Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập đọc tại Vườn hoa Ba Đình sáng ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với đồng bào cả nước và với toàn thế giới: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Và xuất phát từ đoạn mở đầu Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa lừng danh ấy mà trên các văn bản hành chính của nước ta hơn bảy mươi năm qua, đi liền với quốc hiệu luôn là tiêu ngữ Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Như vậy quyền mưu cầu hạnh phúc là một trong những mục tiêu cơ bản của cả dân tộc, và trong Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ hiểu quyền mưu cầu hạnh phúc là quyền sung sướng không chỉ của người Mỹ từ năm 1776 mà còn của người Việt từ năm 1945. Rộng hơn, Bác hiểu đó là quyền sung sướng của tất cả các dân tộc trên toàn thế giới.
Và đến năm 2013, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết công bố ngày 20 tháng 3 hằng năm là Ngày Quốc tế Hạnh phúc/International Day of Happiness, khẳng định “việc theo đuổi hạnh phúc là một mục tiêu cơ bản của con người”.
Sở dĩ Liên Hợp Quốc chọn ngày 20 tháng 3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc bởi đây là ngày đặc biệt trong năm: Mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên ngày và đêm có độ dài bằng nhau – thể hiện cho sự hài hòa cân bằng của vũ trụ, qua đó Liên Hợp Quốc muốn chuyển tải thông điệp: Cân bằng hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc cho con người.
Nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2014, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon tiếp tục gửi thông điệp đến các quốc gia, trong đó có đoạn: “Đối với mỗi người khác nhau, hạnh phúc có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau.
Tuy nhiên, chúng ta đều công nhận rằng, hạnh phúc nghĩa là làm việc để chấm dứt xung đột, nghèo đói và các điều kiện không may mắn khác và rất nhiều đồng loại của chúng ta hiện đang phải sống trong các điều kiện đó.
Hạnh phúc không phải là điều phù phiếm, cũng không phải là điều gì xa xỉ. Hạnh phúc là khát khao sâu xa của mọi thành viên trong gia đình nhân loại. Hạnh phúc không nên từ chối một ai và phải là của tất cả mọi người. Khát vọng này ẩn chứa trong cam kết của Hiến chương Liên Hợp Quốc để thúc đẩy hòa bình, công bằng, nhân quyền, tiến bộ xã hội và mức sống được cải thiện”.
Hạnh phúc không nên từ chối một ai và phải là của tất cả mọi người, điều đó có nghĩa hạnh phúc trước hết là cảm nhận chủ quan của mỗi cá nhân.
Hạnh phúc trước hết là cảm nhận chủ quan của mỗi cá nhân, nhưng hạnh phúc cá nhân không bao giờ tách rời những tương quan xã hội. Nhà văn Nga Aleksey Nikolayevich Tolstoy – tác giả của bộ ba tiểu thuyết Con đường đau khổ – từng cho rằng:
Không thể có hạnh phúc cá nhân bên ngoài xã hội được, cũng như cây cối bị nhổ khỏi đất và ném lên cát khô cằn thì không thể sống được. Những người yêu nhau và nhất là những người mới lập gia đình thường nhận được lời chúc trăm năm hạnh phúc.
Lời chúc quen thuộc này hàm ý mong muốn từng người được hạnh phúc trong tình yêu và hôn nhân nhưng quan trọng hơn là hàm ý mong muốn cả hai người cùng nhau chung tay gầy dựng giữ gìn được hạnh phúc trong tình yêu và hôn nhân của mình. Và chính những cặp đôi hạnh phúc trong những mái ấm hạnh phúc ấy sẽ tạo nên một cộng đồng xã hội hạnh phúc.
