Quy định của pháp luật về Sử dụng tem bưu chính để kinh doanh, sưu tầm và thanh toán trước giá cước dịch vụ bưu chính

Căn cứ pháp lý:

Luật Bưu chính 2010Nghị định 47/2011/NĐ-CP

Khoản 3 Điều 3 Luật bưu chính 2010 quy định:

3. Dịch vụ bưu chính là dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi bằng các phương thức từ địa điểm của người gửi đến địa điểm của người nhận qua mạng bưu chính, trừ phương thức điện tử.

Tem Bưu chính Việt Nam là ấn phẩm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính của Việt Nam quyết định phát hành để thanh toán trước giá cước dịch vụ bưu chính trên mạng bưu chính công cộng và được công nhận trong mạng lưới của Liên minh Bưu chính Thế giới.

Tem bưu chính nước ngoài là ấn phẩm do các nước thành viên của Liên minh Bưu chính Thế giới phát hành để thanh toán trước giá cước dịch vụ bưu chính và được công nhận trong mạng lưới của Liên minh Bưu chính Thế giới.

1/ Sử dụng tem bưu chính để thanh toán trước giá cước dịch vụ bưu chính

  • Tem bưu chính Việt Nam được sử dụng để thanh toán trước giá cước dịch vụ bưu chính khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:Do Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành;
  • Không bị cấm lưu hành;
  • Chưa có dấu hủy;
  • Còn nguyên vẹn.
  • Tem bưu chính đặc biệt trong thời hạn cung ứng, tem bưu chính phổ thông phải được bán trên mạng bưu chính công cộng theo đúng giá in trên mặt tem, trừ trường hợp tem bưu chính có dấu hủy.
  • Tem bưu chính đặc biệt hết thời hạn cung ứng vẫn có giá trị sử dụng để thanh toán trước giá cước dịch vụ bưu chính.
  • Việc thu hồi và xử lý tem bưu chính đặc biệt hết thời hạn cung ứng được thực hiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
  • Việc in tem bưu chính Việt Nam trên các ấn phẩm phải sử dụng tem bưu chính có in chữ “tem mẫu” (Specimen) hoặc tem bưu chính có dấu hủy, trừ trường hợp in phóng to gấp nhiều lần dưới dạng pa-nô, áp-phích
  • Lưu ý: Tem bưu chính nước ngoài không được sử dụng để thanh toán trước giá cước dịch vụ bưu chính trong nước và dịch vụ bưu chính quốc tế từ Việt Nam đi các nước.

2/ Sử dụng tem bưu chính để kinh doanh, sưu tập2.1 Tổ chức, cá nhân không được kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền những loại tem sau đây:

  • Tem bưu chính giả;
  • Tem bưu chính có nội dung, hình ảnh, ký hiệu, dấu hiệu gây kích động, thù hằn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; chống phá Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; không phù hợp với đạo đức xã hội, với thuần phong mỹ tục của Việt Nam;
  • Tem bưu chính đã có quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Tem bưu chính nước ngoài có nội dung và nguồn gốc xuất xứ không phù hợp theo thông báo của cơ quan bưu chính các nước thành viên Liên minh Bưu chính Thế giới và các hiệp hội sưu tập tem.

2.2 Kinh doanh, sưu tập tem bưu chính

  • Tổ chức, cá nhân được kinh doanh, sưu tập tem Bưu chính Việt Nam và tem bưu chính nước ngoài.
  • Việc nhập khẩu tem bưu chính nước ngoài được thực hiện như sau:Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu tem bưu chính nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính đến Bộ Thông tin và Truyền thông và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ;
  • Kể từ ngày nhận được hồ sơ đáp ứng quy định pháp luật, việc cấp giấy phép nhập khẩu tem bưu chính được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc;
  • Bộ Thông tin và Truyền thông gửi giấy biên nhận hồ sơ đến địa chỉ thư điện tử (e-mail) của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu tem bưu chính trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ;
  • Trường hợp hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu tem bưu chính chưa đáp ứng quy định trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Thông tin và Truyền thông gửi thông báo yêu cầu những nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra thông báo, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu. Trường hợp không sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu, Bộ Thông tin và Truyền thông ra thông báo từ chối cấp giấy phép nhập khẩu tem bưu chính trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo;
  • Trường hợp từ chối cấp giấy phép nhập khẩu tem bưu chính thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, Bộ Thông tin và Truyền thông phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
  • Giấy phép nhập khẩu tem bưu chính có giá trị thực hiện một lần trong thời hạn không quá 01 năm kể từ ngày ký và không được gia hạn.

