện khi kể về họ.

Rồi cũng vào một ngày, mọi thứ vẫn diễn ra bình thường như bao ngày khác. Thế nhưng, lòng tôi, bỗng trở nên xáo trộn. Sốc. Suy sụp tinh thần. Tôi như một chiếc thuyền mất lái giữa bão tố và có thể lật chìm bất cứ lúc nào. Vì gia đình tôi không còn hạnh phúc như trước nữa.

Tôi không còn muốn phấn đấu học tập, tôi làm trái lại tất cả mọi điều mà cha mẹ kỳ vọng trước đây. Những ý nghĩ tiêu cực bắt đầu xuất hiện trong tôi càng nhiều và càng mãnh liệt hơn: “Tôi muốn họ phải hối hận’’.

Càng ngày các cuộc chiến giữa cha mẹ tôi càng lớn, tôi chán nản, tôi không muốn trở về nhà để chứng kiến nó. Tôi như một đứa trẻ cố gắng “chạy trốn’’ khỏi những điều làm tôi đau lòng. Tôi rời khỏi nhà vào lúc sáng sớm và trở về lúc trời tối tĩnh mịch. Đêm khuya, khi ấy gia đình tôi mới thật sự bình yên. Đương nhiên, tôi ko chạm mặt họ suốt một thời gian. Và tôi, không muốn nhắc về họ nữa.

Vậy nên, có thể nói, tôi hiểu rõ chúng hơn bạn. Khi con bạn bị ảnh hưởng nặng nề về mặt tinh thần, chúng sẽ có những suy nghĩ và hành động sai lệch.

Chúng dễ dàng sa ngã khi bị bạn bè dụ dỗ như đi vào những nơi bar, pub để ăn nhậu và chúng tham gia vào các hành vi phạm tội để “mua vui” như chơi ma túy, cướp giật, đánh nhau, hoặc chúng bất cần và nghĩ đến việc sử dụng thuốc hay dao, kéo để…Tự tử!

Tôi biết bạn sẽ nghĩ: ‘“Con mình không dám làm mấy việc này đâu” nhưng xin bạn đừng chủ quan. Bạn sẽ không biết được việc gì khi chưa xảy ra trước mắt.

Trầm cảm là kẻ sát thủ nguy hiểm

4. Vậy làm thế nào để bảo vệ con cái của bạn?

Con cái là tài sản duy nhất, là nguồn sống và là nguồn động lực lớn nhất của cha mẹ. Bạn cảm thấy vô cùng đau khổ khi mất một người bạn đời. Nhưng, bạn sẽ dằn vặt suốt quãng thời gian còn lại nếu mất đi con cái của bạn.

Cách tốt nhất để con bạn không bị ảnh hưởng là hạn chế hoặc không để các con chứng kiến. Hãy nói với đối phương biết và cần tránh làm tổn hại đến con mình. Ngay cả khi nóng giận nhất.

Tuyệt đối đừng lôi con cái vào cuộc. Bạn không nên “giận cá chém thớt” và than vãn với con trẻ. Không nên nói xấu về cha/mẹ chúng để bắt con trẻ về “phe” mình. Mặc khác, hãy dành thời gian ở bên con cái nhiều hơn. Tâm sự, yêu thương và bù đắp cho chúng. Để chúng tự do thể hiện tình cảm cha mẹ. Không nên nói xấu về cha/mẹ chúng để bắt con trẻ về “phe” mình. Hãy để trẻ cảm nhận tình yêu thương của cha mẹ một cách toàn vẹn nhất.

Thật may, tôi là một đứa trẻ mạnh mẽ. Một mình tôi đã vượt qua tất cả, mặc dù vết thương đó vẫn hằn sâu trong lòng. Cất nó vào một góc, tôi của bây giờ đang sống cho hôm nay và ngày mai.

Tóm lại, đừng để con bạn giống tôi nhé. Hãy bình tĩnh lại, suy nghĩ thật kỹ. Gạt hết mọi buồn phiền và bắt đầu sống một cuộc sống cho bản thân và cho con cái.

Tôi tin bạn có thể biến gia đình thành nơi con cái vui vẻ trở về. Và bạn sẽ trở thành điểm tựa vững chắc của chúng trong cuộc sống. Hy vọng bạn có thể tạo ra một cuộc sống tốt nhất dành cho những đứa trẻ của bạn!

”Cảm ơn bạn đã dành thời gian xem bài viết của mình!” – Hoài Thương ^^