Nhưng cuộc hành trình mưu cầu hạnh phúc của con người không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, thậm chí rất trầm luân. Trong cõi nhân gian này, niềm vui thường xen lẫn nỗi buồn, hạnh phúc thường đồng hành với bất hạnh. Không phải ngẫu nhiên mà ông cha xưa hay nói rằng phúc bất trùng lai/ họa vô đơn chí – phúc không đến lần nữa/ họa không tới một mình, như vậy trong suy nghĩ của ông cha xưa, hạnh phúc hiếm hoi hơn bất hạnh.
Chính vì thế mà con người ngày càng khát khao tìm kiếm hạnh phúc, ngày càng nâng niu với hạnh phúc đang có của mình và ngày càng đồng cảm với nỗi bất hạnh của những người khác. Cũng chính vì thế mà những nhà chính trị chân chính luôn mang hết tài năng và tâm huyết của mình để làm cho đất nước ngày càng giàu mạnh, nhân dân ngày càng hạnh phúc.
Và đất nước ngày càng giàu mạnh, nhân dân ngày càng hạnh phúc cũng chính là niềm hạnh phúc của bản thân những nhà chính trị chân chính trên thế giới.
Tuy nhiên nhà chính trị chủ yếu thường quan tâm đến hạnh phúc của cả cộng đồng, của đa số người dân, trong khi nhà văn chủ yếu thường quan tâm đến nỗi bất hạnh của từng số phận. Chiến tranh vệ quốc kết thúc thắng lợi, nhà chính trị ngồi trên lễ đài tươi cười nhìn cả đoàn quân đang hân hoan trong buổi diễu binh mừng chiến thắng, còn nhà văn thì đứng ở góc quảng trường lặng lẽ nhìn một bà mẹ già hay một người vợ trẻ đang rơi nước mắt khi nghĩ đến con mình/chồng mình đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường xa…
Đây cũng là chỗ khác nhau giữa văn chương và chính trị. Có điều dẫu khác nhau như vậy nhưng nếu nhà chính trị và nhà văn cùng làm tròn thiên chức/sứ mệnh của mình, cả hai đều được nhân dân thật lòng yêu quý kính trọng.
Trong cuộc hành trình mưu cầu hạnh phúc đầy trầm luân, nhân dân luôn rất cần những nhà chính trị và những nhà văn nhãn phù lục hợp, tâm quán thiên thu/ con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời – như lời Mộng Liên đường chủ nhân nói về đại thi hào Nguyễn Du.
Cũng chính vì trầm luân trong cuộc hành trình mưu cầu hạnh phúc nên không như người phương Tây nhìn cuộc sống vận động theo tuyến tính – đi lên đi tới/ đi xuống đi lùi theo đường thẳng, ông cha xưa nhìn cuộc sống vận động theo hình sin – lúc lên đến đỉnh cao là chuẩn bị xuống, lúc xuống đến tận đáy là sắp sửa lên lại. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà người xưa thường sống ung dung tự tại, kể cả trong những hoàn cảnh bất hạnh nối tiếp bất hạnh – họa vô đơn chí.
Họ luôn nghĩ rằng: Không ai giàu ba họ/ Chẳng ai khó ba đời. Nhờ vậy họ thường có đủ nghị lực vượt lên bất hạnh, làm lại từ đầu để gầy dựng hạnh phúc mới. Cái triết lý sống tuyệt vời ấy đã được Hồ Chí Minh – nhà chính trị/nhà thơ có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời khái quát trong bài thơ Tình thiên/Trời hửng sáng tác khi Người đang bị giam cầm đày đọa ở nhà ngục huyện Tĩnh Tây:
Sự vật tuần hoàn nguyên hữu định/ Vũ thiên chi hậu tất tình thiên (…) Nhân hòa vạn vật đồ hưng phấn/ Khổ tận cam lai lý tự nhiên – Sự vật vần xoay đà định sẵn/ Hết mưa là nắng hửng lên thôi (…) Người cùng vạn vật đều phơi phới/ Hết khổ là vui vốn lẽ đời (bản dịch của Nam Trân).
BÙI VĂN TIẾNG
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!