Livestream thành nghề trên Facebook – VnExpress Số hóa

Mỗi ngày, Hồng Quân (Hà Nội) đến cửa hàng thời trang quen ở khu Ngã Tư Sở hai lần. Không phải để mua sắm, cũng không phải làm nhân viên bán hàng, nhiệm vụ của Quân là mặc thử quần áo và “nói chuyện vui vui” để mọi người trên mạng vào xem. Và nếu thấy quần áo đẹp, giá hợp lý thì người xem sẽ đặt mua. Hình ảnh của Quân được ghi lại bằng một chiếc smartphone và phát trên nền tảng Facebook bằng tính năng livestream. Nhờ đó Quân có thể tương tác trực tiếp với những người đang xem từ khắp nơi, đồng thời “chốt đơn” ngay trong phiên làm việc của mình.

Liên tục xuất hiện trong các video livestream của cửa hàng, tự đưa ra những khuyến mãi cho khách, Quân giống như chủ của cửa hàng thời trang này, nhưng trên thực tế, anh chỉ là người chuyên livestream thuê. “Mình được thuê với giá 200-300 nghìn đồng mỗi buổi, hoặc nhiều cửa hàng quen thường thuê theo tháng, với mức lương khoảng 6-7 triệu đồng kèm ‘hoa hồng’ trên mỗi đơn hàng”, Quân nói.

Không khó để bắt gặp các nội dung livestream bán hàng trên Facebook. Ảnh: Lưu Quý

Mỗi ngày, Quân livestream hai đến ba lần vào các thời điểm sáng, trưa, tối – mỗi lần từ 1,5 đến 2 tiếng. “Mỗi lần như vậy, mình chốt được khoảng 20-30 đơn cho cửa hàng, tính ra mỗi tháng cũng kiếm được khoảng trên dưới 10 triệu đồng, trong khi không phải bỏ ra bất cứ chi phí nào”, Quân nói. Với anh, livestream trên Facebook có thể coi là một nghề nghiêm túc, thời gian làm việc ngắn nhưng mức thu nhập khá đối với một sinh viên mới hơn 20 tuổi.

Tính năng livestream được Facebook ra mắt từ năm 2016 và vẫn đang trong giai đoạn phát triển hoàn thiện hơn. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh online, khoảng thời gian 2016-1017 là thời điểm Facebook đẩy mạnh nội dung video, đến 2018 và 2019 thì là thời của livestream. Nhờ được Facebook ưu tiên, các video livestream có sẽ có thể tiếp cận đến nhiều người hơn, khách hàng có thể xem trực tiếp sản phẩm và tương tác với cửa hàng, từ đó nâng cao khả năng bán hàng hơn.

Cũng theo anh này, các chủ cửa hàng tại Việt Nam đang tận dụng khá tốt tính năng livestream của Facebook, nhưng đi kèm là sự cạnh tranh trên nền tảng mạng xã hội. “Ngoài các thủ thuật kéo tương tác, yếu tố quan trọng để một livestream có thể hút người xem là khả năng dẫn dắt, thu hút sự chú ý của người livestream. Những người có khả năng ăn nói, hoàn toàn có thể kiếm được thu nhập cao với nghề livestream trên Facebook”.

Kiếm tiền từ livestream game trên Facebook

Bên cạnh việc bán hàng, livestream cũng được áp dụng vào việc chơi và bình luận game, tạo ra một dạng công việc mới trên thế giới mạng. “Streamer” là tên gọi chung để chỉ những người làm công việc livestream, đặc biệt về game. Trước đây, các streamer thường chọn Twitch hay YouTube để phát trực tiếp mỗi khi chơi game, nhưng xu hướng này đang có sự dịch chuyển sang Facebook với tính năng Facebook Gaming.

Mỗi video livestream chơi game và bình luận thu hút hàng ngàn lượt xem. Ảnh: Lưu Quý

Trong một phát biểu hồi tháng 6 năm nay, Bre Miller, Trưởng nhóm thiết kế sản phẩm của Facebook Gaming, nói, Việt Nam là một trong những nước có lượt xem livestream game nhiều nhất thế giới. Những cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực này là Chim Sẻ Đi Nắng, Nam Blue với hàng triệu người theo dõi. Các tựa game phổ biến trên Facebook Gaming tại Việt Nam là AOE, PUBG, Liên quân, Counter Strike…

Thu nhập của các streamer trên Facebook đến từ “sao”. Đây là một dạng vật phẩm mà người xem mua từ Facebook và dùng để “ủng hộ” những người làm stream. Với Facebook, mỗi “sao” có giá trị 0,01 USD và streamer sẽ nhận được tiền khi số “sao” đạt 10.000 trở lên. Để có nhiều “sao”, các game thủ phải đạt những điều kiện nhất định do Facebook đưa ra, đồng thời phải stream liên tục, tạo ra những trận đấu có tính giải trí cao để kích thích người xem ủng hộ. Nhiều game thủ cho biết họ dành hàng chục giờ đồng hồ mỗi ngày để làm việc này.

Tiềm năng phát triển nghề livestream

Theo thống kê của Streamlabs, lượng streamer trên Facebook Gaming đã tăng 236% kể từ quý I/2018, lên mức 153.000 trong quý II/2019. Nhiều game thủ nổi tiếng như thế giới như Helms World, NexxuzHD cũng đã chuyển sang Facebook Gaming.

“Số lượng người chơi game trên toàn cầu là 2,3 tỷ và đang tăng lên. Mỗi tháng, hơn 700 triệu người chơi game, xem video game hoặc tham gia các nhóm về game trên Facebook, trong đó nữ giới chiếm 40%”, đại diện dự án Facebook Gaming nói.

Ông Đặng Thái Sơn, Giám đốc marketing của công ty Appota, nhận định: “Livestream, siêu ứng dụng hay thể thao điện tử là những trào lưu đang được thế hệ trẻ đón nhận. Các xu hướng này sẽ còn tiến xa, thay đổi hành vi của người dùng và thay thế dần các loại hình giải trí truyền thống, đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng lớn của người Việt Nam và khu vực”.

Lưu Quý