Vi phạm các quy định về tem bưu chính bị phạt thế nào?

Theo Điều 14 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 15/04/2020) thì nội dung này được quy định như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong việc thanh toán trước giá cước dịch vụ bưu chính đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng tem bưu chính Việt Nam đã có dấu hủy;

b) Sử dụng tem bưu chính Việt Nam không còn nguyên vẹn.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tem bưu chính Việt Nam bị cấm lưu hành.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tem bưu chính nước ngoài để thanh toán trước giá cước dịch vụ bưu chính trong nước và dịch vụ bưu chính quốc tế từ Việt Nam đi nước ngoài.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền tem bưu chính có nội dung, hình ảnh, ký hiệu, dấu hiệu không phù hợp đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục Việt Nam;

b) Bán tem bưu chính Việt Nam trên mạng bưu chính công cộng trong thời hạn cung ứng không đúng giá in trên mặt tem, trừ trường hợp tem bưu chính có dấu hủy;

c) Bán tem bưu chính đặc biệt đã hết thời hạn cung ứng trên mạng bưu chính công cộng, trừ trường hợp đã mua lại;

d) Lưu hành tem bưu chính Việt Nam không có quyết định phát hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Tổ chức trưng bày, triển lãm tem bưu chính không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

e) In tem bưu chính Việt Nam trên các ấn phẩm mà không sử dụng tem bưu chính có in chữ “tem mẫu” (specimen) hoặc tem bưu chính có dấu hủy, trừ trường hợp in phóng to gấp nhiều lần dưới dạng pa-nô, áp phích;

g) Lưu trữ tem bưu chính Việt Nam, hồ sơ mẫu thiết kế tem bưu chính Việt Nam không đúng quy định của pháp luật.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền tem bưu chính nước ngoài có nội dung và nguồn gốc xuất xứ không phù hợp theo thông báo của cơ quan bưu chính các nước thành viên Liên minh Bưu chính Thế giới và các hiệp hội sưu tập tem;

b) In tem bưu chính Việt Nam không đúng quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Không lưu trữ tem bưu chính Việt Nam, hồ sơ mẫu thiết kế tem bưu chính Việt Nam.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền tem bưu chính có quyết định đình bản, đình chỉ, thu hồi;

b) Sử dụng, sao chép một phần hoặc toàn bộ mẫu tem bưu chính Việt Nam đã duyệt mà không có văn bản cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Không thu hồi, xử lý, hủy tem bưu chính khi có quyết định đình bản, đình chỉ hoặc tem bưu chính đặc biệt đã hết thời hạn cung ứng theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Thu hồi, xử lý, hủy tem bưu chính mà đã có quyết định đình bản, đình chỉ, tem bưu chính hết thời hạn cung ứng không đúng quy định.

7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền tem bưu chính giả;

b) In tem bưu chính Việt Nam không có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Không trình Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt đề án in tem bưu chính ở nước ngoài, hợp tác in hoặc phát hành chung với cơ quan bưu chính nước ngoài.

8. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền tem bưu chính có nội dung, hình ảnh, ký hiệu, dấu hiệu gây kích động, thù hằn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; có nội dung sai trái về chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam.

9. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 4, các điểm a và b khoản 5, các điểm a và b khoản 6, các điểm a và b khoản 7 Điều này;

b) Trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại khoản 8 Điều này.

10. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b và c khoản 4, điểm a khoản 5, điểm a khoản 6, điểm a khoản 7 và khoản 8 Điều này;

b) Buộc tiêu hủy vật phẩm đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 và khoản 8 Điều này.